Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

TƯ LIỆU THÁNH KINH (3) : BABYLON




 


Tư liệu Thánh Kinh: Babylon (Ba-by-lon):

Một thành phố nằm trên Sông Eu-phơ-rát, cách nam Bác-đát 50 dặm [80 cây số]. Thành này được Nim-rốt [người săn bắn thiện nghệ] xây dựng. Sau này, thành thủ đô của nước Ba-by-lon và đế quốc Ba-by-lon. Khoảng năm 1750 trước CN, Hammurabi, một trong những vị vua đầu tiên của Ba-by-lon, đã viết lên đá bộ luật thời danh của ông, mà đem so với bộ luật của Mô-sê sau này, ta thấy có nhiều điều thích thú.

Sau khi Át-sua thất bại năm 612 trước CN, Ba-by-lon trở thành thủ đô của một đế quốc hùng cường trải dài từ vịnh Ba-tư đến Địa-trung-hải. Năm 597-586 trước CN, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon nhiều lần tấn chiếm Giê-ru-sa-lem. Mỗi lần, ông lại bắt một số dân của Giu-đa đầy qua Ba-by-lon, trong đó có tiên tri Ê-dê-ki-en và Đa-ni-ên. Thành phố nằm trên một chu vi rộng hai bên sông Eu-phơ-rát. Cả nội ngoại thành đều được bảo vệ bằng tường gạch đôi dầy 11-25 bộ [3-7 mét]. Tám cổng lớn dẫn vào nội thành, trong đó có 50 ngôi đền thờ. ‘Vườn treo Ba-by-lon’ là một trong những kỳ công của thế giới cổ xưa. Vườn có nhiều tầng với những hàng chà là và nhiều loại cây khác cung cấp cho khách thưởng ngoạn đủ mầu sắc và bóng mát trong một thế đất phẳng.

Năm 539 trước CN, người Ba-tư, dưới quyền chỉ huy của Ky-rô đã chiếm thành phố. Sử gia Hy Lạp Hê-rô-đô-tô cho rằng họ đã đổi dòng nước của sông Eu-phơ-rát để vượt qua lòng sông khô cạn mà tấn công thành. Từ đó, Ba-by-lon yếu dần. Ngày nay, chỉ còn lại những đụn cao hết sức rải rác để các nhà khảo cổ đào xới. St 10:10; 2 V 24:1; 25:7-13; Is 14:1-23; Đn 1-6.

Người Ba-by-lon: Phần phía nam của I-rắc ngày nay là vương quốc cổ xưa của Ba-by-lon. Thành Ba-by-lon trở nên quyền lực lần đầu năm 1850 trước CN và kéo dài trong nhiều thế hệ. Sau đó, họ lại hưng thịnh trở lại dưới thời Na-bu-cô-đô-nô-xo khoảng 1200 năm sau nhưng cũng chỉ kéo dài ít lâu. Chính vẻ huy hoàng nơi đô thị của Na-bu-cô-đô-nô-xo đã làm Ba-by-lon nổi tiếng trong lịch sử thế giới.

Văn minh tại nước Ba-by-lon khởi đầu ngay trước khi thành Ba-by-lon trở nên quan trọng. Các thành thị của nước này mọc lên không bao lâu sau khi con người biết cách dẫn thủy nhập điền. Những ngôi đền đồ xộ xây bằng gạch bùn đã được khai quật tại Uruk [ngày nay là Warka, tên trong Cựu Ước là E-réc – St 10:10]. Những cây cột đứng một mình tại các ngôi đền ấy được trang trí bằng những tranh ghép mảnh [mosaics] đầy mằu sắc.

Chữ Viết: Chữ viết xưa nhất người ta biết đến đã được tìm thấy tại đây, đó là dạng chữ viết hình nêm khởi đầu của Ba-by-lon trong đó hơn 800 hình thể đơn giản được dùng thay thế cho các vật thể hay ý niệm chung. Những hình thể này thay đổi nhanh chóng từ những vật biểu tượng qua hình thức mẫu âm, căn cứ vào giá trị âm sắc của chúng mà thôi. [Thí dụ, hình vẽ một người đàn ông gầy và một ông vua có thể có nghĩa là ‘ông vua gầy’ hay ‘người đàn ông gầy là một ông vua’ nếu căn cứ vào hình vẽ; nhưng chúng cũng có thể được sử dụng như những âm sắc để viết nên hạn từ ‘suy nghĩ’]. Không bao lâu sau, nhiều biểu tượng khác được sử dụng thêm để chỉ các hợp thể, chủ thể, vật thể v.v…

Ta không thể hiểu nổi những bản viết trên đất sét xưa nhất. Nhưng những bản sau này, vào khoảng năm 3200 trước CN, thì rõ ràng là những bản văn viết bằng ngôn ngữ mà ta gọi là Su-mê-ri. Chúng gồm những danh sách các chữ theo nhóm [đá, thú vật, nghề nghiệp] và một vài mẵu văn chương đơn giản, cũng như sổ sách buôn bán kế toán.Từ những hình vẽ có thể nhận dạng được, các biểu tượng đã nhanh chóng phát triển thành nhóm những nét thẳng [để dễ viết lên thanh đất sét], tạo nên lối viết hình nêm. Các thanh đất sét tồn tại khá lâu trong lòng đất. Chúng cho ta nhiều tín liệu về nước Ba-by-lon hơn hẳn bất cứ nền văn hóa nào khác.

Người Su-mê-ri và người Ác-cát: Người Su-mê-ri có thể không phải là những người đầu tiên sinh sống tại Ba-by-lon. Nhưng vì họ để lại nhiều tài liệu, nên họ là những người đầu tiên ta có thể nhận dạng và nêu tên. Nguồn gốc họ ta không rõ, ta cũng không thể tìm ra mối liên hệ giữa ngôn ngữ của họ và những ngôn ngữ khác trên thế giới. Sống bên họ về phía bắc là các bộ lạc người Ác-cát. Ngôn ngữ Sê-mi-tích của họ là hình thức ngôn ngữ Ba-by-lon khởi thủy, có liên hệ với tiếng Ả-rập và Hi-bá-lai. Các học giả nghiên cứu về nước Ba-by-lon cổ đã thực hiện các bản dịch từ tiếng Su-mê-ri qua tiếng Ác-cát, và các bản dịch này đã giúp các sinh viên ngày nay có thể dịch được tiếng Su-mê-ri.

Bất luận người Su-mê-ri là ai, thiên tài của họ đã dẫn đến việc tìm ra chữ viết, có thể cả xe cộ có bánh và cuộc sống đô thị nữa. Những câu truyện được chép xuống khoảng năm 2000 trước CN kể lại những kỳ tích của các anh hùng và thần thánh của người Su-mê-ri. Vị nổi tiếng nhất trong số này là Gilgamesh, vua của Uruk, ngay sau năm 3000 trước CN, người đã tiến vào rừng núi Li-băng để chặt gỗ tuyết tùng, và có thể cũng đã tiến vào cả Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Việc ông đi tìm thuốc trường sinh đã dẫn ông đi gặp Nô-ê của Ba-by-lon, người sẽ cho nhà vua hay ông đã được trường sinh bất tử như thế nào sau cơn Hồng Thủy. Gilgamesh được chỉ cho hai cơ hội để đạt mục tiêu của mình. Nhưng ông để lỡ cả hai cơ hội, nên phải trở về quê hương. Ông bèn đi đến kết luận là chỉ có tiếng tốt mới làm cho tên tuổi con người sống mãi sau khi chết. Những tìm tòi mới đây cho thấy những trình thuật trên có lẽ có căn bản hiện thực, dù chúng có những đoạn huyền thoại.

Khoảng năm 2300 trước CN, người Sê-mít chiếm được quyền kiểm soát nước Ba-by-lon dưới triều Vua Sargon. Ông đặt thủ đô tại Ác-cát, một địa danh ta chưa khám phá được gì. Quyền cai trị của ông lấn sang cả phía bắc Xy-ri, nơi ông giao chiến với Vua của Ebla. Từ lúc này, tiếng Su-mê-ri không còn quan trọng như tiếng Ác-cát nữa. Gia tộc Sargon duy trì được đế quốc của ông khoảng một thế kỷ. Sau đó, những kẻ gây hấn từ phương đông đã đến bẻ gẫy quyền thống trị của họ. Khoảng các năm 2100 đến 2000 trước CN, một dòng vua tại Ua cũng có một vương quốc lớn gần như thế.

Công Trình Nghệ Thuật: Các nghệ nhân thuộc đệ tam thiên niên kỷ [từ 3000 đến 2000 trước CN] đã thực hiện nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá qúi nhập cảng từ phía đông và phía nam. Các thợ đúc đúc đồng và thau thành vũ khí và tượng ảnh. Các tay thợ khắc đã tạo nên nhiều nghệ phẩm tinh sảo nhất của cổ Ba-by-lon, từ những đền đài vĩ đại tới những con dấu hình tròn tí hon [cao chừng 2-5 cm] có thể lăn trên đất sét và để lại những hình thể in lằn trên đó. Nhiều mẫu nổi tiếng đã được tìm thấy nơi mồ mả vua chúa tại Ua [có niên biểu khoảng năm 2400 trước CN]. Các vị vua chúa địa phương được chôn tại đây cùng với triều thần thân cận của họ, và đầy đủ xiêm y mũ áo cũng như xa giá vũ khí.

Các Bản Khắc: Những bản nhỏ liệt kê phần ăn cũng như chương mục hình như là những bản ít được chú ý nhất. Tuy nhiên chúng lại có giá trị lớn nhờ ghi lại nhiều tên người trên đó. Nhờ nghiên cứu kỹ càng, ta có thể nhận ra các tên người Su-mê-ri, Ác-cát và cả ngoại quốc nữa. Từ năm 2400 trước CN, càng ngày càng có nhiều tên thuộc loại người Sê-mít dùng sau này tại phía tây [người Ca-na-an và Hi-bá-lai]. Đến khoảng năm 2000 trước CN, một số rất đông những người ‘phía tây’ này [người E-mô-ri] đã đổ vào Ba-by-lon và đoạt quyền kiểm soát các đô thị cổ xưa tại đây.

Hammurabi: Xuất chúng nhất trong các vị vua của họ là Hammurabi, trị vì khoảng các năm 1792-1750 trước CN. Ông dành được uy quyền cho đô thị của ông nhờ chiến tranh và ngoại giao. Thời ông trị vì, ông đã duyệt lại luật lệ và cho khắc chúng vào đá. Đó chính là những ‘luật điển hình’giống như bộ luật của Xuất Hành 21 và 22. Chúng bắt đầu như thế này: ‘Nếu một người…’. Trong luật Hammurabi, sự vật bị ngăn cấm không căn cứ trên lý do luân lý như Mười Giới Răn. Dù được chế tài bằng vương quyền, các luật này chẳng bao lâu sau không còn được ai tuân giữ dù vẫn được sao chép trong các trường học cả một ngàn năm sau.

Triều đại Hammurabi xụp đổ khi quân đội Khết tấn kích Ba-by-lon năm 1595 trước CN. Các Vua người Kassite từ phía đông chiếm quyền, và mặc dù không thuộc dòng Sê-mít, họ đã nhanh chóng tiếp nhận văn hóa Ba-by-lon. Đất nước được hưởng thái bình trong 400 năm, và sau đó, một dòng vua bản địa xuất hiện.

Na-bu-cô-đô-nô-xo và Đế Quốc của Ông: Người Can-đê và người A-ram từ phía tây gây nên nhiều xáo trộn đến tận khi Vua của Can-đê là Nabopolassar đánh bại người Át-sua năm 612 trước CN. Đế quốc mới của ông gồm phần lớn các tỉnh của Át-sua, dù con trai ông là Na-bu-cô-đô-nô-xo [605-562 trước CN] vẫn phải dẹp các cuộc nổi dậy tại phía đông kể cả Giu-đa. Sự thịnh vượng của đế quốc đã giúp hai vị vua này tái thiết Ba-by-lon cách đại qui mô với những trang trí hết sức lộng lẫy.Sách Đa-ni-en miêu tả cho thấy Na-bu-cô-đô-nô-xo đã bị trừng phạt ra sao về tội kiêu căng khóac lác của mình [Đn 4]. Con trai ông bị tướng Neriglissar [tên trong Giê-rê-mi-a là Néc-gan–Xe-e-xe: Gr 39:3] sát hại, nhưng sau đó, Nabonidus đã loại trừ được con trai của Neriglissar. Vị vua này rất sùng đạo, ông đã để con trai là Bên-sát-xa cai trị đất nước, và đi nghỉ tại Arabia trong 10 năm. Khi trở lại, quân đội của Ky-rô người Ba-Tư chiếm mất Ba-by-lon. Trung tâm của lịch sử thế giới chuyển khỏi thành phố này lần chót. Các đóng góp của người Ba-by-lon cho thế giới nói chung đã xẩy ra trong thời kỳ từ năm 3000 đến năm 1600 trước CN, lúc hệ thống chữ viết của họ phổ biến khắp vùng Cận Đông. Hệ thống này đem theo kiến thức về thiên văn học và toán học [sự phân chia vòng tròn, giờ và ngày], một kiến thức được người Hy Lạp sau này vay mượn. Các ảnh hưởng khác khó tìm được dấu vết hơn, tuy rất quan trọng.

Xin xem thêm phần nói về Assyrian and Babylonian Religion. 
 
Vũ Văn An
 
Nguồn: 
 VietCatholic News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét