Học hỏi Tin mừng Luca 13
Vũ Văn An
Bài Tin Mừng Luca 8:9-10: Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói?
9Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.
Trích Tin Mừng Luca trực tuyến của Nhóm Phiên dịch CGKPV
Chú thích
Các môn đệ. Tức Nhóm Mười Hai và các phụ nữ ở 8:1-2. Song hành trong Máccô viết “những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai”. Họ được nhắc đến khác với những “kẻ khác” ở câu 10. Máccô nói rõ “Khi còn một mình Đức Giêsu” (4:10), hai nhóm này mới hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn.
Anh em thì được ơn. Kiểu nói ở thể thụ động này Cha Fitzmyer gọi là thể thụ động thần học, để chỉ chính Thiên Chúa ban ơn. Kiểu nói của Chúa Giêsu ám chỉ việc Chúa Cha tuyển chọn các môn đệ một cách nhân hậu. Họ được đặc ân biết điều sẽ được mô tả ở đây; một cách ngụ hàm, câu nói này cho thấy cách Luca hiểu về việc làm môn đệ. Cha An Sơn Vị dịch câu này theo thể chủ động: “Thiên Phụ đã cho các con biết" (Tin Mừng Về Chúa Giêsu, ấn bản toàn thư 1983, tr.472)
Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trong Máccô, mầu nhiệm nước Thiên Chúa được ban cho các môn đệ, Luca đổi mầu nhiệm thành các mầu nhiệm và thêm “hiểu biết” nhằm làm cho hồng ân Thiên Chúa ban cho các môn đệ như một kinh nghiệm tri thức về Nước Thiên Chúa. Họ không phải chỉ là những người nghe dụ ngôn mà còn là những người thấy và hiểu các hệ luận của nó. Điều hàm ngụ không hẳn là một sự ngộ đạo bí truyền ban cho một nhóm khép kín nào đó, mà là một nhận thức để loan truyền, về nước Thiên Chúa và vai trò của nó trong đời người. Việc các môn đệu hiểu biết “các mầu nhiệm” không nhất thiết là hiểu thấu đáo với lời giải thích của Chúa Giêsu, vì Luca nhấn mạnh trong Cv 1:3b rằng Chúa phục sinh sẽ giải thích cho họ thêm về Nước Thiên Chúa.
Việc dùng mầu nhiệm ở số nhiều có thể phản ảnh lối dùng đương thời ở Palestine như thấy trong một số bản văn Qumran 1QpHab 7:8; 1QW 3:9; 16:11...
Còn với kẻ khác. Mc 4:11b phân biệt các môn đệ với “những kẻ ở ngoài” nhưng vì Luca đã bỏ câu “Khi còn một mình Chúa Giêsu” trong Máccô nên ở đây ngài bỏ luôn “kẻ ở ngoài” chỉ nói là những người còn lại, người khác.
Để. Luca giữ chữ “để” trong Máccô trong khi Mátthêu dùng chữ là "vì" (13:13) có lẽ để làm nhẹ câu nói và cho thấy lý do của việc những người này không hiểu. Nhưng chữ “để” ở đây có nghĩa gì? Thông thường dĩ nhiên có nghĩa mục đích (teleological), diễn tả lý do tại sao Chúa Giêsu dạy bằng dụ ngôn. Thành thử nó ngụ ý rằng Chúa Giêsu cố ý giảng dạy theo lối như Thiên Chúa trong Cựu Ước sai các ngôn sứ đến để làm cứng lòng Israel hay các Pharaô. Tuy nhiên mục đích ấy luôn xem ra mâu thuẫn với chính bản chất của các dụ ngôn, vốn là một hình ảnh soi sáng và trong một số trường hợp còn minh giải một số yếu tố trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Do đó, một số nhà chú giải nghĩ rằng đôi khi chữ “hina” (để) này có nghĩa tiếp sau (consecutive), diễn tả không phải mục đích Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà là hiệu quả của việc này.
Nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng dịch là “nhìn mà không nhìn”. Riêng Cha An Sơn Vị thì dịch là “nhìn mà không thấy” (Đã dẫn, cùng trang). Cha Fitzmyer cũng dịch theo lối này: “they look and see nothing”. Theo cha, lời văn của Luca nhẹ nhàng hơn Mc 4:12: “họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu”. Máccô gần hơn với Is 6:9-10: “Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Mt 13:13-15 đã trích lại hoàn toàn lời lẽ này của Isaia. Luca đã lược trích và bỏ hẳn đoạn nói về hoán cải và tha thứ. Có tác giả cho rằng việc bỏ này là cố ý để tránh hiểu lầm cho rằng mục đích lời giảng của Chúa Giêsu là ngăn cản việc hoán cải. Tuy nhiên, Luca đã chuyển điều này xuống câu 12 trong phần giải thích dụ ngôn “kẻo họ tin mà được cứu độ”.
Nhận định
Cha Fitzmyer cho rằng khác với Máccô, khi lược bỏ việc Chúa Giêsu lui về một mình với các môn đệ, Luca dường như muốn nhấn mạnh việc các môn đệ hỏi Chúa Giêsu ngay giữa đám đông nghe dụ ngôn của Người. Hình thức của Máccô đã được Luca làm nhẹ và rút ngắn và các môn đệ chỉ hỏi về một dụ ngôn.
Theo Cha, đoạn này phân biệt các môn đệ với các người khác ở chỗ các ngài được Thiên Chúa ban ơn hiểu biết các lời giảng dạy về Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Trong khi Máccô nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ các bí mật của Nước Thiên Chúa thì Luca và Mátthêu nhấn mạnh tới ơn “hiểu biết” (nhận thức) các bí mật ấy. Việc thay đổi này nhấn mạnh việc ý thức được các khía cạnh siêu việt, giấu kín của Nước trời. Nó phù hợp với việc Luca nhấn mạnh tới Chúa Giêsu như vị giảng thuyết về Nước Trời.
Về lý do tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dậy, tuần trước, trong bài Học Hỏi Tin Mừng Luca 12, chúng tôi đã trình bày nhận định của Thánh Cyril thành Alexandria. Jeremy Myers, trong nhận định về Lc 8:9-10, cho rằng dụ ngôn nào thoạt nghe cũng vô lý cả. Có gì vô lý bằng cách dùng ví dụ, dùng hình ảnh, dùng dụ ngôn để làm sáng tỏ điều mình giảng dạy mà ở đây lại bảo rằng “để nghe mà không hiểu”. Mà không phải chỉ có dụ ngôn này, trong Lc 16, chúng ta có người làm bất lương lừa gạt chủ được Chúa Giêsu khen ngợi! Trong Lc 18, ta thấy bà góa chỉ nhận được điều bà muốn bằng cách quấy rầy quan tòa, được Chúa Giêsu ví tác phong của bà như một lời cầu nguyện! Lại còn dụ ngôn khác người làm vào giờ chót cũng lãnh lương bằng người làm từ giờ đầu tiên! Thật hàm hồ bối rối.
Nhưng theo Myers, nếu bạn cảm thấy bối rối, thì đó không phải vì bạn dốt mà vì Chúa Giêsu muốn thế. Ông cho rằng nếu dụ ngôn có ý để soi sáng chân lý và bạn bị chúng làm cho bối rối, thì một là Chúa Giêsu là ông thầy tồi hay bạn là học trò dở. Nhưng nếu dụ ngôn nhằm gây bối rối và bạn bị nó làm cho bối rối, thì mọi sự đều ổn cả. Câu hỏi còn lại là tại sao Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn làm ta bối rối?
Trong Mt 13:11-14, Chúa Giêsu giải thích chi tiết hơn lý do tại sao Người nói dụ ngôn, nhưng cuối cùng, để dụ ngôn biểu lộ chân lý cho một số người, đồng thời che đậy chân lý đối với số người khác. Người muốn dạy bảo kẻ tin nhưng che giấu sự thật với những kẻ không tin.
Nhưng tại sao Người lại muốn giấu sự thật với những kẻ không tin? Theo Myers, chân lý chính mà người không tin cần nghe là họ cần sự sống đời đời và sự sống này chỉ nhận được bằng đức tin vào Chúa Giêsu mà thôi. Chân lý này ít khi được trình bầy dưới hình thức dụ ngôn, nhất là trong Gioan. Khi trình bầy nó, Chúa Giêsu trình bầy thẳng thừng.
Tuy nhiên, các chân lý thâm sâu hơn về nước Thiên Chúa được dành cho những người đã tin rồi và sẵn lòng muốn học hỏi về chúng. Nên khi nói các sự thật về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói. Và bất luận là người tin hay người không tin, một trong hai điều sau sẽ xẩy ra.
Hoặc người ta đến để xin Người giải thích hoặc họ bỏ đi. Dĩ nhiên Chúa Giêsu muốn người ta đến để xin Người giải thích. Nếu họ đến và là người không tin, Người sẽ chia sẻ Tin Mừng với họ, như trường hợp Nicôđêmô trong Gioan 3. Còn nếu là người tin, Chúa Giêsu sẽ giải thích sự thật giấu kín của dụ ngôn. Điều Người đã làm trong Luca 8.
Tóm lại, Chúa Giêsu nói dụ ngôn vì Người muốn người ta đến với Người và xin giải thích. Vì Người trước hết và đầu hết là một người tạo ra môn đệ. Đúng, Người là nhà giảng thuyết đại tài và một nhà làm phép lạ tuyệt vời, nhưng tận thâm tâm Người là mong ước mọi người đến với Người, từng người một, hay từng nhóm môn đệ nhỏ.
Khi Chúa Giêsu giảng dậy bằng dụ ngôn, ai muốn nghe thêm sẽ đến và khỏi thêm và lúc đó, Người có khả năng làm họ trở thành môn đệ. Nhưng những ai tâm hồn chai đá, tuy nghe lời Người, nhưng rối bỏ đi, nghĩ rằng mình hiểu câu truyện vĩ đại của Người, nhưng thực sự không nắm bắt được điều Người giảng dậy”.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét