Trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

TỪ VỰNG THẦN HỌC THÁNH KINH : NÔ LỆ



Nô Lệ
Chế độ nô lệ đã được thi hành ở Israel. Rất đông những nô lệ là người nước ngoài : theo tập tục chung thời cổ đại, tù binh chiến tranh thì bị giáng xuống làm nô lệ (Đnl 21,10), hay những nô lệ được các nhà buôn đem bán (St 17,12). Người Do Thái cũng đã bị bán hay tự bán mình như những nô lệ (Xh 21,1-11 ; 22,2 ; 2 V 4,1).
Tuy nhiên ở Israel, chế độ nô lệ không bao giờ đạt đến sự phát triển rộng rãi kể cả về hình thức mà nó biết đến trong thời kỳ cổ đại. Thật vậy, Israel đã luôn bị in dấu bởi kinh nghiệm kép ban đầu : cảnh khốn cùng ở một đất nước phục dịch và một lịch sử giải phóng bởi Thiên Chúa (Đnl 26,6 ; Xh 24,20). Từ đây, một mặt, Israel mang khía cạnh đặc biệt khi xem xét đến vấn đề xã hội của chế độ nô lệ, và mặt khác, thực tế này đã gợi lên suy tư tôn giáo.
I. VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Trước hết thật hữu ích khi quan sát thấy trong Kinh Thánh rằng cùng một từ mà đồng thời mô tả người phục vụ và kẻ nô lệ. Do đó, nói cách rõ ràng là Luật chấp nhận chế độ nô lệ như một tục lệ chắc chắn (Xh 21,21) ; tuy nhiên Luật lại luôn hướng đến việc giảm nhẹ tính cứng nhắc của tục lệ này cũng như xác nhận ý nghĩa đích thực của con người. Mặc dù chủ nhân là người sở hữu nô lệ của mình, nhưng không vì thế mà ông có quyền đối xử với nô lệ theo ý mình (Xh 21, 20.26). Nếu đó là người nô lệ Do thái thì Luật còn cho thấy những hạn chế hơn nữa. Trừ khi có sự đồng ý của ngườio liên quan, bằng không thì Luật cấm việc nô lệ suốt đời. Luật của Giao Ước buộc phải giải phóng cho nô lệ cứ bảy năm một lần (Xh 21,2) ; sau này sách Nhị Luật đã ghép những việc giải phóng này với những sự chăm sóc liên đới (Đnl 15,13) ; về phía luật Lêvi thì đặt ra việc giải phóng chung vào năm đại xá, có lẽ để bổ sung vào những biện pháp trước đây chưa được áp dụng (Lv 25,39-55), vì con cái của Israel được Thiên Chúa chuộc khỏi sự nô lệ Ai Cập thì không thể là nô lệ nữa cho một người nào đó nữa.
Vấn đề nô lệ lại được đặt ra trong các cộng đoàn Kitô hữu ở Hy Lạp và La Mã. Phaolô đã hoàn toàn gặp vấn đề này ở Cô-rin-tô (Corinthe). Ngài trả lời rất quả quyết : từ nay trở đi, điều quan trọng đó không phải là địa vị xã hội này nọ nhưng là tiếng gọi của Thiên Chúa (1 Cr 7,17…). Do vậy, người nô lệ sẽ làm tròn trách nhiệm người Kitô hữu của mình trong khi phục vụ chủ mình « như Đức Kitô » (Ep 6,5-8). Chủ là người Kitô hữu thì sẽ hiểu rằng người nô lệ là anh em của mình trong Đức Kitô ; ông sẽ đối xử với họ cách bác ái và cũng biết giải phóng cho họ (Ep 6,9 ; Phm 14-21). Thật vậy, trong con người mới, sự tương phản kiểu cũ giữa nô lệ và người tự do không còn tồn tại nữa ; điều quan trọng duy nhất, « đó là trở nên một tạo vật mới » (Gl 3,28 ; 6,15).
II. ĐỀ TÀI TÔN GIÁO
Israel đã được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ, nhưng nếu nó bất trung thì lại rơi vào vòng nô lệ nữa (Tl 3,7 ; Nkh 9,35). Nó cũng đã hiểu rằng tội lỗi và nô lệ thường đi đôi với nhau, và nó cảm nhận được nhu cầu phải thoát khỏi những thói xấu của mình (Tv 130 ; 141,3). Tân Ước còn tỏ cho thấy rõ hơn nỗi khốn cùng sâu thẳm này : từ khi bởi Ađam mà tội lỗi đã đi vào thế gian, mọi người đã bị nô lệ tội lỗi bên trong mình và chịu khuất phục trước tội lỗi do sợ chết, cái giá không thể tránh khỏi (Rm 5,12… ; 7,13-24 ; Dt 2,14). Lề Luật cũng chỉ làm tăng thêm tình trạng nô lệ này.
Chỉ Đức Kitô mới có thể tiêu trừ tội lỗi, bởi vì Ngài là người duy nhất mà thủ lĩnh của thế gian không làm gì được (Ga 14,30). Ngài đến để giải phóng những kẻ tội lỗi (Ga 8,36). Để phá bỏ tình trạng nô lệ của con người, Ngài đã chấp nhận mang lấy thân phận nô lệ (Pl 2,7), mang lấy thân xác giống như thân xác kẻ tội lỗi (Rm 8,3), và vâng lời cho đến chết trên thập giá (Pl 2,8). Ngài đã tự làm người phục vụ, không chỉ cho Thiên Chúa mà còn cho con người mà Ngài đã chuộc lại nữa (Mt 20,28 ; x Ga 13,1-17).
Tốt hơn cả người Do Thái được chuộc lại từ tay Ai Cập, người chịu phép rửa trở thành những người được giải phóng từ tay Chúa, hay nếu ta muốn, trở thành những nô lệ của Thiên Chúa và của sự công chính (1 Cr 7,22 ; Rm 6,16-22 ; x Lv 25,55). Từ nay trở đi họ được giải phóng khỏi tội lỗi, khỏi sự chết và Lề Luật (Rm 6-8 ; Gl 5,1). Từ nô lệ, họ trở nên con trong Người Con (Ga 8,32-36 ; Gl 4,4-7.21-31). Dẫu vậy, tuy tự do không lệ thuộc vào ai, nhưng họ trở thành người phục vụ và nô lệ của mọi người, theo gương Chúa của họ (1 Cr 9,19 ; Mt 20,26-27 ; Ga 13,14).
Nguồn: daminhvn.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét