Trang

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Ý nghĩa của sự kiện tổng trấn Philatô thẩm vấn Đức Giêsu

Ý nghĩa của sự kiện tổng trấn Philatô thẩm vấn Đức Giêsu


Quyền bính Do Thái đã nộp Đức Giêsu cho ông Philatô để ông kết án tử hình Người. Trong phần trình thuật mà chúng ta vừa suy gẫm suốt Tuần Thánh này, ông Philatô thi hành nhiệm vụ của một quan toà.
pilato jesusÔng tìm căn cứ để có một phán quyết công minh, bằng cách điều tra về những cáo buộc mà các thành viên Thượng Hội Đồng trút lên đầu Đức Giêsu, và ông cố gắng tìm xem những điều người ta tố cáo đó có thực sự thật không. Cả ba tin mừng Nhất Lãm đều đồng ý với nhau về kết quả của quá trình điều tra, tức là đồng ý với nhu về sự kiện ông Philatô công nhận sự vô tội của Đức Giêsu và có ý định phóng thích Người.
Trong Lc 23,14-16 ông Philatô công bố một cách rõ ràng kết quả và ý định đó. Trong Mt và Mc, điều đó được bộc lộ trong thái độ tiếp sau đó của ông ta (x. Mt 27,17.23; Mc 15,9.14). Cứ theo kết quả điều tra, thì ông phải ngay lập tức phóng thích Đức Giêsu. Sự kiện ông Philatô không hành động phù hợp với kết quả điều tra của chính ông, không trung thành với xác tín của chính mình, nhưng lại đi tìm sự đồng ý của những người chống đối Đức Giêsu, sự kiện ấy đã kéo dài cuộc tranh luận. Cho đến lúc này, ông Philatô đã có một trực giác đúng đắn và thật sự về tiến trình thi hành công lý. Nhưng ông lại kết thúc tiến trình ấy bằng một giải pháp chính trị. Philatô không theo sự dẫn dắt của công lý nữa; ông quay ra đi tìm sự đồng ý của các đối tác chính trị của ông.
Cách trình bày của Mt và Mc khác nhiều so với cách trình bày cua Lc. Điều đó được chứng tỏ, trước hết, bằng độ dài của đoạn văn dành cho sự kiện này (Mt và Mc đều chỉ có 4 câu, đang khi Lc dành 15 câu), bằng sự khác biệt ở điểm khởi đầu (trong Mt và Mc là câu hỏi của ông Philatô; còn trong Lc là lời tố cáo của Thượng Hội Đồng) và ở điểm kết thúc (Mt và Mc: Philatô kinh ngạc; Lc: Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội).
Hai chủ đề lớn, tức là những lời tố cáo của Thượng Hội Đồng và căn tính của Đức Giêsu, đã không được các tác giả tin mừng đề cập đến theo cùng một cách thức. Trong Mt 27,11 và Mc 15,2 chủ đề về căn tính của Đức Giêsu được đặt ở đầu và là điều duy nhất được Đức Giêsu trả lời khi người ta đặt câu hỏi, và là điều xác định phần kế tiếp trong trình thuật, ở đó, ông Philatô và những đối thủ của Đức Giêsu sẽ thương lượng với nhau về Đức Kitô (Mt 27,17.22), vua người Do Thái (Mc 15,9.12). Trong Lc, chủ đề về căn tính của Đức Giêsu không được đặt ở điểm bắt đầu của trình thuật, nhưng là ở 23,18-25, cho dù đó là chủ đề chính yếu trong tiến trình xét xử thuộc phạm vi Do Thái giáo (Lc 22,66-71).
Chủ đề về những lời cáo buộc chống lại Đức Giêsu được trình bày ở vị trí thứ hai trong Mt 27,12-14 và Mc 15,3-5. Những cáo buộc đó không được ghi rõ và cũng không xứng được Đức Giêsu đáp trả. Trong phần kế tiếp của trinh thuật thương khó, những cáo buộc đó sẽ chẳng có bất cứ vai trò gì. Hình như những lời cáo buộc đó được nhắc đến để xảy ra hiệu quả chính yếu là việc Đức Giêsu từ chối trả lời và ông Philatô kinh ngạc vì sự từ chối đó. Theo cách thức như vậy, hai tác giả của hai tin mừng đầu tiên cho chúng ta hiểu đâu là giá trị của những lời cáo buộc đó.
Trong Lc, những lời cáo buộc này đã được tác giả quan tâm cách đặc biệt. Chúng được đặt ở đầu trình thuật (23,2), được nghiên cứu cách cẩn thận trong hai hồi (23,2-4.5-16). Chúng khiến cho Philatô phải cậy nhờ đến Hêrôđê như là một chuyên gia trong lãnh vực liên hệ. Ba lần, ông Philatô tuyên bố về sự thiếu căn cứ của những lời cáo buộc đó (23,4.14t.22). Đối với Luca, hai điều quan trọng phải làm nổi bật là sự phi lý, vô căn cứ của những lời tố cáo và sự vô tội hoàn toàn của Đức Giêsu. Những điều đó cũng được Mt và Mc nói đến, nhưng Lc đã nhấn mạnh hơn rất nhiều.
Một điểm khác biệt khác: Mt và Mc khắc hoạ một Đức Giêsu sinh động và quyết đoán hơn. Trong các đoạn văn ngắn ngủi của Mt và Mc, Đức Giêsu là chủ từ của hàng loạt động từ: Mt 27,11.11.12.13.14; Mc 15,2.2.4.5). Hai lần ông Philatô hỏi Người. Người trả lời câu hỏi về căn tính của mình, nhưng đồng thời, do bởi sự thinh lặng của mình, Người đã khiến ông Philatô phải kinh ngạc. Chính Người xác định những kết quả của cuộc điều tra.
Trong bản văn dài hơn thuộc tin mừng thứ ba, Đức Giêsu chỉ là chủ từ trong 23,3.3.9. Philatô chỉ nói chuyện với Đức Giêsu một lần. Người không có cơ hội nào để bày tỏ phản ứng trước những lời cáo tội chống lại mình. Sự thinh lặng của Người, trong 23,9, không liên quan gì đến tiến trình xử án, mà liên quan đến sự tò mò của ông Hêrôđê. Sự tiến triển của quá trình điều tra phụ thuộc vào những lời tố cáo của các kẻ đối nghịch với Đức Giêsu và vào những cố gắng của Philatô, hơn là phụ thuộc vào thái độ của Đức Giêsu. Luca nhấn mạnh trên tính cách hoạt động của Philatô, là người đã làm tất cả để làm rõ bản chất vụ án từ quan điểm pháp lý, và là người hơn một lần công bố sự vô tội của bị cáo Giêsu.
Vào giai đoạn đầu của cuộc điều tra, Philatô đối diện với một bản cáo trạng lạ thường và với những lời tố cáo do chính Thượng Hội Đồng đưa ra. Vào giai đoạn cuối của cuộc điều tra, ông chứng minh sự vô tội của Đức Giêsu và phải đối diện với âm mưu nhất định kết án tử hình Đức Giêsu, một âm mưu không thể còn bị che đậy bởi bất cứ lời cáo tội nào. Trong phần này của trình thuật, rõ ràng rằng những lời tố cáo trình bày Đức Giêsu như là một vị Mêsia chính trị đã phá sản, không có căn cứ; rằng ông Philatô không muốn kết án tử hình Đức Giêsu; và rằng tất cả ý muốn, âm mưu và nỗ lực trực tiếp đẩy Đức Giêsu đến chỗ chết đều là của Thượng Hội Đồng.

http://dcctvn.org/y-nghia-cua-su-kien-tong-tran-philato-tham-van-duc-giesu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét