Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Những phẩm tính nổi bật của tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu

 

Những phẩm tính nổi bật của tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu

 
  •  
  •  


NHỮNG PHẨM TÍNH NỔI BẬT CỦA TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (14.5.2022) - Trên trang web của Giáo phận Qui Nhơn ngày 30-4-2022 vừa qua có đăng bài tựa là “Mười lăm phẩm tính của tình yêu theo thánh Phaolô”, tác giả đã viết như sau:[1]

“Trong “Bài ca về Đức Mến” của mình, thánh Phaolô đã miêu tả 15 đặc điểm của tình yêu đích thực, đó là những phẩm tính cần phải thực hiện mỗi ngày đối với vợ chồng, con cái và tha nhân… để yêu thương như Chúa đã yêu thương.

“Tình yêu được áp dụng cho hết thảy mọi người: đối với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Cần phải biết tình yêu thực sự là gì. Thánh Phaolô đảm nhận việc tìm ra những đặc điểm chính – tám điểm tiêu cực và bảy điểm tích cực – trong đoạn Kinh thánh nổi tiếng được gọi là “Bài ca về Đức Mến” (1Cor 13), khi nhấn mạnh rằng đó là một trong các nhân đức quan trọng nhất: “Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến”.

Cách đây 5 năm, trong Tông huấn “Amoris Laetitia / Niềm Vui Của Tình Yêu” (19-3-2016) gửi các Giám mục, các linh mục và các phó tế, các người sống đời thánh hiến, các cặp vợ chồng Ki-tô hữu và tất cả mọi tín hữu giáo dân, ĐTC Phan-xi-cô đã dành cả chương IV để nói về Tình yêu trong Hôn nhân. Mở đầu chương này, ĐTC đã viết như sau:[2]

Tất cả những gì đã nói cho tới đây vẫn chưa đủ để diễn tả Tin mừng về hôn nhân và gia đình, nếu chúng ta không dừng lại để đặc biệt nói về tình yêu. Bởi vì chúng ta không thể khuyến khích một cuộc hành trình của lòng trung thành và tự hiến cho nhau nếu không khích lệ sự lớn lên, sự củng cố và đào sâu tình yêu hôn nhân và gia đình. Thật vậy, ơn sủng của Bí tích Hôn Phối được nhắm trước hết là “để làm cho tình yêu của đôi bạn nên trọn hảo”. 

Trong trường hợp này chúng ta cũng có thể nói rằng giả như tôi có tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1 Cr 13,2-3). Tuy nhiên, nếu từ tình yêu rất hay được dùng thì nó cũng rất hay bị lạm dụng.” (số 89)

Tiếp theo, ĐTC đã nhấn mạnh về đặc điểm của tình yêu chân thực theo cái nhìn của Thánh Phao-lô trong thư 1Cor 13, như sau:

Trong cái được gọi là bài ca Đức Mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4-7)

Tình yêu được sống và được vun trồng trong cuộc sống mà hằng ngày đôi vợ chồng và con cái họ cùng chia sẻ. Do đó, dừng lại để xác định ý nghĩa của các diễn ngữ của bản văn này, để rồi thử áp dụng vào cuộc sống cụ thể của mỗi gia đình, là điều đáng quí.” (số 90)

Ngày 03-12-2016, trên trang web phanxico.vn có đăng bài “Mười ba lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô cho một cuộc hôn nhân vững bền” trong đó tác giả viết như sau:[3]

“Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, ĐTC Phanxicô đưa ra các chỉ dẫn để đời sống vợ chồng được hạnh phúc và được bền lâu. Trong Tông huấn này, ĐTC Phanxicô cảm nghiệm từ “Bài Ca Đức Mến” của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô để đưa ra một vài lời khuyên nhằm củng cố hôn nhân với năm tháng được xây dựng trên một tình yêu chân thật.

“Tình yêu thì kiên nhẫn; tình yêu phục vụ; tình yêu không ghen tương, tình yêu không tự đắc; tình yêu không vênh vang, tình yêu không làm điều bất chính; không tìm tư lợi; không nóng giận; không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tình yêu chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả; hy vọng tất cả; tin tưởng tất cả” (1Cor 13, 4-7). ĐTC Phan-xi-cô cho hay: “Thật hữu ích khi làm rõ ý nghĩa của bản văn này để áp dụng cụ thể cho mỗi gia đình.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bàn về một số tính chất nổi bật của tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu dựa vào thư 1Cor 13 của thánh Phao-lô, qua gợi ý của chương IV trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu (TH. NVCTY) của ĐTC Phan-xi-cô. Bài viết sẽ được rút gọn theo bố cục theo 5 chủ điểm thay vì 15 đặc điểm như bài Mười lăm phẩm tính của tình yêu theo thánh Phaolô dẫn trên, hoặc bài 13 lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô cho các đôi vợ chồng muốn hôn nhân bền vững.

Những phẩm tính tình yêu nổi bật mà chúng ta sẽ đề cập, đó là:


1.- Tình yêu là nhẫn nhục và chịu đựng tất cả

2.- Tình yêu là hiền lành và không nóng giận

3.- Tình yêu là tha thứ tất cả và không nuôi hận thù

4.- Tình yêu là tin tưởng tất cả và không ghen tương

5.- Tình yêu là khiêm tốn phục vụ và không tìm kiếm tư lợi

* * * * *

1.- Tình yêu là nhẫn nhục và chịu đựng tất cả

Có thể nói ngày nay nhiều bạn trẻ không chấp nhận thái độ “nhẫn nhục và chịu đựng” trong hôn nhân. Đối với họ, một đời sống lứa đôi mà chỉ có “nhẫn nhục và chịu đựng” thì luôn là một bi kịch. Chính vì vậy mà ngày nay không ít bạn trẻ ngại kết hôn. Có thể họ đã tỏ ra quá lo sợ bởi cái viễn ảnh bạo lực trong gia đình, bởi cảnh ngoại tình và ly hôn giữa hai vợ chồng, bởi những dằn vặt đau khổ triền miên trong cuộc sống chung giữa đôi bạn. 

Thực ra, ông bà ta ngày xưa đã có kinh nghiệm bài học về sự nhẫn nhục chịu đựng trong đời sống hôn nhân gia đình, nên đã có câu “Một sự nhịn, chín sự lành”, hay câu ca dao “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Đối với người xưa, nhẫn nhục chịu đựng là cách ứng xử khôn ngoan cần thiết của đôi vợ chồng muốn duy trì lâu dài hạnh phúc gia đình. Bởi vì ai cũng biết rằng “Hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường”, nghĩa là đôi bạn phải chiến đấu không ngừng, chiến đấu với tính xấu của bản thân, với khuyết điểm của bạn đời, với những ngang trái trong cuộc sống lứa đôi. Trong đời sống hôn nhân, mỗi người sẽ chịu thua thiệt quyền lợi của mình và phải chấp nhận cái tôi của mình mất đi một nửa. Công thức hiện nay là “Hôn nhân là 0,5 + 0,5 = 1” thay vì “Hôn nhân là 1+1=1” như trước đây. 

Tác giả TS Trần Mỹ Duyệt, trong bài viết tựa Ý nghĩa một nhịn chín lành trong hôn nhân đã chia sẻ như sau:

“Một cách tích cực hơn, nhịn nhục phải được xây dựng trên đời sống chung, lấy hạnh phúc và tình yêu của nhau làm căn bản. Thử hỏi, sau một trận tranh cãi, ẩu đả ta được gì và mất gì? Biết tự hỏi mình câu hỏi như vậy, chắc chắn sẽ biết kìm hãm lời ăn tiếng nói, và hành động. Cái mà người tự ái được sau một cuộc tranh cãi là cái tôi. Tôi thấy mình có giá. Tôi thấy tôi được người khác sợ hãi. Tôi thấy thỏa mãn vì tôi có lý. Nhưng những thứ đó lại không phải là những yếu tố đem lại hạnh phúc lứa đôi, không bảo đảm được tình cảm vợ chồng, cha con, anh chị em trong gia đình. Ngược lại, những điều đó chỉ đem lại cho cá nhân người thắng những gì đắng đót, hối hận. Như một hậu quả tiêu cực, nó làm cho tình cảm và tình yêu bị sứt mẻ, nhiều khi đưa đến tan vỡ một gia đình. Và đây là sự thua thiệt rất lớn. Có khi phải mất cả tuần, cả tháng hoặc cả năm mới hàn gắn được.

“Tóm lại, để xây dựng và bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, duy trì những mối quan hệ tốt trong gia đình, câu nói: “Một nhịn chín lành” luôn là khuôn vàng thước ngọc.”[4]

Riêng ĐTC Phan-xi-cô trong TH. NVCTY đã nhắn nhủ như sau: “Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật. Vấn đề xảy ra là khi chúng ta đòi các mối tương quan phải êm ả hay người ta phải hoàn hảo, hoặc khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và mong đợi duy nhất một điều là mọi sự đi theo ý muốn của mình. Rồi thì mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách hung hăng. Nếu chúng ta không vun xới thái độ nhẫn nhục, chúng ta sẽ luôn luôn phải hối tiếc vì cư xử giận dữ, và rốt cuộc chúng ta sẽ không thể sống chung với nhau, chống lại xã hội, chúng ta không có khả năng làm chủ được các xung năng của mình, và gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường.” (số 92)

2.- Tình yêu là hiền lành và không nóng giận

Hiền lành, dịu dàng, tế nhị luôn là những đức tính tốt đẹp và cần thiết giúp duy trì hạnh phúc lâu dài trong hôn nhân. Đặc biệt là người vợ, người mẹ trong gia đình, sự hiền dịu luôn được đề cao, tôn vinh. Chẳng hạn, trong Thánh kinh Cựu Ước có câu: “Tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và nhận được ơn ĐỨC CHÚA ban cho.” (Cn 18,22) hay “Phúc thay ai cưới được vợ hiền, / tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, / được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may, / dành cho những người kính sợ Đức Chúa…” (Hc 26, 1-3). Chính vì vậy mà người ta thường nói “Vợ hiền con thảo”, hay “Rể hiền dâu thảo” vv.

Nhiều bạn trẻ khách mời trong các show truyền hình hiện nay về hôn nhân gia đình, khi được hỏi họ nghĩ gì về những tật xấu của người bạn đời, đều khẳng định là họ không thích cái tính nóng nảy, cọc cằn, thô lỗ của người bạn đời. Trong khi xã hội đòi hỏi người nữ phải là người dịu dàng hiền hậu, thì người ta cũng muốn người nam phải là người trưởng thành, tế nhị, bao dung. Cả hai nên cư xử với nhau không phải như hai “đối thủ” mà là như những người bạn thân thiết, tình nguyện sống với nhau trong tư cách là bạn đời, bạn tình, bạn đường không phải trong một thời gian dăm ba năm mà là suốt cả cuộc đời.

Đặc biệt, khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, xung đột trong gia đình, thì người có trách nhiệm chính trong việc hòa giải chính là người chồng, người cha trong gia đình. Thay vì làm cho chuyện lớn ra hay đổ thêm dầu vào lửa, thì người cha hay chồng sẽ khôn khéo dàn xếp mọi chuyện được êm thắm. Đó là một tài khéo, một nghệ thuật của một người đàn ông có uy tín và bản lãnh. Như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nicolson).

Tác giả cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng” đã nói về cách điều khiển và kiểm soát tình huống khi có xung đột, như sau:

“Mâu thuẫn, xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị! Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý, thì không những làm cho cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm cho tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn.

“Ngược lại, nếu ta nóng nảy và không kềm chế cái tôi quá lớn trong mình, ta sẽ dễ dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn hại đến hôn nhân. Ta nên nhớ rằng, khi xung đột thì ta đang cãi nhau cho mục đích của hôn nhân mình, chứ không phải cãi để thắng bạn đời, cãi để ăn thua nhau. Hai vợ chồng nên thỏa thuận với nhau dù mâu thuẫn có lớn đến mấy thì cũng phải giải quyết và làm lành trong thời gian sớm nhất. Nếu đã quyết định tha thứ, hãy cố gắng tha thứ hoàn toàn, vì sự căm hận chỉ làm tổn hại cả về tinh thần và thể chất cho chính ta và cho hôn nhân của ta.”[5]

ĐTC Phan-xi-cô trong TH. NVCTY đã diễn giải phẩm chất này như sau:

Nếu diễn ngữ đầu tiên trong bài ca đã mời gọi chúng ta biết nhẫn nhục để tránh không phản ứng gay gắt ngay lập tức trước những yếu đuối và sai lỗi của người khác, thì bây giờ xuất hiện một từ ngữ khác – paroxynetai – diễn tả sự bất bình trong lòng như một phản ứng được khơi lên bởi một cái gì đó từ bên ngoài. Nó diễn tả một phản ứng bạo lực ở bên trong, một sự tức giận không bộc lộ ra ngoài đặt ta vào thế phòng vệ trước người khác, như thể họ là kẻ thù gây phiền hà cần phải tránh xa. Việc nuôi dưỡng thái độ gây hấn trong lòng như thế không có ích gì. Nó chỉ làm ta đau bệnh và rốt cuộc làm người ta xa lánh. Nóng giận chỉ lành mạnh khi nó làm cho ta phản ứng trước một bất công nghiêm trọng, nhưng sẽ tác hại khi có chiều hướng tức giận thấm ngập trong mọi thái độ của ta đối với người khác.” (số 103)

Thánh Phao-lô đã có lời khuyên thiết thực sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14).

Nhìn vào các gia đình sống chung quanh ta, nếu cặp vợ chồng nào sống đạo đức, luôn chu toàn luật Chúa và Hội thánh, biết thực thi bác ái thì bảo đảm họ được Chúa chúc phúc và được hạnh phúc mãi mãi bên nhau.   

3.- Tình yêu là tha thứ tất cả và không nuôi hận thù

Chúng ta biết rằng, sự tha thứ là một phép thử quan trọng trong tình yêu hôn nhân. Bởi vì chỉ có sự tha thứ mới chứng minh được tình yêu đích thực. Như một danh nhân đã nói, “Không thể có tình yêu nếu không có tha thứ. Không thể tha thứ nếu không có tình yêu” (Bryant McGill).

Quả thực tha thứ và yêu thương là cặp đôi gắn bó với nhau như hình với bóng. Khi hai người chấp nhận tha thứ cho nhau mỗi khi họ xúc phạm hay làm tổn thương nhau, thì điều đó chứng tỏ họ còn yêu nhau và yêu nhau thực tình. Ngược lại, nếu hai người cứ khăng khăng bảo vệ ý kiến và quan điểm riêng của mình mà không thể hiện lòng bao dung, tha thứ cho bạn đời, thì điều đó chứng tỏ tình yêu giữa hai vợ chồng có “vấn đề”.

Ông bà ta thường nói “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Thực vậy, chỉ có lòng khoan dung mới giúp cho đôi bạn giữ được tình yêu nồng ấm, duy trì được sự trung thành lâu dài, gia tăng được sự tin tưởng cần thiết, nhờ đó dù gặp nhiều sóng gió và thử thách trên đời, đôi bạn vẫn song hành với nhau cho đến cuối đời.

Người ta vẫn thường nói rằng hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường và đôi bạn là những chiến binh dũng cảm. Điều đó có nghĩa là cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng êm ả như mặt nước hồ thu. Trái lại, mỗi người phải chiến đấu với chính mình, với tính kiêu căng, ích kỷ, tự mãn, nóng giận, hẹp hòi của cá nhân mình, đồng thời phải thích nghi với bạn đời khác tính khác nết của mình. Tình yêu luôn là yếu tố hóa giải mọi bất đồng: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN). Nữ diễn giả nổi tiếng người Mỹ Louise Hay đã nói như sau: “Tình yêu thương luôn là biện pháp để chữa lành mọi vết thương. Và con đường dẫn đến tình yêu thương là sự tha thứ. Tha thứ hòa tan oán ghét”.

Thực vậy, “sự tha thứ được mô tả là hình thức tối thượng của tình yêu, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc, sức mạnh tình cảm của một cặp đôi. Sự tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình. Tha thứ không có nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tha thứ là biểu hiện của một tình yêu vô điều kiện, nếu không có điều đó, sẽ rất khó để các cặp đôi có thể vượt qua những cơn bão, hay những trở ngại trong mối quan hệ.”[6]

Diễn giải về sự bao dung tha thứ trong hôn nhân, ĐTC Phan-xi-cô trong TH. NVCTY đã nhấn mạnh như sau:

Nhưng điều này giả thiết chính chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa cách vô điều kiện bởi ân sủng của Ngài chứ không bởi công trạng của chúng ta. Chúng ta đã đạt đến kinh nghiệm của một tình yêu đi bước trước mọi việc làm của mình, một tình yêu luôn luôn mang đến cho ta những cơ hội mới, một tình yêu thúc đẩy và khích lệ. Nếu chúng ta chấp nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa thì vô điều kiện, rằng tình yêu của Chúa Cha không thể được mua hay bán, bấy giờ chúng ta mới có thể yêu thương vượt trên tất cả, tha thứ cho người khác ngay cả khi họ cư xử bất công với chúng ta. Nếu không, cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau.” (số 108)

Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn Những bổn phận gia đình Ki-tô hữu cũng đã khuyên bảo: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (số 21)

4.- Tình yêu là tin tưởng tất cả và không ghen tương

Khi đề cập đến vấn đề “Tin tưởng tất cả” trong thư 1Cor 13 của thánh Phao-lô, ĐTC Phan-xi-cô đã viết trong TH. NVCTY như sau:

Panta pisteuei. [Tình yêu] “tin tưởng tất cả”. Do mạch văn ở đây “tin” không được hiểu theo nghĩa thần học, nhưng theo nghĩa “tin tưởng” mà chúng ta vẫn dùng. Vấn đề không chỉ là không nghi ngờ người kia đang nói dối hay lừa lọc ta. Sự tin tưởng căn bản ấy nhận ra ánh sáng được thắp lên bởi Thiên Chúa khuất ẩn đàng sau bóng tối, hoặc như cục than hồng vẫn còn cháy đỏ bên dưới đống tro.” (số 114)

Chính sự tin tưởng này làm cho một mối tương quan được tự do. Ta không cần phải kiểm soát người kia, bám theo từng bước chân của người ấy để không cho người ấy thoát khỏi tay ta. Tình yêu thì tin tưởng, để cho nó tự do, từ chối kiểm soát mọi sự, chiếm hữu, thống trị. Sự tự do này, vốn có thể tạo ra những không gian độc lập, mở ra với thế giới và đón nhận những kinh nghiệm mới, giúp các tương quan thêm phong phú và mở rộng.

Bằng cách đó, vợ chồng sẽ san sẻ cho nhau niềm vui về tất cả những gì họ lãnh nhận và học được từ bên ngoài phạm vi gia đình. Đồng thời, tự do giúp người ta có được sự chân thành và minh bạch, vì khi biết rằng mình được những người khác tin tưởng và chân tình quí trọng lòng tốt thì sẽ cởi mở mà không giấu diếm điều gì. Một người mà biết rằng những người khác luôn nghi ngờ mình, hoặc xét đoán mà không chút cảm thương và không yêu thương mình vô điều kiện, thì người đó sẽ có khuynh hướng giữ kín các bí mật của mình, che giấu các tội lỗi và yếu đuối của mình, và sống giả dối.

Trái lại, một gia đình mà trong đó sự tin tưởng vững vàng đầy yêu thương ngự trị, và là nơi cho người ta luôn quay về trong tin tưởng dẫu cho bất cứ điều gì xảy ra, gia đình ấy sẽ giúp các thành viên sống căn tính đích thật của mình, và đương nhiên loại trừ sự lừa gạt, giả tạo, và dối trá.” (số 115)

Còn về vấn đề ghen tương, xét thực tế ta có thể khẳng định điều này, ghen tương là căn bệnh của những đôi vợ chồng không còn tin tưởng nhau nữa. Bởi niềm tin là điều kiện tiên quyết của tình yêu. Chuyên gia tâm lý khẳng định rằng: Trong cuộc sống này, để thân thiết với một người, thì niềm tin phải đến từ cả hai phía, để hết lòng yêu thương một người, cũng cần niềm tin đến từ hai phía. Niềm tin, là một thứ giúp sinh mệnh của tình yêu tiếp tục tồn tại. Nếu đã yêu, thì hãy tin tưởng. Đừng quá đặt nặng lòng nghi ngờ, sự nghi ngờ cũng rất mỏi mệt. Hãy mở lòng tin tưởng nhau, điều đó không chỉ khiến lòng ta dễ chịu, mà cũng khiến tình yêu bền vững hơn.

Vậy ta hãy xác định lại bản chất của tình yêu trong hôn nhân như thế này. Có người đã nhận xét rằng, khi ghen tuông, tự ái sẽ đóng vai trò quan trọng hơn là ái tình (La Rochefoucauld). Điều đó có nghĩa là khi ghen, người ta trở nên ích kỷ, mù quáng, cọc cằn, tàn nhẫn. Hành động của người ghen, nếu nhân danh tình yêu, thì cũng chỉ là sự thù hằn đáng sợ.

Trong khi đó, “tình yêu đích thực và trong sáng luôn luôn được thể hiện qua sự tôn kính, trân trọng người bạn đời. Nếu người ngoại tình là người không còn biết kính trọng bản thân và tình yêu của vợ hay chồng mình thì người ghen tuông là người đánh mất lý trí, hành động mù quáng, coi người bạn đời của mình như là một kẻ phản bội phải trả giá đắt và đáng khinh bỉ. Người ta quên rằng bản chất của tình yêu đích thực là dâng hiến, là vị tha, là bao dung. Thay vì tự ái vì mình bị “cắm sừng”, thay vì thù hận do tình yêu bị phản bội, thì chúng ta nên chọn lựa một thái độ đúng mực nhất, đó là bao dung và tha thứ. Chính điều này sẽ thuyết phục bạn đời mình từ bỏ những gì không phù hợp với tình yêu chân chính của vợ chồng.” (Nguồn: Internet)

Cuối cùng, muốn tránh được sự ghen tuông, thiết tưởng vợ chồng phải làm mọi cách để duy trì lòng chung thủy và giữ cho tình yêu giữa hai người luôn nồng thắm. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” đã viết: “Không gì hữu hiệu để giúp đôi vợ chồng thắng vượt tính ghen tương cho bằng lòng chung thủy với nhau. Lòng chung thủy đối với nhau được thể hiện không chỉ bằng sự đam mê gắn bó với nhau, mà nhất là bằng lòng quảng đại, khoan dung, tha thứ, quên mình. Nói cho cùng, tình bác ái Ki-tô giáo chính là thể hiện của sự chung thuỷ và là chìa khoá của hạnh phúc hôn nhân.”[7]

5.- Tình yêu là khiêm tốn phục vụ và không tìm kiếm tư lợi

Chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân gia đình, một trong những đòi hỏi cao nhất đó là sự phục vụ với tinh thần khiêm tốn và quảng đại. Như một danh nhân đã nói, “Hôn nhân chia nửa quyền lợi và gấp đôi nghĩa vụ (Arthur Schopenhauer). Điều đó cho thấy khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận “mình vì người khác”, chấp nhận thiệt thòi để người khác được hạnh phúc. ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở: “Ngược với lối suy nghĩ bình thường, yêu người khác thì trước hết phải yêu chính mình. Bài ca Đức Mến của Thánh Phaolô khẳng định tình yêu là không tìm tư lợi, không ích kỷ. Không đặt ưu tiên là yêu chính mình, nhưng cao thượng hơn là hiến mình cho người khác.” (13 lời khuyên cho hôn nhân bền vững của ĐTC Phan-xi-cô, nguồn đã dẫn trên)

Có thể nói một đặc tính cao đẹp nhất trong tình yêu hôn nhân, đó là quên mình phục vụ. Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo, kể cả sự sống của mình để thực hiện những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách nôm na, phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là làm bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ. Ta có thể thấy, trong gia đình ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Đặc biệt, đôi bạn luôn sống chết có nhau, vui buồn có nhau, sướng khổ có nhau. Có thể nói họ luôn phục vụ nhau với tất cả tấm lòng quảng đại sâu xa nhất của mình.

Quảng đại là mở rộng lòng ra để đón nhận tha nhân, là cho đi mà không cần nhận lại. Đó là phục vụ không tính toán, không tư lợi, không vị kỷ. Thánh Phao-lô cũng luôn nhắc nhở rằng phục vụ là biểu lộ tình yêu không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích của người khác, không tìm kiếm mình, nhưng là hiến mình. Diễn giải về sự quảng đại hy sinh trong tình yêu, ĐTC Phan-xi-cô trong TH.NVCTY đã viết như sau:

Chúng ta đã nói rất nhiều lần rằng để yêu thương người khác, trước hết chúng ta phải yêu thương chính mình. Thế nhưng, bài ca Đức Mến này quả quyết rằng yêu thương thì “không tìm tư lợi”, hoặc “không tìm kiếm điều thuộc về mình”. Diễn ngữ này cũng được dùng trong một bản văn khác: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4). Trước một khẳng định rõ ràng như thế của Thánh Kinh cần tránh gán ưu tiên cho tình yêu đối với chính bản thân như thể nó cao quí hơn sự quảng đại hiến thân cho người khác. Ưu tiên yêu thương mình chỉ có thể được hiểu như một điều kiện tâm lí, xét vì ai không có khả năng yêu thương chính mình thì sẽ khó yêu thương người khác: “Xấu với bản thân thì tốt với ai được? Không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình.” (Hc 14,5-6) (số 101)

* * * * *

LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo”, đã nêu lên ba yếu tố quan trọng nhất mà một cuộc sống hôn nhân Công Giáo cần phải có để bảo đảm được sự tồn tại và hạnh phúc của mình. Đó là tình yêu, sự chung thủy và phép lành của Thiên Chúa. Về vấn đề tình yêu, tác giả viết như sau:[8]

“Tình yêu Ki-tô giáo, tình yêu giữa những người Công giáo luôn là phản ánh vẻ huy hoàng, sự quảng đại và bao dung của tình yêu vô biên và vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta, một tình yêu đã được mặc khải một cách cụ thể và rõ ràng trong con người Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh đã có lý khi viết trong bài thánh ca Đâu có tình yêu thương của ngài như sau:

Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi.
Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui.

“Thực vậy, ở đâu người ta yêu thương nhau thực sự, thì ở chính nơi ấy Thiên Chúa hiện diện một cách sống động. Điều ấy muốn khẳng định rằng, khi trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái hết lòng yêu thương đùm bọc nhau, biết hy sinh cho nhau, biết thành thật thông cảm và tha thứ cho nhau, thì chính Thiên Chúa hiện diện giữa họ, ở trong gia đình họ. Và gia đình ấy luôn được an vui hạnh phúc.” ./.



[5] Những quy tắc trong đời sống vợ chồng - Alpha Books biên soạn – NXB Lao động Xã hội năm 2018 trang 31-33

[8] LM Nguyễn Hữu Thy –  Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo – TTMV CG VN Gp Trier CHLB Đức năm 2012 trang 89-90


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-pham-tinh-noi-bat-cua-tinh-yeu-trong-hon-nhan-ki-to-huu-45990

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét