Những suy tư thần học về tiệc cưới Cana
NHỮNG SUY TƯ THẦN HỌC VỀ TIỆC CƯỚI CANA
Luke Khổng Quang
WGPQN (12.01.2022) - Sau khi Chúa Giêsu kêu gọi Philípphê và Nathanaen làm môn đệ, Ngài đi dự tiệc cưới ở Cana. Đây cũng là quê quán của Nathanaen (Ga 21,2), người có sẵn thành kiến: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Gioan 1,46). Để ‘sửa lưng’ ông, Chúa Giêsu nói: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50). Chúa đã thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài, hóa nước thành rượu tại Tiệc Cưới Cana. Dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, biến cố trọng đại này không chỉ mở mắt tông đồ Nathanaen về quyền năng và bản tính đích thực của Đức Giêsu, mà còn cho thấy những ý nghĩa thần học ẩn khuất sau bức màn sự kiện và những lời đối thoại.
Tiệc Cưới Cana – Hôn Ước của Thiên Chúa và Dân Người
Thật lạ khi chỉ có Phúc Âm Gioan kể về câu chuyện Tiệc Cưới Cana (Ga 2,1-12), mà qua đó Thánh sử Gioan cho chúng ta thấy được một phép lạ phát xuất từ lòng thương xót của Chúa. Chính phép lạ này sẽ khởi đầu cho giai đoạn cuối trong kế hoạch cứu rỗi thế gian của Chúa Cha. Tiệc Cưới Cana nhắc ta nhớ về hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, một hôn ước được tiên tri Hosêa diễn tả thật trìu mến: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2, 21-22).
“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê…”
Thánh sử Gioan bắt đầu kể về tuần lễ đầu tiên trong Tin Mừng của Ngài, từ 1,19 đến 2,11. Trong bốn ngày đầu, Ngài viết về lời chứng của Gioan Tẩy Giả, về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên, rồi “vào ngày thứ ba” sau bốn ngày đầu chuẩn bị (4+3) Chúa đến dự Tiệc Cưới Cana [1][2][5]. Nói vắn tắt, TIệc Cưới Cana đã xảy ra vào ngày thứ bảy trong tuần lễ Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ của Ngài. Từ cách cắt nghĩa đó các nhà chú giải nhận ra những ý nghĩa thần học sâu xa của biến cố này:
1/ Thiên Chúa hiện ra với dân Israel trên núi Sinai “vào ngày thứ ba” để lập giao ước với dân (Xh 19,11&16).
2/ Tuần lễ đầu tiên của Tin Mừng Gioan gợi ta nhớ về tuần lễ sáng tạo trong sách Khởi Nguyên khi Chúa tạo thành người nam và người nữ. Thật vậy, ngày thứ bảy khi Chúa làm phép lạ thứ nhất tại Cana chính là ngày đầu tiên của thời Sáng Tạo mới. [1]
Tiệc Cưới Cana – vai trò của Mẹ Maria
Trong số khách mời dự tiệc, Mẹ Đức Giêsu được nhắc đến trước tiên, rồi sau đó đến Đức Giêsu và tiếp đến là các môn đệ của Ngài (có lẽ lúc này thánh Giuse đã mất nên không được nhắc đến). Trong Tin Mừng Gioan, thánh sử chỉ viết hai lần về Mẹ Chúa: tại Tiệc Cưới Cana và dưới chân Thánh Giá (19, 25-27), đây cũng là lúc Chúa khởi đầu và kết thúc sứ vụ. Cả hai lần, Thánh sử không viết ra tên của Mẹ, nhưng chỉ dùng từ “thân mẫu Đức Giêsu”.
1/ Bằng cách này có lẽ thánh sử muốn ám chỉ rằng Mẹ thực sự hiện diện xuyên suốt thời kỳ Chúa thi hành sứ vụ và Mẹ đã hành xử như là “thân mẫu Đức Giêsu” tại hai thời điểm quan trọng khi thần tính của Đức Giêsu được tỏ hiện.
2/ Với thủ pháp văn chương như trình bày ở trên, Thánh sử muốn nhấn mạnh đến tính biểu tượng cao trong vai trò của Mẹ trong lịch sử Cứu độ. Kinh thánh Cựu Ước thường nhân cách hóa dân Chúa như một người nữ, chẳng hạn như “thiếu nữ Xion” (Is 62,11) hay con của Mẹ Xion (Is 66, 7-9) và trong Tân Ước, Giáo hội chính là cô dâu của Đức Kitô (2Cor 11,2; Ep 5, 29). Tại Tiệc Cưới Cana, Mẹ là đại diện cho dân Chúa vâng phục và trung thành. Như dân Israel xác định lòng trung thành với Chúa khi ký kết Giao ước tại Tiệc cưới Sinai: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." (Xh 24,3), Mẹ Maria hướng dẫn những người hiện diện tại Tiệc cưới Cana: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5). Mẹ là mẫu gương cho các tín hữu vâng lời Thiên Chúa. Mẹ đã sống và đồng thời khuyến khích lòng trung thành và tình yêu với Thiên Chúa. [3]
"Họ hết rượu rồi."
Người ta không biết rõ về địa điểm Cana nơi Tiệc Cưới diễn ra. Cana có thể là Khirbet Cana, một làng nhỏ cách Nazaréth 15 cây số về phía Bắc, hay là làng Kef Kenna, cách Nazaréth chỉ 7 cây số về phía Đông Bắc. Khi cử hành đám cưới theo tục lệ Do Thái, bà con họ hàng và ngay cả khách qua đường cũng được mời để chung vui với đôi tân hôn. Trong ngày trọng đại này, rượu được dùng trong bữa tiệc và cũng để tạo một không khí hội hè. Vì các phụ nữ lo phần ăn uống cho bữa tiệc, nên Mẹ Maria cũng góp tay phụ giúp. Đó là lý do tại sao Mẹ phát hiện ra gia chủ hết rượu. Ngoài mục đích thông thường là để đãi thực khách, ở đây rượu còn có một ý nghĩa thiêng liêng.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mẹ mình không dễ hiểu chút nào: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến" (Ga 2,4). Ai đời Mẹ mình mà Chúa Giêsu thưa bằng “bà”? Thật ra, thưa “bà” là cách thưa gửi long trọng bày tỏ lòng tôn kính cũng như khi người ta dùng từ “lady” trong tiếng Anh. Chúa dùng từ này lần thứ hai với lòng trìu mến và sự kính trọng khi Ngài trên thập giá thưa chuyện với Mẹ mình: "Thưa Bà, đây là con của Bà"(Ga 9,26).
Riêng câu “chuyện đó can gì đến bà và tôi?”, thì theo cách nói của người phương Đông, câu này có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo mạch văn. Câu trả lời của Chúa có thể hiểu rằng mặc dầu Ngài không có kế hoạch để can thiệp vào chuyện tiệc cưới hết rượu, nhưng Ngài đã làm phép lạ vì được Mẹ Ngài yêu cầu. Cũng vì vậy đối với các tín hữu, Mẹ đã trở thành người bầu cử đầy quyền thế cho họ trước mặt Chúa – supplicant omnipotence. [4]
"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo"
Qua những lời này, chúng ta thấy được hai vai trò chính của Mẹ Maria. Một là, trong vai một môn đệ gương mẫu, phụ thuộc vào con mình. Lời Mẹ chỉ dẫn các gia nhân ở Tiệc Cưới giống như lời đáp trả của dân Isael với Thiên Chúa khi thiết lập Giao Ước ở núi Sinai: "Tất cả những gì Yavê đã phán bảo, chúng tôi sẽ làm theo" (Xh 19,8). Hai là, trong vai trò người trung gian giữa Con mình và những người tổ chức Tiệc Cưới; Mẹ đã nói với Chúa về nhu cầu của gia đình chủ tiệc và rồi khuyến khích các gia nhân tuân theo lời Người. Trong đời sống của Giáo hội, Mẹ nói với Chúa về những nhu cầu của nhân loại và Mẹ khuyến khích các tín hữu trở nên môn đệ Chúa và tuân theo lời Người. [3]
"Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."
Qua miệng các tiên tri, Thiên Chúa đã loan báo kế hoạch cứu độ dân Người bằng cách cứu dân khỏi tội và tái lập giao ước. Giao ước mới này giống như cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân được cứu độ. Thiên Chúa không những đáp ứng tất cả những nhu cầu, nguyện vọng của dân mà còn ban tặng dư thừa ân huệ cho dân. Các tiên tri diễn tả điều đó bằng hình ảnh của một thời thịnh trị, y hệt như việc Chúa làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon tràn đầy.
Phép lạ tại Cana là điểm khởi đầu cho những dấu chỉ của Chúa Giêsu. Thánh sử Gioan muốn dùng các phép lạ như những dấu chỉ bởi vì những hành động quyền năng mạc khải cho chúng ta biết những sự thật thiêng liêng về Chúa Giêsu qua những phương tiện hữu hình. Việc Chúa biến nước thành rượu cho chúng ta biết Ngài đang thực hiện lời Chúa hứa giải cứu dân và canh tân Giao ước. Tựa như “vinh quang Thiên Chúa” được mạc khải cho dân tại Sinai, (Xh 24,16-17) vinh quang đó một lần nữa lại được tỏ hiện qua phép lạ tại Cana thực hiện bởi Ngôi Lời Nhập Thể. [3] Các môn đệ thấy được quyền năng và vinh quang của Chúa Giêsu và “các môn đệ đã tin vào Người (2,11)
Từ Tiệc Cưới Cana đến Bí Tích Hôn Nhân
Tiệc cưới Cana là một trong những bài đọc cho thánh lễ hôn phối. Qua đó, Giáo lý Công giáo dạy rằng: “Hội Thánh coi việc Đức Ki-tô hiện diện trong tiệc cưới Ca-na có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki-tô.” (GLHTCG, 1613). Thiên Chúa thiết lập bí tích Hôn nhân như một dấu chỉ hữu hình của tình yêu kết ước trường tồn với dân Người. Đời sống hôn nhân vợ chồng có những lúc thuận buồm xuôi gió và cũng có lúc gặp phải phong ba bão tố vì những bất toàn, khiếm khuyết, mềm yếu của cả hai. Điều quan trọng phải thực hiện của đôi lứa là biết mời Chúa đến dự tiệc cưới, và hiện diện trong cuộc sống gia đình. Hãy xin Ngài giúp chúng ta thực hiện những cam kết sống yêu thương và trung thành với nhau, giúp biến nước lã là những khó khăn trắc trở của đời sống hôn nhân thành rượu ngon cho hy lễ của một tình yêu được thánh hóa.
Nguồn: gpquinhon.org
-----------------[1] Farmer, William R. The International Bible Commentary. NXB Liturgical Press, Collegeville, Minnesota (1998), 1463-1464
[2] Durken, Daniel OSB: New Collegeville Bible Commentary. NXB Liturgical Press, Minnesota (2017), 1166-1167.
[3] Martin, Francis & Wright, William M. IV: The Gospel of John, NXB Baker Academic Press, Grand Rapids, Michigan (2018), 54-61
[4] Casciaro, José Maria. The Navarre Bible: The Gospels and Acts of the Apostles – Text and Commentaries. NXB Scepter Publishers, Princeton, NJ. (2008), 560 – 563
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét