Ronald Rolheiser, 2022-01-24
Kabir, một nhà thần bí hinđu vào thế kỷ 15 đã viết những dòng này:
Cái bạn gọi là “cứu rỗi” thuộc về thời trước cái chết.
Nếu bạn không phá vỡ xiềng xích khi còn sống,
chẳng lẽ bạn nghĩ
sau đó, hồn ma sẽ phá được sao?…
Những gì bạn thấy bây giờ sau này bạn sẽ thấy.
Nếu bây giờ bạn không thấy gì,
kết cục của bạn sẽ là một chỗ trong Tử Thành.
Nếu bạn ân ái với thần thiêng bây giờ, kiếp sau ta sẽ có
khuôn mặt của mãn nguyện.
Ân tình với thần thiêng. Tôi cho rằng hầu hết chúng ta sẽ hình dung đây là một sự thân mật đầy tình cảm, riêng tư, nồng ấm, như cách chúng ta hình dung tình cảm yêu đương, chỉ khác một điểm là người kia là Thiên Chúa. Thật vậy, văn học thần nghiệm kitô giáo có đầy những hình ảnh thế này, như trong Phúc âm theo thánh Gioan chẳng hạn. Chuyện này chẳng có gì là không ổn, trừ chuyện khái niệm đó bị lý tưởng hóa và riêng tư hóa quá mức. Nếu chúng ta tin lời Chúa Giêsu, thì ân tình với thần thiêng là một chuyện dễ xác định và phổ quát hơn là hình ảnh tình cảm của chúng ta về sự thân mật.
Làm sao chúng ta có ân tình với thần thiêng trong đời này? Tôi luôn dạy rằng có bốn điều miễn tranh cãi trong cương vị môn đệ Chúa Kitô, là trung tín đạo đức trong đời sống riêng, dấn thân vì công bằng xã hội, tham dự cộng đồng giáo hội và một tấm lòng độ lượng trìu mến. Chúng ta ân ái với thần thiêng bằng cách sống những điều này.
Để dễ hiểu hơn, cho phép tôi đưa ra mười điểm cần có để ân ái với thần thiêng trong đời này.
1. Trung tín đạo đức trong đời sống riêng
Kinh Thánh dạy chúng ta, ai yêu Thiên Chúa thì giữ giới răn của Ngài và ai nói mình yêu Thiên Chúa mà không giữ giới răn thì người đó là người nói dối. Hơn nữa, nó cho chúng ta biết rằng mình ở trong một cơ thể và mỗi hành động riêng tư của chúng ta đều ảnh hưởng đến mọi người khác. Chúng ta ân ái với thần thiêng bằng cách không mang những bí mật tăm tối.
2. Nỗ lực sống trong một cộng đồng
Chúng ta được kêu gọi sống đời mình và đến với Thiên Chúa trong một cộng đồng. Chúng ta không thể một mình ân ái với Thiên Chúa. Luôn là Thiên Chúa, tha nhân và ta. Như lời của nhà văn Charles Peguy, khi đứng trước Thiên Chúa trong Ngày phán xét, chúng ta sẽ được hỏi, “Tha nhân ở đâu?” Ân ái với thần thiêng mang cả ý nghĩa tâm linh lẫn tôn giáo.
3. Một trái tim trìu mến tỏa ra lòng tri ân và tha thứ
Như người anh của người em hoang đàng, chúng ta làm mọi việc tốt, nhưng với tinh thần sai trái. Chúng ta ân tình với Thiên Chúa bằng cách tiếp sức cho bản thân bằng lòng tri ân hơn là cay đắng, bằng cách tha thứ cho tha nhân (và Thiên Chúa) vì những bất công và mọi chuyện đã làm chúng ta tổn thương.
4. Tích cực đến với người nghèo và bền bỉ quan tâm đến công bằng thế giới
Chúng ta không thể có ân tình với Chúa mà không gồm cả người nghèo và người bị tổn thương. Cũng như thế, chúng ta không thể có ân tình với Chúa khi chúng ta làm ngơ trước bất công. Như Chúa Giêsu đã nói rõ, một mối quan hệ thân thiết riêng tư với Thiên Chúa không bao giờ bù đắp được cho sự lãnh đạm trước người nghèo và bất công.
5. Một cuộc đời chân thật không chấp nhận nói dối dù có phải chịu phiền phức thế nào
Ân tình với thần thiêng là sống trong sự thật. Satan là vua dối trá. Điều nguy hiểm nhất mà chúng ta có thể tạo cho tâm linh của mình chính là lúc chúng ta không chịu công nhận điều đúng đắn, và cách quan trọng nhất để chúng ta có ân tình với Thiên Chúa là không bao giờ nói dối.
6. Sự ngây thơ như con trẻ không bao giờ rơi vào ảo tưởng tự phụ
Đừng bao giờ xem cuộc đời là mặc nhiên, nhưng hãy xem là ơn nhưng không. Chúng ta có ân tình với thần thiêng là không bao giờ sống trong ảo tưởng tự phụ, biết nhìn nhận rằng cuộc đời luôn là một ơn và chúng ta phụ thuộc, đồng phụ thuộc với tha nhân và với Thiên Chúa.
7. Nỗ lực không ngừng để yêu người ghét ta, đừng lấy oán báo oán
Chúng ta có ân tình với thần thiêng mỗi khi chúng ta yêu thương người ghét mình, chúc phúc cho ai nguyền rủa và tha thứ cho ai làm tổn thương chúng ta. Đó là điều vô cùng cơ bản.
8. Một trái tim cởi mở với tất cả
Bàn tiệc vĩnh hằng của Thiên Chúa mở ra cho tất cả những ai sẵn lòng ngồi lại với tất cả mọi người. Vì Thiên Chúa yêu thương tất cả, nên chúng ta có ân tình với thần thiêng bằng cách chia sẻ vòng ôm phổ quát của Thiên Chúa.
9. Thường xuyên mở lòng để sinh lực của Thiên Chúa tuôn đổ vào cuộc sống chúng ta
Chúng ta có ân tình với thần thiêng bằng cách để sinh lực của Thiên Chúa triển nở qua cuộc sống chúng ta, cụ thể là khi chúng ta để sinh lực thần thiêng trong chúng ta được vui mừng và sinh sôi để tỏa ra sự sống bất chấp hoàn cảnh chúng ta đang gặp.
10. Sẵn sàng chờ đợi, sống trong nhẫn nại
Chúng ta có ân tình với thần thiêng mỗi khi chúng ta chấp nhận sống nhẫn nại, chờ đợi sự sống và tình yêu triển nở theo những điều kiện nội tại của chúng. Chúng ta có ân tình với thần thiêng mỗi khi chúng ta gánh lấy một cách lành mạnh sự căng thẳng của khiết tịnh, không chỉ trong phạm vi tình dục, mà còn trong mọi phạm vi của cuộc đời.
Ngôn sứ Mikha gói gọi lại tất cả trong mấy lời này: hành động công chính, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2022/01/26/an-tinh-voi-than-thieng/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét