Huấn dụ của Đức Thánh Cha buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật 25/7 Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ nhất
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật tuần này thuật lại câu chuyện nổi tiếng về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giêsu đã cho khoảng 5 ngàn người đến nghe Người ăn (x. Ga 6,1-15). Thật là thú vị khi thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tạo ra bánh và cá từ hư không, mà Ngài làm việc này với những gì các môn đệ mang đến cho Ngài. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Câu 9). Nó là ít, nó không là gì, nhưng nó là đủ cho Chúa Giêsu.
Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu chú bé chia sẻ mọi thứ chú bé ấy mang theo ăn dọc đường. Đó có vẻ là một đề xuất không hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công. Tại sao lại tước đi của một người, thực sự là một đứa trẻ, những gì đứa bé ấy đã mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy đi của một người những gì không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi luận lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, nhờ món quà anh hùng nhỏ bé được ban tặng nhưng không đó, Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều điều với những gì chúng ta chấp nhận bỏ ra theo thánh ý của Ngài. Sẽ rất tốt nếu anh chị em tự hỏi bản thân mình mỗi ngày: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?”. Ngài có thể làm được nhiều điều với một lời cầu nguyện của chúng ta, với một cử chỉ bác ái đối với người khác, ngay cả với một trong những đau khổ của chúng ta được dâng lên cho lòng thương xót của Ngài. Những điều nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên cho Chúa Giêsu, và Ngài làm phép lạ. Đây là cách Thiên Chúa ưa thích hành động: Ngài làm những điều lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những điều được trao ban một cách nhưng không.
Tất cả các nhân vật chính vĩ đại của Kinh thánh - từ tổ phụ Ápraham, đến Đức Maria, đến cậu bé trong Phúc Âm ngày hôm nay - đều thể hiện logic của sự nhỏ bé và cho đi. Logic của sự nhỏ bé và sự cho đi. Logic của việc cho đi rất khác so với chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và gia tăng những gì chúng ta có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, và giảm bớt. Chúng ta thích toán cộng, chúng ta thích bổ sung; Chúa Giêsu thích toán trừ, lấy một thứ gì đó đi để cho người khác. Chúng ta muốn nhân lên cho chính mình; Chúa Giêsu đánh giá cao khi chúng ta chia sẻ với người khác, khi chúng ta trao ban. Điều thú vị là trong những lời tường thuật về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong các sách Phúc âm, động từ “nhân lên” không bao giờ xuất hiện: không. Trái lại, các động từ được dùng có nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “cho”, “phân phát” (x. Câu 11; Mt 14:19; Mc 6:41; Lc 9:16). Còn động từ “nhân lên” không được sử dụng. Chúa Giêsu nói, phép lạ thực sự không phải là sự nhân lên tạo ra sự phù phiếm và quyền lực, mà là sự chia sẻ làm gia tăng tình yêu thương và để cho Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ thêm: chúng ta hãy cố gắng noi theo cách Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Ngay cả ngày nay, sự gia tăng hàng hóa cũng không thể giải quyết được vấn đề của thế giới nếu không có sự chia sẻ công bằng. Bi kịch của nạn đói xuất hiện trong tâm trí tôi, đặc biệt khi nạn đói ấy ảnh hưởng đến những đứa trẻ nhỏ. Người ta đã tính toán chính thức rằng mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì suy dinh dưỡng, vì chúng không có những gì chúng cần để sống. Đối mặt với những vụ tai tiếng như thế này, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời mà cậu bé có lẽ đã nhận được trong Tin Mừng, người không có tên tuổi và là người mà tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình: “ Hãy can đảm, cho đi những gì bé mọn anh chị em có, tài năng của anh chị em, của cải của anh chị em, hãy làm cho những điều ấy có sẵn cho Chúa Giêsu và cho các anh chị em khác. Đừng sợ, anh chị em sẽ không mất gì cả, vì nếu anh chị em chia sẻ, Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy loại bỏ mặc cảm giả tạo khi cảm thấy mình còn thiếu sót, hãy tin tưởng vào bản thân. Hãy tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của sự nhưng không.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã trả lời “xin vâng” trước lời đề nghị chưa từng có của Thiên Chúa, giúp chúng ta mở lòng đón nhận những lời mời gọi của Chúa và mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Source:Holy See Press Office
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét