Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 15 TN Năm B   –  Mc 6,7-13

–Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J–

  1. Đọc Mc 1,16-20; 3,13-19 và 6,7-13. Bạn có thấy những điểm chung trong ba đoạn Tin Mừng trên không ? Bạn có thấy có sự tiến triển của các môn đệ qua ba đoạn văn này không?
  2. Tại sao Đức Giêsu sai các ông đi từng hai người một? Đọc Đệ nhị luật 19,15 và Công vụ 3,1-15; 4,13-21; 11,25-26.30; 13,2-3.
  3. Đọc Mc 6,8-9. Rốt cuộc, khi đi đường, các môn đệ được mang những gì và không được mang gì? So sánh với Mt 10,9-10 và Lc 9,3; 10,4 có gì khác biệt không?
  4. Đọc Mc 6,10. Nếu được đón nhận, tại sao Đức Giêsu bảo hãy ở lại nhà đó cho đến lúc ra đi?
  5. Đọc Mc 6,11. Nếu không được đón nhận, tại sao lại giũ bụi đất dưới chân? Đọc Lc 10,10-12; Cv 13,51.
  6. Đọc Mc 6,12-13. Các môn đệ đã ra đi và đã làm những việc gì? Thầy Giêsu có làm những việc đó không? Nhờ đâu Nhóm Mười Hai làm được như Thầy? Đọc Mc 1,15.23-28; 5,1-17; 1,29-34.40-45; 3,1-6; 5,21-43.
  7. Đức Giêsu có muốn sai Nhóm Mười Hai vào các làng mạc vùng Galilê không? Đọc Mc 1,38. Trong Tin Mừng Mác-cô Đức Giêsu có muốn các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc khác không? Đọc Mc 13,10; 14,9; 16,15.20.
  8. Bạn thấy cách hoạt động của Đức Giêsu (rao giảng Nước Trời và chữa bệnh, trừ quỷ) có áp dụng được vào thời đại hôm nay của Giáo Hội không?

 

Câu hỏi suy niệm: Đọc Mc 6,8-9. Bạn hãy tưởng tượng xem nếu Đức Giêsu sống vào thời đại chúng ta, Ngài sẽ cho phép chúng ta được mang gì và không được mang gì khi sai chúng ta đi truyền giáo?

Đọc Mc 6, 12-13. Nếu Đức Giêsu sống ở Việt Nam vào lúc này, Ngài sẽ mời chúng ta làm những việc gì cho đồng bào của mình?

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Một điểm chung của cả ba đoạn Tin Mừng trên đó là: sau khi gọi các môn đệ đi theo mình, Đức Giêsu đều muốn sai các môn đệ đến với dân chúng. Ơn gọi đi theo Đức Giêsu luôn đi kèm với ơn gọi đến với tha nhân. Ngay từ đầu Ngài đã nói với Simôn và Anrê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người ta” (Mc 1,17). Người ta là một mục tiêu quan trọng trong ơn gọi của các môn đệ. Rồi khi lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài, Đức Giêsu cũng muốn sai các ông đi rao giảng và có quyền trừ quỷ (Mc 3,14-15). Ở với Đức Giêsu và được sai đến với dân chúng, đó là hai yếu tố làm nên ơn gọi môn đệ. Cuối cùng, Ngài đã thực sự sai họ đi vào các làng ở vùng Galilê để giảng dạy, trừ quỷ, và chữa bệnh (Mc 6,7-13), sau khi họ đã ở với Ngài một thời gian dài, nghe Ngài giảng và chứng kiến những phép lạ Ngài làm (Mc 1,21.29.35-38; 2,15-16.23 3,7-9.20; 4,10-25.35; 5,1; 6,1).
  2. Có thể Đức Giêsu sai các ông đi từng hai người một để họ bọc lót, nâng đỡ và bảo vệ nhau khi đi đường cũng như khi thi hành sứ vụ. Trong sách Công vụ Tông đồ, hai ông Phêrô và Gioan cùng làm chứng cho Đức Giêsu ở Giêrusalem (Cv 3,1-15 và 4,13-21). Sau này hai ông Saolô và Banaba cùng làm việc với nhau ở Antiôkia (Cv 11,25-26.30; 13,2-3). Cũng có thể việc sai đi hai người một là để lời chứng của họ có giá trị pháp lý, vì theo Cựu Ước, để buộc tội hay để làm chứng chuyện gì, cần có ít nhất hai người đàn ông nhất trí với nhau (Đnl 19,15; Ds 35,30).
  3. Theo chỉ thị của Thầy Giêsu ở Mc 6,8-9, các môn đệ không được mang bánh, bao bị hay tiền giắt lưng, chỉ được mặc một áo trong, được đi dép có quai (sandal) và cầm gậy. Đó là tất cả hành trang của họ khi đi đường. Với hành trang tối giản này, các môn đệ bị tước mất mọi chỗ dựa bình thường của những người đi đường xa. Họ có thể bị đói vì không có bánh, không thể mang theo những đồ dùng cần thiết vì không có bao bị, không thể mua đồ cần dùng vì không có tiền. Họ cũng không có nhiều áo trong để thay. Tuy nhiên, họ được đi dép có quai, và có gậy để tự bảo vệ. Sau này, trong Mt 10,9-10 và Lc 9,3; 10,4 Thầy Giêsu còn đòi hỏi hơn khi không cho họ mang gậy và dép.
  4. Nếu được một gia đình đón nhận, Đức Giêsu khuyên không nên bỏ nhà đó để qua nhà khác chỉ vì nhà khác giàu có hơn, tiện nghi hơn. Làm thế là gây chia rẽ giữa những người tín hữu, phân biệt đối xử giàu nghèo (x. Gc 2,1-13). Làm thế cũng là gây gương xấu, vì cho thấy mình còn bị mê hoặc bởi vật chất dưới đất đang khi mình rao giảng về những giá trị tinh thần của Nước Trời. Ở lại trong một gia đình, đón nhận tất cả những gì họ cung cấp về ăn ở, để từ đó đi phục vụ những gia đình khác. Như thế đối với các môn đệ, gia đình là trụ sở đầu tiên để họ thi hành sứ vụ.
  5. Nếu có nơi nào không đón tiếp, không chịu nghe Tin Mừng, thì hãy bỏ đi và giũ bụi chân lại (Mc 6,11). Giũ bụi chân có thể mang nhiều ý nghĩa. Đó có thể là cử chỉ cho thấy mình không muốn liên hệ gì đến họ nữa, cắt đứt mối tương giao, và họ phải chịu trách nhiệm về sự từ chối của họ (x. Cv 13,51). Đó cũng có thể là lời làm chứng chống lại họ (Mc 6,11), khiến họ có thể bị xét xử vào ngày sau hết (Lc 10,11-12).
  6. Sau khi được Thầy Giêsu sai đi, Nhóm Mười Hai đã vâng lời Thầy lên đường. Đây là lần đầu tiên họ được Thầy sai đi thực sự, dù ngay từ ngày được gọi để ở với Thầy, Thầy đã báo sẽ sai họ đi rồi (Mc 3,14-15). Nhóm Mười Hai được chia thành 6 nhóm nhỏ. Họ đã làm được tất cả những gì Thầy Giêsu đã làm trước đây: rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần và kêu gọi người ta hối cải (x. Mc 1,15 // 6,12); trừ nhiều quỷ (Mc 1,23-28; 5,1-17 // 6,13); và chữa bệnh cho người yếu đau (Mc 1,29-34.40-45; 3,1-6; 5,21-43 // 6,13). Họ thành công vì họ được Thầy sai đi rao giảng (Mc 3,14), và Thầy ban cho họ quyền trên các thần ô uế (Mc 3,15; 6,7).
  7. Đức Giêsu đã muốn cùng với các môn đệ đi rao giảng cho các làng mạc chung quanh ở vùng Galilê (Mc 1,38). Giờ đây, Ngài còn muốn sai họ đi từng đôi một đến các làng đó (Mc 6,6b-7). Như vậy Ngài muốn trước tiên sai họ đến với đồng bào của mình ở Israel. Nhưng trước khi tận thế đến, Tin Mừng còn phải được rao giảng cho mọi dân tộc, nghĩa là cho dân ngoại, cho những dân không phải là dân Israel (Mc 13,10). Tin Mừng phải được rao giảng cho toàn thế giới, cho mọi thụ tạo (Mc 14,9; 16,15). Ở đây ta thấy ước mơ lớn của Đức Giêsu và Nhóm Mười Một đã vâng lời thực hiện (Mc 16,20).
  8. Cách hoạt động của Đức Giêsu vẫn có thể hợp với thời đại hôm nay. Giáo Hội không chỉ rao giảng và mời sám hối, không chỉ đem thức ăn thiêng liêng cho linh hồn con người, Giáo Hội còn để ý đến nhu cầu của thân xác nữa như đói khát, bệnh tật… Giáo Hội còn để ý đến những trói buộc tinh thần mà con người hôm nay đang chịu để giải phóng họ.