Henri de Lubac, Hồng Y Thần Học Gia, Chuyên Viên Vatican II, Bênh vực Thành công Pierre Teilhard de Chardin, 8
Vũ Văn An
Cộng tác tại Công đồng Vatican II
Ngày 25 tháng 1 năm 1959, ngày cuối cùng của Tuần lễ Thế giới Cầu nguyện cho sự Hợp nhất của các Kitô hữu, Đức Tân Giáo hoàng Gioan XXIII đã gây bất ngờ cho các Hồng Y có mặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành bằng việc thông báo rằng ngài dự định triệu tập một công đồng.
Ngày 17 tháng 5 cùng năm, Ủy ban chuẩn bị được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Tardini. Một năm sau, giai đoạn chuẩn bị thứ hai bắt đầu: mười ủy ban và hai văn phòng thư ký được thành lập. Hầu hết các Ủy ban tương ứng với các lĩnh vực thẩm quyền của các Thánh bộ khác nhau. Nhiệm vụ của các ủy ban chuẩn bị là đối chiếu các đề nghị của các giám mục và nhà thần học và các khuyến nghị của các ủy ban, sau đó soạn các dự thảo cho các tài liệu để sau đó Công đồng sẽ tranh luận và cuối cùng thông qua. Các thành viên của các ủy ban này, gồm các giám mục và cố vấn thần học, được lựa chọn bởi những người đứng đầu các ủy ban, hoặc được đích thân Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm. Là thành viên của một trong những ủy ban chuẩn bị, de Lubac cũng trở thành một chuyên viên (peritus) của Công đồng.
Hai chuyên viên đáng nghi vấn và một Hồng Y không đáng tin cậy
Vào tháng 8 năm 1960, de Lubac tình cờ đọc được trên báo rằng ngài cùng với linh mục dòng Đa Minh Yves Congar, đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm vào Ủy ban Thần học, do Tổng trưởng Văn phòng Thánh, Đức Hồng Y Ottaviani đứng đầu. Vào thời điểm xảy ra vụ Fourvière, Đức Hồng Y Giuseppe Roncalli là sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại Paris, và đã theo dõi vấn đề rất chăm chú. Ngài chắc chắn đã không được hỏi ý kiến và hoàn toàn không đồng ý với việc sa thải de Lubac và Congar khỏi vị trí giảng dạy của họ. Tín hiệu tích cực đầu tiên từ vị Sứ thần nay trở thành Giáo hoàng này là một tặng dữ đáng kể cho loạt sách Sources chrétiennes, vốn là sản phẩm của Fourvière, vốn cũng đã bị nghi ngờ. Giờ đây, việc bổ nhiệm hai nhà thần học từ Dòng Tên và Dòng Đa Minh vào một ủy ban chuẩn bị cho Công đồng có thể được hiểu là một dấu hiệu cho thấy Đức Giáo Hoàng muốn chấm dứt vụ việc và rằng ngài xem hai nhà thần học - đại diện cho tất cả những người đã phải chịu sự bất công - như được phục hồi hoàn toàn.
Trong hồi ký của mình, At the Service of the Church (Phục vụ Giáo Hội), de Lubac hào hiệp không đề cập gì tới các điểm đặc thù của công việc trong ủy ban đó (1). Từ một vài hồi ức mà ngài đã công bố, chúng ta có thể suy ra rằng ngài không những gặp nhiều khó khăn lớn lao với phương pháp làm việc của một ủy ban và với loại tài liệu mà nó giả thiết phải soạn thảo, mà rõ ràng còn là việc Đức Hồng Y Ottaviani, cũng như Đức Giáo Hoàng, rõ ràng không tin tưởng chi nơi de Lubac, và do đó đã gây trở ngại cho công việc của ngài. Năm 1961, ngài được yêu cầu với tư cách là thành viên của ủy ban thần học cho ý kiến về “các loại nhận thức khác nhau về Thiên Chúa”. Vì ý kiến này không bao giờ được thảo luận và không phục vụ bất cứ mục đích nào khác, de Lubac không thể không nghi ngờ rằng nó đã được đưa ra như một phép thử tính chính thống của ngài (Phục vụ Giáo Hội, trang 117).
Tuy nhiên, ngài đã thành công trong việc ngăn chặn vụ lên án Teilhard de Chardin, vốn được một nhóm yêu cầu, cũng như trong việc minh xác quan điểm thần học của chính ngài, vốn bị báo cáo sai sự thật. Tuy nhiên, để đạt được điều này, de Lubac đã phải ném lên bàn cân toàn bộ sức nặng trong thế giá thần học mà ngài mới lấy lại được: ngài đe dọa sẽ từ chức ủy ban và nêu rõ lý do làm như thế, nếu các phản bác của ngài không được xem xét.
Ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp
Sự hợp tác của de Lubac trong một tiểu ban đã đạt được thành công lớn hơn: đó là nhóm đã soạn ra Lược đồ 13, đóng vai trò là nền tảng cho Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (Vui mừng và Hy vọng). Là tác giả của Bi kịch của Chủ nghĩa Duy Nhân bản vô thần, ngài là một chuyên gia về các vấn đề của thuyết vô thần. Ngài trở thành một cố vấn có ảnh hưởng cho cả Đức Tổng Giám Mục Wojtyla lẫn Đức Hồng Y König, người đứng đầu Văn phòng Thư ký về Người Không tin. Các điều từ 19 đến 22 của Gaudium et spes, đề cập đến chủ nghĩa vô thần hiện đại và phản ứng thích hợp của Giáo hội, cho thấy rõ chúng được de Lubac truyền cảm hứng, tới tận việc xây dựng các câu riêng lẻ.
De Lubac đã có một số ảnh hưởng trực tiếp đến việc soạn thảo các tài liệu công đồng. Tuy nhiên, ngài có một ảnh hưởng gián tiếp lớn hơn nữa, ở chỗ đã tạo được tên tuổi như một nhà thần học có sách được nhiều giám mục đọc; qua trung gian của các ngài, phần lớn chữ nghĩa và tinh thần công trình của de Lubac cũng trở thành chữ nghĩa và tinh thần của Công đồng. Theo Karl Heinz Neufeld,
“Điều quyết định đối với một đại hội của giáo hội không hẳn là các cuộc thảo luận và các giao thức (protocols) của các cuộc nghị bàn; những thành tựu lâu dài là những tuyên bố chính thức đã được phê chuẩn. Vì de Lubac được trích dẫn trực tiếp đây đó trong chúng như một nguồn, nên rõ ràng là Công đồng đã biến thành của mình một số ý tưởng của ngài, cho dù trong mọi trường hợp ngài không phải là người duy nhất đã khai triển hoặc cổ vũ một xác tín cụ thể nào. Tuy nhiên, nhà thần học đã có dịp đưa ra các gợi ý nhằm làm cho các Nghị phụ Công đồng quen thuộc với các quan điểm mới hoặc cách khác cổ vũ chúng một cách mạnh mẽ. Trong hầu hết các trường hợp, ngài từng khám phá nơi các Giáo phụ hoặc trong thần học sau này những lý do quyết định và đã từng chứng minh rằng một số ý tưởng đã có quyền hiện diện trong Giáo hội sơ khai ”(2).
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI không những quen thuộc với các tác phẩm của de Lubac về Kinh thánh như một nhân chứng của mạc khải Thiên Chúa và với những đặc điểm chủ yếu của việc giải thích Kinh thánh của Kitô giáo mà còn coi trọng chúng và coi chúng quan trọng đối với Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum. Chúng ta có thể nói điều này căn cứ vào hai cử chỉ mang tính biểu tượng mà Karl Heinz Neufeld còn nhớ được. Ngày 18 tháng 11 năm 1965, Đức Giáo Hoàng đã mời de Lubac, cùng với một số nhà thần học khác, đồng tế thánh lễ với ngài nhân dịp chấp thuận Hiến chế về Mạc khải Thiên Chúa. Thứ hai, sau khi cử hành đại kết với các quan sát viên ngoài Công Giáo khi kết thúc Công đồng, ngài đã mời Henri de Lubac, cùng với Oscar Cullmann(3) và Jean Guitton (4), dùng bữa tối với ngài trong căn hộ của Đức Giáo Hoàng vào Chúa nhật sau đó.
Bình luận về các văn kiện Công Đồng
Ba năm sau, de Lubac xuất bản một cuốn bình luận chi tiết về Lời mở đầu và chương 1 của Hiến chế tín lý về Mạc khải Thiên Chúa (5) Trong đó, ngài nhấn mạnh đến tính cách bản vị của Mạc khải Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Dei Verbum, Lời Thiên Chúa, những lời mở đầu của Hiến chế về Mạc khải Thiên Chúa và cũng nêu rõ chủ đề của nó, ngay từ đầu, không đề cập đến Sách Thánh, mà đúng hơn đề cập tới Ngôi vị của Đấng mạc khải, tới Chúa Giêsu Kitô, chính là Lời Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, Thiên Chúa đã phán với chúng ta trong thời kỳ viên mãn. Chúa Giêsu Kitô là nguồn duy nhất của mạc khải; Thánh kinh và Thánh truyền, tự chúng, không phải là các nguồn của mạc khải, mà là những phương thức trong đó nó được truyền đạt.
De Lubac đã bình luận về những tuyên bố của Công đồng về Giáo hội trong nhiều tiểu luận và bài báo khác nhau mà ngài thu thành tuyển tập vào năm 1967 dưới tựa đề Paradoxe et Mystère de l’Église [Nghịch lý và Mầu nhiệm của Giáo Hội] (6). Ý tưởng làm tuyển tập này phát xuất từ Hans Urs von Balthasar, người, với bản dịch một số tiểu luận này về Giáo hội dưới tựa đề Geheimnis aus dem wir leben (Mầu nhiệm nhờ đó chúng ta sống), đã bắt đầu xuất bản các tác phẩm của de Lubac bằng tiếng Đức.
De Lubac cũng được yêu cầu viết phần dẫn nhập cho Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (Vui mừngvà Hy vọng). Một loạt các bài diễn thuyết về chủ đề này cuối cùng đã trở thành một cuốn sách nhỏ tựa là Athéisme et sens de l’homme: Une double requête de Gaudium et spes (Chủ nghĩa vô thần và cảm thức về con người: một ứng dụng kép của Vui mừng và Hy vọng 1968).
Thành viên của Văn phòng Thư ký về những người không tin và của Ủy ban Thần học Quốc tế
Trong khi Công đồng còn đang họp, de Lubac được bổ nhiệm vào Văn phòng thư ký về Các Người Ngoài Kitô giáo và Văn phòng Thư ký về những người không tin, được Đức Giáo Hoàng thành lập lần lượt vào năm 1964 và 1965. Việc trở thành thành viên trong các định chế này không có nghĩa là thêm nhiều công việc đối với ngài, nhưng ấn tượng của ngài đối với giọng điệu thịnh hành trong Ủy ban Người không tin đã làm ngài thấy khá rõ nền thần học hậu công đồng đã bắt đầu trôi dạt khỏi điều được ngài coi là thần học Công Giáo. Ngài không thể dung thứ cho việc chấp nhận một cách không phê phán cung cách thuần túy có tính xã hội học để xem xét Giáo hội và các xu hướng nội bộ hướng tới việc thế tục hóa. Tuy nhiên, ngài cho rằng ngài và các ý kiến của ngài sẽ sớm bị gạt ra ngoài lề.
Năm 1969, Henri de Lubac cũng được tuyển chọn vào Ủy ban Thần học Quốc tế mới được thành lập (7). Các thành viên khác của cơ chế này bao gồm Hans Urs von Balthasar, Karl Rahner, Joseph Ratzinger, Rudolf Schnackenburg và Heinz Schürmann. Một bài thuyết trình cho Ủy ban Thần học về chủ đề tự nhiên và ân sủng đã tạo nền cho cuốn Petite catéchèse sur Nature et Grace (Giáo lý Nhỏ về Tự nhiên và Ân sủng) (8), trong đó các phát biểu chính của de Lubac về học thuyết ân sủng một lần nữa được thu thập, cùng với một số minh xác.
Bênh vực Teilhard de Chardin
Một trong những thách thức lớn đối với thần học là những phát hiện của khoa học tự nhiên hiện đại, nhất là vấn đề liệu thuyết biến hóa có thể dung hòa với niềm tin vào sáng thế, vào sự Nhập thể của Thiên Chúa và sự cứu rỗi trong Chúa Kitô hay không. Cái tên Pierre Teilhard de Chardin (9) được nối kết với nỗ lực táo bạo nhằm tiếp nhận quan điểm khoa học về con người theo góc độ thần học và kết hợp hai ngành học này trong một cách giải thích toàn diện nhằm liên kết qua lại giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử cứu độ, đồng thời tập trung mọi thực tại vào nhân vật chính là Chúa Kitô.
Teilhard de Chardin, người vừa là nhà thần học vừa là nhà khoa học tự nhiên giàu kinh nghiệm, đã biến ý niệm phát triển thành ý niệm trung tâm của chính thần học bằng cách phác thảo một “Kitô học biến hóa”. Toàn bộ vũ trụ được xây dựng nhằm mục đích để con người xuất hiện. Việc phát triển của loài người, ngược lại, đã diễn tiến hướng tới việc Nhập thể của Thiên Chúa, một việc đã diễn ra ở một giai đoạn phát triển nào đó và trở thành khởi điểm cho một một động lực mới. Thiên Chúa nơi Chúa Kitô là trung tâm của toàn thể vũ trụ đang tiến tới “điểm Omega”, mục tiêu cuối cùng của nó trong Chúa Kitô vũ trụ.
Các lý thuyết của Teilhard đã bị tranh cãi ngay từ đầu. Đặc biệt, cách giải thích của ngài về tội nguyên tổ là không thể chấp nhận được về mặt thần học. Việc ngài ở lại Đông Á không những nhằm mục đích nghiên cứu mà còn được coi như một kiểu lưu đầy. Theo lệnh của Dòng, không một tác phẩm triết học hoặc thần học nào của ngài được phép xuất bản trong suốt đời ngài, và vào cuối mùa xuân năm 1961, de Lubac được nhắc nhở không được phép viết bất cứ điều gì về Teilhard. Điều này sẽ sớm được thay đổi.
Trong những tháng dẫn đến Công đồng, một sự đồng thuận rộng rãi đã hình thành muốn thấy các bài viết của Teilhard de Chardin bị lên án. Vào đầu mùa hè năm 1961, de Lubac khá bất ngờ được chính hội đồng quản trị của Dòng giao cho việc soạn một cuốn sách bênh vực Teilhard càng nhanh càng tốt. Cuốn sách xuất hiện ngay sau đó (10) vào đầu năm 1962. Henri de Lubac không bắt đầu trình bày các khía cạnh trong tư tưởng của Teilhard liên quan đến khoa học tự nhiên, mà tập trung vào huyền nhiệm học của ngài, vốn là trọng tâm trong mọi suy nghĩ của ngài. De Lubac trình bầy bằng chứng về tính cách giáo hội và sự thúc đẩy truyền giáo nền tảng của người bạn và đồng dòng của mình, tất nhiên, không bỏ qua những hạn chế trong công trình của ngài. Teilhard muốn mang Chúa Kitô đến gần hơn với con người của thời đại khoa học và khắc phục tình trạng thiếu ngôn ngữ chung giữa khoa học tự nhiên và thần học, cũng như bắc cầu giữa đức tin và nhận thức. Khi làm như vậy, ngài đã đặt chân vào vùng đất mới, và điều này luôn đi kèm với rủi ro. Theo de Lubac, nỗ lực của ngài không những xứng đáng được một phán xét chính xác hơn mà còn xứng đáng được công nhận và cảm ơn.
Mặc dù đã được các bề trên Dòng Tên yêu cầu và chấp thuận, nhưng cuốn sách này gần như nằm trong danh sách những cuốn sách bị cấm. Dù sao, đối với de Lubac, nó đã mang lại hậu quả là lời khuyến cáo của Huấn quyền, tờ L’Osservatore Romano đã công bố một bài phê bình ẩn danh, và trong một thời gian, cuốn sách không thể được tái bản hoặc phiên dịch! Tuy nhiên, giờ đây, lần đầu tiên, Cha Bề trên cả Dòng Tên, Cha Janssens, đã dứt khoát đứng về phía de Lubac. Trong một bức thư ngày 27 tháng 8 năm 1962, ngài viết trong phần kết luận: “Tôi nhận định rằng cuốn sách của Cha phục vụ Giáo hội và sự thật, và tôi muốn nó được xuất bản. Tôi không hối hận về quyết định này”. Thái độ nền tảng của Cha Bề trên cả đối với de Lubac đã thay đổi hoàn toàn kể từ năm 1961. Dường như một gánh nặng lớn đã trút khỏi vai ngài, và từ đó ngài cho thấy mọi dấu hiệu thiện chí có thể có trong việc xử lý với de Lubac. Việc cấm xuất bản ấn bản mới của cuốn bảo vệ đầu tiên này đã thúc đẩy de Lubac viết cuốn khác ngay lập tức (11). Hai năm sau đó, lại đã có cuốn thứ ba (12). Cuối cùng, cuốn này được tiếp nối với việc công bố một bài thơ của Teilhard viết trong Thế Chiến thứ nhất, cùng với một bài bình luận dài của de Lubac, trình bày chi tiết và đánh giá về Thánh Mẫu Học của Teilhard, chứa đựng trong đó (13). Điều quan trọng không kém trong việc đưa ra một đánh giá cao về vị tu sĩ dòng Tên và nhà tự nhiên học vĩ đại này là việc xuất bản một ấn bản có chú thích các thư từ của ngài với Maurice Blondel (14) và các thư từ cá nhân của ngài từ Cairo (15) khiến ngài sống lại và làm người đọc quen thuộc với ngài như một nhà tự nhiên học trẻ tuổi có đức tin sâu sắc, người biết chắc mình sẽ “tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự”. Vài tháng trước khi kết thúc Công đồng, de Lubac đã được Cha Boyer yêu cầu nói về Teilhard một cách “thiện cảm” vào ngày 10 tháng 9 năm 1965, tại đại sảnh Palazzo della Cancelleria trong phiên kết thúc long trọng của đại hội Học thuyết Tôma do Boyer đứng đầu. Lời mời đã được ngỏ theo mong muốn rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (Phục Vục Giáo Hội, trang 108). Đây cũng có thể được coi là một biểu hiện đặc biệt của việc đánh giá cao đối với Teilhard và là điểm kết liễu của chiến dịch chống Teilhard cực kỳ cuồng tín.
Một sự kiện khác trong thời gian công đồng là lễ kỷ niệm năm thứ năm mươi khấn dòng của de Lubac, vào tháng 10 năm 1963. Nhân dịp này, các sinh viên và bạn bè đã dành tặng ngài bộ Festschrift gồm ba tập với tiêu đề có ý nghĩa là L'Homme devant Dieu (Con người trước Thiên Chúa), xuất hiện như các tập 56- 58 trong loạt sách Théologie (Thần học). Trong đó, công trình của de Lubac được đánh giá một cách toàn diện hoặc được coi là khởi điểm cho các nghiên cứu đặc biệt hơn. Tập đầu tiên bao gồm các bài tiểu luận về chủ đề “Chú giải và Giáo phụ học”, tập thứ hai tựa là “Từ thời Trung cổ đến thời Phong trào Ánh sáng”, và cuối cùng là tập thứ ba mở ra “Các Viễn ảnh thời nay”.
Một cuốn sách đến quá sớm
Trong khoảng thời gian giữa các phiên họp của Công đồng, trong khoảng thời gian ngài không bận bênh vực Teilhard, de Lubac bắt tay vào việc hoàn thành tập thứ tư của Exégèse médiévale (Khoa Chú giải Trung cổ), xuất hiện vào năm 1964. Không còn cách nào khác để diễn tả: tác phẩm này, với rất nhiều chất liệu, đã xuất hiện quá sớm. Cuộc thảo luận thần học thời ấy quan tâm quá mức đến việc chấp thuận phương thức chú giải phê bình lịch sử (historical-critical exegesis), vốn cuối cùng đã đạt được, để nó có thể khơi dậy nhiều hứng thú đối với việc đặt nền chú giải này, mà không làm giảm giá trị nó chút nào cả, trong bối cảnh nền thần học tổng thể, rộng lớn hơn. Rõ ràng là chỉ ba thập niên sau, sẽ có một sự hiểu biết mới và có cơ sở rộng hơn đối với điều de Lubac đã trình bày một cách tuyệt vời vào thời điểm đó.
De Lubac gọi đùa hai cuốn sách (16) của ngài năm 1965 là “cặp song sinh”; chúng lấy lại chủ đề của cuốn Surnaturel, trả lời các lời phê bình nó và minh xác nhiều điều, mà không có bất cứ thay đổi chủ yếu nào về nội dung so với các ấn bản năm 1946 và 1949. “Một cuốn, Le Mystère du surnaturel (Mầu nhiệm Siêu nhiên), khai triển từng điểm, theo cùng một thứ tự và không thay đổi dù chỉ là điểm nhỏ nhất về học thuyết, bài báo được xuất bản dưới tiêu đề đó trên tạp chí Recherches vào năm 1949... Cuốn thứ hai, Augustinisme et théologie moderne (Học thuyết Thánh Augustinô và Nền Thần học Hiện đại), tái tạo một cách trung thành tương tự phần đầu tiên của cuốn Surnaturel cũ, phóng to với điều mới mẻ”. Triết gia và chuyên gia học thuyết Thánh Tôma là Etienne Gilson đã viết cho de Lubac vào ngày 21 tháng 6 năm 1965: “Cuốn Le Mystère du surnaturel, cuốn mà tôi vừa mới thưởng thức trọn vẹn, là cuốn hoàn toàn hoàn hảo.... Cha đã nói tất cả những gì có thể nói được, nhất là lời khuyên rất quan trọng là cuối cùng sẽ có lúc người ta phải im lặng. Thực sự là một mầu nhiệm đang được đặt ra ở đây" (17).
Giáo Hội trong khủng hoảng?
Bốn năm ngắn ngủi sau khi kết thúc Công đồng, de Lubac đã công khai phàn nàn về việc tiếp nhận một chiều các văn kiện của cuộc hội họp toàn thể Giáo hội Hoàn vũ vừa mới diễn ra.
Tại Đại học Saint Louis, de Lubac đã có bài diễn văn được xuất bản dưới dạng mở rộng với tựa đề L'Église dans la crise actuelle (Giáo Hội trong cuộc khủng hoảng hiện nay) (18) năm 1969. De Lubac đã nhận thấy có sự gián đoạn với Truyền thống, như thể thần học chỉ xuất hiện với Công đồng Vatican II. Trong bài Entretien autour de Vatican II (Nói chuyện quanh Vatican II), ngài nói đến một “công đồng hầm trú” hoạt động ngay từ năm 1962 và ra công khai vào năm 1968, kiên quyết tách mình khỏi các Công đồng trước đó là Trent và Vatican I (19). Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes đã khuyến nghị một "sự cởi mở với thế giới", với nghĩa không đồng hình đồng dạng với thế giới. Đúng hơn, cần phải vượt qua thái độ lo lắng, qua đó Giáo hội ích kỷ rút “vào một loại cách ly kiểm dịch” và phó mặc nhân loại cho số phận của nó. “Tuy nhiên”, de Lubac viết, “bây giờ há chúng ta không thấy rằng, hoàn toàn ngược lại, dựa trên một lừa dối lớn, 'sự cởi mở ' này dẫn đến việc quên khuấy ơn cứu rỗi, xa lánh Tin Mừng, bác bỏ thập giá Chúa Kitô, bước vào một con đường dẫn đến chủ nghĩa thế tục, đến sự buông thả đức tin và luân lý, nói tóm lại, để tan hòa vào thế gian, thoái thác, thực sự đánh mất bản sắc, nghĩa là phản bội bổn phận của chúng ta đối với thế giới?
______________________________________________________________________________________
Ghi chú
1 Xem Lenk, tr. 106 (Martin Lenk cũng có quyền truy cập vào tài liệu chưa được xuất bản). Xem thêm Klaus Wittstadt, hiệu đính, Geschichte des Zweiten Vatikanischen Konzils [Lịch sử Công đồng Vatican II] (1959-1965), vol. 1 (1997), trang 273-78.
2 Karl Heinz Neufeld, “Henri de Lubac SJ. als Konzilstheologe: Zur Vollendung seines 90. Lebensjahres ”, Theologisch-praktische Quartalschrift 134 [Henri de Lubac SJ. như một Nhà Thần học Công đồng: Vào cuối năm thứ 90 của cuộc đời mình”, Tam cá nguyệt san Thần học-Thực hành 134] (1986): 153.
3 Oscar Cullmann (1902-1999), một nhà chú giải và thần học phái Luther đã giảng dạy nhiều năm tại một trường thần học Calvin ở Basel, Thụy Sĩ, là quan sát viên chính thức của Công đồng.
4 Jean Guitton (1901-1999), tác giả và triết gia Công Giáo, giảng dạy tại Sorbonne ở Paris từ năm 1955.
5 Henri de Lubac, La Revelation divine [Mạc khải Thiên Chúa] (1968).
6 Ấn bản tiếng Anh: Henri de Lubac, The Church: Paradox and Mystery [Henri de Lubac,Nghịch lý và Mầu nhiệm], của James R. Dunne (New York: Alba House, 1969); ở đây được trích dẫn là CPM.
7 Ủy ban Thần học Quốc tế, một ban cố vấn cho Đức Giáo Hoàng, là một bộ phận thuộc Bộ Giáo lý Đức tin, do vị tổng trưởng đứng đầu. Ủy ban bao gồm các nhà thần học thuộc các trường phái và quốc tịch khác nhau và được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm.
8 Henri de Lubac, Petite catéchèse sur nature et grace [Sách Giáo lý Nhỏ về tự nhiên và ơn thánh](Paris, 1980); Bản tiếng Anh A Brief Catechesis on Nature and Grace [Sách giáo lý ngắn gọn về tự nhiên và ơn thánh] của Richard Arnandez, (San Francisco: Ignatius Press, 1984).
9 Pierre Teilhard de Chardin, SJ. (1881-1955), gia nhập Dòng Tên năm 1899. Ngài phục vụ từ năm 1905 đến năm 1908 với tư cách là giáo sư vật lý tại một trường cao đẳng Dòng Tên ở Cairo. Năm 1922, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư địa chất ở Paris, và trong hơn hai mươi năm, ngài đã đi du lịch vùng Viễn Đông để nghiên cứu. Năm 1929, ngài tham gia việc khám phá ra Người Bắc Kinh, điển hình lâu đời nhất về tổ tiên loài người được biết đến vào thời điểm đó. Ngài trở lại Paris vào năm 1948 và qua đời vào Chúa nhật Phục sinh, năm 1955, tại New York.
10 Henri de Lubac, La Pensée Relgieuse du Père Teilhard de Chardin [Tư tưởng Tôn giáo của Cha Teilhard de Chardin] (1962); Bản tiếng Anh The Religion of Teilhard de Chardin [Tôn giáo của Teilhard de Chardin] của René Hague (New York: Desclée Company, 1967).
11 Henri de Lubac, La Prière du Père Teilhard de Chardin [Lời Cầu nguyện của Cha Teilhard de Chardin] (1964; xuất bản lần thứ 2 năm 1967); Bản tiếng Anh, Teilhard de Chardin: The Man and His Meaning [Teilhard de Chardin: Con người và Ý nghĩa của họ] của René Hague (New York: Hawthorn Books, 1965).
12 Henri de Lubac, Teilhard, Missionnaire et apologiste [Teilhard, Nhà Truyền giáo và Hộ giáo] (1966); Bản tiếng Anh, Teilhard Explained (Giải thích Teilhard) của Anthony Buono, (New York: Paulist Press, 1968).
13 Pierre Teilhard de Chardin, L’Éternel Féminin [Nữ tính Muôn thuở](1968); Bản tiếng Anh, The Eternal Feminine: A Study on the Poem by Teilhard de Chardin, Followed by Teilhard and the Problems of Today [Nữ tính Muôn thuở: Nghiên cứu về Bài thơ của Teilhard de Chardin, Tiếp theo là Teilhard và Các Vấn đề của Ngày nay] của Rene Hague, (New York: Harper & Row, 1971).
14 Ấn bản tiếng Anh: Pierre Teilhard de Chardin and Maurice Blondel, Correspondence, with notes and commentary by Henri de Lubac [Pierre Teilhard de Chardin và Maurice Blondel, Thư từ, với ghi chú và bình luận của Henri de Lubac], của William Whitman (New York: Herder and Herder, 1967).
15 Pierre Teilhard de Chardin, Lettres d’Egypte [Thư từ Ai Cập] (1963); Bản tiếng Anh: Letters from Egypt [Những bức thư từ Ai Cập], 1905-1908, lời tựa của Henri de Lubac, của Mary Ilford (New York: Herder and Herder, 1965).
16 Chúng được xuất bản cùng với nhau bằng tiếng Đức với tiêu đề Die Freiheit der Gnade [Tự do của Ân sủng], tập 1 và 2. Bản tiếng Anh: Augustinianism and Modern Theology [Học thuyết Thánh Augustinô và Thần học Hiện đại], của Lancelot Sheppard (New York: Herder and Herder, 1969), và The Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên] của Rosemary Sheed (New York: Herder and Herder, 1967).
17 Letters of Etienne Gilson to Henri de Lubac, annotated by Father de Lubac [Thư từ của Etienne Gilson gửi Henri de Lubac, được chú thích bởi Cha de Lubac], do Mary Emily Hamilton dịch (San Francisco: Ignatius Press, 1988), tr. 91.
18 Bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này chưa có, nhưng có một bản rút gọn: “The Church in Crisis” [Giáo Hội trong Khủng hoảng], Theology Digest 17 (1969): 312-25.
19 Henri de Lubac, Entretien autour de Vatican II: Souvenirs et Réflexions [Henri de Lubac, Nói chuyện quanh Vatican II: Hoài niệm và Suy tư] (Paris: Catholique-Cerf, 1985), trang 33-57; Bản tiếng Anh rút gọn: Henri de Lubac and Angelo Scola, De Lubac: A Theologian Speaks [Henri de Lubac và Angelo Scola, De Lubac: Một Thần học gia Lên tiếng] (Los Angeles: Twin Circles Publishing, 1985), trang 14-15. Bản tóm tắt ở đây được trích dẫn là ATS.
Kỳ tới: Những năm cuối đời ở Paris
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét