CÂU CHUYỆN ÔNG GIAKÊU LÙN LEO CÂY CAO
Câu chuyện Kinh thánh trong sách Tin Mừng Luca 19: 1-10
“Tôi có thấp bé đâu” người đàn ông thấp bé tự nhủ. “Tôi sẽ chứng tỏ cho người ta thấy.”
Và trong nhiều năm, ông đã tìm ra rất nhiều cách để chứng minh điều đó, ít nhất là với chính mình. Chẳng hạn, ông đã phát hiện ra rằng tiền là một cách giúp ông chứng minh điều đó. Một người giàu có luôn có bạn bè chung quanh, ngay cả khi người ấy thấp bé.
Tất nhiên, một số người không tán thành cách kiếm tiền của Giakêu. Kẻ làm ăn nhỏ thó này chỉ là một bánh răng nhỏ bé, nhưng ngày càng trở nên quan trọng trong cỗ máy doanh thu vĩ đại chuyển tiền từ các tỉnh xa xôi của đế chế Rôma vào kho bạc của nó. Ông bắt đầu công việc làm ăn của mình với một chân thu thuế bình thường. Ông được giao quản lý một khu vực nhất định, mà từ đó ông có nghĩa vụ phải nộp một số tiền thuế cụ thể mỗi năm. Và ông đã làm việc vất vả, vì tiền của mình. Những người nông dân và ngư dân không dễ bỏ tiền của họ ra đâu.
Người đàn ông nhỏ bé đó phải thúc giục và yêu cầu, đe dọa và vỗ về. Ông luôn yêu cầu một khoản tiền vượt quá món tiền thuế mà những người nông dân và ngư dân phải nộp, để rồi giảm xuống một chút khi ông thấy sợ hãi vì sự tức giận rực lên trong mắt khách hàng. Vâng, ông đã làm việc cật lực. Nhưng cái hay của hệ thống là bất cứ số tiền nào ông có thể mang về, mà vượt quá hạn ngạch đã được phân bổ, thì đều là của ông. Và tiền đó đã giúp người đàn ông nhỏ bé này sống một cuộc đời có phần sung túc hơn những người khác.
Quyền hành cũng đã giúp ông. Mối đe dọa của những người lính Rôma đột nhập bất ngờ và tịch thu toàn bộ kho hàng của bất cứ con buôn nào đã khiến nhiều người không cự cãi lại được. Và một vài năm trước, ông đã được thăng chức. Với tư cách là chi cục trưởng thuế vụ của thị trấn, bây giờ ông có một số nhân viên thu thuế làm việc dưới quyền ông. Họ sẽ ăn chặn tiền từ khách hàng của họ, còn ông sẽ xén bớt lợi nhuận từ cấp dưới của mình, và phần còn lại - luôn luôn khớp chính xác với số lượng hạn ngạch - sẽ tìm cách chuyển lên theo kiểu dây chuyền cho tổng trấn, và từ tổng trấn chuyển về cho Rôma. Quyền hành đã nâng tầm người đàn ông nhỏ bé đó.
Tất nhiên, quyền lực có giá của nó. Mọi người sẽ thì thầm khi ông chạy nhanh qua những con phố khá hẹp và không sạch lắm của thành Giêricô – dù nó được gọi là thành phố hương thơm – vì nó được bao quanh bởi một rừng cây cọ, bởi các cây tỏa mùi hương và là nơi giao thương trung chuyển giữa Đông và Tây. Khi ấy dân chúng sẽ thốt ra: “Giakêu, tên phản bội theo đuôi Rôma bẩn thỉu”. Rau thối sẽ bắn tung tóe vào áo choàng của ông khi ông đi vào cửa thành. Cách đây rất lâu, hội đường đã chính thức trục xuất ông. Không một người tự trọng nào bước vào cửa nhà ông ta.
Nhưng tiền bạc và quyền lực đã mua được những bữa tiệc tuyệt vời. Tất nhiên, khách mời của ông là một số “tội nhân” khác trong khu vực, nhưng ông tự nhủ với lòng mình “Ngươi là một lực lượng mọi người cần phải tính đến. Ngươi là một ông lớn đối với thị trấn.”
Đối với một vai vế như vậy trong thành phố, thật kỳ lạ việc ông lớn Giakêu này cảm thấy phấn chấn khi nghe tin Rábbi Giêsu làng Nadarét đang đi đến thành Giêricô, vào một buổi trưa hè đầy bụi bậm. Dù Giakêu đang có những số liệu thuế má cần kiểm tra và tiền bạc cần phải đếm, nhưng ông dứt khoát phải nhìn cho bằng được, dù chỉ trong chốc lát, nhà thuyết giáo lưu động này, là người đã gây ra một sự khuấy động như vậy cho cả Palestine.
Mọi người chạy vượt qua ông đến rìa thị trấn để chào đón Vị Thầy, nhưng Giakêu đã nhân cơ hội này leo lên một cây sung lớn, tán rộng, che bóng mát cho con phố chính. Sự đàng hoàng không cho phép một người có vai vế leo trèo cây cối, và vai ông đau nhói khi đu mình lên một cành cây, nhưng ông không quan tâm gì đến mấy chuyện đó. Lúc này, ông đã có thể thấy Chúa Giêsu ở cuối con phố, bị hàng trăm người dân trong thị trấn vây quanh, những đám bụi bốc lên mù mịt khi đoàn người đến gần hơn.
Khi đám đông đến gần vị trí đầy thuận lợi của Giakêu, Vị Thầy đột ngột đứng sững lại, ngay chỗ của ông. Giakêu cười khúc khích khi những người theo sau Vị Thầy vì lơ đãng mà hết người này đến người khác xô vấp vào nhau, sau lưng Chúa Giêsu, cho đến khi cả đám đông đứng yên. Người đàn ông nhỏ bé nghĩ bụng: có lẽ mình sẽ được nghe Vị Thầy giảng dạy điều gì đó.
Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu ngửa đầu lên, đến khi mắt của Ngài chạm vào mắt của Giakêu. Và mắt của từng người trong đám đông cũng nhìn lên theo. Chúa Giêsu nở một nụ cười lạ thường, như muốn hỏi “điều này không vui hay sao”, và Ngài cất tiếng nói dịu dàng trong sự im lặng của đám đông.
“Giakêu”, Chúa Giêsu mở lời. Làm sao Ngài biết tên tôi? Giakêu nghĩ, đỏ bừng khắp người. Làm sao Ngài biết tôi?
Vị Thầy nói tiếp, “Giakêu! Xuống ngay đi. Hôm nay đúng là tôi phải ở lại nhà ông”.
Giakêu suýt ngã khỏi cành cây. Nhà của tôi sao? Ông trấn tĩnh ngay và tự hào: Ồ! Tất nhiên rồi! Rábbi Giêsu hẳn sẽ rất ấn tượng với ngôi nhà của mình đây!
Nhưng rồi bụng của người đàn ông nhỏ bé se thắt lại. Thầy Giêsu là một người thánh thiện. Còn tôi là một tội nhân. Làm sao Ngài đến nhà tôi được. Ngài không biết chuyện đó sao?
Chúa Giêsu biết ông là ai. Ngài có thể nghe thấy những người trong đám đông lầm bầm, “Ông này muốn đến nhà của một tội nhân,” nhưng Chúa Giêsu lại chỉ mỉm cười, và ra hiệu cho Giakêu leo xuống.
Ngài muốn nói chuyện với tôi sao? Ngài biết tên tôi sao? Không quan trọng người ta nói gì, Chúa Giêsu quan tâm đến tôi. Thế là đủ cho tôi rồi!
Trong khi Giakêu đang leo xuống, những giọt nước mắt vui mừng bắt đầu chảy dài trên má ông. Đám đông đã tách ra một chút, và ông lao đến chỗ Chúa Giêsu đang đứng, quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu. Sau một khoảnh khắc, ông cảm thấy một bàn tay ấm áp đặt trên vai mình và một cánh tay giúp ông đứng dậy. Ông nghĩ rằng ông cũng có thể nhìn thấy vết một giọt nước mắt trong mắt Chúa Giêsu.
Ông đứng dậy, mở lời: “Lạy Chúa, tại đây và ngay bây giờ tôi xin chia một nửa tài sản của tôi cho người nghèo.” Lời đó vừa tuôn ra từ miệng Giakêu. Mọi người há hốc mồm không thể tin. Giakêu bủn xỉn bẩn thỉu đó sao? Nhưng Giakêu vẫn chưa nói xong. “Và nếu tôi đã lừa đảo bất cứ ai về bất cứ điều gì, tôi sẽ trả lại gấp bốn lần số tiền đó”.
Một người đàn ông đứng gần đó, nghe thấy tất cả mọi sự, liền lẩm bẩm. “Ông ấy có ý muốn đó à! Ông ấy sẽ làm điều đó ư!”
Đám đông bắt đầu xì xào khi tin tức về những lời của Giakêu được truyền từ người này sang người khác, từ trung tâm ra rìa đám đông. Rất ít người có thể nghe thấy những lời của Chúa Giêsu khi Ngài ôm người đàn ông nhỏ bé. Chúa Giêsu vui mừng nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này, vì người này cũng là con trai của Ábraham”.
Nghe những lời đó, Giakêu ưỡn ngực lên hết cỡ và khuôn mặt rạng rỡ. Con trai của Ábraham! Chính Vị Thầy đã nói điều đó. Tôi là con trai của Ábraham!
Chúa Giêsu nhìn quanh đám đông đang hoang mang và nói với một niềm xác tín và mạnh mẽ đến nỗi dường như Ngài đang cố chắt lọc mục đích cả đời mình trong một câu duy nhất: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu những gì đã hư mất.”
“Tôi xin thề,” một trong các môn đệ của Chúa Giêsu nói, khi nhìn Giakêu đang vừa đi, vừa nhảy nhót bên cạnh Chúa Giêsu khi họ đến nhà của ông, người thu thuế cho Rôma. “Tôi xin thề rằng rốt cuộc thì Giakêu trông không có vẻ gì là quá bé nhỏ, quá khô héo”. Người môn đệ gãi râu cằm của mình. “Không hiểu sao trông ông ấy cao hơn hẳn.”
Và thật vậy, Giakêu cảm thấy mình cao lên đến hơn ba mét.
Câu chuyện là như vậy, rất quen thuộc và dễ thương về ông Giakêu, một người quá thấp không thể thấy được Chúa Giêsu trong đám đông, bèn nghĩ kế trèo lên cây, thế là gặp được Chúa Giêsu, và được thay đổi.
Sự nguy hiểm của những câu chuyện quen thuộc là chúng quá quen đến nỗi chúng ta bỏ lỡ những điểm đáng nói. Có lẽ tốt nhất là chúng ta nên nhìn lại và tìm kiếm những ý nghĩa trong các chi tiết bình thường của câu chuyện này.
1.Tội nhân không thể nhìn xa được.
Giakêu có thân hình thấp bé nên không thể thấy được Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi, phải chăng Luca đã nói với chúng ta về chuyện thấp bé này chỉ để bàn đến tầm vóc thể chất của Giakêu? Chúng ta có nghĩ rằng thực sự là có nhiều chuyện đáng bàn ở đây hơn là một mô tả ngoại hình. Thực ra đó cũng là một cách diễn tả về đạo lý. Giakêu không thể thấy được Chúa vì sự mù quáng do tội lỗi mang lại. Chính tầm vóc đạo đức của ông là nguyên nhân thực sự khiến ông không thể thấy được Thiên Chúa. Chúng ta hãy xem xét một số đoạn văn sau đây từ Kinh Thánh nói đến bệnh mù lòa liên quan đến tội lỗi:
- “Tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi” (Tv 40: 13).
- “Dân cư sẽ bị Ta vây hãm, chúng sẽ bước đi như những kẻ mù, vì đã đắc tội với Chúa” (Xôphônia 1: 17).
- “Chúng đâu biết, đâu hiểu gì, vì mắt chúng không thấy, lòng chúng không hiểu được (Isaia 44:18)
- “Âu cũng chỉ vì ngôn sứ tội lỗi,vì tư tế đồi bại quá đi thôi: ngay ở giữa thành, họ ra tay đổ máu người công chính. Họ như người mù lang thang ngoài đường phố” (Aica 4:13-14).
- “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.. không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Gioan 3: 3-5)
- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mátthêu 5: 8)
Vì vậy, tội lỗi gây ra sự mù lòa, không có khả năng thấy được Thiên Chúa. Giakêu đã sa vào tội lỗi và do đó ông không thể thấy được Chúa Giêsu. Chúng ta có thể hỏi “Ông ta đã phạm tội như thế nào?” Ông ta là người thu thuế chính trong thành Giêricô. Những người thu thuế cho đế quốc Rôma là những người xấu xa, ai cũng nói như thế. Người Rôma tuyển mộ những tên cướp ngày đó để thu thuế. Đây là những kẻ xấu xa thúc ép tất cả người dân và tống tiền họ. Người Rôma cho phép những kẻ này tính thuế vượt quá định mức khi họ thỏa thuận số tiền phải nộp cho Rôma. Thế là họ tham nhũng, bóc lột người nghèo và lừa bịp những kẻ có quyền lực. Đó là những con người vừa đáng sợ vừa đáng ghét. Đối với mọi người, họ độc ác và bất công. Giakêu không chỉ là một người thu thuế bình thường, ông còn là người đứng đầu chi cục thuế. Theo cách nói ngày nay, người ta sẽ gọi ông là trùm mafia, một đầu sỏ của tổ chức tội phạm, một “Bố già”. Giakêu không chỉ lùn về mặt thể chất. Ông ta là người thấp kém nhất trong số những người thấp kém, ông ta không quan tâm đến đạo đức, đến công bằng. Ông ta là một đại gia tài chính, nhưng lại là một kẻ tầm thường về đạo đức. Việc ông ta không thể thấy được Thiên Chúa không chỉ là một vấn đề thể chất, đó là một vấn đề đạo đức.
Chúng ta không chấp nhận Giakêu. Nhưng sự thật mà nói, tất cả chúng ta đều là Giakêu, Giakêu là chúng ta. Bạn có thể nói, “Khoan đã, tôi đâu tệ như vậy!” Có thể không phải như vậy, nhưng chúng ta cũng đâu có tốt lành mấy. Trên thực tế, chúng ta gần giống như Giakêu hơn là giống như Chúa Giêsu. Thực tế chứng minh là chúng ta vẫn chưa sẵn sàng nhìn thẳng vào khuôn mặt của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn muốn chứng tỏ “Tôi là tôi!” Chúng ta chưa sẵn sàng và không đủ công bằng để có thể thấy được khuôn mặt được mặc khải của Thiên Chúa. Làm thế nào mà Giakêu lại có thể hy vọng gặp được Thiên Chúa? Làm thế nào chúng ta hy vọng gặp được Thiên Chúa?
2. Cây sung cứu độ.
Giakêu trèo lên cây để gặp Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cũng phải leo lên. Và cây duy nhất thực sự có thể giúp chúng ta nhìn thấy Chúa chính là cây Thập giá. Giakêu phải bám vào gỗ của cây thập giá già nua đó để leo lên, và chúng ta cũng phải bám vào gỗ của cây thập tự gồ ghề già nua đó. Chỉ bằng gỗ thập giá và sức mạnh của Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể hy vọng leo đủ cao để nhìn thấy được Thiên Chúa. Có một bài thánh ca Latinh cổ nói rằng:
Crux fidelis, inter omnes
Arbor una nobilis:
Nulla silva talem profert
Fronde, flore, germine:
Dulce lignum, dulces clavos,
Dulce pondus sustinet.
Nghĩa là:
Ta tin thật muôn rừng xanh chẳng thấy
một cây nào cành hoa quả như ngươi,
mấy mũi đinh nhẹ quá thập tự ơi,
sao mang nổi tấm hình hài vô giá.
Như thế, Giakêu báo trước cho chúng ta biết rằng người công chính sinh ra từ thập giá, bằng cách trèo lên đó để có thể thấy được Chúa Giêsu.
3. Đấng Cứu Độ đem đền Ơn Thánh Hóa
Chúa Giêsu dừng lại bên cây sung đó, vì chúng ta luôn gặp Chúa Giêsu nơi cây thập giá. Và tại cây sung đem lại cơ may đó, cây thập giá đó, Chúa Giêsu mời Giakêu bước vào một mối tương quan cứu độ và biến đổi. Không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu tự đề nghị mình phải ở lại nhà Giakêu. Mặc dù bữa tối không được mô tả ở đây, nhưng đó lại là một khía cạnh cơ bản của lòng hiếu khách nơi người Do Thái. Chúng ta nhớ rằng, chính Chúa Giêsu là người phục vụ bữa ăn cuối cùng. Hãy thử suy gẫm các câu Tin Mừng này:
- “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Khải huyền 3:20)
- “Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy” (Luca 22: 28-29).
- “Khi gần tới làng họ muốn đến, Chúa Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Ngài rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn ." Bấy giờ Ngài mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”(Luca 24: 28-30)
Đúng thế, Giakêu bây giờ đã bắt đầu thấy được Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu mời gọi ông đón rước Ngài, đi vào một mối hiệp thông với Ngài. Mối tương quan đó và một bữa ăn với Chúa Giêsu, bữa ăn mang tính chất phụng vụ, sẽ bắt đầu biến đổi ông. Giakêu là chúng ta. Chúng ta cũng đã bắt đầu thấy được Thiên Chúa qua quyền năng của Thập giá làm tan đi sự mù lòa của chúng ta, và Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến hiệp thông thánh thiêng với Ngài. Phụng vụ và Rước lễ là điều cần thiết cho việc này, vì Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy để cho Ngài đến nhà của chúng ta, nghĩa là ngự vào tâm hồn, gia đình, xóm đạo và giáo xứ của chúng ta.
4. Bắt đầu trao dâng
Giakêu đang trải qua sự khởi đầu của một mối tương quan có sức biến đổi. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Giakêu hứa sẽ trả lại gấp bốn lần số tiền mà ông ta đã có được bằng cách cắt cổ người dân và cũng hứa sẽ chia một nửa số tiền của mình cho người nghèo, số tiền ông đã thu gom cách bất chính. Có một bài hát cũ nói rằng, “Tôi trao dâng tất cả….” nhưng Gia kêu vẫn chưa hoàn toàn đạt đến mức độ đó, và có lẽ hầu hết chúng ta cũng vậy. Cuối cùng Gia kêu sẽ trao dâng tất cả, và chúng ta cũng vậy. Nhưng phải có thời gian. Bây giờ ông ta cần phải ở gần thập giá để nhìn thấy và tiếp tục cho phép Chúa Giêsu hiệp thông với ông. Một ngày nào đó tất cả sẽ được trao dâng, phó dâng hoàn toàn.
Vì vậy, đây là sự khởi đầu cho Giakêu, và cho chúng ta. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa đến. Có thể nói rằng câu chuyện kết thúc ở đây chính là để chờ đợi những câu chuyện khác diễn ra, dài hoặc ngắn, tùy vào cung cách sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Có bài hát rằng: “Tôi đã chìm sâu trong tội lỗi, xa bến bờ bình yên. Rất sâu trong lòng tôi bị vấy bẩn, bị chìm xuống không sao nổi lên được. Nhưng chủ nhân của biển cả đã nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của tôi và từ trong đáy nước đã nâng tôi lên. Giờ đây tôi được an toàn. Tình yêu đã nâng đỡ tôi! Khi không có gì khác có thể giúp được tôi, thì tình yêu đã nâng đỡ tôi !”
Thánh vịnh 18 cũng ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai tìm kiếm và kêu cầu Ngài:
“Sóng tử thần dồn dập chung quanh,
thác diệt vong làm tôi kinh hãi,
màng lưới âm ty bủa vây tứ phía,
bẫy tử thần ập xuống trên tôi.
Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa,
kêu lên Ngài là Thiên Chúa của tôi.
Từ thánh điện, Ngài đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Ngài ….
Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy,
vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông,
cứu tôi thoát đối phương tàn bạo
và kẻ thù mạnh thế hơn tôi.
Chúng tấn công tôi ngày tôi lâm nạn,
nhưng Chúa thương bênh đỡ phù trì,
Ngài kéo tôi ra chỗ thảnh thơi,
vì yêu thương tôi nên Ngài giải thoát”
(Tv 18: 5-7; 18-21).
Tiên tri Giêrêmia khẳng định ai tìm kiếm Thiên Chúa hết lòng sẽ gặp được Ngài: “Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta” (Giêrêmia 29: 13).
Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu của Ngải: “Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (Giacôbê 4: 8).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không đóng kín trong thế giới của Ngài, nhưng tiếp tục ‘ra đi’ tìm kiếm con người, bởi vì Ngài không muốn ai bị loại trừ khỏi kế hoạch Yêu thương của Ngài. ” (Kinh Truyền tin, ngày 20/9/2020).
Lạy Chúa, giống như Giakêu, chúng con vui mừng đón Chúa đến nhà của chúng con ngay bây giờ. Xin giúp chúng con hiểu rõ rằng chúng con luôn luôn ở trong sự hiện diện yêu thương của Chúa, mọi lúc và mọi nơi. Xin giúp chúng con nhận ra rằng điều thánh thiêng vẫn có nơi mỗi người mà chúng con gặp gỡ trong đời, ngay cả nơi những người mà có thể chúng con cảm thấy khó tính khó nết. Xin giúp chúng con thực sự ý thức rằng tình yêu thương của Thiên Chúa ôm trọn tất cả mọi người chúng con. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập,
theojoyfulheart.com và blog.adw.org
https://thanhlinh.net/node/148402
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét