Trang

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Chú giải Thánh vịnh 22 về người vô tội bị bức hại.




benedic01
Chú giải Thánh vịnh 22 về người vô tội bị bức hại.
Thành Vatican, thứ tư 14/09/2011 (Zenit.org).
Tiếng thở than của con người là tiếng kêu gào phá vỡ “sự thinh lặng của Thiên Chúa” và “mở tung của trời”. ĐGH Bênêđictô XVI đã nói điều đó với các thính giả tại quảng trường thánh Phêrô vào buổi trưa thứ tư này. Hình ảnh được rút ra từ thánh vịnh 22 là hình ảnh của một người vô tội với những tiếng kêu gào thảm thiết khi bị cừu địch bức hại và loại trừ bằng cái chết.
ĐGH khẳng định bản văn, với những hàm ý mạnh mẽ về Kitô học, “giàu tính nhân văn và chất thần học phong phú, là một trong số những thánh vịnh thường được dùng để cầu nguyện và nghiên cứu về sách Thánh Vịnh”, Thánh vịnh này mời gọi chúng ta không đánh mất niềm tin tưởng ngay cả khi dường như Thiên Chúa vắng bóng.
ĐGH nói trong lời cầu nguyện của người vô tội bị bức hại, “nỗi thống khổ hiện tại” và “ký ức được ủi an của quá khứ” lần lượt nối tiếp nhau. Tiếng kêu gào của con người ấy là tiếng van nài đến một Thiên Chúa ngự chốn xa vời, mà dường như Ngài bỏ rơi họ.
Lời cầu nguyện ấy, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?, chính là những lời thống thiết của Đức Giêsu trên thập giá- được biến đổi thành một lời chứng của niềm tin trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trở nên gần gũi và trợ giúp kẻ kêu cứu đang bị cừu địch bức hại.
ĐGH khẳng định: “Lời cầu nguyện thống thiết của Đức Giêsu, dẫu không thể diễn tả hết những đau khổ mà Người đã mang lấy, chắc chắn mở ra ngưỡng cửa vinh quang”. “Trong cuộc khổ nạn, vì vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trải qua sự cô đơn và cái chết để đạt tới sự sống và để ban tặng sự sống cho tất cả những ai tin vào ngài”.
ĐGH nói tiếp, trong Thánh vịnh, “Thiên Chúa thinh lặng, và sự thinh lặng này xé nát cõi lòng của kẻ kêu cứu, họ liên lỉ kêu xin mà không một lời đáp trả. Hết ngày này qua ngày khác, hết đêm này lại đến đêm kia, họ không mỏi mệt tìm kiếm một lời đáp, một sự trợ giúp từ Thiên Chúa, nhưng chẳng có gì; Thiên Chúa dường như ở thật xa, hoặc ngài đã quên, hoặc ngài vắng mặt”.
Nhưng tác giả Thánh vịnh không tin rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi con người, hẳn khi khát khao một cuộc gặp gỡ, họ tìm kiếm “một mối tương quan có thể trao ban sức mạnh và ơn cứu độ”; nhưng đối lại với một Thiên Chúa ra như vắng bóng lại là một Thiên Chúa luôn hiện diện và gần gũi với con người trong suốt cuộc đời của nó. Tác giả Thánh vịnh cảm nhận tình yêu này, nhưng ông cũng nhận thấy sự gần gũi ấy vẫn khiến con người hoảng sợ khi đối mặt với liên minh bất khả đánh bại của cừu địch, chúng tựa như những thú dữ rừng hoang.
ĐGH giải thích: “Những hình ảnh trên được sử dụng trong Thánh vịnh nhằm nói rằng khi con người trở nên tàn ác và tấn công anh em mình, thì một điều gì đó tựa như thú tính phủ trùm lên nó, ra như nó đã đánh mất dáng vẻ của một con người”; thực vậy, “tự nó bạo lực luôn là một điều gì đó của thú tính và chỉ có hành vi cứu độ của Thiên Chúa mới có thể phục hồi nhân tính cho con người”.
Với những hình ảnh đầy kịch tính, mà chúng ta có thể tìm thấy trong các trình thuật về cuộc thương khó của Đức Kitô, mô tả sự tàn tạ nơi một thân thể của một con người bị kết án. Ở đây một lần nữa lại vang lên lời cầu cứu của tác giả thánh vịnh, “một tiếng kêu gào mở tung cửa trời, bởi vì nó công bố một niềm tin, một điểm tựa vững chắc để vượt qua tất cả những gì là nghi nan, là đêm tối, là cô độc. Tiếng thở than được biến đổi, dường chỗ cho lời chúc tụng vì được nhận lãnh ơn cứu độ”.
Vì thế, Thánh vịnh cất lên lời tạ ơn “tôi dâng lời ca tụng trong ngày đại hội toàn dân”, bởi vì cuối cùng Chúa đã đến cứu giúp và cứu độ kẻ nghèo hèn, và bày tỏ cho họ thấy Thánh Nhan thương xót của ngài.
Kế tiếp, ĐGH khẳng định: “Cái chết và sự sống giao nhau trong một mầu nhiệm không thể chia tách, và sự sống đã toàn thắng, Thiên Chúa của ơn cứu độ đã tự tỏ mình nơi Đức Kitô, Đấng mà mọi biên cương cõi đất phải thờ lạy và mọi gia tộc của khắp các dân nước phải phủ phục”.
ĐGH kết luận: “Đó là chiến thắng của niềm tin, niềm tin biến đổi cái chết thành hồng ân sự sống, vũng lầy nước mắt thành nguồn suối hy vọng”.

Phaolô  Chu Vũ, OP
trích dịch từ: Benedetto XVI: il lamento dell’uomo “dischiude i cieli”, nguồn Zenit.org
Nguồn: daminhvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét