Một dạo trong những năm đầu tị nạn ở bên Mỹ, đã có người làm cuộc so sánh khôi hài giữa các linh mục dòng và triều, giữa các tu sĩ và linh mục. Cái kiểu một LM dòng bằng hai LM triều, hay một thày dòng bằng một LM triều v.v…Dĩ nhiên, ý tưởng thiếu nền tảng này đã nhanh chóng bị cộng đồng dân Chúa nhận diện và cho rằng những vị đó chỉ muốn “tự trào” mà thôi. Tuy nhiên tương quan thần học giữa giáo dân và các linh mục cũng như tu sĩ, trong nhiệm thể của Chúa Kitô, cần được định vị chính xác qua Kinh Thánh, giáo huấn và tông truyền.

Lịch sử cho thấy có những lúc, một số các thành phần giáo sĩ, tu sĩ đã thực sự “cai trị” giáo dân của mình như những quan lại, và tạo thế lực lớn trong guồng máy chính quyền. Trong trường hợp này, họ tạo nên “chủ nghĩa giáo sĩ trị” (clericalism). Ngược lại, cũng có những khi, các giáo dân đã trở thành chiên dữ, đòi điều khiển hệ thống giáo hội và bất chấp những giáo huấn cũng như luật điều của giáo hội. Như vậy, “chủ nghĩa giáo dân trị” (laicism) đã xảy ra.

THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI

Vào thời đầu của giáo hội, các thành phần của cộng đồng dân Chúa đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau, “những người được chọn,” “các thánh,” “các môn đệ,” và đặc biệt nhất là “đồng bào” (brethrens). Tuy nhiên, trong cùng một lúc, đã có sự phân biệt giữa “chủ chiên” và “đoàn chiên,” giữa những người có tác vụ chuyên biệt trong những mầu nhiệm của Chúa và các tín hữu. Sự phân biệt này sau đó đã được xác nhận và tồn tại trong giáo huấn và giáo luật. Bằng sự phân tích thần học, một giáo dân trong giáo hội là người thuộc về cộng đồng dân Chúa, một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ðiều này có nghĩa người giáo dân đã được chính Chúa mời gọi trở nên con cái của Ngài, để tiếp tục làm hoàn hảo giáo hội. Là những phần tử của giáo hội, các giáo dân đã được thánh hóa và hình thành một thiên chức linh mục thánh, xứng đáng cử hành lễ tế thiêng liêng trong nhà Vua Cả trên các tầng trời. (1 Phêrô 2:5; Khải Huyền 1:6).

PHÁT TRIỂN NỀN THẦN HỌC VỀ GIÁO DÂN

Những nghiên cứu đặc biệt về giáo dân (laity) vào thời Trung Cổ đã bị phần nào quên lãng. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới thấy có sự phát triển trở lại, song song với những phát triển về các lĩnh vực tín lý. Quan trọng hơn hết là phong trào phụng vụ, bắt đầu dưới thời ÐGH Piô X (Sacra tridentina synodus, 1905), tiếp tục đến thời ÐGH Piô XII (Mediator Dei, 1947), và đạt đến tột đỉnh trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Ðồng Vatican II (Constitution on the Sacred Liturgy, 12 tháng 4, 1963). Sự tham gia của các tín hữu trong việc thờ phượng của giáo hội hữu hình, đã được công nhận là thiết yếu cho các nghi thức phụng vụ. Ðó còn là quyền lợi và bổn phận của mỗi người qua hiệu quả của phép Thánh Tẩy (Baptism.)

Một cách tương tự, nhận thức về giáo hội như Nhiệm Thể của Ðức Kitô, được ÐGH Piô XII tuyên xưng trong tông huấn “Mystici Corporis,” 1943, đã làm sống lại quan niệm của Thánh Phaolô và các Thánh Phụ. Theo đó, giáo hội được coi như một tổ chức siêu nhiên, bao gồm tất cả những người đã chịu phép Rửa Tội, và liên kết trong Ðức Kitô là đầu của thân thể mà tất cả mọi Kitô hữu, gồm cả giáo dân cũng như giáo sĩ, đều là chi thể.

Sự phát triển này, cũng như những phát triển tương tự hướng đến nền thần học về giáo dân đã tạo nên một sự thúc đẩy mới trong hệ thống thần học Công Giáo. Thành quả hiển nhiên của sự phát triển nói trên đã được minh chứng qua Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) của Công Ðồng Vatican II. Ðó là tài liệu đầu tiên của Công Ðồng đã đặc biệt nhắc đến vai trò của người giáo dân qua quan điểm thần học, chứ không theo quan điểm giáo luật.

NHỮNG THAM GIA CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

Giáo dân chia sẻ, theo cách riêng của họ, những thiên chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Ðế của Ðức Kitô. Công tác của ba thiên chức này được tiếp tục trong Giáo Hội của Ngài, và các giáo dân cùng được chia sẻ qua ấn tín và đặc tính của phép Rửa và phép Thêm Sức. Như vậy, họ cùng được ủy thác để trở nên linh mục, tiên tri và vương đế.

Thứ nhất, thiên chức linh mục tổng quát, hay tinh thần, của giáo dân, mặc dù khác biệt với chức linh mục của những người được thụ phong, vẫn hiện thực chứ không là ẩn ý. Giáo dân thi hành chức vụ linh mục của họ trong việc dâng cho Chúa những công việc, những lời cầu nguyện, những cảm hứng, và ưu tư, ngay cả trong sự nghỉ ngơi về thể xác cũng như tâm thần của họ (Lumen Gentium, số 34). Hơn nữa, qua chức linh mục này, người giáo dân được bổ sung sức mạnh để cùng tham gia trong hi tế phụng vụ, trong sự kết hợp với vị linh mục, cùng dâng của lễ, cùng dâng chính mình.

Sự tham gia của người giáo dân trong các bí tích, trong các nghi thức phụng vụ, cũng như trong việc thông công ơn Chúa, là tác động của thiên chức linh mục của họ, cho dù họ là người nhận lãnh hay là người cử hành phép bí tích (như trường hợp phép Hôn Phối). Cũng trong lý do này, người giáo dân được mời gọi thực thi những chức năng phụng vụ trong sự thờ phượng chung của cộng đồng dân Chúa, như đọc sách Thánh, giúp lễ, dẫn lễ. Ðôi khi, họ còn phải cử hành phép bí tích (như phép Rửa, khi khẩn thiết), và cùng đọc sách nguyện (phụng vụ giờ kinh) hằng ngày (của các linh mục) với vị linh mục, với những giáo dân khác, hay chỉ đọc một mình (Hiến Chế Phụng Vụ - Constitution on the Sacred Liturgy, 12/4/1963, số 100).

Thứ hai, thiên chức tiên tri của người giáo dân là hiệu quả tức khắc của phép Thêm Sức. Qua sự xức dầu và sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, người giáo dân chính thức được ủy thác việc công khai tuyên xưng Ðức Tin. Môi trường chứng nhân của người giáo dân là chính thế giới trần gian của họ, trong công việc hằng ngày, trong đời sống xã hội và gia đình của họ (L.G., số 35). Người giáo dân được kêu gọi làm chứng nhân qua lời nói và việc làm, minh chứng rằng Ðức Kitô là Ðường, là sự Thật, và là sự Sống, “Sẵn sàng luôn luôn với câu trả lời cho tất cả những ai muốn hỏi đến lý do của nguồn hi vọng đang có trong họ.” (1 Phêrô 3:5).

Thứ ba, Ðức Kitô là “Chúa các chúa và Vua các vua.” (Khải Huyền 17:14), “Chúa của kẻ chết và của người sống.” (Roma 14:9), có quyền năng trên hết mọi sự. Ngài đã trao quyền năng vương đế đó cho các tông đồ để họ được thiết định trong sự tự do vương tộc. Tự do tinh thần và hiển trị tinh thần là những đặc tính của phẩm trật của người giáo dân trong Ðức Kitô: Tự do, trước hết, khỏi sự nô lệ của tội lỗi (Gioan 8:36), và tự do, kết hợp với Ðức Chúa Cha, như người con và kẻ thừa tự của Ngài (Galata 4:6-7), rồi cai trị tất cả mọi thụ tạo khác và làm cho chúng hoàn hảo theo sự tự nhiên của chúng, hoàn thành mục đích siêu nhiên, cho sự an lạc của xã hội loài người và cho vinh quang Thiên Chúa. Thiên chức vương đế của người giáo dân không làm cho họ có năng quyền trên những người khác, nhưng năng quyền được tự do tham gia tất cả những cố gắng nhân bản, khoa học, nghệ thuật, xã hội, chính trị, kinh tế, để mọi tầng lớp xã hội được thấm nhuần trong tinh thần của Ðức Kitô. Như Thánh Phaolô đã nói, “Tất cả mọi sự là của anh em... thế giới, hay sự sống, hoặc sự chết; hay những điều hiện có, hoặc sẽ có - tất cả là của anh em, còn anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa Cha.” (1 Côrintô 3:22-23).

TƯƠNG QUAN QUA CÁI NHÌN TU ÐỨC

Cha Thomas Merton, vị linh mục quá cố, nổi tiếng qua cuốn “The Seven Storey Mountain,” đã viết thêm cuốn “Life and Holiness” (New York, 1964), trong đó cha viết rằng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi tự thánh hóa và kết hợp với Chúa Kitô qua việc thực hành các giới răn của Ngài. Một số người trong cộng đồng dân Chúa, qua ơn gọi đặc biệt, đã nhận lãnh những trách nhiệm quan trọng hơn bởi những lời khấn dòng, và tự đưa ơn gọi là Kitô hữu căn bản của mình đến sự thánh hóa cách đặc biệt và nghiêm trọng. Họ đã thề hứa sẽ dùng những phương tiện chắc chắn và rõ ràng để tiến tới trọn lành. Họ tự nhận bổn phận phải trở nên khó nghèo, thanh khiết và vâng lời. Vì vậy họ từ bỏ những ước muốn riêng tư, từ bỏ chính họ, và tự giải phóng khỏi những ràng buộc thế trần để dâng mình cho Chúa cách trọn hảo hơn. Ðối với họ, sự thánh hóa không đơn thuần là một điều phải tìm kiếm như một mục đích cuối cùng, tự thánh hóa là “bổn phận” của họ. Họ không còn công việc nào khác hơn là phải nên thánh, tất cả mọi sự khác đều trở nên phụ thuộc trước mục đích tiên quyết này.

Tuy nhiên, sự kiện các tu sĩ và linh mục có bổn phận phải tiến tới trọn lành, cần phải được am tường. Việc các nhà tu hành phải trở nên trọn lành không có nghĩa chỉ có những vị đó mới là Kitô hữu hoàn hảo, trong khi các giáo dân thì thấp kém hơn và không hoàn toàn là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô.

Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom), khi còn trẻ, đã có lần tin rằng người ta không thể được cứu rỗi, nếu không chạy vào sa mạc để ẩn tu. Nhưng về sau, thánh nhân đã phải công nhận rằng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh qua sự kiện họ chính là chi thể của Chúa Kitô. Chỉ có một nền luân lý, một sự thánh thiện cho các Kitô hữu, đã được trình bày trong Phúc Âm. Vai trò giáo dân vẫn luôn tốt đẹp và thánh thiện, vì chính Tân Ước đã cho chúng ta tự do chọn lựa cuộc sống ấy. Cũng không phải rằng người giáo dân thì kém thánh thiện vì họ chỉ bị buộc “tránh xa sự tội” thôi. Ðôi khi, sự khác biệt giữa những lối sống đã làm lệch lạc và giản dị hóa tư tưởng của các Kitô hữu. Có người cho rằng trong khi các linh mục, tu sĩ nam, nữ có bổn phận phải tiến tới trọn lành, thì người giáo dân chỉ phải sống trong ơn Chúa qua sự bám víu, như bám vào chiếc áo dòng của vị linh mục, để cùng được kéo lên thiên đàng.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu rõ, sự kiện cuộc sống của một thày tu khắc khổ và khó nghèo hơn cuộc sống của một giáo dân, không nên làm cho chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện của Kitô giáo chỉ là vấn đề của sự “khó nghèo.” Ðiều này sẽ đưa đến kết luận sai lầm rằng, bởi vì sự cứu rỗi có vẻ ít hiểm trở hơn cho người giáo dân, nên - trong một cách hết sức kỳ quái - nó cũng có vẻ không phải là sự cứu rỗi thật. Ngược lại, Thánh Nhân tiếp, “Chúa đã không đối xử với chúng ta (giáo dân cũng như linh mục, tu sĩ) cách nghiêm khắc như đòi hỏi chúng ta có bổn phận phải sống một cuộc sống khắc khổ như trong viện khổ tu. Ngài đã cho chúng ta một sự tự do chọn lựa (trong sự hướng dẫn của Ngài). Người ta phải thanh khiết trong hôn nhân, người ta phải có tiết độ trong việc ăn uống...Anh chị em không buộc phải từ bỏ những gì mình đang có. Chúa chỉ răn dạy đừng trộm cắp, nhưng phải biết chia sẻ những gì mình có với những người đang thiếu thốn.” (Chú giải về thơ thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô, IX, 2).

Nói cách khác, sự tiết độ thông thường, công lý, và bác ái mà mọi Kitô hữu phải thực hành, đều được thánh hóa trong cùng một cách như sự thánh hóa về đức trinh khiết và khó nghèo của một nữ tu. Thực ra đời sống tận hiến của một linh mục, hay một tu sĩ có phẩm cách cao trọng hơn và mang bản chất trọn lành hơn. Linh mục, tu sĩ chấp nhận một nhiệm vụ căn bản và hoàn toàn hơn về việc mến Chúa, yêu người. Nhưng điều này không có nghĩa cuộc sống của người giáo dân bị hạ thấp đến độ không còn gía trị gì. Ngược lại, người ta phải nhận thức rằng cuộc sống lứa đôi cũng được thánh hóa bằng chính bản tính của nó, và nó có thể bao hàm những hi sinh và sự từ bỏ mà, trong một vài trường hợp, đã đem lại nhiều hiệu qủa hơn những hi sinh của đời sống tu hành.

MỘT NGƯỜI THỰC SỰ YÊU HOÀN HẢO SẼ ÐƯỢC GẦN GŨI HƠN VỚI CHÚA, BẤT KỂ NGƯỜI ÐÓ LÀ GIÁO DÂN HAY VỊ TU HÀNH.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã chống lại quan niệm sai lầm cho rằng chỉ có các tu sĩ khổ tu mới cần cố gắng tiến tới trọn lành, trong khi giáo dân chỉ cần tránh sa hỏa ngục mà thôi. Cả giáo dân lẫn người tu hành đều phải sống các nhân đức Kitô giáo cách thiết thực và hữu hiệu. Một cây chỉ sống thôi thì chưa đầy đủ, nhưng nó phải mang lại hoa trái nữa. Thánh nhân nói, “Chỉ rời bỏ Ai Cập thôi vẫn chưa đủ, nhưng người ta phải tiến về miền Ðất Hữa nữa.” (Bài giảng thứ XVI về thư gửi các tín hữu thành Êphêsô). Cũng vậy, ngay cả việc thực hành cách trọn hảo nhân đức này, hay nhân đức khác, thí dụ như đức trinh khiết, cũng không đem lại ý nghĩa gì, nếu người thực hành nhân đức ấy đã thiếu sót những nhân đức căn bản và tổng quát hơn, như công bình và bác ái. Thánh nhân thêm rằng, “Việc ăn chay, nằm đất, ăn bụi tro và đánh tội không ngừng của anh em sẽ trở thành vô tích sự, nếu anh em không trở thành hữu dụng cho kẻ khác; anh em chẳng làm được điều gì quan trọng cả.” (Bài giảng thứ 6 về thư gửi Titô). Và “Mặc dù chị em là nữ trinh, chị em vẫn bị quăng ra khỏi phòng cưới của cô dâu, nếu chị em không làm việc bác ái.” (Bài giảng thứ 77 về Phúc Âm của thánh Mát-thêu).

Dù sao, các linh mục, tu sĩ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong giáo hội, sự thánh hóa và lời cầu nguyện của họ có gía trị không thể thay thế được cho toàn thể giáo hội. Các gương sáng của họ dạy cho người giáo dân sống như “một người lạ và khách hành hương trên trái đất này.” Họ sống tách rời khỏi những vật chất và giữ gìn sự tự do Kitô hữu của họ giữa sự rối động vô nghĩa của các thành phố. Họ tìm kiếm trong mọi sự để làm vừa lòng Chúa, hầu phục vụ Ngài và anh em.

Một cách vắn tắt, theo Thánh Gioan Kim Khẩu, “Những mối Phúc Thật được Chúa Kitô truyền dạy không thể chỉ tồn tại cho các nhà tu thực hành mà thôi, vì như thế cả vũ trụ sẽ bị tàn lụi.” (Xin xem thêm J.M. Leroux, “Monachisme et communauté chrétienne d'après Saint Jean Chrysostome,” trong Théologie de la vie monastique, Paris, 1961, từ trang 143).

Thực ra, tất cả các Kitô hữu, những người đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, và “mặc lấy Chúa Kitô” như một căn tính mới, đều phải sống thánh thiện vì Ngài là sự thánh thiện. Họ phải sống một cuộc sống xứng đáng và những hành vi của họ phải minh chứng sự kết hợp của họ với Chúa. “Các con là ánh sáng thế gian.” (Mát-thêu 5:14). Nếu sự thánh thiện không nằm trong tầm tay của của con người, qua bản tính tự nhiên, thì chính Chúa sẽ phải ban cho con người ánh sáng, sức mạnh và sự can đảm để hoàn thành sứ vụ Ngài đòi hỏi. Chắc chắn Ngài sẽ ban cho con người những ân sủng cần thiết. Con người không nên thánh là vì chính con người đã không biết lợi dụng ơn thiêng của Chúa.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
Vietcatholic News