Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
“Hãy lắng nghe bằng con tim”
Lễ Thăng Thiên
Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 năm nay là “Hãy lắng nghe bằng con tim”.
Lễ Thăng Thiên kính nhớ việc Chúa Giêsu “lên trời”, được cử hành vào ngày thứ 40 sau Lễ Phục Sinh (x. Mc 16, 19-20; Cv 1,1-11).
Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người đã hiện hữu trước khi nhập thể (x. Ga 3,13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn (x. Ga 16,28; 17,5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh hữu hình của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng và “ngự bên hữu Chúa Cha” trong thân xác vinh quang của Người rồi. Tuy nhiên, theo trình thuật của Thánh Luca, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu dùng để khẳng định sự Phục Sinh của Người, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Phúc Âm. Với biến cố thăng thiên, Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Người vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20) theo phương cách mới - theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (x. Pl 2,10-11). (x. Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN).
Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ. Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Chúa lên trời vì Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Người không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
Chúa lên trời với cung cách hiện diện mới, trao sứ vụ cho các Tông đồ và Giáo hội tiếp nối con đường hiệp hành “con đường Giêsu” để thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng yêu thương.
1. Hiện diện mới
Chúa Giêsu đã tiên báo với các môn đệ: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17,11.13), đến nỗi trong số các môn đệ tự hỏi lời nói đó có ý nghĩa gì (Ga 16,17). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha. Khi hiện ra với Maria Madalena, Chúa Phục Sinh nói: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20,17). Như thế, Gioan không kể về việc “lên cùng Chúa Cha” như một “nơi chốn”, Người không đến một nơi chốn (trời), nhưng đến với một người, đó chính là “Cha của Người và cũng là Chúa của anh em”.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Các lời nguyện và Kinh Tiền Tụng của lễ Thăng Thiên cũng chứa đựng ý nghĩa này: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là Thủ Lãnh, nên Người đã đi trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.
Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23). Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này, Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5).
2. Trao Sứ Vụ
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống, dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
3. Truyền thông và hiệp hành
Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Toàn thể dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023, bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”. Để có được lối sống hiệp hành như thế, cần làm ba việc như Đức Kitô phục sinh đã làm đối với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng (10/10/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rõ có 3 việc cần làm là: Gặp gỡ trực tiếp; Lắng nghe và Phân định. Chúa Giêsu đã lắng nghe bằng con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn. Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.
Trong sứ điệp Truyền thông năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những điểm quan trọng: lắng nghe bằng con tim, lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt, và lắng nghe trong Giáo hội.
a. Lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt
Lắng nghe là bước đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể làm truyền thông nếu không lắng nghe trước và không thể trở thành một nhà báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Hơn thế nữa, cần phải lắng nghe nhiều nguồn để có độ chính xác của thông tin muốn truyền tải. Và điều đặc biệt là phải lắng nghe kiên nhẫn, điều này không dễ, như Đức Hồng Y Agostino Casarli, một nhà ngoại giao lớn của Toà Thánh đã nói về “tử đạo của kiên nhẫn”. Đối với Đức Hồng Y, trong các cuộc đàm phán cần lắng nghe và được lắng nghe kiên nhẫn để đem lại lợi ích tốt nhất có thể trong điều kiện tự do bị giới hạn.
b. Lắng nghe trong Giáo hội
Đức Thánh Cha mời gọi trong Giáo hội, mọi người cần phải lắng nghe người khác và lắng nghe nhau, vì đây là món quà quý giá nhất mà các tín hữu có thể dành cho nhau. Và điều này phải được thể hiện cụ thể trong hoạt động mục vụ, như Thánh Tông đồ Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói” (Gc 1,19). Dành thời gian để lắng nghe người khác là cử chỉ đầu tiên của bác ái.
Hướng đến tiến trình hiệp hành của toàn thể Giáo hội đang thực hiện, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đây là một cơ hội tuyệt vời cho mọi người lắng nghe nhau. Thực tế, hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trong sự lắng nghe nhau. Như trong một dàn hợp xướng, sự hiệp nhất không đòi hỏi phải giống nhau, đơn điệu nhưng là sự đa dạng của các giọng khác nhau. Mỗi người khi hát cần lắng nghe người khác để tạo nên sự hoà hợp tổng thể. Sự hoà hợp các giọng ca là ý tưởng của nhà soạn nhạc, nhưng hiện thực nó thì phụ thuộc vào mỗi giọng ca. Trong Giáo hội, Thánh Thần là nhà soạn nhạc.
Truyền giáo là truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1Ga1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông Công Giáo. Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông Công Giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.
Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích tín hữu vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người” (Sứ điệp Truyền thông 2019).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 53, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận tầm quan trọng và sự lan rộng của internet và các mạng xã hội trong đời sống con người ngày nay. Đó là nguồn kiến thức và những tương quan giữa con người với nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực do các mạng xã hội. Đó là nơi dễ bị những tin tức giả mạo và xuyên tạc xâm nhập và lan tràn; các dữ kiện cá nhân nhiều khi bị lèo lái để mưu những lợi lộc về chính trị hoặc kinh tế, không tôn trọng nhân vị và các quyền của họ. Sứ điệp cũng cảnh giác chống lại sự tự cô lập qua các mạng xã hội, có hiện tượng những người trẻ trở thành “những ẩn sĩ xã hội”, trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội chung quanh.(x.vaticannews.va/vi).
Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ, Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.
Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ lắng nghe nhau trong xây dựng yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại. “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao”; “Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia” (Sứ điệp Truyền thông 50).
Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự lắng nghe bằng con tim và tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để góp phần cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và tích cực loan báo tin vui bình an yêu thương.
Lễ Thăng Thiên
Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 năm nay là “Hãy lắng nghe bằng con tim”.
Lễ Thăng Thiên kính nhớ việc Chúa Giêsu “lên trời”, được cử hành vào ngày thứ 40 sau Lễ Phục Sinh (x. Mc 16, 19-20; Cv 1,1-11).
Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người đã hiện hữu trước khi nhập thể (x. Ga 3,13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn (x. Ga 16,28; 17,5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh hữu hình của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng và “ngự bên hữu Chúa Cha” trong thân xác vinh quang của Người rồi. Tuy nhiên, theo trình thuật của Thánh Luca, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu dùng để khẳng định sự Phục Sinh của Người, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Phúc Âm. Với biến cố thăng thiên, Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Người vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20) theo phương cách mới - theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (x. Pl 2,10-11). (x. Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN).
Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ. Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Chúa lên trời vì Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Người không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
Chúa lên trời với cung cách hiện diện mới, trao sứ vụ cho các Tông đồ và Giáo hội tiếp nối con đường hiệp hành “con đường Giêsu” để thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng yêu thương.
1. Hiện diện mới
Chúa Giêsu đã tiên báo với các môn đệ: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17,11.13), đến nỗi trong số các môn đệ tự hỏi lời nói đó có ý nghĩa gì (Ga 16,17). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha. Khi hiện ra với Maria Madalena, Chúa Phục Sinh nói: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20,17). Như thế, Gioan không kể về việc “lên cùng Chúa Cha” như một “nơi chốn”, Người không đến một nơi chốn (trời), nhưng đến với một người, đó chính là “Cha của Người và cũng là Chúa của anh em”.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Các lời nguyện và Kinh Tiền Tụng của lễ Thăng Thiên cũng chứa đựng ý nghĩa này: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là Thủ Lãnh, nên Người đã đi trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.
Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23). Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này, Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5).
2. Trao Sứ Vụ
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống, dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
3. Truyền thông và hiệp hành
Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Toàn thể dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023, bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”. Để có được lối sống hiệp hành như thế, cần làm ba việc như Đức Kitô phục sinh đã làm đối với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng (10/10/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rõ có 3 việc cần làm là: Gặp gỡ trực tiếp; Lắng nghe và Phân định. Chúa Giêsu đã lắng nghe bằng con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn. Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.
Trong sứ điệp Truyền thông năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những điểm quan trọng: lắng nghe bằng con tim, lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt, và lắng nghe trong Giáo hội.
a. Lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt
Lắng nghe là bước đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể làm truyền thông nếu không lắng nghe trước và không thể trở thành một nhà báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Hơn thế nữa, cần phải lắng nghe nhiều nguồn để có độ chính xác của thông tin muốn truyền tải. Và điều đặc biệt là phải lắng nghe kiên nhẫn, điều này không dễ, như Đức Hồng Y Agostino Casarli, một nhà ngoại giao lớn của Toà Thánh đã nói về “tử đạo của kiên nhẫn”. Đối với Đức Hồng Y, trong các cuộc đàm phán cần lắng nghe và được lắng nghe kiên nhẫn để đem lại lợi ích tốt nhất có thể trong điều kiện tự do bị giới hạn.
b. Lắng nghe trong Giáo hội
Đức Thánh Cha mời gọi trong Giáo hội, mọi người cần phải lắng nghe người khác và lắng nghe nhau, vì đây là món quà quý giá nhất mà các tín hữu có thể dành cho nhau. Và điều này phải được thể hiện cụ thể trong hoạt động mục vụ, như Thánh Tông đồ Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói” (Gc 1,19). Dành thời gian để lắng nghe người khác là cử chỉ đầu tiên của bác ái.
Hướng đến tiến trình hiệp hành của toàn thể Giáo hội đang thực hiện, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đây là một cơ hội tuyệt vời cho mọi người lắng nghe nhau. Thực tế, hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trong sự lắng nghe nhau. Như trong một dàn hợp xướng, sự hiệp nhất không đòi hỏi phải giống nhau, đơn điệu nhưng là sự đa dạng của các giọng khác nhau. Mỗi người khi hát cần lắng nghe người khác để tạo nên sự hoà hợp tổng thể. Sự hoà hợp các giọng ca là ý tưởng của nhà soạn nhạc, nhưng hiện thực nó thì phụ thuộc vào mỗi giọng ca. Trong Giáo hội, Thánh Thần là nhà soạn nhạc.
Truyền giáo là truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1Ga1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông Công Giáo. Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông Công Giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.
Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích tín hữu vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người” (Sứ điệp Truyền thông 2019).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 53, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận tầm quan trọng và sự lan rộng của internet và các mạng xã hội trong đời sống con người ngày nay. Đó là nguồn kiến thức và những tương quan giữa con người với nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực do các mạng xã hội. Đó là nơi dễ bị những tin tức giả mạo và xuyên tạc xâm nhập và lan tràn; các dữ kiện cá nhân nhiều khi bị lèo lái để mưu những lợi lộc về chính trị hoặc kinh tế, không tôn trọng nhân vị và các quyền của họ. Sứ điệp cũng cảnh giác chống lại sự tự cô lập qua các mạng xã hội, có hiện tượng những người trẻ trở thành “những ẩn sĩ xã hội”, trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội chung quanh.(x.vaticannews.va/vi).
Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ, Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.
Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ lắng nghe nhau trong xây dựng yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại. “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao”; “Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia” (Sứ điệp Truyền thông 50).
Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự lắng nghe bằng con tim và tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để góp phần cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và tích cực loan báo tin vui bình an yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét