Định danh thời điểm hiện tại – Một vài ẩn dụ để lĩnh hội
Ronald Rolheiser, 2022-05-23
Không phải chuyện gì cũng có thể khắc phục hoặc chữa lành, nhưng nó phải được định danh cho đúng. Linh mục Dòng Phanxicô người Mỹ Richard Rohr đã nói thế. Tâm lý gia người Mỹ James Hillman cũng nói tương tự khi ông viết rằng một triệu chứng đau khổ nhất khi nó không biết mình thuộc về đâu.
Vậy thời khắc hiện tại của chúng ta thuộc về đâu khi đối diện với đức tin vào Thiên Chúa và sự thích đáng của các Giáo hội? Chúng ta ở thời hậu-kitô giáo sao? Chúng ta đang chứng kiến cái chết của Thiên Chúa và các Giáo hội sao? Hay là, đức tin của chúng ta đang được thanh tẩy bởi những lời chỉ trích nhắm vào nó, và bất chấp sự sụt giảm lớn lao của số người đi lễ, chẳng phải các hội thánh đang có tiến bộ luân lý về những vấn đề như kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và công bằng xã hội đó sao? Chúng ta đang chết hay đang trưởng thành? Làm sao chúng ta định danh được thời điểm hiện tại này đây?
Để trả lời, tôi muốn đưa ra một loạt “ẩn dụ” rút ra từ nhiều nhà bình luận đã từng thử đặt ra một cái tên cho nó. Trong số này, có những người mâu thuẫn nhau, nhưng họ đều đáng để chúng ta suy ngẫm. Và tôi xin đưa ra để các bạn tự lĩnh hội.
- Đức tin là một dự án hết thời! Về căn bản, đó là quan điểm của các nhà tư tưởng Thời đại Khai sáng, điển hình là các triết gia Nietzsche, Freud, Feuerbach, và Marx, những người cho rằng đức tin và niềm tin vào Thiên Chúa là một thứ mà khi trưởng thành con người sẽ bỏ đi, như kiểu niềm tin có Ông già Noel và Thỏ Phục sinh. Niềm tin này là cần thiết cho một thời đại, nhưng nó sẽ ở dưới tầm của chúng ta khi chúng ta mất sự ngây thơ. Thiên Chúa và các giáo hội đã có thời của mình trong lịch sử, và thời đó đã qua. Ngày nay, hàng triệu người tin (hoặc sợ) như thế.
- Thế giới của chúng ta vẫn còn tuổi bỉm tã! Thần học gia Pierre Teilhard de Chardin cho rằng đức tin còn lâu mới là một dự án hết thời, nó chỉ mới trong giai đoạn sơ sinh thôi. Đây là một quan điểm cách mạng về lịch sử và đức tin, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tuổi bỉm tã, mới ngoi đầu lên khỏi nôi. Đức tin còn lâu mới hết thời! Chúng ta chỉ mới khởi đầu thôi!
- Một phương Tây hậu-kitô giáo! Đây là quan điểm của hồng y Joseph Ratzinger trước khi ngài là giáo hoàng. Cụ thể, ngài nói, thế giới thế tục, nhất là Bắc Mỹ và Tây Âu bây giờ đang ở thời “hậu-kitô giáo”. Thú vị là, sau khi trở thành giáo hoàng, ngài không bao giờ nhắc lại rõ ràng quan điểm này.
- Đức tin trong thế giới thế tục là chịu sự khổ nhọc giữa trưa! Đây là hình ảnh theo lời của nhà hàn lâm Tomas Halik. Theo quan điểm của cha, đức tin và các giáo hội không chết dần: đơn giản là đang chịu “cơn trầm cảm”, “con quỷ giờ giữa trưa”, sự khổ nhọc mà các tác giả sa mạc kitô giáo thời tiên khởi bảo rằng nó có thể tác hại đến cả những tín hữu sốt sắng nhất.
- Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng của hình dung, chứ không phải khủng hoảng của đức tin và trung tín. Những tình thế của đức tin đã thay đổi triệt để, và sức hình dung của chúng ta không theo kịp. Đây là quan điểm của triết gia lừng danh về thế tục, Charles Taylor. Với ông, là tín hữu thời nay, chúng ta là người mở đường, nỗ lực để học cách sống trong một đất nước (đức tin) mà chúng ta và không một ai từng sống. Chẳng trách chúng ta phải chật vật.
- Văn hóa thế tục là đứa con tuổi dậy thì của do-thái – kitô giáo và trong sự tự đại tuổi dậy thì, văn hóa của chúng ta chỉ thấy được những lầm lỗi của bố mẹ. Đây là quan điểm của ngòi bút thiêng liêng nổi danh, Kathleen Norris, và đồng hưởng với triết gia Louis Dupre của trường đại học Yale. Theo tác giả Norris, nếu muốn hình dung mối quan hệ giữa thế giới thế tục và kitô giáo, chúng ta hãy nhìn vào thiếu niên 17 tuổi, nó chẳng vui khi cha mẹ nói chuyện với chúng. Về chuyện này, triết gia Dupre thêm rằng, sự tự đại tuổi dậy thì không xấu, chỉ là chưa trưởng thành đủ thôi.
- Tính thế tục là một ảo tưởng mà giới trí thức thích thú. Với người bình thường, có những lời thì thầm thiêng liêng ở khắp nơi. Trong đời thực, tôn giáo tín ngưỡng là điều không thể không có. Đây là ý kiến của triết gia người Pháp, Chantel Delsol.
- Như Jonah, chúng ta đang ở trong bụng cá voi. Đây là cách định danh yêu thích của linh mục Richard Rohr. Trong mối hoài nghi và mơ hồ đương thời của chúng ta, Thiên Chúa đang đưa chúng ta qua bóng tối để đến nơi chúng ta cần đến.
- Quan điểm kitô giáo của Phương Tây là tàn dư của một cái nhìn cũ, trước khi bị hư giác mạc. Đây là ý của hồng y Walter Kasper. Theo ngài: nếu ai đó bị mù từ bẩm sinh, thì sẽ không có hình tượng thị giác về các vật thể bên ngoài. Tuy nhiên, nếu ai đó sau này bị mù, thì sẽ giữ lại những hình ảnh mình từng thấy, dù bây giờ không thấy được chúng nữa. Là kitô hữu, chúng ta sống quá phụ thuộc vào các hình ảnh quá khứ, và không còn thấy trực tiếp bằng đôi mắt đức tin.
- Chúng ta cần “Chọn lựa của Thánh Biển Đức”. Đây là ý của nhà văn Rod Dreher. Nền văn hóa bị thế tục hóa nặng nề đang bóp nghẹt đức tin của chúng ta. Cái cần cứu và nuôi dưỡng chính là “chọn lựa của Thánh Biển Đức”. Như thánh đan phụ lập dòng vĩ đại, Biển Đức, những người có đức tin thành tín cần phải tránh xa một nền văn hóa đang xói mòn đức tin chúng ta và sống đức tin theo cách “đan tu”, cụ thể là rút ra và xây dựng những dạng “đan tu” mới, trong đó chúng ta sống trọn đức tin của mình và nuôi dạy con cái mình trong đức tin. Cuối cùng, như đã từng xảy ra, thế giới sẽ tìm đến chúng ta để tìm sự giúp đỡ và ý nghĩa.
Vậy ai mới đúng? Ý tưởng nào định danh đúng nhất cho những triệu chứng và thời khắc hiện tại của chúng ta? Mỗi hình ảnh đều có cái để chúng ta lĩnh hội.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2022/05/25/dinh-danh-thoi-diem-hien-tai-mot-vai-an-du-de-linh-hoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét