Trang

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Đương đầu với phẫn uất trong đời mình


Đương đầu với phẫn uất trong đời mình



Ronald Rolheiser, 

Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta biết về tác phẩm của nhà nhân học lừng danh René Girard, và ảnh hưởng từ những thấu suốt của ông trên tác phẩm của học trò mình, Gil Bailie. Với lòng tri ân dành cho họ, tôi xin đưa ra đây một trong những nhận thức sáng suốt của họ, một cái nhìn vô giá về cách chúng ta cố gắng xử lý nỗi phẫn uất trong đời mình.

Khi các phi hành gia đi vào không gian, tàu của họ được trang bị một máy thải khí CO2 từ hơi thở của họ. Nếu chiếc máy này trục trặc, họ sẽ gặp khó khăn như chúng ta thấy trong phim Apollo 13. Du hành trong con tàu không gian chỉ có thể thực hiện nếu có máy liên tục thải khí CO2 mà chúng ta thở ra.

Với cuộc hành trình của con người cũng vậy. Tất cả mọi nhóm người đều liên tục sản xuất khí gas ngột ngạt của phẫn uất và ghen tị. Phẫn uất tồn tại gần như bên trong tất cả gia đình và cộng đồng con người, vì theo Girard, chúng ta thích “bắt chước,” nghĩa là trong các việc, chúng ta luôn muốn cái mà người khác có. Sự thật không thể chối cãi này tạo ra căng thẳng, phẫn uất, ghen tương, và xung đột. Chẳng có gì là ngẫu nhiên khi hai trong Mười Điều Răn có liên quan đến thói ghen tị.

Vậy cỗ máy cố gắng loại bỏ khí CO2 ghen tương và phẫn uất trong đời sống con người là gì? Các nhà nhân học cho chúng ta biết rằng chúng ta tự loại bỏ căng thẳng cho mình bằng con dê tế thần. Con dê gánh hết tội lỗi của dân theo truyền thống Do Thái (Lv 16).Con dê tế thần đó làm việc như thế nào và làm sao nó loại bỏ được căng thẳng?

Có thể hiểu được qua ví dụ này: Hãy tưởng tưởng bạn đang đi ăn trưa với một vài bạn học hay đồng nghiệp. Sẽ có, luôn luôn là như thế, một vài xung khắc cá tính và tình trạng căng thẳng giữa hai người. Tuy vậy chúng ta cũng có thể có một bữa ăn vui vẻ, hòa hợp. Làm sao để được như thế? Đó là nhờ những con dê tế thần, những người vắng mặt, những người mà tất cả chúng ta đều không ưa, chúng ta xem họ là người lập dị khó tính, những người mà chúng ta xem sự hiện diện của họ đem lại tác động tiêu cực và kỳ cục. Và chúng ta nói về họ, về ông chủ dữ dằn, về một bạn học khó tính, về một đồng nghiệp kỳ quái. Khi làm như thế, khi nhấn mạnh sự khác biệt hay cự tuyệt của những người khác đối với chúng ta, chúng ta làm tan biến đi các căng thăng giữa hai người. Đó là đặc tính của con dê bị tế thần. Chúng ta xây dựng mối giao thiệp với nhau bằng cách đẩy căng thẳng giữa chúng ta qua người khác. Khi loại trừ người đó khỏi nhóm mình, chúng ta tạo ra được mối quan hệ với người khác, nhưng như thế, sự hòa hợp giữa chúng ta dựa vào điều mà chúng ta cùng nhau chống lại hơn là dựa vào những gì chúng ta hướng đến.

Tất cả mọi nhóm, cho đến khi đạt được một mức độ trưởng thành nhất định, đều làm như thế cả. Và khi đối diện với căng thẳng trong đời sống riêng của mình, chúng ta cũng làm như thế. Cách xử thế này hoạt động như sau: Một buổi sáng, chúng ta thức dậy và, vì vô số lý do, chúng ta cảm thấy rối bời, nặng trĩu do một đống tạp nhạp chán nản, lo lắng, giận dữ. Vậy chúng ta làm gì đây? Chúng ta tìm một ai đó để đổ lỗi. Luôn luôn chúng ta  nhanh chóng chọn được người (trong gia đình, nơi làm việc, một chính trị gia, hay một giới chức tôn giáo) để trút căng thẳng vào người đó. Một người mà chúng ta xem là khó tính, ngu đần, sai lầm về chính trị, hủ bại về đạo đức, hay xấu xa về mặt tôn giáo, người đó sẽ sớm phải lãnh gánh nặng căng thẳng và phẫn uất của chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ đẩy căng thẳng về phía một ai đó, mà chúng ta còn luôn “sát tế” nỗi căm phẫn mà chúng ta đang cảm nhận, chúng ta sẽ đẩy căng thẳng và giận dữ của mình về phía người đó không chỉ vì người đó khác chúng ta hay chúng ta xem họ là khó tính, ngu đần, biếng nhác, nhưng chúng ta làm thế, đặc biệt là vì chúng ta cảm thấy mình vượt trội họ về mặt đạo đức, chúng ta đúng, còn họ sai, chúng ta tốt còn họ thì xấu. Như thế phẫn uất mà chúng ta nhắm vào người đó được xem là một phẫn uất thánh thiện và cần thiết vì danh Chúa, vì sự thật và sự thiện, cũng như tất cả những việc hành hình bằng đóng đinh, treo cổ, và rút phép thông công vậy.

Đó là cơ chế thông thường mà con người dùng để tự loại bỏ phẫn uất bên trong cộng đồng và bên trong bản thân mình. Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, chính xác là do cộng đồng, họ đã đóng đinh Ngài vì những lý do thánh thiện.

Nhưng, nạn nhân cao nhất kiểu con dê tế thần chính là Chúa Giêsu, Ngài mời chúng ta hướng đến một điều gì đó cao hơn, và Ngài đã làm gương cho chúng ta. Chúa Giêsu loại bỏ căng thẳng bằng cách biến đổi nó hơn là đẩy nó đi. Việc Chúa Giêsu làm có thể xem như tác dụng của một thiết bị lọc nước. Thiết bị lọc nước được cho vào dòng nước bẩn nhiễm hóa chất và độc hại. Nó giữ những thứ không sạch và cho chúng ta dòng nước sạch. Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, đã lấy đi tội của chúng ta, và thanh lọc chúng ta trong máu của Ngài, chứ không phải bằng phép thuật, chính xác là Ngài đã hấp thụ và biến đổi tội lỗi của chúng ta. Cũng như thiết bị lọc nước, Ngài đón lấy hận thù, giữ nó, biến đổi nó, và trả lại tình yêu, Ngài đón lấy đố kỵ, giữ nó, biến đổi nó, và trả lại nâng đỡ, Ngài đón lấy phẫn uất, giữ nó, biến đổi nó và trả lại thương cảm, và cuối cùng, Ngài đón lấy sát nhân, giữ nó, biến đổi nó, và trả lại tha thứ. Đó là hình mẫu Kitô giáo trong việc xử lý căng thẳng và phẫn uất, đẩy chúng ra khỏi đời sống chúng ta.

Và, như Soren Kierkegaard đã đề nghị, chúng ta không được chỉ ngưỡng mộ những gì Chúa Giêsu đã làm, mà chúng ta phải bắt chước những gì Ngài làm, phải làm như thế.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2018/08/14/duong-dau-voi-phan-uat-trong-doi-minh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét