Một vài nhận định về từ “giáo lý viên”
MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ TỪ “GIÁO LÝ VIÊN”
TS. Tôma Nguyễn Như Danh
WHĐ (21.5.2022) – Bài viết này không nhằm phân tích từ “giáo lý viên” dưới góc độ hình thái học, tức là cấu tạo từ. Trái lại, bài viết thảo luận cụm từ “giáo lý viên” dưới góc độ ngữ học ứng dụng, nghĩa là nó được sử dụng và được hiểu như thế nào. Hai vấn đề chính sẽ được tìm hiểu đó là:
- Từ “giáo lý viên” được sử dụng trong các văn bản chính thức của Tòa Thánh, của Hội Thánh Công giáo Việt Nam.
- Từ ‘giáo lý viên” được áp dụng cho những đối tượng nào.
1. Từ giáo lý viên được sử dụng trong các văn kiện quan trọng của Giáo quyền
Vì nguồn tư liệu hạn chế, người viết xin được tìm hiểu từ ngữ này qua một vài văn kiện của Tòa Thánh từ Công đồng Vatican II trở lại đây và một số văn bản của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
1.1 Từ “giáo lý viên” được sử dụng trong những văn bản của Tòa Thánh
Các văn kiện quan trọng của Tòa Thánh đề cập đến giáo lý viên hàng ngàn lần.
Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mạc Khải Dei Verbum: 1 lần
Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium 1 lần
Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Tử Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội – Christus Dominus 1 lần
Bộ Giáo sĩ, Chỉ Nam huấn giáo 1971: 40 lần
Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Evangeli Nuntiandi 1975: 4 lần
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, Tông Huấn Dạy giáo lý 1979: 24 lần
Giáo luật 1983: 5 lần
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, Tông huấn Kitô hữu giáo dân Christifideles Laici, 1988: 2 lần
Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, Hướng dẫn mục vụ dành cho các linh mục triều 1989: 6 lần
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, Thông điệp sứ vụ Đấng Cứu Độ Redemptoris Missio, 1990: 13 lần
Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, Hướng dẫn Giáo lý viên 1993: 267
Bộ Giáo sĩ, Chỉ Nam huấn giáo 1997: 221 lần
Bộ Giáo sĩ, Vai trò của linh mục trong việc huấn giáo, 1999: 20 lần
Hội đồng Giáo hoàng về việc thăng tiến Tân Phúc Âm hóa, Chỉ Nam huấn giáo 2020: hàng trăm lần
Đức Thánh Cha Phanxicô, Thừa tác vụ cổ kính Antiquum Ministerium 2021: 20 lần
Như vậy, trong các văn kiện quan trọng của Tòa Thánh, từ Giáo lý viên được sử dụng rất nhiều, nhiều đến cả ngàn lần. Nội dung chính yếu khi các văn bản của Tòa thánh đề cập đến giáo lý viên là ơn gọi, sứ mạng, căn tính, linh đạo dành cho giáo lý viên và đào tạo giáo lý viên[1]. Điều đó nói lên tầm quan trọng của giáo lý viên trong công cuộc dạy giáo lý và truyền giáo của Hội Thánh.
1.2 Từ “giáo lý viên” được sử dụng trong những văn bản của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và các giáo phận.
Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng dùng từ “giáo lý viên” nhiều lần trong các thư chung và Hướng dẫn dạy giáo lý tại Việt Nam.
Thư chung của HĐGM 2007 cho biết mỗi Kitô hữu đều là giáo lý viên (số 21) và giáo lý viên “giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô, hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Giêsu để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa” (số 20).
Thư chung HĐGM 2019, chủ đề năm 2020 hướng đến người trẻ “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện” HĐGM mời gọi các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho người trẻ để người trẻ có thể trưởng thành về đời sống tâm linh (số 7).
Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017 của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề cập đến giáo lý viên 41 lần.
Nội dung chính yếu khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập đến về giáo lý viên là những chỉ nam của Tòa Thánh về dạy giáo lý và Đào tạo giáo lý viên[2].
Linh mục Giuse Vũ Đức An trong bài viết “Tầm quan trọng của Giáo lý trong đời sống Đức tin” đăng ngày 28/3/2022 trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu bật tầm quan trọng của giáo lý trong đời sống đức tin của dân Chúa. Ngài đã cho thấy được tầm quan trọng của dạy giáo lý trong lịch sử Hội Thánh và lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Điểm đặc biệt là từ thế kỷ 17, các vị thừa sai đã quan tâm soạn sách giáo lý bằng tiếng Việt và quan tâm đến việt đào tạo giáo lý viên:
“Các vị thừa sai không những quan tâm đến việc soạn thảo sách giáo lý mà còn trú trọng đến việc đào tạo các giáo lý viên. Đó là việc đào tạo các thầy giảng để chuyên lo việc dạy giáo lý cách hiệu quả hơn.”[3]
Trong số các thầy giảng này có Anrê Phú Yên, người giáo lý viên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 05/3/2000. Ngài cũng là bổn mạng của các giáo lý viên Việt Nam[4].
Tổng giáo phận Sài Gòn vẫn dùng từ giáo lý viên trong Bộ sách giáo lý Hiệp thông, gồm 12 trình độ, có sách dành cho giáo lý viên và học viên. Giáo phận Xuân Lộc sử dụng từ giáo lý viên trong các tài liệu của Ban Huấn giáo, trong các văn bản gửi cho các giáo xứ. Tất cả 27 giáo phận tại Việt Nam đều sử dụng từ “giáo lý viên” để gọi chung những người giáo dân, có cả tu sĩ tham gia dạy giáo lý. Nhiều văn bản, thư chung và hướng dẫn ở cấp giáo phận dùng từ “giáo lý viên” nhiều vô số, không thể đếm hết được.
2. Từ giáo lý viên được áp dụng cho những đối tượng nào
Từ “Giáo lý viên” được sử dụng lâu đời trong Hội Thánh với dưới nhiều tên gọi khác nhau như thầy dạy[5], người chỉ dẫn[6]. Từ giáo lý viên được nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần trong nhiều văn kiện của Tòa Thánh như đã đề cập ở trên.
Theo nghĩa thông thường, giáo lý viên nói chung là người dạy giáo lý. Thế nên tất cả những ai dạy giáo lý đều có thể gọi là giáo lý viên. Họ có thể là Giám mục, linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân. Từ điển bách khoa công giáo nói về giáo lý viên như sau:
“Trong bối cảnh Kitô giáo, giáo lý viên là giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân, những người hướng dẫn người khác trong đức tin Công giáo. Bằng lời nói và gương sáng, giáo lý viên chia sẻ đức tin cá nhân của mình với các thành viên khác trong cộng đồng và/hoặc với những người tìm gia nhập Hội Thánh”[7].
Như thế, qua định nghĩa trên chúng ta thấy rõ hơn rằng tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi trở nên giáo lý viên.
Thật vậy, nhiệm vụ dạy giáo lý liên hệ đến tất cả mọi thành phần dân Chúa[8]: Giám mục[9], linh mục[10], tu sĩ nam nữ tức những người sống đời thánh hiến[11], giáo lý viên giáo dân[12], các bậc phụ huynh[13] và tất cả mọi Kitô hữu[14]. Bởi thế mọi tín hữu Kitô đều có thể là một giáo lý viên cách nào đó[15].
Từ giáo lý viên được áp dụng trước hết và trên hết cho đức giám mục giáo phận bởi vì “Giám Mục là nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên bằng lời nói và chứng từ của đời sống mình”[16]. Giám mục là người có trách nhiệm hoàn toàn, đầu tiên về việc huấn giáo. Ngài là giáo lý viên đầu tiên của giáo phận[17]. Đầu tiên ở đây nghĩa là ngài là giáo lý viên trước hết và trên hết mọi giáo lý viên, nhờ ngài mà mọi thành phần khác trong giáo phận được tham dự vào sứ vụ rao giảng Tin mừng của Giám mục. Nói cách khác, không có ngài hoặc không hiệp thông với ngài thì không có giáo lý viên đúng nghĩa trong giáo phận của ngài. Chính ngài chọn gọi các tín hữu để trở thành giáo lý viên và các giáo lý viên thực thi công cuộc huấn giáo trong giáo phận dưới sự chỉ đạo của ngài. Điều này được thể hiện rõ trong chức vụ của giám mục đặc biệt nhiệm vụ giáo huấn, trình bày học thuyết Kitô giáo và tổ chức dạy giáo lý[18].
Các linh mục là giáo lý viên vì các linh mục “là cộng sự viên đầu tiên của Giám Mục và qua sự ủy nhiệm của ngài, trong khả năng là nhà giáo dục đức tin” (x. PO 6), có nhiệm vụ làm sống lại, điều hợp và hướng dẫn hoạt động dạy giáo lý của cộng đồng đã được trao phó cho mình (GDFC 2020, số 115). Tân chỉ nam huấn giáo 2020 nói rõ hơn “Vị linh mục của giáo xứ hay cha xứ là giáo lý viên hàng đầu trong cộng đồng giáo xứ” ngài là “giáo lý viên của các giáo lý viên” (số 116).
Các Phó tế và phó tế vĩnh viên cũng là giáo lý viên vì chức phó tế liên quan đến phục vụ Lời. Tân chỉ nam huấn giáo, số 117 và 118 của nói về trách nhiệm của các phó tế trong việc dạy giáo lý cho các tín hữu ở mọi giai đoạn của đời sống người Kitô hữu. Các phó tế phải tham gia vào các chương trình dạy giáo lý của Giáo phận hay của giáo xứ, trên hết là những chương trình liên quan đến những sáng kiến liên hệ với việc rao giảng Tin Mừng[19].
Tu sĩ nam nữ, những người sống đời thánh hiến được mời gọi dạy giáo lý:
“Trong lịch sử Hội Thánh, họ được kể vào số những người tận tâm nhất với việc ra ngoài dạy giáo lý. Hội Thánh đặc biệt mời gọi những người được thánh hiến vào hoạt động dạy giáo lý, trong đó sự đóng góp độc đáo và đặc biệt của họ không thể được thay thế bằng các linh mục hay giáo dân” (GDFC 2020, số 119).
Chính đời sống thánh thiện của họ là bài giáo lý sống động. Hơn thế nữa, sự tham gia dạy giáo lý của các tu sĩ nam nữ đã thực hiện trong lịch sử huấn giáo cho thấy họ đóng góp nhiều cho chiều sâu tôn giáo, sư phạm và phục vụ cho sự phát triển của huấn giáo (GDGC 2020, số 120)
Giáo lý viên giáo dân: Giáo lý viên áp dụng cho giáo dân thật rõ ràng qua các Chỉ nam huấn giáo, Tông huấn Dạy giáo lý và đặc biệt Thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân được Đức Thánh cha Phanxicô thiết lập ngày 10/5/2021[20]. Nhờ bí tích Rửa tội và được củng cố qua bí tích Thêm sức, Giáo lý viên giáo dân là người được Chúa Thánh Thần mời gọi, được Hội Thánh sai đi, được cộng tác với Đức Giám mục trong sứ vụ tông đồ và liên kết chặt chẽ với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh[21].
Dựa theo những chỉ dẫn của Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền, chúng ta thấy rằng giáo lý viên là một ơn gọi khởi đi từ sáng kiến và lời mời gọi của Thiên Chúa, được Giáo hội nhìn nhận, cụ thể là qua Đức Giám mục giáo phận. Đó là lời mời gọi sống và loan báo Tin mừng cho muôn dân, cho người có đạo cũng như cho những người chưa biết Chúa.
Như vậy, từ “giáo lý viên” vừa có tính phổ quát vừa có tính đặc thù. Tính phổ quát vì là áp dụng được cho tất cả mọi thành phần dân Chúa: Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Đặc thù là khi nói giáo lý viên, người tín hữu Kitô sẽ không lẫn lộn với bất cứ công việc, hay nghề nghiệp nào[22] vì họ sẽ nghĩ ngay đó là những người dạy giáo lý.
Mặt khác, từ này cũng có nét hay của nó là tính trung dung, không phân biệt giới tính vì áp dụng được cho cả nam lẫn nữ. Điều này càng thích hợp trong thế giới ngày nay khi nhân loại đề cao sự bình đẳng giữa nam và nữ. Điều này càng giúp từ “giáo lý viên” trở nên thiện cảm hơn khi sử dụng.
Tóm lại, từ giáo lý viên có thể xuất hiện nhiều trong tiếng Việt chưa đầy 100 năm, nhưng nó là từ quen thuộc, phổ biến và có giá trị đặc biệt của nó vì đã đi vào lịch sử của Hội Thánh và của Hội thánh Công giáo Việt Nam qua các văn bản của Tòa Thánh, của nhiều chỉ dẫn quan trọng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, của nhiều thư chung và hướng dẫn liên quan đến giáo lý viên của các Giám mục và các Ban Huấn giáo các giáo phận.
Giả sử có ai đó muốn thay đổi từ “giáo lý viên” bằng một từ khác thì không biết kết quả có tốt hơn không nhưng điều chắc chắn là nó sẽ gây xáo trộn rất lớn cho dân Chúa, có thể phức tạp và xáo trộn như điều chỉnh năm tháng lịch Công Nguyên cho đúng năm Chúa Giáng sinh. Hơn thế nữa, nó cũng xóa đi một phần ký ức đức tin của thế hệ trẻ khi mà từ ‘giáo lý viên” đã đi vào lòng dân Chúa cả gần thế kỷ nay.
AM : Thừa tác vụ cổ kính “Antiquum Ministerium”. 2021
DGL : Tông Huấn Dạy giáo lý “Catechesi Tradendae”. 1979
GC : Guide for Catechists, 1993 (Hướng dẫn giáo lý viên 1993)
GCD : General Catechetical Directory, 1971. (Chỉ Nam Huấn giáo 1971).
GDFC : General Directory for Catechesis), 1997. (Chỉ Nam Huấn giáo 1997
GDFC 2020 : Directory for Catechesis (Tân chỉ nam Huấn giáo), 2020.
GL : Bộ Giáo luật 1983.
KTHGD : Tông huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles Laici”.1988
LBTM : Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangeli Nuntiandi ”.1975
MK : Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”. 1965
GM : Sắc lệnh về nhiệm vụ của các Giám Mục trong Giáo hội: Christus Dominus.
PV : Hiến chế Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”. 1963
SVĐCĐ : Sứ vụ Đấng Cứu Độ “Redemptoris Missio”. 1990
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Code of Canon Law, 1983. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for the Clergy, General Catechetical Directory. 1971. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for the Clergy, General Directory for Catechesis, 1997. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for the Clergy, the Role of the Priest in Catechesis (Bộ Giáo sĩ, Vai trò của linh mục trong việc huấn giáo). 1999. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022.
Congregation for Evangelization of Peoples, Pastoral Guide for diocesan priests in Churches dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples (Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, Hướng dẫn mục vụ dành cho các linh mục triều). Rome, June 1989.
Congregation for Evangelization of Peoples, Guide for Catechists. Document of vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the territories dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples.1993. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Francis, Antiquum Ministerium (10 May, 2021). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung 2007. Trích từ https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-2007-cua-hoi-ong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-duc-kito-giao-giao-duc-hom-nay-xa-hoi-va-giao-hoi-ngay-mai-17878
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam-Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam 2017. 2017. Trích từ https://giaolyductin.net/huong-dan-tong-quat-viec-day-giao-ly-tai-viet-nam-2017.html
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung 2019. Trích từ https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hdgm-vn-thu-chung-35356
John Paul II, Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
John Paul II, Post-synodal Apostolic Exhortation, Christifedeles Laici (30 December 1988). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
John Paul II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Lm. Giuse Vũ Đức An, Tầm quan trọng của Giáo lý trong đời sống Đức tin, 2022. Trích từ https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tam-quan-trong-cua-giao-ly-trong-doi-song-duc-tin-44752
Nguyen Nhu Danh, Investigating a catechist spirituality and solutions to enhance their spiritual life. Luận án tiến sĩ thần học, Trường đại học NCU, USA, 2022.
Paul VI, Apostolic Exhortation Evangeli Nuntiandi (08 December1975). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Pontifical Council for the promotion of the New Evangelization, Directory for Catechesis, 2020.
Vatican Council II, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum (18 November 1965). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Vatican Council II, Constitution on the Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium (4 December 1963). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
[1] Nguyen Nhu Danh, Investigating a catechist spirituality and solutions to enhance their spiritual life. Luận án tiến sĩ thần học, Trường đại học NCU, USA, 2022.
[3] Linh mục Giuse Vũ Đức An trong bài viết “Tầm quan trọng của Giáo lý trong đời sống Đức tin”. 2022
[7] Reverend Peter M.J. Stravinskas, Ph.D., Catholic Encyclopedia, mục Catechist, Our Sunday visitor, Inc. 1991, tr. 181
[11] x. DGL 16; 65; GL 758. 776. 778; GC 4 khuyến khích các tu sĩ dấn thân vào việc huấn giáo, và kêu gọi họ sẵn sàng và chuẩn bị chuyên môn để lãnh nhận trách vụ huấn giáo:
“Các tu sĩ hoàn tất vai trò giáo lý viên và do cộng tác chặt chẽ với các linh mục, thường chủ động trong việc điều hành. Vì các lý do trên, Bộ Phúc Âm Hoá các dân tộc cũng yêu cầu tu sĩ dấn thân vào các lãnh vực trong yếu của đời sống các giáo đoàn, đặc biệt trên bình diện huấn luyện và đồng hành với các giáo lý viên.”
[15] Nguyen Nhu Danh, Investigating a catechist spirituality and solutions to enhance their spiritual life. Luận án tiến sĩ thần học, Trường đại học NCU, USA, 2022. Trang 18-35
[16] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Gregis (16 tháng 10 năm 2003). GDC số 222.
[22] Từ giáo lý viên dù được áp dụng cho các giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ nhưng người giáo dân nói chung và trong ngôn ngữ của Hội Thánh, các ngài được gọi bằng danh xưng giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ vì nó diễn tả tốt hơn, rõ hơn, bao quát hơn ơn gọi và sứ mạng của các ngài.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/mot-vai-nhan-dinh-ve-tu-giao-ly-vien--46021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét