Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng 5
Chúa Nhật 1 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục sinh. Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền.
Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá.
Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các môn đệ đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.
Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 21:1-19) thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra bên Hồ Galilê, và trên hết là có sự tham gia của ông Simon Phêrô. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ông nói với các môn đệ khác: “Tôi đi đánh cá đây” (câu 3). Không có gì lạ về điều này, vì ông là một ngư dân, nhưng ông đã bỏ công việc này từ khi bỏ lưới trên bờ hồ đó để theo Chúa Giêsu. Và bây giờ, trong khi Đấng Phục sinh đang chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thất vọng, đã đề nghị với những người khác rằng ông sẽ quay trở lại cuộc sống cũ của mình. Và những người khác chấp nhận ý kiến đó: “Chúng tôi sẽ cùng đi với ông”. Nhưng “đêm đó họ không bắt được gì”. (câu 3).
Điều này có thể xảy ra cho chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, có lẽ vì lười biếng, quên Chúa và bỏ bê những lựa chọn tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện, để tự bằng lòng với điều gì đó khác. Ví dụ, không dành thời gian để trò chuyện cùng nhau trong gia đình, thích những trò tiêu khiển cá nhân; chúng ta quên lời cầu nguyện, để bản thân bị cuốn vào những nhu cầu của chính mình; chúng ta bỏ bê việc bác ái, với lý do là có những việc cấp bách hàng ngày phải lo toan. Nhưng, khi làm như vậy, chúng ta thấy mình thật thất vọng: đó là nỗi thất vọng mà Thánh Phêrô cảm thấy, với những tấm lưới trống rỗng, giống như ông. Đó là con đường đưa anh chị em đi lùi và không làm anh chị em hài lòng.
Và Chúa Giêsu làm gì với Phêrô? Chúa trở lại bờ hồ nơi ngài đã chọn ông, Anrê, Giacôbê và Gioan. Ngài không khiển trách họ - Chúa Giêsu không trách móc, Ngài luôn luôn chạm đến trái tim - nhưng dịu dàng gọi các môn đệ: “Các con” (câu 5). Sau đó, Chúa mời họ, như trước đây, hãy can đảm giăng lưới của họ một lần nữa. Và lần này lưới được lấp đầy, đến mức tràn ra ngoài. Anh chị em thân mến, khi lưới mình trống rỗng trong cuộc sống, không phải là lúc để cảm thấy tiếc cho bản thân, để vui chơi, quay trở lại với những thú tiêu khiển cũ. Đã đến lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đã đến lúc tìm lại can đảm để bắt đầu lại, đã đến lúc phải ra khơi lần nữa với Người. Chúng ta luôn phải đối mặt với một sự thất vọng, hoặc một cuộc sống đã mất đi phần nào ý nghĩa – khi thấy “hôm nay tôi cảm thấy như thể tôi đã đi lùi lại phía sau” - hãy lên đường một lần nữa với Chúa Giêsu, bắt đầu lại, dấn thân vào chỗ nước sâu! Chúa đang chờ anh chị em. Và Người chỉ nghĩ về anh chị em, tôi, mỗi người trong chúng ta.
Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi nghe Gioan kêu lên: “Chúa đó!” (câu 7), ông lập tức nhảy xuống nước và bơi về phía Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ yêu thương, bởi vì tình yêu thương vượt lên trên sự hữu ích, tiện lợi hay bổn phận; tình yêu tạo ra điều kỳ diệu, nó truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo, được tự do trao tặng. Theo cách này, trong khi Gioan, người nhỏ tuổi nhất, nhận ra Chúa, thì chính Phêrô, người lớn tuổi nhất, lại lao về phía Người. Trong cuộc bơi lặn đó, có tất cả sự nhiệt tình mới được tìm thấy của Simon Phêrô.
Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta đến với một động lực mới - tất cả mọi người, mỗi người trong chúng ta - Người mời gọi chúng ta lao vào điều tốt lành mà không sợ mất mát điều gì, không tính toán quá nhiều, không đợi người khác bắt đầu. Tại sao? Thưa: Đừng chờ đợi người khác, bởi vì để ra ngoài gặp Chúa Giêsu, chúng ta cần phải loại bỏ thăng bằng hiện nay. Chúng ta cần loại bỏ thăng bằng với lòng can đảm, phục hồi bản thân, nhưng khôi phục lại bản thân trong trạng thái mất cân bằng, chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: liệu tôi có khả năng bộc phát lòng quảng đại, hay tôi kiềm chế những thôi thúc của trái tim mình và khép mình vào thói quen, và những sợ hãi? Hãy nhảy vào, đi sâu vào. Đây là lời hôm nay của Chúa Giêsu.
Sau đó, ở cuối đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô ba lần, cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15-16). Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng hỏi chúng ta: Con có yêu mến Thầy không? Bởi vì trong lễ Phục sinh, Chúa Giêsu cũng muốn lòng chúng ta sống lại; bởi vì đức tin không phải là vấn đề về kiến thức, mà là về tình yêu. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, tôi, chúng ta, những người có lưới trống và sợ bắt đầu lại; những người không có can đảm để lao vào và có lẽ đã đánh mất động lực của chúng ta. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi. Kể từ đó, Phêrô thôi không đánh bắt cá nữa và chuyên tâm phục vụ Thiên Chúa và cho anh chị em của mình đến mức hiến mạng sống tại đây, nơi chúng ta đang đứng hiện nay. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?
Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng nói “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta khám phá lại sự thôi thúc để làm điều tốt.
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Hôm qua, Cha Mario Ciceri và Cô Armida Barelli đã được phong chân phước tại Milan. Vị đầu tiên là một phó xứ; ngài dành hết mình để cầu nguyện và giải tội, thăm hỏi những bệnh nhân và ở bên cạnh các cậu bé tại nhà hát, như một nhà giáo dục nhẹ nhàng và người hướng dẫn an toàn. Đó là một gương sáng của một mục tử. Armida Barelli là người sáng lập và hoạt náo viên của Phong Trào Thiếu Nữ Công Giáo Tiến Hành. Cô đã đi khắp nước Ý để truyền cảm hứng cho các cô gái và phụ nữ trẻ về sự cam kết của giáo hội và dân sự. Cô đã hợp tác với Cha Gemelli để thành lập một tu hội đời cho những người phụ nữ và Đại học Công Giáo Thánh Tâm, nơi đang kỷ niệm thường niên ngày hôm nay và đã đặt tên cho trường Đại Học là “Với trái tim của một người phụ nữ” để vinh danh cô. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!
Hôm nay là ngày đầu tháng dành riêng cho Mẹ Thiên Chúa. Tôi xin mời tất cả các tín hữu và cộng đoàn hãy lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày trong tháng Năm. Suy nghĩ của tôi hướng đến thành phố Mariupol của Ukraine, “thành phố của Đức Maria”, bị đánh bom và phá hủy một cách dã man. Một lần nữa, từ đây, tôi xin lập lại thỉnh cầu của mình rằng phải bố trí các hành lang nhân đạo an toàn cho những người bị mắc kẹt trong các xưởng luyện thép ở thành phố đó. Tôi đau khổ và khóc khi nghĩ đến những đau khổ của người dân Ukraine, và đặc biệt, những người yếu nhất, người già và trẻ em. Thậm chí có những báo cáo khủng khiếp về việc trẻ em bị bắc cóc và trục xuất.
Và trong khi chúng ta đang chứng kiến một sự suy thoái rùng rợn của tình nhân loại, tôi tự hỏi, cùng với rất nhiều người đau khổ, liệu hòa bình có thực sự đang được tìm kiếm; liệu có ý muốn tránh tiếp tục leo thang bằng lời nói và quân sự hay không; cho dù mọi thứ có thể đang được thực hiện để ngăn chặn vũ khí. Tôi cầu xin các bạn, chúng ta đừng đầu hàng logic của bạo lực, trước vòng xoáy gian ác của vũ khí. Cầu mong con đường đối thoại và hòa bình được thực hiện! Hãy cùng cầu nguyện.
Và hôm nay là Ngày Lao động. Có thể nó sẽ là một sự kích thích để làm mới những nỗ lực để bảo đảm rằng công việc là phù hợp với phẩm giá ở mọi nơi và cho tất cả mọi người. Và mong thế giới công ăn việc làm tiếp tục truyền cảm hứng cho ý chí phát triển một nền kinh tế hòa bình. Và tôi muốn tưởng nhớ đến những công nhân đã chết tại nơi làm việc: đó là một thảm kịch lan rộng, có lẽ quá nhiều.
Ngày mốt, 3 tháng 5, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới của UNESCO. Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà báo, những người đã trả giá bằng mạng sống của mình để phục vụ quyền này. Năm ngoái, 47 nhà báo bị giết trên toàn thế giới, và hơn 350 người bị bỏ tù. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người đã can đảm thông báo cho chúng ta về những vết thương của nhân loại.
Tôi xin chào tất cả các bạn, các tín hữu Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng như giáo xứ Maronite ở Nazareth và giáo xứ Saint Rita ở Warsaw. Tôi chào Ca đoàn “Năm Thánh” của Conselve và các học sinh của Mascalucia. Một ý nghĩ đặc biệt dành cho Hiệp hội “Meter”, là hiệp hội đã nhiều năm chống lại bạo lực và lạm dụng trẻ vị thành niên, luôn đứng về phía những đứa trẻ nhỏ. Và tôi cũng chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata.
Tôi cầu chúc một ngày Chúa Nhật may mắn cho tất cả anh chị em! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét