CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
THỰC THI YÊU THƯƠNG ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 14,23-29
(23) Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. (26) Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (27) Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo : “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em, trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra”.

2. Ý CHÍNH :

Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt các Tông đồ của Đức Giê-su tại Nhà Tiệc Ly và gồm hai điểm chính như sau :

- CÁCH THỂ HIỆN LÒNG MẾN ĐỐI VỚI THẦY : Đức Giê-su đòi các Tông đồ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người truyền dạy, nhờ đó họ sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và sẽ nhận được ơn Thánh Thần trợ giúp.

- ĐỨC GIÊ-SU HỨA BAN BÌNH AN VÀ NIỀM VUI : Đây là sự bình an thực sự và trong tâm hồn. Nhờ đó, các ông sẽ không còn bối rối sợ hãi khi gặp phải những cơn bách hại xảy ra. Vì Người hứa ở lại với các ông luôn mãi.

3. CHÚ THÍCH :
- C 23-24 : +Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy : Đức Giê-su đòi các môn đệ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói hay tình cảm suông. Hành động chứng tỏ lòng yêu mến là tuân giữ giới răn Người truyền. +Cha Thầy và Thầy : Ám chỉ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha yêu Chúa Con và tình yêu giữa Cha Con nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần.
- C 25-26: +Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy : Đức Giê-su loan báo sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với các Tông đồ để Người ở lại với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16). +Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em : Sứ mệnh của Thánh Thần là dạy các môn đệ mọi điều Đức Giê-su đã nói, mà các ông chưa hiểu hết ý nghĩa (x. Ga 13,7).

- C 27-29 : +Thầy để lại bình an cho anh em : Người Do thái thường chào nhau bằng lời chúc “Bình an”. Sự bình an này đồng nghĩa với không có chiến tranh... Còn sự bình an của Chúa Giê-su ban ở đây thuộc lãnh vực đức tin siêu nhiên, nghĩa là được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết và được thừa hưởng ơn cứu độ. +Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy : Xét về bản tính Thiên Chúa thì Đức Giê-su ngang bằng Chúa Cha. Nhưng xét về sứ mệnh Thiên Sai, thì Đức Giê-su - “Ngôi Lời đã hóa nên người phàm” (Ga 1,14) nên không thể cao trọng bằng Thiên Chúa là Đấng đã sai Người (x Ga 14,28b). Thánh Phao-lô đã nói về điều này như sau : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu...” (Pl 2,6-11).

4. CÂU HỎI :

1) Đức Giê-su đòi môn đệ làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến Người?

2) Ai yêu mến Người thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng ra sao?

3) Đức Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần đến để làm gì?

4) Sự bình an do Đức Giê-su hứa ban khác với lời chào chúc bình an của người Do thái như thế nào?

5) Tại sao Đức Giê-su lại nói : ”Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” đang khi giáo lý dạy ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau và không Ngôi nào lớn hơn !

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Thầy đi thì ích lợi cho anh em” (Ga 16,7).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MẸ YÊU CON NHƯNG HẠN CHẾ GẶP MẶT ĐỂ CON NÊN TRƯỞNG THÀNH :

ME-RI-ƠN OÉT (Marion West) là một bé gái 4 tuổi. Ngày nào bé cũng vui mừng nhảy nhót khi thấy mẹ từ chỗ làm tới đón về nhà ăn trưa. Vì bận phải đi làm gần nhà nên từ sáng sớm, mẹ cô bé đã nhờ người hàng xóm tốt bụng trông chừng. Rồi đến trưa bà tranh thủ rời chỗ làm để đi đón con, và hai mẹ con hối hả về nhà ăn trưa và vui đùa bên nhau. Rồi đến một giờ chiều, bà lại từ giã bé tiếp tục đi làm. Bấy giờ bé ME-RI-ƠN thường tỏ vẻ buồn tủi. Em ngồi im lặng hàng giờ đồng hồ. Rồi sau đó nghe theo chuyên gia tâm lý tư vấn, mẹ bé đã thôi không về nhà vào mỗi buổi trưa để đón bé nữa. Trưa hôm ấy, bé ME-RI-ƠN buồn bã không thiết gì ăn uống. Em cứ thắc mắc tại sao mẹ lại không về nhà ăn trưa và chơi đùa với em như mọi ngày? Nhưng rồi lâu ngày bé cũng quen đi và có thái độ vui vẻ như trước.

Nhiều năm sau đó, ME-RI-ƠN mới được mẹ kể cho biết: Khi ấy hàng ngày bà vẫn trở về nhà, nhưng không ghé đón em. Bà thường ngồi bên cửa sổ nhà bếp để vừa ăn trưa vừa nhìn con vui chơi với chúng bạn ở nhà hàng xóm. Bà ao ước được chạy lại ôm ấp con cho thỏa lòng. Nhưng vì muốn con trưởng thành, bà đành nén lại để con quen dần với sự vắng mặt của mẹ hầu phát triển tâm lý bình thường như bao trẻ khác. Giờ đây khi đã khôn lớn, ME-RI-ƠN mới hiểu lý do tại sao mẹ cô lại làm như thế, và cô lại càng biết ơn mẹ nhiều hơn.

2) PHẤN ĐẤU VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG VỀ ĐỨC TIN :

Một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm ngày kia đã nhìn thấy một chiếc kén của loài bướm lạ trong khu vườn phía sau nhà. Ông ta liền ngắt cành cây có chiếc kén kia mang vào nhà. Ít ngày sau, ông ta thấy bên trong chiếc kén có sự nhúc nhích, nhưng con bướm vẫn chưa thể phá được chiếc kén để bò ra ngoài. Ngày thứ hai và thứ ba, ông ta cũng ghi nhận được sự kiện tương tự và không thấy có sự tiến bộ nào. Thế là ông quyết định dùng mũi dao lam rạch một đường trên chiếc kén giúp chú bướm bò ra. Tuy nhiên, ông rất thất vọng vì chú bướm sau đó chỉ sống được một lúc rồi lăn ra chết. Về sau, một nhà sinh vật học đã giải thích cho ông hiểu: Thiên nhiên đã sắp xếp cho con bướm phải đấu tranh thoát khỏi chiếc kén bao bọc nó, vì chính nhờ đó mà chú bướm mới có thể phát triển toàn diện để sinh tồn khi ra ngoài kén.

Nhà sưu tầm bướm tưởng rằng dùng lưỡi dao rạch chiếc kén sẽ giúp cho chú bướm dễ dàng thoát ra hơn. Nhưng ông không biết rằng: khi làm như thế là ông đã vô tình huỷ diệt khả năng sinh tồn của chú bướm con.

3) CHỈ THỰC SỰ HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC TỰ DO :

Một ngày nọ trời đang mưa tuyết, một cậu bé thấy một chú chim non nhỏ bé đang đứng co ro run rẩy trên cành ngay dưới tổ chim. Xót thương chim bị lạnh, cậu liền mang nó vào trong nhà đặt gần lò sưởi và chim dần hồi tỉnh. Sau đó, cậu bé đã dùng một chiếc lồng cũ trong nhà để nhốt chim lại. Cậu đã cung cấp cho chim nhiều thức ăn, nước uống và cả hơi ấm nữa.

Chim nhỏ lớn nhanh và tập bay trong lồng. Rồi một buổi sáng nọ nó lên tiếng hót líu lo. Cậu bé rất vui khi được chăm sóc cho con chim. Nhưng sau đó ít hôm, cậu thấy con chim liên tục bay và đập cánh vào thành lồng. Cậu liền hỏi ông nội lý do thì được ông trả lời : “Vì nó cảm thấy không hạnh phúc và muốn bay ra khỏi lồng”. Cậu tiếp tục hỏi : “Vậy nó không có mọi thứ cần dùng trong cái lồng rồi hay sao?”. Ông đáp : “Tuy có mọi thứ, nhưng nó lại thiếu điều cốt yếu là được tự do bay nhảy như những con chim khác”.

Cậu bé liền nói : “Nhưng làm sao cháu có thể yên tâm để nó bay đi khi nó có thể gặp nhiều nguy hiểm và có thể bị chết vì lạnh”. Ông nói : “Đó là một sự thách thức mà con chim sẽ phải trải qua để trưởng thành”. Cậu bé nói như khóc : “Nhưng cháu lại rất thương nó đến nỗi cháu sẽ không thể sống nếu không nhìn thấy nó”. Ông đáp : “Nếu cháu thực sự thương nó, thì cháu phải để cho nó tự do rời khỏi lồng”. Cậu bé im lặng nhìn con chim đang tiếp tục bay va chạm vào thành lồng như muốn nói : “Trả tự do cho tôi ! Trả tự do cho tôi !”. Không thể chịu nổi nữa, cậu đã mở cửa lồng và chim liền bay đi. Cậu nhìn dõi theo nó một lúc lâu. Rồi sau đó, cậu nghe thấy có tiếng chim hót trên một cành cây gần đó. Tiếng hót nghe vui tươi hơn lúc chim ở trong lồng và cậu bé cũng cảm thấy lòng an vui không còn buồn nữa.

4) THẾ NÀO LÀ SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC :

Một ngày nọ, nhà vua nói với hai họa sĩ tài ba của triều đình như sau : “Hôm nay hai khanh hãy về vẽ tranh theo cùng đề tài là “Bình An đích thực” để trẫm và các quan trong triều chấm điểm”. Một tuần sau hai họa sĩ quay trở lại với bức tranh của mình.

Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh vẽ một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi đều đặn liền kề bên nhau và một mặt hồ không chút gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự bình an tĩnh lặng. Tuy nhiên, sau khi ngắm nhìn bức tranh, nhà vua lại phán : “Bức tranh của khanh tuy đẹp và diễn tả đúng theo chủ đề bình an, nhưng khi ngắm bức tranh của khanh, trẫm có cảm giác bị buồn ngủ”. Kế đó, hoạ sĩ thứ hai trình bày tác phẩn của mình. Bức tranh vẽ một cái thác chảy nước ầm ầm với những bọt nước trắng phau bên dưới. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy có tiếng gầm của thác nước khi đổ xuống chạm vào các tảng đá bên dưới cách hàng trăm thước. Khi vừa thấy bức tranh nhà vua liền nói : “Bức tranh của khanh không phù hợp với đề tài bình an”. Hoạ sĩ liền yêu cầu nhà vua xem kỹ. Sau đó nhà vua đã nhận ra một chi tiết mà trước đó không để ý : Ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây trong đó có một cái tổ chim. Trong tổ một con chim mẹ đang nằm ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ cho các chim con từ trong trứng nở ra. Một hình ảnh diễn tả sự bình an hoàn hảo ! Nhà vua rất thích thú khi phát hiện ra điều này và nói : “Trẫm rất thích bức tranh của khanh, vì nó đã chuyển tải một thông điệp quan trọng về sự bình an đích thực. Đó là người ta vẫn có thể có sự bình an nội tâm dù đang sống giữa cảnh đời ồn ào xáo trộn !”.

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su cũng đã nói với các tông đồ : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

5) SẴN SÀNG HY SINH CHỊU CHẾT ĐỂ NHƯỜNG PHAO CỨU NGƯỜI :

Vào tháng 4 năm 2014, vụ tai nạn chìm phà Sewol, Hàn Quốc làm chấn động không chỉ đất nước xứ Kim Chi mà cả thế giới. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có những con người sống mãi với thời gian.

JUNG CHAWOONG, nam sinh 17 tuổi tạo nên một câu chuyện cảm động đầy nước mắt khi đóng vai anh hùng, xả thân cứu bạn bè trong tai nạn chìm phà. Theo lời kể của những người thoát nạn, vào lúc nguy ngập phà sắp chìm, Jung Chawoong đã hy sinh đưa áo phao của mình đang mặc cho một người bạn đang bị chìm, thậm chí anh còn lao xuống nước để cứu giúp những người khác nữa và cuối cùng anh đã bị chết chìm vì quá mất sức. Tại nạn chìm phà xảy ra hôm 17/4, đúng vào ngày sinh nhật của Jung Chawoong. Hành động hi sinh của chàng trai trẻ đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Hàn Quốc. Mọi người đều vô cùng tiếc thương và cảm phục hành động nhường áo phao chấp nhận chịu chết để cứu người khác khỏi chết.

3. THẢO LUẬN :

Khi gặp cơn khủng hoảng về đức tin (chán ngại cầu nguyện, lười biếng làm việc đạo đức bác ái...), bạn cần làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng ấy?

4. SUY NIỆM :

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người lìa bỏ các ông đi chịu khổ nạn. Tin Mừng gồm mấy điểm chính như sau :

1) Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần :

Khi nghe Đức Giê-su cho biết Người sắp từ giã các môn đệ để đi chịu khổ nạn rồi sẽ được Chúa Cha tôn vinh (x Mc 10,33-34), các môn đệ nghe vậy cảm thấy buồn phiền. Đức Giê-su đã an ủi khích lệ các ông bằng cách cho họ biết việc Người ra đi là để dọn chỗ trước, rồi sau đó Thầy trò lại sẽ được đòan tụ với nhau, nên bây giờ các ông hãy vui mừng khi thấy Người được Chúa Cha tôn vinh. Các ông cũng sẽ không bị mồ côi vì Chúa Cha sẽ cử Chúa Thánh Thần đến an ủi và trợ giúp để các ông có thể chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời. Quả thật sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, vào lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống ban ơn thánh hóa để giúp các ông chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng như Người đã hứa : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và giúp các môn đệ chu tòan sứ vụ làm chứng nhân của Người (x Ga 15,26-27).

2) Ích lợi của việc Đức Giê-su ra đi :

Sau khi hoàn tất công việc được Chúa Cha trao phó, Đức Giê-su đã bàn giao sứ vụ cứu độ trần gian cho một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Dù rất yêu thương các môn đệ và luôn muốn ở với các ông, nhưng Đức Giê-su vẫn phải ra đi, vì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các ông: nó vừa giúp các ông trưởng thành về đức tin hơn, lại vừa giúp các ông mở lòng đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần để có thể chu tòan được ba sứ vụ:

- Một là được sai đi (x Ga 20,22-23).

- Hai là loan báo Tin Mừng và dạy người ta tuân giữ các giới răn (x Mt 28,19-20).

- Ba là làm chứng về tình thương của Người “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

3) Phải làm gì để giữ vững đức tin khi gặp cơn gian nan thử thách? :

Có những lúc chúng ta liên tiếp bị thất bại nhiều mặt như người đời thường nói : “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’, và dễ bị chán nản và muốn buông xuôi, thể hiện qua việc bỏ không cầu nguyện hằng ngày, không còn thích đi chầu Chúa Thánh Thể... Có những lúc đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối, không còn hứng thú tham dự các sinh hoạt như hội họp học sống Tin Mừng, làm công tác thăm viếng, quét dọn vệ sinh nhà Chúa, tập hát... Có những lúc chúng ta có cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi, giống như Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Thực ra Chúa vẫn luôn yêu thương và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài biết đã đến lúc bắt đầu một giai đoạn mới để chúng ta được trưởng thành hơn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng giá trị của sự cầu nguyện không hệ tại ở việc cảm thấy sốt sắng hay không. Chính khi tâm hồn như bị chai cứng, lại là lúc đòi phải cầu nguyện nhiều hơn, và lời cầu nguyện khi ấy sẽ nên tuyệt hảo. Vì bấy giờ chúng ta làm các việc đạo đức không dựa trên cảm giác thường tình, nhưng dựa trên đức tin được Chúa chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với ông Tô-ma : “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

4) Áp dụng thực hành :

Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng đức tin không chỉ là một cảm giác nhưng là sự quảng đại dâng hiến, một sự cậy trông phó thác tuyệt đối vào Chúa quan phòng, như lời thưa “xin vâng ý Chúa Cha” của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu : “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thiên Chúa muốn chúng ta phải đấu tranh với các gian khổ gặp phải để nhờ đó sẽ được lớn lên về đức tin. Trong những giờ phút đen tối ấy, chúng ta hãy ý thức rằng : Chúa Giê-su luôn ở bên và ở trong chúng ta. Người vẫn tiếp tục đổ ơn Thánh Thần của Người để nâng đỡ tinh thần của chúng ta, giúp đức tin của chúng ta ngày một vững mạnh hầu chu toàn được sứ vụ “làm chứng cho Người đến tận cùng trái đất”.

Tóm lại: Đức tin chân chính là một tâm tình dâng hiến, một thái độ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, một lời thưa “xin vâng” theo ý Chúa Cha như Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a (x. Mt 26,39; Lc 1,38). Do đó khi rước lễ, mà không cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong lòng, thì hãy nhớ lời bài hát chầu Thánh Thể : “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cho tới nay hầu như chúng con mới chỉ yêu thương tha nhân bằng lời nói hơn là việc làm. Xin Chúa hãy đổ Thần Khí để canh tân lòng trí chúng con. Xin cho chúng con ý thức lòng mến Chúa phải thể hiện bằng việc yêu người cụ thể như : năng nghĩ đến người khác, quên mình hy sinh phục vụ tha nhân, sẵn sàng quảng đại giúp đỡ người nghèo đói có cơm ăn áo mặc, bệnh nhân có tiền thuốc thang chữa trị… Nhờ đó, những người đau khổ sẽ tìm được sự cảm thông an ủi, kẻ đang lạc xa Chúa sẽ có điều kiện quay về nẻo chính đường ngay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- 
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.