Thánh Giuse, gương mẫu cho các người cha
Cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô với nhật báo L’Osservatore Romano: Thánh Giuse, gương mẫu cho các người cha
vaticannews.va, Andrea Monda – Alessandro Gisotti, 2022-01-13
Đức Phanxicô trả lời trên nhật báo L’Osservatore Romano, Vatican về vai trò làm cha mẹ trong thời đại dịch và về chứng tá của Thánh Giuse, một tấm gương về sức mạnh và sự dịu dàng cho vai trò người cha ngày nay. Ngài nhấn mạnh: Các bậc cha mẹ đáp ứng mọi thách thức cho con cái của mình là những anh hùng.
Một cặp vợ chồng di cư người Syria trong một trung tâm tị nạn tạm thời ở biên giới giữa Serbia và Macedonia.
Năm Đặc biệt Thánh Giuse kết thúc ngày 8 tháng 12, nhưng quan tâm và lòng yêu mến Thánh Giuse của Đức Phanxicô vẫn tiếp tục, thậm chí còn được phát triển hơn với các bài giáo lý ngài giảng trong các buổi tiếp kiến chung từ 17 tháng 11 – 2021.
Trong suốt năm 2021, hàng tháng nhật báo L’Osservatore Romano đăng một chuyên mục Tông thư Patris corde, Trái tim của người Cha và được trang tin tức Vatican News đăng lại. Chuyên mục này nói về người cha, nhưng cũng nói về người mẹ, người con đối thoại với Thánh Giuse, đã khơi dậy trong chúng tôi mong muốn có thể trao đổi thêm với Đức Phanxicô chủ đề làm cha theo nhiều khía cạnh khác nhau, vừa thách thức vừa đa dạng. Kết quả là cuộc phỏng vấn này, ngài trả lời các câu hỏi của chúng tôi, thể hiện trọn tình yêu ngài dành cho gia đình, sự gần gũi của ngài với những người đã nếm đau khổ, sự chào đón người cha, người mẹ ngày nay phải đối diện với muôn ngàn khó khăn để mang đến tương lai cho con cái họ.
Thưa Đức Thánh Cha, cha đã dành một năm đặc biệt cho Thánh Giuse, cha viết tông thư Trái tim của người Cha và có một loạt bài giáo lý dành cho Thánh Giuse. Thánh Giuse đại diện cho cha điều gì?
Đức Phanxicô: Tôi chưa bao giờ che giấu sự đồng cảm của tôi với hình ảnh Thánh Giuse. Tôi nghĩ điều này có từ tuổi thơ của tôi, từ quá trình rèn luyện. Từ lâu tôi luôn đặc biệt kính mến Thánh Giuse vì tôi nghĩ ngài là hình ảnh cao đẹp và đặc biệt nói lên đức tin kitô của mỗi chúng ta. Thánh Giuse là người bình thường, sự thánh thiện của ngài chính qua hoàn cảnh sống dù tốt dù xấu ngài phải sống, phải đối diện. Chúng ta không thể che giấu sự việc, trong các Tin Mừng, đặc biệt trong trình thuật của Thánh Mátthêu và Luca, Thánh Giuse là nhân vật chính quan trọng bắt đầu lịch sử cứu độ. Quả vậy, chứng kiến Chúa Giêsu sinh ra là một việc khó khăn, đầy những trở ngại khó khăn, những nan đề, bách hại, tăm tối, và Thiên Chúa cho con Một xuống thế đã đặt Đức Maria và Thánh Giuse bên cạnh.
Nếu Đức Maria là người đã làm cho Ngôi Lời thành người phàm thì thánh Giuse là người bảo vệ, che chở, nuôi nấng và làm cho Chúa Giêsu lớn lên. Có thể nói, chúng ta tìm nơi Thánh Giuse con người của những lúc khó khăn, con người cụ thể, con người biết nhận trách nhiệm. Theo nghĩa này, kết hợp nơi Thánh Giuse hai đặc tính. Một mặt là linh đạo đặc biệt, qua tường thuật về những giấc mơ; những câu chuyện này chứng tỏ cho thấy khả năng lắng nghe của ngài, làm chứng cho khả năng lắng nghe lời Chúa. Chỉ một người cầu nguyện, người có một đời sống thiêng liêng sâu đậm mới có khả năng phân biệt tiếng Chúa trong vô số tiếng nói khác trong lòng chúng ta. Bên cạnh đặc điểm này, còn một đặc điểm khác: Thánh Giuse là người thực tế, là người đối diện với những vấn đề cực kỳ thực tế, đối diện với những khó khăn, trở ngại, nhưng không bao giờ ngài ở vị trí nạn nhân. Ngược lại, ngài luôn đặt mình trong bối cảnh phải phản ứng, đáp trả, tin cậy vào Chúa và tìm giải pháp sáng tạo.
Sự quan tâm mới mẻ này với Thánh Giuse, trong thời điểm thử thách lớn lao này, có một ý nghĩa đặc biệt nào không?
Thời kỳ chúng ta đang sống là thời kỳ khó khăn chưa từng thấy do đại dịch coronavirus. Nhiều người đau khổ, nhiều gia đình gặp khó khăn, nhiều người bị ám ảnh bởi cái chết, bởi tương lai bất định. Tôi nghĩ, chính trong thời điểm khó khăn này, chúng ta cần người có thể động viên, giúp đỡ, truyền cảm hứng, để hiểu được đâu là cách đúng đắn để đối diện với thời gian tăm tối này. Thánh Giuse là chứng nhân tiêu biểu cho chúng ta trong thời kỳ đen tối. Đó là lý do ngài giúp chúng ta tìm ra con đường của mình.
Triều giáo hoàng của cha bắt đầu ngày 19 tháng 3, ngày lễ Thánh Giuse…
Tôi luôn xem đây là ơn tế nhị để tôi bắt đầu sứ vụ Thánh Phêrô ngày 19 tháng 3. Tôi nghĩ một cách nào đó, Thánh Giuse muốn nói với tôi, ngài sẽ tiếp tục giúp đỡ, gần gũi với tôi và tôi có thể xem ngài như người bạn để quay về, để tâm sự, để xin cầu bàu và cầu nguyện cho tôi. Nhưng rõ ràng quan hệ qua sự hiệp thông với các thánh không chỉ dành riêng cho tôi, nhưng tôi nghĩ có thể hữu ích cho nhiều người. Đó là lý do vì sao tôi hy vọng năm thánh hiến cho Thánh Giuse làm cho nhiều tín hữu kitô khám phá lại trong tâm hồn họ giá trị sâu xa của sự hiệp thông các thánh, đây không phải hiệp thông trừu tượng nhưng một hiệp thông cụ thể, được thể hiện trong mối quan hệ cụ thể và hệ quả cụ thể.
Trong tông thư Trái tim của người Cha được đăng trên L’Osservatore Romano trong năm Thánh Giuse, chúng ta đan xen cuộc đời Thánh Giuse với cuộc đời của các người cha và cũng của những người con trai ngày nay. Nói cách khác, thanh niên ngày nay có thể thấy gì qua đối thoại với Thánh Giuse?
Chúng ta không phải là những người cha do bẩm sinh, nhưng chắc chắn chúng ta sinh ra đã là con. Việc đầu tiên, mỗi chúng ta phải xem mình là người con, ngoài những gì cuộc đời dành cho, là người con, là được giao phó cho ai, là xuất phát từ mối quan hệ quan trọng đã làm người con trưởng thành và làm cho nó tốt hơn hoặc xấu hơn. Có mối quan hệ này và nhận ra tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của chính mình, nghĩa là hiểu, một ngày nào đó, khi chúng ta có trách nhiệm với cuộc sống của ai đó, chúng ta phải làm trách nhiệm người cha, chúng ta sẽ mang trên mình tất cả những kinh nghiệm mà chúng ta đã sống cá nhân. Do đó, điều quan trọng là suy ngẫm về trải nghiệm cá nhân này để không lặp lại những sai lầm tương tự và trân trọng những điều đẹp chúng ta đã sống.
Tôi tin chắc, tình phụ tử của Thánh Giuse và Chúa Giêsu đã ảnh hưởng đến đến đời sống rao giảng của Chúa Giêsu trong tương lai, một đời sống chứa đầy hình ảnh và quy chiếu từ hình ảnh người cha. Chẳng hạn, Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa là Chúa Cha, và chúng ta không thể thờ ơ với khẳng định này, đặc biệt nếu chúng ta xét đến kinh nghiệm làm cha của mình. Điều này có nghĩa Thánh Giuse đã rất thành công trong địa vị làm cha, đến nỗi Chúa Giêsu tìm thấy trong tình yêu và tình phụ tử của Thánh Giuse là điểm quy chiếu đẹp nhất để dâng lên Chúa. Chúng ta có thể nói những đứa trẻ ngày nay sẽ trở thành người cha sau này nên tự hỏi, mình đã có người cha nào cho mình và mình muốn trở thành người cha như thế nào. Họ không nên xem vai trò người cha của mình là ngẫu nhiên hay đơn giản là hệ quả của một kinh nghiệm được làm trong quá khứ, nhưng họ phải có ý thức quyết định làm thế nào để yêu một người, làm thế nào để đảm trách trách nhiệm với một người.
Trong chương cuối của Patris Corde, Thánh Giuse được trình bày như người cha trong bóng tối. Người cha biết hiện diện nhưng lại để con trai mình tự do lớn lên. Liệu điều này có khả thi trong một xã hội dường như chỉ thưởng cho những ai lấn chỗ và được mọi người thấy rõ không?
Một trong những đặc điểm đẹp nhất của tình yêu, và không chỉ của tình phụ tử, chính là tự do. Tình yêu luôn sinh ra tự do, tình yêu không bao giờ được trở thành nhà tù, thành sự chiếm hữu. Thánh Giuse cho chúng ta thấy ngài chăm sóc Chúa Giêsu nhưng không bao giờ chiếm hữu, không lèo lái, không sao lãng nhiệm vụ của Chúa Giêsu. Tôi tin rằng điều này rất quan trọng để chứng minh khả năng yêu thương và khả năng biết cách lùi lại một bước của chúng ta.
Người cha tốt là người biết lùi lại đúng lúc để con mình nổi lên với vẻ đẹp, với sự độc đáo, với những lựa chọn và với thiên chức của người con. Theo nghĩa này, trong bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào, cần phải từ bỏ mong muốn áp đặt một hình ảnh từ bên trên, một mong chờ và do đó là muốn mình nổi bật, chiếm lĩnh hoàn toàn và liên tục trên sân khấu qua vai diễn thái quá của mình. Đặc nét của Thánh Giuse là biết nép mình qua một bên, với tính khiêm nhường, đó cũng là khả năng tự xóa mờ, có lẽ đó là khía cạnh quyết định nhất trong tình yêu ngài dành cho Chúa Giêsu. Theo nghĩa này, thánh Giuse là nhân vật quan trọng, tôi dám nói là cốt yếu trong cuộc đời Chúa Giêsu, chính vì ở một thời điểm nào đó, ngài biết rút lui khỏi toàn cảnh để Chúa Giêsu tỏa sáng trọn vẹn trong mọi ơn gọi, trong mọi sứ vụ của Ngài. Qua hình ảnh Thánh Giuse, chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có biết lùi lại, để người khác và nhất là những người được giao phó cho chúng ta, để họ tìm thấy nơi chúng ta điểm quy chiếu nhưng không bao giờ là một trở ngại.
Cha thường tố cáo ngày nay tình phụ tử bị khủng hoảng. Giáo hội có thể làm điều gì để phục hồi lại sức mạnh của tình cha-con, vốn là nền tảng của xã hội không?
Khi nghĩ đến Giáo hội, chúng ta luôn xem Giáo hội là Mẹ, chắc chắn điều này không phải là sai. Trong những năm gần đây, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rất nhiều vào quan điểm này, bởi vì cách thức thực hiện thiên chức làm mẹ của Giáo hội là lòng thương xót, nghĩa là tình yêu sinh ra và tái tạo sự sống. Tha thứ, hòa giải, có phải là phương tiện giúp chúng ta phục hồi không? Nó có phải là phương tiện để chúng ta nhận lại cuộc sống vì chúng ta nhận được một cơ hội khác không? Chỉ có thể có Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô qua lòng thương xót!
Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên can đảm nói, Giáo hội không chỉ là mẹ mà còn là cha. Nói cách khác, Giáo hội được kêu gọi để thi hành chức vụ làm cha, không phải là gia trưởng. Và khi tôi nói Giáo hội phải tìm lại khía cạnh phụ tử, tôi muốn nói đến khả năng hoàn toàn của một người cha trong việc đặt con cái vào vị trí phải tự chịu trách nhiệm, thực hiện tự do, lựa chọn của chính chúng. Nếu, một mặt, lòng thương xót thanh tẩy chúng ta, chữa lành chúng ta, an ủi chúng ta, khích lệ chúng ta, thì mặt khác, tình yêu thương của Chúa không chỉ giới hạn ở việc tha thứ và chữa lành, nhưng tình yêu của Chúa thúc đẩy chúng ta đưa ra quyết định, để vươn lên.
Đôi khi nỗi sợ hãi, thậm chí còn hơn thế trong thời đại dịch, dường như đã làm tê liệt động lực này…
Đúng vậy, giai đoạn lịch sử này là giai đoạn đánh dấu bằng việc không thể đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Thường khi những người trẻ của chúng ta sợ phải quyết định, lựa chọn, tự đặt mình vào thế nguy hiểm. Và mọi lựa chọn luôn có hậu quả và rủi ro của nó, nhưng đôi khi, vì sợ hậu quả và rủi ro, chúng ta bị tê liệt không thể làm hay quyết định bất cứ điều gì.
Một người cha thực sự không nói với con, mọi sự sẽ tốt, nhưng dù khi chúng ta rơi vào tình huống mọi thứ không suôn sẻ, chúng ta sẽ có thể đối diện và sống có phẩm giá trong những khoảnh khắc này, thậm chí cả những lúc thất bại. Một người trưởng thành nhìn nhận bản thân không phải qua các chiến thắng, nhưng qua cách họ sống với thất bại. Chính trong trải nghiệm vấp ngã và yếu đuối, chúng ta mới nhận ra tính cách của một người.
Tình phụ tử thiêng liêng rất quan trọng với cha. Theo cách nào các linh mục có thể là những người cha?
Chúng ta vừa nói tình phụ tử không phải là chuyện tự nhiên, chúng ta không sinh ra đã là cha, chúng ta sẽ trở thành. Tương tự như vậy, một linh mục khi sinh ra chưa phải là cha, nhưng họ phải học để trở thành với từng bước một, bắt đầu từ việc nhận biết mình là con Thiên Chúa, nhưng cũng là con của Giáo Hội. Và Giáo hội không phải là một khái niệm trừu tượng, Giáo hội luôn là khuôn mặt của một ai, một hoàn cảnh cụ thể, một cái gì đó mà chúng ta có thể đặt tên cụ thể. Chúng ta luôn nhận được đức tin của mình qua mối quan hệ với một ai đó. Đức tin kitô không phải là cái gì có thể học qua sách vở hay qua suy luận đơn giản, trái lại nó luôn là hành trình hiện sinh đi qua các mối quan hệ.
Do đó, kinh nghiệm đức tin luôn nảy sinh từ chứng tá của một ai đó. Vì thế, chúng ta phải tự hỏi, chúng ta biết ơn những người này như thế nào, và trên hết liệu chúng ta có giữ được khả năng phê phán để cũng biết phân biệt, ngược lại, điều gì là xấu nơi họ. Đời sống thiêng liêng không khác gì đời sống con người. Nếu một người cha tốt trên bình diện con người, giúp con mình trở thành chính nó, làm cho nó có tự do và thúc đẩy nó đưa ra những quyết định lớn, thì theo cách tương tự, một người cha tốt về mặt thiêng liêng không thay thế lương tâm của mình qua lương tâm người được giao phó cho mình, không phải khi ông đáp ứng những câu hỏi của người này, không phải khi ông tạo ảnh hưởng trên người được giao phó cho ông, nhưng là khi ông thành công, kín đáo, chỉ đường, cung cấp chìa khóa để người con nhìn các tình huống khác nhau và giúp người con phân định.
Ngày nay, điều gì cấp bách hơn để mag lại sức mạnh cho chiều kích thiêng liêng này của tình phụ tử?
Rất thường khi, tình phụ tử thiêng liêng là món quà nảy sinh trên tất cả từ kinh nghiệm. Một người cha thiêng liêng có thể chia sẻ không những kỹ năng lý thuyết của mình, nhưng trên hết là kinh nghiệm cá nhân. Chỉ như vậy, ông mới có thể hữu ích cho người con thiêng liêng của mình. Vào thời điểm lịch sử này, có một sự cấp thiết lớn đối với các mối quan hệ có ý nghĩa mà chúng ta định nghĩa là tình phụ tử thiêng liêng, nhưng – cho phép tôi nói điều này – cũng như tình mẫu tử thiêng liêng, bởi vì vai trò đồng hành không phải là đặc quyền của nam giới hay chỉ là các linh mục. Có nhiều nữ tu dũng cảm, nhiều phụ nữ thánh hiến, nhưng cũng có nhiều giáo dân giàu kinh nghiệm, họ có thể chia sẻ với những người khác.
Theo nghĩa này, mối quan hệ thiêng liêng là một trong những mối quan hệ mà chúng ta phải khám phá lại với sức mạnh lớn hơn vào thời điểm lịch sử này, không bao giờ được nhầm lẫn với những con đường khác có tính chất tâm lý hoặc trị liệu.
Một trong những hậu quả thương tâm của đại dịch Covid là người cha, người mẹ mất việc làm. Cha muốn nói gì với với những người cha, người mẹ đang gặp khó khăn này?
Tôi cảm thấy rất gần với thảm kịch của những gia đình này, những người cha, người mẹ trải qua giai đoạn khó khăn đặc biệt này, còn bị nặng thêm vì đại dịch. Tôi nghĩ không dễ dàng để đối diện với nỗi đau không thể nuôi con mình, và chịu đựng sức nặng của trách nhiệm cuộc sống người khác trên vai mình. Trong hoàn cảnh này, lời cầu nguyện, sự gần gũi của tôi, nhưng cũng là sự hỗ trợ của Giáo hội dành cho những người này. Và tôi cũng nghĩ đến các người cha, người mẹ,các gia đình buộc phải đi trốn vì chiến tranh, họ bị đẩy ra khỏi biên giới Âu châu, không những thế, họ còn sống trong hoàn cảnh đau thương, bất công, không ai xem trọng họ hoặc cố tình làm ngơ họ.
Tôi muốn nói với những người cha, người mẹ này, họ là những người hùng của tôi, vì tôi thấy nơi họ lòng dũng cảm của những người dám hy sinh mạng sống mình vì tình yêu cho con cái, cho gia đình. Mẹ Maria vàThánh Giuse cũng đã trải qua cuộc lưu đày, thử thách này, phải chạy trốn ra nước ngoài vì bạo lực và quyền lực của vua Hêrôđê. Đau khổ của họ đưa họ đến gần với anh chị em chúng ta, những người ngày nay cũng chịu đựng các thử thách tương tự. Những người cha này tin tưởng hướng về Thánh Giuse, biết rằng chính ngài, với tư cách là người cha đã trải qua cùng kinh nghiệm, cùng bất công. Và tôi muốn nói với tất cả họ, gia đình họ, họ đừng cảm thấy mình cô đơn! Giáo hoàng luôn nhớ đến họ và sẽ tiếp tục, càng nhiều càng tốt, cho họ mượn tiếng nói của ngài và không quên họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét