Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Đức Yêsu Phục Sinh – Bằng cứ của Cựu Ước

Đức Yêsu Phục Sinh – Bằng cứ của Cựu Ước


“Trước tôn nhan Yavê, hết thảy những ai đã nằm trong tro bụi sẽ bái lạy. Dòng giống tôi sẽ làm tôi Người và sẽ rao truyền Chúa cho hậu thế. Họ sẽ loan báo đức công chính của Người cho kẻ hậu sinh”(c.30-32)

Phục Sinh  của Chúa Kitô

Thông thường, người ta coi việc Phục sinh như một màn kết : Vì tất cả tấn bi kịch gay cấn, lâm ly đã diễn ra tại núi Sọ, chấm dứt lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Sau đó ngày Phục sinh chỉ còn nhiệm vụ cho biết về đời sống hạnh phúc của vai chính sau chuỗi ngày gian khổ.pascoa
Khi đã hoàn tất nhiệm vụ, dĩ nhiên Đức Yêsu phải sống lại : Vì Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống thì làm sao “sự chết có thể cầm giữ Ngài dưới quyền nó được?” (Cv 2.24).
Nhưng Kinh thánh không quan niệm công cuộc cứu chuộc chúng ta bởi Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô như vậy đâu.
Sau đây là những bằng cứ.

BẰNG CỨ CỦA CỰU ƯỚC

Thiên Chúa đã phác họa trong Cựu Ước việc Cứu Độ mà Người sẽ thực hiện trong Israel thời cuối cùng.
Ở đó, Người tỏ mình là vị Thiên Chúa cứu khỏi chết, và Ơn Cứu độ loài người được coi là sự sống từ Thiên Chúa đến.
Thực vậy:

Các Thánh Vịnh thiên sai đã nêu rõ

Nhiều Thánh vịnh (
[1] thuật lại những đau khổ xảy ra đương thời giống hệt các đau khổ của Chúa Yêsu sau này, và miêu tả cuộc cứu thoát thần diệu lúc ấy giống in đúc cuộc Phục sinh của Chúa Yêsu hàng ngàn năm sau.
Thông thường, chủ đề của các Thánh vịnh là những đau khổ và giải thoát của chính Thánh vịnh gia hoặc của người công chính nói chung, hoặc của dân tộc Israel.
Có thể tóm tắt đại khái như sau : bị các địch thù lùng bắt, người tín đồ của Yavê cứ suy sụp dần từ gian truân này đến khốn đốn nọ mãi cho đến bờ cõi âm ty (Schéol). Nhưng lời cầu nguyện và chính nghĩa của ông đã kêu gọi được Thiên Chúa đến can thiệp. Và Người đã cứu ông khỏi hố thẳm diệt vong.
Trong những Thánh vịnh ấy, thấy phác họa một chuyển động hai thì : TRẦM và THANG, chết rồi hồi sinh.

Tân Ước giải thích về Đức Kitô

Tân ước đã giải thích đa số các Thánh vịnh ấy. Theo đó, rõ ràng là tư tưởng của Thiên Chúa vượt quá giới hạn cá nhân người công chính Cựu ước mà ám chỉ đến Đức Kitô trong những thử thách của sứ mạng thiên sai và cuộc toàn thắng của Ngài ([2]).
+ Các Tông đồ
Đối với các Tông đồ, những Thánh vịnh kia như có một linh cảm, như bị ám ảnh bởi hình bóng của một người nào đó. Nói khác đi, người công chính kia trong Cứu ước bị đau khổ rồi được Thiên Chúa cứu thoát, được lồng vào Đức Kitô : Đức Kitô ẩn hiện sau ông, ông mang những nét của Ngài. Lời ông vang lên những âm hưởng thiên sai, đến nỗi khi đọc các Thánh vịnh ấy, Kitô hữu liền nhận thấy ở đó dung mạo của Thầy Thánh mình, nghe được tiếng của Ngài.
+ ChínhĐức Yêsu
Chính Đức Yêsu đã nêu gương trước về lối giải thích đem về bản thân Ngài những đoạn Kinh thánh mà theo lịch sử trực tiếp nói về các Ngôn sứ, về Thánh vịnh của Israel, hay về những huân công của lịch sử dân ấy ([3]). Tỷ dụ, khi vào Hội đường Nadarét, Đức Yêsu đọc đoạn ngôn sứ Ysaia :
“Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dấu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khổ…” (Lc 4.18-19).
Đức Yêsu tuyên bố là đoạn sách ấy nói về Ngài và công cuộc Cứu thế của Ngài. Theo lịch sử, đoạn ấy nói về ngôn sứ Ysaia trước hết.
+ Ý nghĩa của lối giải thích ấy
Để chấp nhận lối giải thích đặc sủng ấy, đang khi vẫn tôn trọng nghĩa đen lịch sử của đoạn văn, phải tin điều này : Suốt giòng lịch sử của họ, dân Israel là tiên tri của Thiên Chúa để báo các việc về sau. Họ tiên báo không những bằng lời ca của các Thánh vịnh gia và lời các Ngôn sứ, mà còn bằng chính lịch sử sống của họ.
Thiên Chúa có cái lối tiên báo tương lai độc đáo như thế đó!
Đến nỗi nhiều khi dân Israel không biết tường tận về chính mình, không hiểu tất cả những điều mình nói. Họ nói về họ hoặc về lịch sử đương thời của họ thật đấy, thế mà sau này lại hóa ra nói về một người khác sẽ đến, về những thực tại của tương lai.
Chỉ vì Isael là dân tộc thiên sai, và do bởi Thiên Chúa, họ cưu mang mầm giống của những “HY VỌNG” sau này. Đến thời khai hoa, các Tông đồ đã gán cho những điều trước đã nói về hạt giống, bằng cách giãi bày đúng cách tất cả phong phú tiềm ẩn trong bản văn ([4]).
Chính như thế đó mà Tân ước nhìn thấn trong sự cứu thoát, được Thiên Chúa cứ ban đi ban lại bao lần cho Israel cũ, lời tiên báo về ơn cứu thoát chưng cục của Israel mới. Và trong những than vãn khắc khoải của người công chính Cựu ước, sau đối thành bài ca Khải hoàn, Tân ước nghe thấy tiếng của Đức Kitô thống khổ và niềm hoan lạc của Ngài khi Phục sinh (Cv 2.25-28).
Đối với các Tông đồ, sự chết và sống lại của Đức Kitô đã được Cựu ước tiên báo rồi vậy (Lc 24,26t,44; 1Cr 15.3t).

Sơ đồ việc cứu thoát

Trong các đoạn văn cổ ấy, sự cứu thoát hệ tại việc can thiệp của Thiên Chúa, được lời cầu nguyện của nạn nhân kêu tới. Thử thách tự nó không có sức cứu ai cả. Chúng là những tai họa mà người tín đồ xin được giải thoát.
Và Thiên Chúa đã đến cứu! Người đem người công chính về cõi sống và đặt ông trong niềm vui trọn vẹn (Tv 16). Và lời ca ngợi Thiên Chúa sẽ vang lên giữa công hội (Tv 40; 69; 102). Thánh vịnh 118 loan báo : ngày Thiên Chúa ra tay, dân tộc xưa nay vẫn bị khinh chê và ruồng bỏ, sẽ nên viên đá đỉnh góc của tòa nhà các dân thiên hạ do Thiên Chúa xây cất. Rõ ràng các điều ấy loan báo về Hội thánh Chúa Kitô sau này. Và như thế vận mạng của Israel gồm 2 điểm đáng chú ý : 1) Tầm vóc bao quát thế giới của nó, và 2) Sự thành tựu của vận mạng ấy hệ tại việc được cứu thoát sau khi bị hạ nhục.

Thánh Vịnh 22

Trong số các Thánh vịnh nói về người công chính bị đau khổ, phải dành cho Tv 22 một chỗ đứng riêng biệt vì tính chất thiên sai đặc sệt của nó.
Có thể nghĩ rằng tác giả Thánh vịnh này đã trải qua các điều viết ở đấy.
Thời nay chúng ta khó có thể chấp nhận rằng một người đã sống và đã diễn tả nỗi khốn khổ của mình với những tâm tình sâu sắc đến thế lại là nói thay cho một người khác.
+ Kích thước Tiên Sai của Thánh Vịnh 22
Nhưng xét cho kỹ thì thấy vai chính trong bài ca ấy là một nhân vật có vị thế quan trọng đặc biệt đến nỗi số phận ông liên can tới tất cả các dân trên địa cầu. Và cuộc giải thoát của ông sẽ lôi kéo muôn dân hối cải.
Mà đó chính là đối tượng của niềm hy vọng trong thời thiên sai.
Rồi đến các nét mô tả những thử thách và sự giải thoát cũng vượt quá tầm hạn cá nhân của người công chính ấy để mang lấy kích thước cứu độ rộng lớn. Thêm vào đó còn có những điểm này :
– Vẻ đẹp rất hấp dẫn của tâm hồn,
– nét đơn sơ vô tội không phách lối,
– cung cách hiền hậu giữa bao ác độc thù nghịch
– niềm phó thác êm đềm trọn vẹn trong tay Thiên Chúa.
Xem như thế, quả thực người công chính của Tv 22 vượt ra khỏi giới hạn của bất cứ cá nhân văn sĩ cổ xưa nào, mà đạt tới tầm vóc của NGƯỜI TÔI TỚ YAVÊ. Thánh vịnh 22 không thể liệt cùng hàng với các Thánh vịnh khác nói về người công chính thống khổ và các mối hy vọng của chính tác giả, song nó được xếp vào hàng các bài ca thần hứng tiên báo về Đức Kitô, chính vì tâm tình tôn giáo và thiên thai trong ấy vừa mạnh mẽ vừa rộng lớn.
Sau đây là nội dung sơ lược của Thánh vịnh ấy :
+ Sơ lược nội dung
Ở Thánh vịnh 22 không thấy nói về sự chết và sống lại. Chỉ nói đến những đau khổ lớn lao “hòng chết được”, và rồi được cứu thoát cách kỳ lạ. Tình trạng của nạn nhân khốn quẫn đến mức tuyệt vọng. Sức sống của ông tan rã, như giòng nước cạn dần. Người ta đâm thủng tay chân ông, các xương cốt trật khớp lỏng rời. Các lý hình đã bắt đầu chia nhau áo xống.
Bổng nhiên, linh hồn người hấp hối rộn lên một niềm tin chắc sẽ được sống tràn đầy : Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, Người như làm sống lại một kẻ đã chết.
Có điều đáng để ý là không thấy qui về quảng đời thống khổ ấy một công trạng gì cho nhân vật chính hay cho một ai khác. Nhưng có điểm này : nạn nhân được giải thoát là vì tiếng kêu gào tuyệt vọng của ông đã được đáp ứng.
Từ đó, cuộc giải thoát ấy có tiếng vang khắp nơi. Nó khơi lên những lời tạ ơn khắp chốn. Chính đương sự lên tiếng ca ngợi Yavê trong đại hội. Ông dâng một lễ tế tạ ơn và kêu mời những ai nghèo khó đến dự tiệc lễ no đầy.
Rồi từ từ, chân trời mở rộng vượt quá biên giới đại chúng Israel. Mọi dân tộc được mời nhập vào đoàn hoan ca. Từ xưa họ đã phiêu lạc, nay họ lại nhớ đến Thiên Chúa nhân việc giải thoát kỳ diệu kia mà trở về với Người từ khắp cùng bờ cõi trái đất. Ảnh hưởng cứu độ ấy không hạn chế nơi thế hệ đương thời, song cứ dội đi mãi đến các thế hệ mai sau. Và đặc biệt, nó trở ngược về quá khứ.
“Trước tôn nhan Yavê, hết thảy những ai đã nằm trong tro bụi sẽ bái lạy. Dòng giống tôi sẽ làm tôi Người và sẽ rao truyền Chúa cho hậu thế. Họ sẽ loan báo đức công chính của Người cho kẻ hậu sinh”(c.30-32).
Như thế cuộc giải thoát của người công chính tỏa lan tới cả hai triền lịch sử : quá khứ cũng như tương lai, những kẻ đã nằm trong tro bụi cũng như những kẻ hậu sinh, nó đánh thức nhóm này dậy để ca ngợi, và kêu mời nhóm kia cùng nhập đoàn.
Như vậy, sự cứu độ của người công chính thực là khởi điểm và lý do cho lời tạ ơn và việc hối cải khắp thế.
Cho dầu về mặt chú giải, bản dịch câu 30 không được hoàn toàn ổn thỏa, song những hậu quả của cuộc giải thoát rõ ràng đạt mức độ khoáng đại đến nỗi chỉ nhờ ánh sáng của mạc khải Tân ước, người ta mới đo lường hết được : Dân Israel và các dân tộc, các thế hệ hậu sinh và ngay cả kẻ ở cõi âm ti (Schéol) đều được lôi cuốn vào trong phụng vụ ca ngợi, phát sinh từ cuộc giải thoát của người công chính.

Bài ca người tôi tớ Yavê

Ấy vậy mà BÀI CA CUỐI CÙNG của NGƯỜI TÔI TỚ YAVÊ (Ys 52.13-53.12) còn phong phú hơn Tv 22 nhiều. Người xưa đặt tên nó là : “Cuộc Thương khó của Chúa Yêsu Kitô theo ngôn sứ Ysaia”.
Bài văn này chỉ ứng dụng cho một mình Đức Yêsu thôi ([5]). Sự giống nhau giữa lời tiên báo chứa trong bài ca và cuộc Tử nạn Đức Yêsu sau này thật khít khao. Trực giác sâu sắc về các nguyên nhân của cuộc Tử nạn cũng như sự tiên đoán về các hậu quả của nó còn tuyệt diệu hơn nhiều. Chúng ta có đây nền Thần học đầu tiên về việc cứu chuộc.

Cơ cấu bài ca

+ Chết rồi sống lại.
Cơ cấu bài ca, chúng ta biết rồi : Đà trầm đi xuống tiếp đến đà thăng đi lên đột ngột. Nhưng lần này, đà trầm đẩy tới một cái chết thật, và đà thăng đưa đến một sự phục sinh ([6]). Cuộc hiển sương được nối liền với cái chết bởi một sợi giây nhân quả : sở dĩ có cuộc phục hồi là bởi đã bị hạ xuống đáy vực sâu (53.10-12). Cuộc khổ nạn của vị Tôi Tớ không đơn giản chỉ do ác độc loài người như trong các Thánh vịnh người công chính thống khổ, song còn phục vụ một dự định cứu rỗi. Thế có nghĩa là :
+ Nạn nhân đền tội người khác
Nạn nhân đền các tội ác mà ông không phạm, song của vô số anh em đông. Cũng như các hạ nhục đã đổ xuống trên mình ông theo tư cách kẻ đứng ra hứng thay cho các tội nhân thế nào, thì vinh hiển do các hạ nhục ấy đem lại cho ông, cũng xoay qua làm lợi cho anh em ông như vậy. Sau khi đền tội cho người khác, “ông đưa họ tới vinh quang mà ông đã đạt được nhờ các hạ nhục ông chịu” (E. TOBAC, Dict. Théo. đoạn  Isaia, cột 76).
+ Hiển dương
Sự nghiệp của người Tôi Tớ không kết thúc trong đau khổ. Đau khổ chỉ là một phần : phần đền tội và lập công. Lúc ông được hiển dương, mới là lúc kế hoạch của Thiên Chúa trên nhân loại được thành tựu :
“Khi Ngài đã hiến mình làm lễ hy sinh tạ tội, Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên, và ý định Yavê nhờ Ngài sẽ nên trọn” (c.10).
Việc hiển dương của người Tôi Tớ tỏ ra có một tính cách cứu độ rõ rệt, nguyên do là vì trước đó ông đã phải tử nạn để đền tội, mà có tử nạn này thì mới có cuộc hiển dương kia.
+ Những hậu quả khác
Hậu quả của cuộc hồi sinh người Tôi Tớ Yavê được xác định minh bạch. Việc hồi sinh ấy không phải là phục hồi về đời sống cũ, nhưng là nâng lên một đời sống phong phú hơn : “Người Tôi Tớ sẽ thọ trường niên” (c.10), một cuộc sống trường tồn vô hạn ([7]). Ông sẽ thấy sự sáng và no đầy giác ngộ (c.11). Ông sẽ hưởng sự sáng ban sức sống của Thánh nhan Thiên Chúa, sự sáng mà các Thánh vịnh thiêng liêng nhất coi như phần thưởng cho người công chính thống khổ, làm sức sống đầy tràn cho ông, trong đó ông được no đầy vui thỏa vĩnh viễn ([8]).
+ Chính nghĩa Yavê toàn thắng
Cuộc hiển thắng của Người Tôi Tớ kéo theo cuộc toàn thắng của Chính nghĩa Thiên Chúa : “Ý định của Yavê nhờ Ngài sẽ nên trọn” (c.10). Mà ý định của Yavê là gì? Các bài ca khác của người Tôi Tớ cho biết : đó là ý định thiết lập công chính của Thiên Chúa trong khắp các dân tộc “Ngài sẽ làm rạng phán quyết ra cho các nước” (42.1,4,6), để làm Yacob trở lại với Thiên Chúa, để thâu họp cho Người dân Israel để làm ánh sáng Thiên Chúa chiếu tỏa trên các dân tộc, và để ơn Cứu độ Thiên Chúa đạt thấu tận cùng cõi đất (49.5t).
+ Một dòng giống mới
Trong giai đoạn đời mới này của Người Tôi Tớ, một dòng giống mới được nẩy sinh cho ông. Bầu không khí thiêng liêng của Bài ca buộc ta hiểu rằng : dòng giống nói đây hẳn là một gia đình thiêng liêng, một đoàn thể tôn giáo qui tụ chung quanh ông đời này sang đời khác.
Ông sẽ giải án tuyên công rất nhiều người bởi sự giác ngộ, sự hiểu biết của ông (53.11). Sự hiểu biết đây là hiểu biết Thiên Chúa, do trí khôn tiếp nhận và tấm lòng ưng thuận, rất gần với đức tin mà Tân ước nói đến, và ngôn sứ Yêrêmia coi như nền tảng của đời sống tôn giáo trong giao ước mới sau này (Yr 24.7; 31.34).
+ Quyền làm Chúa
Chỉ vì Người Tôi Tớ gánh vác tội vạ của họ nên Thiên Chúa “sẽ ban nhiều người làm phần của Ngài, và Ngài sẽ phân chia vô số chiến quả” (c.12). Ông sẽ cai trị, làm Chúa trên các kẻ mà ông đã hiến mình làm hy sinh tạ tội cho.
Quyền Chúa tể ấy của Người Tôi Tớ khiêm hạ, chính là điều linh cảm cuối cùng của đoạn văn tuyệt vời này.
Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.
trong “Đức Yêsu Phục Sinh – Mầu Nhiệm Cứu Độ”
[1] TV 16, 22, 30, 31, 35, 40, 41, 49, 55, 69, 102, 109, 118.
[2] Xem : Mt 21.42 và song song (viết tắt : ss); Lc 23.46; Yn 2.17; 18.18; 15.25; Cv 1.20; 2.25-28; Rm 15.3; Hr 10.5-10
[3] Mt 21,42 và ss; Yn 13,18; v.v…
[4] Thực ra, các Thánh vịnh gia Israel một cách mơ hồ đã có cái nhìn đức tin ấy về bản chất sâu xa đích thực của dân tộc họ. Chẳng hạn Tv 45. Thánh vịnh này đã ca tụng một ông vua triều đại Đavít, với những lời lẽ có tính chất thiên thai. Và Tv 87 ca ngợi thành đô Sion cổ kính là mẫu quốc của bàn dân thiên hạ.
[5] Trong CƯ, dân Isarel dành cho mình tước hiệu “Tôi Tớ Yavê”. Ngay trong đoạn văn này, tước ấy có tính cách tập thể là bởi vì Đấng Công Chính đại diện toàn dân mà Ngài đền tội cho.
[6] Từ 53.8, người Tôi Tớ bị chết và chôn. Việc phục sinh của ông không được nói rõ trong bản Hipri. Nhưng sau khi chết, cuộc sống và hoạt động của ông trên các dân tộc đòi ta phải hiểu là ông đã phục sinh.
Ở đây, ta giải thích văn bản một chút :
c.10 : Bị nghi là sao chép lủng củng; thất lạc, nhưng có thể đã nói khá rõ về việc phục sinh. Bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn : “Yavê đã cho phục hồi kẻ đã hiến mình làm hy sinh tạ tội, Ngài sẽ được thấy dòng giống sẽ thọ trường niên…”.
c.11 : Bản Hipri : “Chính vì kiếp lao đao tân khổ, Ngài sẽ thấy và sẽ no đầy”. – Thấy gì? Các bản dịch Hilạp (LXX) và Qumran (1018) nói rõ : “Ngài sẽ thấy sự sáng”. Mà thấy ánh sáng có nghĩa là phục sinh.
Xem : Yob 3.16,20; 10.18; Tv 49.20; 56.14.
[7] Dựa theo lối tư tưởng của dân Sêmít, ta có thể tìm thấy ở đây sự xác quyết có cuộc sống đời đời : câu “Ngài sẽ thọ trường niên” nêu rõ cuộc sống vô tận ấy.
[8] Tv 73.23t; 16.11; 17.15.

http://dcctvn.org/duc-yesu-phuc-sinh-bang-cu-cua-cuu-uoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét