Các thuộc tính của Omega

Các bản văn trước đó đã liệt kê một số thuộc tính của Omega thần linh này, "chỉ có một Omega đích thực". Không nghi ngờ gì nữa, một “Trung tâm” như vậy, một “Cực”, một “Tiêu điểm” như vậy, “tự bản thân nó, và theo định nghĩa, chúng ta không thể tri nhận trực tiếp được”; vì nó là vấn đề của một “Năng lực ở ngoài vũ trụ, ở tận nguồn gốc của nó (mặc dù nội tại và ở tận cùng của nó)” (56). Như thế, việc phân tích chuyển động biến hóa và nhu cầu khả tri của nó không đủ để khiến chúng ta thâm nhập vào “bản chất bên trong của Omega”; nhưng nó vẫn cho phép chúng ta “đưa ra một số điều kiện mà nó phải đáp ứng để chu toàn vai trò của nó” (57).



Điều kiện đầu tiên trong số những điều kiện này, hay thuộc tính đầu tiên của Omega, hướng ra ngoài là chính thực tại của nó, hay hiện thực của nó: “Trung tâm lý tưởng, trung tâm ảo: không điều gì trong số này có thể đầy đủ. Tương ứng với tuệ quyển hiện tại và thực chất phải có một trung tâm thực chất và hiện tại. Để trở nên cực kỳ hấp dẫn, Omega phải cực kỳ hiện hữu” (58). Trong nó, phải có “quyền lực kiểm soát thời gian và cơ may”, một mình nó có khả năng cung cấp sự bảo đảm cho thành công của tinh thần chúng ta. Như chúng ta đã thấy, đây là “người chuyển động đầu tiên và là người thu thập cuối cùng”, nói cách khác, cùng một lúc là Alpha và Omega, “nguồn gốc duy nhất, phát khởi duy nhất, kết thúc duy nhất” (59). “Hữu thể đệ nhất đẳng” này tất yếu là một “Hữu thể bản vị [hoặc ‘siêu bản vị’]”, vì đây là một “Tiêu điểm bản vị hóa” (60). Đây là “cực hội tụ thực sự”, “Trung tâm khác với tất cả các trung tâm, vì nó ‘siêu tập trung’ (overcenter) bằng cách đồng hóa chúng, Bản vị khác với mọi bản vị, vì nó kết thúc bằng cách hợp nhất chúng” (61).

Đây là một khẳng định lớn đối với Teilhard, một khẳng định trong đó ngài không bao giờ ngừng quay trở lại: “Một thế giới được tưởng tượng như đang trôi về phía phi bản vị... sẽ trở nên không thể nghĩ tưởng được và đồng thời không thể sống được” (62), và“ các yếu tố bản vị của vũ trụ sẽ trở lại tình trạng rối loạn (có nghĩa là hư vô) nếu chúng không gặp được siêu bản vị đã hiện thực hoá, để cai trị chúng. Như thế, trong thế giới xung quanh chúng ta, phải tìm được không những việc dự ứng mà còn là bộ mặt nhận dạng được của một nhân cách phổ quát” (63). Nói cách khác, chúng ta phải đề ra một Thiên Chúa như “bản vị tối thượng, mà từ đó chúng ta càng được phân biệt khi càng để mình mất hút trong Người” (64). Do đó, “Trung tâm tối thượng”, Omega, phải được coi là “nhân cách tối cao”. Đó là “đỉnh của siêu việt”, “siêu việt nguyên thủy”, “thực tại siêu việt” (65). Tóm lại, “tính tự chủ, tính hiện thực, tính bất khả phản hồi, và cuối cùng tính siêu việt: bốn thuộc tính của Omega” (66).

Thuộc tính thứ tư này, một thuộc tính không khuyến khích chúng ta bao gồm trước “bản chất bên trong của Omega” vào một định nghĩa thuần lý, tuy nhiên, không để chúng ta rơi vào trạng thái hoàn toàn không biết gì về nó. Hữu thể này, hữu thể “không chỉ đứng đầu tất cả các chuỗi, mà... một cách nào đó, còn là chuỗi ngoại hạng [hors série] ”, Hữu thể này, hữu thể một mình “tìm thấy trong mình sự nhất quán riêng của mình” (67), là một Hữu thể mầu nhiệm: Người “không tỏ mình Người trước các hữu thể hữu hạn chúng ta như một điều đã làm sẵn chỉ cần được đón nhận”, nhưng Người “là sự khám phá vĩnh cửu và là sự phát triển vĩnh cửu đối với chúng ta. Chúng ta càng tin rằng chúng ta đang hiểu Người, thì Người càng bộc lộ mình là người khác. Chúng ta càng nghĩ cách nắm lấy Người, thì Người càng rút lui, bằng cách kéo chúng ta vào thẳm sâu trong chính Người...” (68).

Chúng ta nên lưu ý rằng, đây đó, Cha Teilhard de Chardin khẳng định, về điểm Omega, rằng nó “siêu việt một phần, nghĩa là, một phần độc lập đối với sự biến hóa lên đến đỉnh điểm trong Nó”. Đó là bởi vì ngài nối kết với nhau, hay đúng hơn ngài vẫn giữ cho chúng hợp nhất, theo luận lý khám phá, hai ý nghĩa mà ngài đã lần lượt thừa nhận cho hạn từ Omega này. Nói cách khác, như thế, ngài nói, không những về một mình Thiên Chúa cũng như về một mình thế giới, mà là về “điểm gặp gỡ của họ”, và ngài không thể quên, như một phương pháp, rằng trước nhất chính thế giới hợp nhất, thế giới đã đến cùng đích của nó được ngài tự nhiên gọi bằng cái tên đầy biểu tượng ấy. Phần còn lại của bản văn mà từ đó chúng ta vay mượn các chữ trên đây cho chúng ta thấy điều này khá rõ ràng. Thực vậy, ngài nói với chúng ta, “nếu Omega không thoát khỏi, cách nào đó, các điều kiện về thời gian và không gian, thì nó có thể không hiện diện với chúng ta cũng như không có khả năng... tạo ra các niềm hy vọng về tính bất phản hồi, mà nếu không có nó, bắt đầu từ con người, thì quá trình hình thành trung tâm [centrogenesis] sẽ ngừng hoạt động. Nó phải như thế để, qua một khuôn mặt của chính nó [= khuôn mặt thần linh của nó, Thiên Chúa], khác với khuôn mặt mà dưới nó, chúng ta thấy nó được hình thành [= khuôn mặt vũ trụ và nhân bản của nó, Omega, khuôn mặt ‘nội tại'], nó có thể xuất hiện vĩnh viễn bên trên thế giới mà từ đó, nó vẫn đang trong diễn trình xuất hiện, nếu nhìn dưới một góc độ khác,...” (69).

Nói cách khác, một lần nữa, Omega phức tạp này, ở phần cuối của diễn trình lập luận vốn lấy điểm xuất phát từ việc quan sát vũ trụ đang trên đường hợp nhất, xuất hiện như “một hệ thống tập trung vào các trung tâm, nhưng” tự tập trung vào “Trung tâm của các trung tâm”. “Trung tâm của trật tự cao hơn”, trung tâm vừa kể “đang chờ đợi chúng ta — xem ra — không những ở bên cạnh mà còn ở bên kia và ở trên chính chúng ta” (70).

... Và, nếu chúng ta mô tả các khía cạnh khác trong bằng chứng của Teilhard, có lẽ chúng ta sẽ thấy rõ hơn tính hiện thực của Omega là tính hiện thực của tình yêu như thế nào; tính bản vị [personality] của nó là tính bản vị của tình yêu ra sao, sức mạnh thu hút của nó, sự kích hoạt và kết hợp của nó là sức mạnh của tình yêu như thế nào; cuối cùng, làm thế nào Omega chính là tình yêu, cùng một lúc là “đáng yêu và đầy yêu thương” (71).

Lý trí và mạc khải

Chúng ta đã thấy vài lần, và qua một số đoạn văn vừa được trích dẫn, chúng ta sẽ thấy lại rằng sự cần thiết phải đề ra sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa vào cơ sở quan sát Thế giới trong diễn trình biến hóa hội tụ, trước nhất, phụ thuộc vào đôi mắt của Cha Teilhard — trước nhất, mặc dù không duy nhất — về sự nhất thiết của việc đề ra [pose] một Hữu thể hợp nhất hóa. Chủ yếu chính trong chức năng hợp nhất hóa của Người mà ta vươn tới Thiên Chúa (72).

Mặt khác, sách Khải Huyền của Kigtô giáo dạy chúng ta rằng Thiên Chúa đã tạo ra Thế giới trong ý nghĩ yêu thương, để kết hợp nó với chính Người; việc hoàn thành kế hoạch thần linh này đã được thực hiện qua việc Nhập thể; và chính nhờ sự kết hợp của chúng ta được hoàn thành trong Chúa Kitô (Nhiệm Thể) mà mỗi người chúng ta thấy mình được kết hợp với Thiên Chúa.

Cha Teilhard de Chardin luôn luôn tuyên xưng một ý niệm nghiêm ngặt về mạc khải, được nhìn nhận trong hai đặc tính của nó, tri thức (không loại trừ cảm giới) và siêu nhiên. Ngài biết rằng đó là “khẳng định từ trên cao” và nó lên đến tuyệt đỉnh trong “sự kiện Nhập thể” (73). Vì vậy, khi ngài nói, trong Le Christique (1965): “Phân tích đến cùng, sự hình thành vũ trụ, sau khi được khám phá, theo trục chính của nó, từ sự hình thành sự sống, rồi đến sự hình thành trí tuệ, lên đến tuyệt đỉnh là việc hình thành Kitô (christogenesis) mà bất cứ Kitô hữu nào cũng tôn kính”, ngài không hề ngụ ý nói rằng chính nhờ phép biện chứng tự nhiên mà có việc chuyển dịch trong tinh thần chúng ta từ việc hình thành trí tuệ đến việc hình thành Kitô. Một số lời giải thích rút ngắn nào đó mà vì đó, ngài đã đặt mình ngay lập tức vào quan điểm đức tin, đã đánh lừa một số nhà bình luận. Tuy nhiên, như Bà M. Barthélemy-Madaule từng nhận xét, “thường là chính chúng ta”, trong khi tóm tắt các suy tư của ngài, “đã pha trộn các bình diện, đã tạo ra quá sớm, không phải một tổng hợp, mà là một hỗn hợp, để rồi sau đó phải ngạc nhiên trước sự mơ hồ hỗn độn” (74). Chính Cha Teilhard đã chỉ trích những người, theo ngài, lẫn lộn "một cách ngây thơ" giữa "các bình diện của Thực tại" và những người, chẳng hạn, biến Chúa Kitô thành "một tác nhân vật lý thuộc cùng trật tự với sự sống hữu cơ hoặc thinh không [ether]": một người đối với ngài dường như "đáng trách và đáng cười" (75). Ngài thường phân biệt rõ ràng hai lĩnh vực của điều ngài gọi là “sự thật trên trời” và “sự thật dưới đất”, hoặc “điều được giảng dạy” và “điều được tìm thấy”, hoặc một lần nữa “lãnh vực thần linh” và “lãnh vực vũ trụ”. Để xác minh điều này, người ta chỉ cần quan sát việc soạn thảo một số tác phẩm của ngài; chẳng hạn, ngài giới thiệu “Hiện tượng Kitô giáo” tiếp sau bài phân tích dài về “Hiện tượng con người” ra sao, hoặc trong chính cuốn Le Phénomene humain [Hiện tượng Con người] hoặc trong cuốn Les Singularités de l’espèce humaine [Các tính độc đáo của loài người]; hay đúng hơn, ngài kêu gọi “nhà huyền bí Kitô giáo” ra sao ở phần cuối cuốn “Các suy tư về hạnh phúc” của ngài; hoặc một lần nữa, trong phần thứ hai của cuốn Comment je crois (tôi tin ra sao), ngài rời con đường kinh nghiệm cá nhân và chứng minh thuần lý ra sao để nghi vấn lịch sử.

Để mô tả sự mạc khải thần linh này, ngài nói tới “Omega được phản tỉnh, được mạc khải, về phương diện cảm giới và khả niệm, trên bề mặt phản tỉnh của tuệ quyển” (76). Với độ chính xác rõ ràng, ngài viết: “Toàn bộ giá trị của Kitô giáo, toàn bộ năng lực nâng cao linh hồn của nó, phụ thuộc vào sự kiện này là nó được trình bày như một Áp đặt từ bên trên, như từ Một Đấng Khác..., đã được hiện thực, đã được cấu thành, bên ngoài chúng ta [extra nos]: đó chính là yếu tính của ý niệm Khải Huyền” (77). Nhưng ngài cũng nói: “Kitô hữu chỉ cần suy gẫm kinh Tin Kính của mình để tìm thấy, ngài thừa nhận trong Mạc khải, sự nên trọn giấc mơ đạt tới ngưỡng cửa của điều triết học dẫn họ tới một cách hợp luận lý, một giấc mơ họ không bao giờ hy vọng đạt tới” (78). Thực vậy, họ biết rằng thực tại của Chúa Kitô không cách nào được diễn dịch từ Thế giới, nhưng ngài cũng biết rằng Mạc khải củng cố, mở rộng và đạt được công trình được lý trí phác thảo. Ngài vui mừng phát hiện ra một “sự tương đồng đáng kể” giữa các quan điểm tín điều và các kết luận hoặc các giả thuyết cuối cùng mà việc nghiên cứu hiện tượng con người dẫn con người đến, một điểm tương đồng mà ngài có lý gán cho “ảnh hưởng” và “sự tỏa sáng” của mạc khải Kitô giáo. Giữa lý trí và đức tin, cũng như giữa tự nhiên và ân sủng, nếu có sự gián đoạn, phân biệt và phẩm trật, thì cũng có bấy nhiêu sự hòa hợp. Teilhard đôi khi nhấn mạnh, và chắc chắn đôi khi quá mức về khía cạnh thứ hai của hai khía cạnh này, nhưng không thiếu việc thực sự thừa nhận khía cạnh đầu tiên.

Omega được Kitô hóa

"Trong bất cứ giả thuyết nào, thế giới đòi hỏi được tập trung để có thể suy nghĩ được". Tuy nhiên, nó có thể như thế theo nhiều cách ít nhiều không hoàn hảo rất khó cho chúng ta ngày nay hình dung được. “Đặc tính 'ân sủng' của thế giới chính là ở sự kiện này là vị trí trung tâm vũ trụ không được dành cho bất cứ trung gian nào giữa Thiên Chúa và vũ trụ" – một vũ trụ, do đó, không đạt được một "tính trung tâm" hoàn hảo - "nhưng nó được chính Thần tính tiếp thu, dẫn nhập chúng ta... vào tâm điểm tính nội tại của Người” (79) Nói cách khác, “thay cho một tiêu điểm hội tụ mơ hồ được yêu cầu như một kết cục cho [sự] Biến hóa, thực tại bản vị và xác định của Ngôi Lời nhập thể, nơi Người muôn vật có được sự nhất quán, xuất hiện và trở nên cố định” (80). “Đương nhiên”, lúc đó, sẽ “chỉ có sự mong đợi một sự thống nhất hóa: không có Chúa Kitô, vũ trụ sẽ không có bất cứ Omega tự nhiên nào; nó sẽ vẫn mở mãi”; nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, “Sự nhập thể đã đúc khuôn lại Vũ trụ trong siêu nhiên tốt đến nỗi, nói một cách cụ thể, chúng ta không còn tìm kiếm, hoặc tưởng tượng, các yếu tố của thế giới này, sau khi bị hút về một trung tâm nào đó, mà không cần được nâng lên ân sủng” (81).

Do đó, công thức Teilhard: “Chúa Kitô được mạc khải không là gì khác ngoài là Omega” (82) hoặc các công thức tương tự. "Hố phân cách" từ trật tự tự nhiên qua trật tự siêu nhiên đã được bắc cầu. “Dưới tác động soi sáng của ân sủng, tinh thần chúng ta nhận ra trong các đặc tính hợp nhất của hiện tượng Kitô một sự biểu lộ (phản chiếu) của Omega lên ý thức con người, và nó đồng nhất Omega của lý trí với Chúa Kitô phổ quát của mạc khải” (83). Sau khi trích dẫn các bản văn của thánh Phaolô vốn rất thân thiết đối với ngài: “In eo omnia constant [Trong Người, mọi sự vẫn tiếp tục hiện hữu]” (Cl 1:17); “Ipse est qui replet omnia [Tất cả đều trọn vẹn trong Người]” (Cl 2:10; x. Ep 4: 9); “Omnia in omnibus Christus [Chúa Kitô là tất cả trong tất cả]” (Cl 3:11), Cha Teilhard có thể thốt lên: “Đó chính là định nghĩa của Omega”. Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã chết và đã phục sinh, đã trở thành “Chúa Kitô vũ trụ”. Chính Người ban cho mọi sự tính nhất quán của chúng, hợp nhất mọi hữu thể và ảnh hưởng đến chúng tất cả, “về mặt thể lý” (với những chính xác mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau). Vũ trụ đã "được Kitô hóa".

“Qua việc Nhập thể, Thiên Chúa xuống với thiên nhiên để siêu sinh động và mang nó trở lại với Người.... Tự nó, tín điều này có thể phù hợp với nhiều cách trình bầy khác nhau về thế giới kinh nghiệm”. Người Kitô hữu chưa bao giờ gặp khó khăn suy nghĩ trong khuôn khổ một vũ trụ tĩnh, và Cha Teilhard de Chardin không ngây thơ đến mức tưởng tượng rằng một Thánh Phaolô hay một Thánh Gioan hẳn đã hình dung trước diễn trình biến hóa phổ quát; ngài không đủ liều lĩnh để tin rằng khi chính mình nhận thức về nó, ngài đã có được một cái nhìn sâu sắc về mầu nhiệm hơn cái nhìn của họ. Mặt khác, ngài có bằng chứng này là, trong một vũ trụ như thuyết biến hóa duy vật quan niệm, “Kitô giáo sẽ bị bóp nghẹt”. Nay, về mặt con người mà nói, cách đây không lâu, rủi ro là điều nghiêm trọng; nó như sắp xảy ra. “Theo quan điểm của con người, một vũ trụ đang trong diễn trình hình thành nhất định sẽ thay thế cho vũ trụ tĩnh của các nhà thần học. Và, ngược lại, từ trực giác mới này, một nền huyền nhiệm đặc biệt chắc chắn cũng sẽ phát tỏa: ít nhiều tôn thờ niềm tin vào tương lai biến hóa của trái đất và vũ trụ.... Vũ trụ khi đã khởi động, một loại Thần tính, hoàn toàn nội tại đối với thế giới, có xu hướng dần dần được thay thế, trong ý thức con người, cho Thiên Chúa siêu việt của Kitô giáo... ”. Do đó, nhiệm vụ của Cha Teilhard, một nhiệm vụ mà vì nó xem ra ngài có thể đặt câu hỏi một cách hợp pháp: Há tín điều Nhập thể, mặc dù tự nó không phụ thuộc vào bất cứ sự trình bày nào của chúng ta hoặc vào các giả thuyết khoa học nào của chúng ta, “đã không tìm thấy bầu khí của nó được thích nghi tốt hơn trong... các quan điểm... của một vũ trụ được Chúa Thánh Thần kéo theo đó sao”? (84). Bây giờ chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và sự quan tâm của bản văn đã được trích dẫn:

“Dưới tác động soi sáng của ân sủng, tinh thần của chúng ta nhận ra trong các thuộc tính hợp nhất của hiện tượng Kitô, một sự biểu lộ (phản chiếu) của Omega trên ý thức con người, và nó đồng nhất hóa Omega của lý trí với Chúa Kitô phổ quát của mạc khải” (85).

Như thế, Cha Teilhard cho rằng tính biến đổi [transformism], nếu được nghiên cứu và hiểu biết một cách nghiêm túc hơn, sẽ chứng tỏ là thích hợp để “cung cấp một cơ sở tuyệt vời cho tư tưởng và thực hành Kitô giáo” (86):

“Theo kinh nghiệm, không những Kitô học truyền thống chứng tỏ có khả năng dung nạp một cấu trúc biến hóa của Thế giới; mà, trái với mọi kỳ vọng, nó còn ở giữa cảnh vực hữu cơ và đơn nhất mới này, chính nhờ việc uốn cong [curvature] đặc biệt này của Không gian liên kết với Thời gian, mà nó phát triển một cách tự do nhất và trọn vẹn nhất. chính ở đó mà nó mặc được bộ mặt thật của nó.... Kitô giáo và Biến hóa: không phải là hai viễn kiến không thể hòa giải, mà là hai viễn kiến được tạo ra để phù hợp và hoàn chỉnh lẫn nhau” (87).

Ở đây, lúc này, trong sự hài lòng vì đã hoàn toàn xoay chuyển được một tình huống nguy cấp, nhà hộ giáo đã để bản thân được đưa đến một số quá mức, trái ngược với những lời khẳng định chừng mực hơn mà ngài từng nói ra lúc đầu. Tuy nhiên, ít nhất một điều có vẻ rất chắc chắn. Không những công thức, cuối cùng, cho rằng Chúa Kitô của Mạc khải không là ai khác mà chính là Omega của Biến hóa, hiểu theo lối giải thích của Cha Teilhard, không đưa ra điều gì làm người ta lo lắng hoặc thậm chí, nói cho ngay, nghịch lý, nhưng, vì không hề thừa nhận một hệ thống “sự thật kép” nào đó vốn không thể chấp nhận được, nó còn là một điều bắt buộc. Omega của Sách Khải huyền và Omega của Biến hóa không thể là hai đỉnh cao khác biệt và là đối thủ của nhau. Đây thực sự là Omega, được phát hiện trong tính siêu việt của nó ở cuối cuộc điều tra thuần lý, và không ai khác, khiến người Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin của mình, có thể nói rằng nó có, hoặc nó là, một “tiêu điểm ba ngôi” [trinitarian focus]. Chỉ có một, một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa của đức tin thực sự không thể khác hơn là Thiên Chúa của lý trí. Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp có lẽ không phải là “Thiên Chúa của các triết gia và học giả”: dù sao, Người cũng là một như Thiên Chúa của khoa học và triết học.

Kỳ tới: Từ Khoa học đến Triết học
 Vietcatholic News