Trang

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Giáo Hoàng John Paul II, người Ba Lan vĩ đại nhất




Lê Diễn Đức
                                                           
Giáo Hoàng John Paul II, người Ba Lan vĩ đại nhất

Hôm nay, ngày 02 tháng Tư, cả nước Ba Lan kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đức Giáo Hoàng John Paul II.

Đức Giáo Hoàng John Paul II là người đã thay đổi diện mạo đất nước Ba Lan, có công lao to lớn trong việc bảo vệ hòa bình, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo.

Ngày 16/10/1978 Giáo Hội Vatcan đã chọn Tổng Giám mục địa phận Krakow của Ba Lan, Karol Jozef Wojtyla (sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice) làm Giáo hoàng, người kế nhiệm thứ 264 của Thánh Peter. Đây là người đứng đầu Giáo hội đầu tiên sau 455 năm không phải người Italia mà là thuộc sắc tộc Slaver, xuất thân từ một nước xã hội chủ nghĩa chịu ảnh hưởng đáng kể các sự kiện ở Đông Âu và châu Á trong những năm 80 của Thế kỷ XX.

Giáo hoàng John Paul II là một người toàn năng. Ngài nói lưu loát 14 ngoại ngữ, là nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, diễn viên, nhà soạn kịch, nhà giáo dục, nhà triết học lịch sử, hiện tượng học, thần bí học và đại diện của thuyết Cơ Đốc Nhân Vị.

Một trong những đặc trưng của Giáo hoàng John Paul II là thực hiện sứ mệnh trong các chuyến công du nước ngoài. Ngài đã thăm tất cả các lục địa với 104 chuyến đi. Ở nhiều nơi Ngài tới thăm, chưa có Giáo hoàng nào trước đó đặt chân tới. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên thăm Vương quốc Anh (từ năm 1534 Giáo hội Anh không công nhận quyền tối cao của Tòa Thánh). Mặc dù Ngài hết sức nỗ lực nhưng trước khi chết Ngài tiếc chưa thực hiện được cuộc hành hương đến Nga, hầu như do không đạt được đồng thuận với Giáo hội Chính thống giáo Nga. Ngài cũng đã nhã ý muốn thăm Việt Nam, nhưng bị Việt Nam khước từ vì lý do bảo vệ an ninh. Trong khi đó, Ngài đã đến Chile và Argentyna như một “Giáo hoàng của Hòa bình” vào năm 1987 và được dân chúng gọi là “Papa Polaco”. Hai năm sau đó chế độ độc tài quân sự của Tướng Pinoche sụp đổ. Ngài cũng đã tới Cuba, và được Fidel Castro trịnh trọng đón tiếp. Trong buổi lễ cầu nguyện với dân Cuba tại thủ đô Havana, Ngài nói: “Cuba hãy mở với thế giới và thế giới hãy mở cửa cho Cuba, để đất nước này có thể nhìn về phía trước với hy vọng”.

Những nước mà Giáo hoàng John Paul II viếng thăm nhiều lần là Ba Lan (8 lần), Mỹ (7 lần), Pháp (7 lần) và gần 100 lần ở Italia.

Giáo hoàng John Paul II đã có những thay đổi to lớn ở Vatican và vị trí của Giáo hoàng trong nhận thức của cộng đồng, cả Công giáo, cũng như Kitô, và những người theo các tôn giáo khác. Ngay sau khi được bầu làm Giáo hoàng, trong buổi đại lễ nhậm chức niên hiệu John Paul II, Ngài đã không cho phép Hồng y Wyszynski quỳ xuống để tỏ lòng tôn kính. Bài phát phát biểu đầu tiên của mình, Giáo hoàng John Paul II dùng tiếng Italia, thay vì theo thông lệ từ trước luôn luôn bằng tiếng Latin.

Giáo hoàng John Paul II rất coi trọng quan hệ với những người của các tôn giáo khác, không chỉ trong Kitô giáo, mà còn với thành viên của các tôn giáo khác và cả với người vô thần. Năm 1999, Đức Giáo Hoàng đã hôn kinh Koran được xem như một món quà đối với giáo sĩ Hồi giáo. Ngài cũng trực tiếp tham gia buổi cầu nguyện tại Assisi của đại diện hàng chục các tôn giáo trên thế giới.

Ngày 13/05/1981, tại Quảng trường Thánh Phêrô (Peter) ở Roma lúc 17 giờ 19, Giáo hoàng John Paul II đã bị bắn vào bụng và tay bởi tay súng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Ağca. Tại bệnh viện Gemelli, Giáo Hoàng đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài sáu giờ và được cứu sống.

Các con tin nhìn thấy một sự liên đới với cuộc ám sát Giáo hoàng vào ngày 13 Tháng Năm, giống như là sự xuất hiện lần đầu tiên của Đức Trinh Nữ Maria tại Fatima vào năm 1917. Giáo hoàng John Paul II phải điều trị, phục hồi chức năng trong bệnh viện 22 ngày, nhưng vẫn chịu nhiều hậu quả từ sau vụ bị bắn. Ngài không bao giờ che giấu những thiếu sót của mình trước các tín hữu, mà biểu thị tất cả các mặt của một người đàn ông bình thường phải chịu đau đớn.

Một năm sau vụ mưu sát, Giáo hoàng đã đến Fatima cầu nguyện Đức Mẹ và cảm ơn đã cứu cuộc đời của Ngài. Cũng vào ngày đó, 13/05/1982, một linh mục không thạo tiếng Tây Ban Nha đã cầm con dao đâm Ngài. Quân bảo vệ Giáo hoàng ngay lập tức đã vô hiệu hóa hành động của hung thủ. Đức Giáo Hoàng kết thúc buổi cầu nguyện của mình mặc dù bị thương chảy máu. Sự kiện này đã không được công bố công khai cho đến năm 2008.

Năm 1985, CIA phân tích báo cáo và kết luận có nhiều khả năng đứng sau vụ mưu sát ngày 13/05/1981 là KGB của Liên Xô và tình báo nước ngoài khác.

Năm 1995, tuần báo Italia “Toscana Oggi” cho đăng tải tài liệu của Uỷ ban Trung ương Cộng sản Liên Xô năm 1979, trong đó lệnh cho KGB “sử dụng tất cả các cơ hội có thể để ngăn chặn một hướng mới trong chính sách khởi xướng bởi một Giáo hoàng người Ba Lan, và, nếu trong trường hợp cần thiết – sử dụng các phương tiện ngoài việc lung lạc thông tin và làm giảm uy tín”. Trên lệnh có chữ ký của: Mikhail Gorbachev, Mikhail Suslov và các thành viên khác của Uỷ ban Trung ương – Andrei Kirylenko, Konstantin Chernenko, Konstantin Rusakow, Boris Ponomarev, Ivan Kapitonov, Mikhail và Vladimir Zimianin Dołgich. Tài liệu này đã được nghiên cứu và công bố rộng rãi trong năm 2008 bởi nhà báo người Mỹ John O. Kohler.

Trong tháng 3 năm 2006, Ủy ban điều tra của Quốc hội Italia được thiết lập để xác định trách nhiệm của công dân Ý bị tình nghi cộng tác với KGB, đã xác định rõ rằng, lệnh ám sát Giáo hoàng được Leonid Brezhnev Tổng bí thư Uỷ ban Trung ương Cộng sản Liên Xô ban hành và Bộ Chính trị, trong đó có Mikhail Gorbachev phê chuẩn. Ali Agca đã hành động theo chỉ thị của an ninh Bulgaria, cộng tác viên của KGB Liên Xô. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy đã có cơ hội ngăn chặn vụ ám sát nhưng thật không may, các tín hiệu cảnh báo do gửi CIA tới không được quan tâm đúng mức. Sau khi vụ ám sát Giáo hoàng, các biện pháp an ninh đặc biệt được triển khai, bao gồm cả xe bọc thép có kính chắn đạn dùng cho Giáo hoàng di chuyển trong các buổi hành hương.

Từ đầu những năm 90 bệnh Parkinson của Giáo Hoàng John Paul II nặng lên. Tháng 7 năm 1992 Ngài phải trải qua phẫu thuật để cắt bỏ khối u trong ruột già. Cuộc đấu tranh lâu dài của Ngài với bệnh tật, tuổi già, nhưng vẫn cố gắng thực hiện sứ mệnh của mình đến giờ chót, biểu hiện phẩm giá bền bỉ và sự vật lộn kiên cường của con người với đau khổ, giống như nhục hình mà Chúa Chrystus đã gánh chịu. Ngày 13/05/1992, kỷ niệm 11 năm ngày bị mưu sát, Giáo Hoàng lấy nó làm Ngày Thế giới của Người bệnh.

Sức khoẻ của Giáo hoàng suy giảm đột ngột bắt đầu vào ngày 01/02/2005. Trong hai tháng cuối đời, John Paul II, đã trải qua nhiều ngày trong bệnh viện và không xuất hiện trước công chúng. Ngài phải giải phẫu khí quản để tránh suy hô hấp.

Vào thứ Năm, 31/03/2005, khi đi đến nhà nguyện riêng Ngài thấy ớn lạnh cùng với sự gia tăng nhiệt độ cơ thể lên tới 39,6 ° C. Đây là sự khởi đầu của sốc nhiễm khuẩn kết hợp với trụy tim mạch, là yếu tố nhiễm trùng từ đường tiểu bị yếu do bệnh Parkinson và suy hô hấp.

Chiếu theo nguyện vọng của Giáo hoàng, người ta để Ngài ở lại nhà. Ngày 02 tháng 4, lúc 7.30 sáng, Giáo hoàng đã bắt đầu mất trí và nhiệt độ cơ thể tăng mạnh. Bằng giọng rất yếu, lúc 15.30 Ngài nói: “Hãy cho tôi về với Chúa Cha“. Sau đó Ngài hôn mê, và qua đời vào lúc 21.37.

Lễ tang của Giáo hoàng John Paul II đã được tổ chức vào thứ Sáu ngày 08 tháng Tư năm 2005. Thi thể của Ngài nằm trong quan tài bằng gỗ cây bách đơn giản (biểu tượng của sự bất tử) được đặt trên thảm phía bên ngoài của Quảng trường Thánh Peter. Tham dự lễ tang trên Quảng trường Thánh Peter có khoảng 300.000 người, 200 vị tổng thống, thủ tướng và đại diện các tín ngưỡng của thế giới, bao gồm cả giáo sĩ Hồi giáo và Do Thái. Nhiều người tại buổi lễ đã gương cao biểu ngữ với dòng chữ Italia “Santo Subito” (phong thánh ngay lập tức). Khoảng 5 triệu người khác đến Roma không có cơ hội vào Quảng trường Thánh Peter theo dõi tang lễ qua màn hình ở ngoài, trong đó có khoảng 1,5 triệu người Ba Lan.

Năm nay, kỷ niệm 5 năm ngày Giáo hoàng Johon Paul II qua đời, trùng vào ngày Thứ Sáu Lớn, đúng vào dịp Ngày Lễ Phục Sinh của Chúa Chrystus, người Ba Lan nghỉ đến hết thứ Hai tuần sau, nên không khí đón lễ ở Ba Lan rất trang trọng và đặc biệt có ý nghĩa.

Giáo Hoàng John Paul II không phải chỉ được người Ba Lan tôn kính, tôn vinh Ngài là Người Ba Lan vĩ đại nhất, mà được cả nhân dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ về di sản cống hiến của mình cho nhân loại. Nhân dân Ba Lan hy vọng trong năm nay, tiến trình thủ tục phong Thánh của Vatican kết thúc và Giáo Hoàng John Paul II thực sự trở thành Vị Thánh của Ba Lan và các tín hữu Công giáo nói chung.

Nguồn: VietCatholic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét