Trang

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Tình yêu mới làm mọi chuyện đi đến đàng trước, không phải lời bào chữa

Tình yêu mới làm mọi chuyện đi đến đàng trước, không phải lời bào chữa

Ronald Rolheiser,  



Chuyện bào chữa được thì không cần phải bào chữa, chuyện không bào chữa thì không thể bào chữa được.

Michael Buckley đã viết câu này khi nói về chuyện Thánh Phêrô chối Chúa ba lần. Và đây là nội dung: Phêrô đã phản bội Chúa Giêsu trong lúc Ngài đang cùng cực nhất, và ông làm thế không phải vì ác tâm mà đơn thuần vì yếu đuối. Giờ, lần đầu đối diện với Chúa Giêsu sau lần phản bội đó, hẳn Phêrô thấy bứt rứt lắm. Chúng ta sẽ nói gì sau khi đã phản bội người nào đó?

Ông không cần nói gì cả. Chúa Giêsu đã mở lời, và như Buckley nêu bật, Ngài không bào chữa cho Phêrô. Chúa Giêsu không nói theo kiểu: “Trong hoàn cảnh này, nếu sợ hãi thì cũng là chuyện thông cảm được. Con đâu có tỉnh táo nổi! Thầy hiểu vì sao chuyện đó lại xảy ra mà!” Ngài cũng không hề bảo Phêrô là Ngài vẫn thương ông. Hoàn toàn Chúa Giêsu không nói những lời đó. Ngài chỉ đơn thuần hỏi Phêrô: “Con có yêu ta không?” và khi Phêrô thưa có, mọi chuyện cũ giờ đã là chuyện cũ. Không cần bào chữa gì cả. Chuyện bào chữa được thì không cần phải bào chữa, chuyện không bào chữa thì không thể bào chữa được. Nhân loại chúng ta đã giải thích vì sao chúng ta dễ bị phản bội, và khi tỉnh ngộ qua chuyện đó thì điều cần nói ra chính là sự tái xác nhận tình yêu.

Tôi quen một cặp vợ chồng có kinh nghiệm chuyện này. Họ cùng nhau đi dự tiệc tối thứ sáu, và người vợ, do hơi men và ma túy, đã rời bữa tiệc với một người đàn ông khác. Lúc đó, chồng cô không biết chuyện, nhưng khi phát hiện ra, ông đau buồn vô hạn. Ông về nhà một mình, trằn trọc cả đêm không ngủ được, nghĩ đến đủ ảo tưởng trả thù và cuối cùng chọn được một cách.

Gần đến giờ trưa, ông ngồi trong bếp, lúc người vợ ngượng ngùng và tự biết lỗi trở về nhà. Cô đã chuẩn bị bài bản xin lỗi và sẵn sàng đối diện với cơn thịnh nộ chính đáng của chồng mình. Nhưng cái cô nhận được lại không phải thế. Chồng cô không để cô nói bất kỳ lời xin lỗi hay bào chữa gì, ông cũng không bừng bừng thịnh nộ. Thay vào đó, ông bình thản và buồn rầu có mấy lời với vợ: “Anh sẽ ra ngoài ở trong một tuần để em có thể thanh thản suy nghĩ. Em cần phải quyết định. Em là vợ anh, hay là vợ của người khác?” Một tuần sau ông về nhà, nghe vợ xin lỗi, nhưng điều quan trọng hơn là ông tìm được con người mới của vợ, chung thủy triệt để hơn. Cuộc hôn nhân của họ vững bền và tốt đẹp kể từ đó. Bây giờ cô chung thủy theo cách vượt hẳn trước đây.

Chắc chắn, khi ông trở về, người vợ đã khóc lóc xin lỗi và biện minh. Việc ông không để cô nói gì trước đó có lẽ đã đem lại lợi ích lâu dài, nhưng tôi cũng phải công nhận là trong ngắn hạn nó hơi tàn nhẫn. Kể cả khi có chuyện không thể bào chữa, chúng ta vẫn cần cơ hội để nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi quan trọng, cho cả người nói xin lỗi và người được xin lỗi. Trước khi có một lời xin lỗi rõ ràng, thì chuyện vẫn chưa xong. Tuy nhiên, trong mối quan hệ bị tổn thương hay rạn vỡ, sự hối hận rõ ràng không phải là cái tối hậu để sang trang bước tiếp. Cái làm cho chúng ta bào chữa được và bước đi tiếp chính là hết lòng đổi mới với tình yêu và chung thủy sâu sắc hơn.

Chuyện không bào chữa thì không thể bào chữa được. Nói một cách nghiêm ngặt, thì nó đúng, dù đôi khi sự thông hiểu sâu sắc hơn có thể biện minh cho chuyện không thể biện minh. Tôi xin đưa ra một ví dụ.

Vài năm trước, ở Úc đã xảy ra một chuyện. Hội đồng một Trường Công giáo vừa xây xong ngôi trường trị giá nhiều triệu đô Không lâu sau khi trường khánh thành, một cậu bé học sinh trung học đã đốt lửa trong tủ đồ của mình, em không biết van khí đốt cho hệ thống sưởi nằm ngay sau tủ đồ đó. Một vụ hỏa hoạn lớn bùng lên và cả ngôi trường bị đốt trụi. Phải khen cậu bé, cậu lấy hết can đảm thú nhận chuyện này. Rồi dĩ nhiên là mọi người đặt không biết bao nhiêu câu hỏi: Sao cậu ấy lại làm thế? Có ai lại đi đốt lửa trong tủ đồ? Ngu ngốc bất cẩn kiểu gì lạ vậy? Có gì có thể biện minh cho chuyện không thể biện minh này?

Tôi rất cảm kích với câu trả lời của một giám mục Úc cho những câu hỏi này. Khi nói với một nhóm giáo viên và ban giám hiệu trường, câu trả lời ngắn gọn của cha đã gói gọn hết. Tại sao cậu học sinh này lại làm thế? Vì đó là một cậu con trai! Các cậu trai (vì những lý do có thể giải thích được) thích đốt lửa từ lâu trước khi có van khí đốt xuất hiện. Hơn nữa, không có biện minh nào cho chuyện đó, ngoại trừ bản tính con người.

Thường thì, đó là cái cớ cho chuyện không thể biện minh. Vì chúng ta là con người! Thật vậy, đây là cái cớ thực sự của người phụ nữ đã phản bội chồng trong hơi men, cũng như cái cớ thực sự của Thánh Phêrô khi phản bội Chúa.

Nhưng chúng ta phải xác định chuyện này cho rõ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta được phép viện đến bản tính vô lý về luân lý của mình làm cái cớ cho sự phản bội hoặc ngu ngốc. Chúng ta là con người! Các cậu con trai cứ là con trai! Nhưng bài học chính là mỗi khi sự vô lý về luân lý làm chúng ta rơi vào phản bội hoặc ngu ngốc, thì cái tận cùng bỏ qua mọi chuyện không phải là lời xin lỗi hay bào chữa, mà chính là hết lòng đổi mới trong tình yêu.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2022/05/18/tinh-yeu-moi-lam-moi-chuyen-di-den-dang-truoc-khong-phai-loi-bao-chua/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét