Trang

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Philatô thẩm vấn Đức Giêsu, theo Mt 27,11-14

Philatô thẩm vấn Đức Giêsu, theo Mt 27,11-14


Philatô thẩm vấn Đức Giêsu, theo Mt 27,11-14

Trong những ngày Tuần Thánh này, dcctvn.org xin kính mời quý vị đọc và suy gẫm một vài trang Tin mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đặc biệt là những trình thuật về việc quan Tổng trấn Philatô thẩm vấn Đức Giêsu. Tổng cộng sẽ có 6 bài viết về sự kiện này theo các Tin mừng Mt và Lc.
Philato Giesu
Các tác giả Tin mừng phân biệt rõ ràng hai phần khác nhau trong sự kiện tổng trấn Philatô thụ lý vụ án Đức Giêsu. Trong phần thứ nhất, ông trực tiếp đối diện với Đức Giêsu và thẩm vấn Ngài để tra xét tội trạng của Ngài (trong Lc là cả Hêrôđê thẩm vấn). Trong phần thứ hai, ông Philatô thương nghị với Thượng Hội Đồng và với dân chúng về số phận Đức Giêsu và về cách thức hành xử đối với Ngài.
Trong những điểm chính yếu, các tác giả tin mừng tỏ ra đồng thuận. Hai trình thuật của hai tác giả Mátthêu và Máccô gần nhau nhiều hơn, còn trình thuật của Lc thì có nhiều chi tiết riêng hơn.
Bài viết này phân tích trình thuật Mt 27,11-14.
Mt 27 11 Đức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói đó”. 12 Nhưng khi bị các thượng tế và kỳ mục tố cáo, Người không trả lời gì cả. 13 Bấy giờ ông Philatô lên tiếng hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” 14Nhưng Đức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi kinh ngạc.
Cuộc tra xét tập trung trên hai nội dung: về căn tính Đức Giêsu và về những lời tố cáo chống lại Ngài. Giữa hai phần thẩm vấn này, tác giả Mátthêu nói cách rõ ràng rằng Đức Giêsu trả lời những lời tố cáo của Thượng Hội Đồng bằng một sự thinh lặng hoàn toàn.
Ở 27,11a, tác giả Mátthêu lấy lại khung cảnh đã được tạo ra từ 27,2. Câu 11b bao gồm toàn bộ phần thứ nhất của cuộc thẩm vấn.
“Ông có phải là vua dân Do Thái không?”
Vừa bước vào cuộc thẩm vấn, ông Philatô lập tức hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Bằng cách sử dụng hiển ngôn đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít và đặt ở đầu câu, ông Philatô đã trực tiếp và rõ ràng đối diện với Đức Giêsu. Ông lập tức đề cập ngay đến điểm chính yếu và trung tâm, vốn là điểm cuối cùng và cũng là đỉnh điểm, điểm mang tính quyết định, của tiến trình tố tụng trong phạm vi Do Thái (x.26,63), tức là vấn đề căn tính: Đức Giêsu là ai?
Phẩm giá của Đức Giêsu được diễn đạt từ góc nhìn của một người không phải là người Israel: “vua dân Do Thái” (x.2,2), đang khi sau thời điểm đó một chút, các thành viên Thượng Hội Đồng sẽ nói đến “vua Israel” (27,42). Câu hỏi của ông Philatô là một câu hỏi sống sượng và tự nó tiền giả định các thông tin chi tiết do Thượng Hội Đồng cung cấp, tức là tiền giả định những lời tố cáo của Thượng Hội Đồng.
Mt 27,11t và Mc 15,2t đều trước hết nói đến câu hỏi của ông Philatô, rồi sau đó mới là các lời tố cáo của Thượng Hội Đồng. Trái lại, Lc 23,2t trình bày một trình tự khác. Có vẻ Luca tuân thủ trật tự thời gian, khác với Mátthêu và Máccô là những tác giả muốn ngay từ đầu đã nêu rõ chủ đề quan yếu, vốn là chủ đề sẽ chiếm ưu thế trong trình thuật thương khó (x. Mt 27,29.37.42).
Trong tất cả các tin mừng, câu hỏi về vương quyền của Đức Giêsu là câu hỏi mà ông Philatô dùng để bắt đầu cuộc thẩm vấn Đức Giêsu, và tất cả các tin mừng đều ghi lại câu hỏi này trong cũng cùng một thể thức (Mt 27,11 ; Mc 15,2; Lc 23,3 ; Ga 18,33). Tầm quan trọng của chủ đề này còn trở nên rõ ràng hơn nữa bởi sự kiện là Đức Giêsu chỉ trả lời cho câu hỏi về chủ đề này mà thôi.
Câu trả lời của Đức Giêsu là: “chính ngài nói điều đó” (Mt 27,11 ; Mc 15,2; Lc 23,3 ; x. Ga 18,34.37). Trong câu trả lời này, ta lại gặp đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít được đặt ở đầu câu; ông Philatô cũng bị Đức Giêsu chất vấn một cách trực tiếp, thẳng thắn và đúng vào trách nhiệm của ông. Câu trả lời của Đức Giêsu có thể được hiểu như là một câu hỏi, hoặc ít là như một lời khẳng định.
Hiểu như một câu hỏi, câu nói của Đức Giêsu với ông Philatô là một là một lời nhắc nhở rõ ràng về trách nhiệm của một quan toà:  có phải là anh nói điều đó như là một xác tín bản thân dựa trên một sự thẩm tra pháp lý nghiêm túc? hay anh chỉ đơn giản lặp lại điều mà những người khác đã nói, chứ không phải chính anh đã cẩn thận cân nhắc để tìm ra sự thật? (xem thêm Ga 18,34).
Hiểu như một lời khẳng định, câu trả lời của Đức Giêsu nhấn mạnh trên sự kiện là những lời ông Philatô vừa nói là lời của chính ông ta, còn Đức Giêsu không phủ nhận cũng chẳng thừa nhận đó có phải là sự thật hay không. Lời khẳng định này của Đức Giêsu là một lời bỏ ngỏ, lý do là vì đoản ngữ “vua dân Do Thái” dị nghĩa. Đoản ngữ này có thể bị giải thích theo nghĩa chính trị, nói đến một ông vua trong tư thế đối nghịch với hoàng đế Rôma. Đó không phải là căn tính của Đức Giêsu. Ngài là Đấng Mêsia, tức là vị vua mà Thiên Chúa ban cho dân của Người theo chương trình cứu độ của Người.
Thinh lặng trước những lời tố cáo
Sau cuộc thẩm vấn ngắn gọn nhưng đụng đến một nội dung quan trọng và chính yếu, tác giả Mátthêu chuyển ngay vào đề tài những lời tố cáo nhắm vào Đức Giêsu. Những người tố cáo là các thượng tế và các vị kỳ mục (x. 27,1.3). Tác giả sử dụng động từ “tố cáo” ở lối vô định thời hiện tại nhằm nhấn mạnh tính cách kéo dài, có cường độ mạnh mẽ và lặp đi lặp lại của những lời tố cáo của các thượng tế và kỳ mục. Nhưng ông không nói chút gì về nội dung của các lời tố cáo đó, vì có lẽ ông coi đó chỉ là điều không quan trọng và có thể bỏ qua.
Trong phần tố cáo này, một lần nữa, chủ đề về vương quyền của Đức Giêsu trong 27,11 lại được làm nổi bật lên. Cấu trúc ngữ pháp của 27,12 rất đáng chú ý. Theo cách trình bày của tác giả Mátthêu, hành động chính yếu không phải là những sự tố cáo của Thượng Hội Đồng, mà là sự không phản ứng của Đức Giêsu, tức là sự thinh lặng của Người. Đức Giêsu không coi những lời buộc tội của họ là đáng được lên tiếng đáp lại, dù chỉ một lời. Chính thái độ thinh lặng này của Đức Giêsu lại là một lời nhận xét sắc bén về chất lượng và giá trị của những cáo buộc của Thượng Hội Đồng.
Đứng trước sự thinh lặng đó của Đức Giêsu, một sự thinh lặng có thể làm cản trở tiến trình thẩm vấn, ông Philatô bèn lên tiếng một lần nữa. Câu hỏi thứ hai này của ông Philatô giống với câu hỏi thứ nhất của vị thượng tế trong tiến trình tố tụng Do Thái:
26,62: Ông không đáp lại gì sao? Mấy người này làm chứng buộc tội chống lại ông điều gì đó?
27,13: Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng buộc tội chống lại ông đó sao?
Câu hỏi này của ông Philatô đã ngầm xác định những người tố cáo Đức Giêsu như là những nhân chứng (họ làm chứng) và cho biết số lượng những lời buộc tội của họ là rất nhiều. Ông Philatô đặt câu hỏi như thế là để khích Đức Giêsu lên tiếng phản ứng và cũng là để bày tỏ sự kinh ngạc của ông. Câu hỏi này tiền giả định sự mong đợi một câu trả lời theo hướng tích cực.
Có thể hiểu ấn tượng của ông Philatô trước thái độ thinh lặng của Đức Giêsu như sau: Tôi chỉ có thể giải thích thái độ thinh lặng của anh trước cả đống những lời cáo buộc nghiêm trọng như thế bằng cách cho rằng anh điếc đặc nên không thể trả lời được gì; nhưng anh không điếc, trái lại, anh đã nghe thấy rất rõ những lời tố cáo ấy, vì thế, anh phải trả lời đi chứ!
Đức Giêsu trả lời câu hỏi thứ hai của ông Philatô bằng một sự thinh lặng hoàn toàn. Đây là lần thứ hai trong một đoạn văn ngắn, tác giả tin mừng nói rõ là Đức Giêsu thinh lặng; riêng lần thứ hai này, ông còn cho biết đó là một sư thinh lặng hoàn toàn:
27,12: Người không trả lời gì cả
27,14: Người không trả lời ông, một điểm cũng không
Ngữ đoạn “một điểm cũng không” có vẻ muốn quy chiếu về “biết bao nhiêu điều”, tức là Đức Giêsu không nói bất cứ lời nào ngay cả về những điều cáo buộc mà  người ta đổ lên đầu Người. Một lần nữa, ta có thể thấy rõ ở đây sự trái ngược với thái độ của Đức Giêsu trong 27,11. Ở đó, Người đã cất tiếng trả lời ông Philatô. Phản ứng của Đức Giêsu, như thế, tuỳ vào nội dung của câu hỏi chứ không tuỳ vào người đặt câu hỏi.
Hậu quả (khiến cho) xảy đến nơi ông Philatô là một sự kinh ngạc lớn lao. Động từ “kinh ngạc” xuất hiện trong Mt 7 lần (Mc:4 lần, Lc: 12 lần), trong đó 6 lần nói về thái độ của người ta đối với những hành động của Đức Giêsu: ở 8,27 ; 9,33 ; 15,31 ; 21,20 là trước những phép lạ Người thực hiện; ở 22,22 là trước câu trả lời của Người. Chỉ duy nhất ở 8,10 động từ này được dùng để nói đến phản ứng của chính Đức Giêsu. Điểm đặc biệt ở 27,14: đây là lần duy nhất tác giả tin mừng sử dụng động từ “kinh ngạc” ở thời hiện tại (có giá trị biểu lộ tính chất kéo dài, lặp đi lặp lại, có cường độ cao), và cũng chỉ ở đây ông mới thêm cho động từ này một trạng từ chỉ mức độ (quá đỗi) (lần khác tác giả Mt dùng trạng từ quá đỗi này để chỉ sự quá mức của một thái độ tình cảm, là khi ông miêu tả cơn giận của Hêrôđê ở 2,16). Sự kinh ngạc là một phản ứng đầy cảm tính trước một sự kiện bất ngờ mà người ta không mong đợi và không hiểu thấu hết.
Thái độ của ông Philatô khác hẳn với thái độ của các thành viên Thượng Hội Đồng. Những người này không hề bộc lộ bất cứ ấn tượng bất ngờ nào trước cách phản ứng của Đức Giêsu.
Mc 15,5.44 và Ga 19,8 cũng nói đến phản ứng đầy chất cảm tính này của ông Philatô trước thái độ của Đức Giêsu.

http://dcctvn.org/philato-tham-van-duc-giesu-theo-mt-2711-14/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét