Trang

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

TỪ VỰNG THẦN HỌC THÁNH KINH : AĐAM


TỪ VỰNG THẦN HỌC THÁNH KINH : AĐAM


 

AĐAM

I. Ađam và con cháu Ađam


1. Nghĩa của các từ
 

Trái với điều các bản dịch Kinh thánh nói đến, từ ngữ Adam được lan truyền rất rộng và cung cấp những ý nghĩa hết sức đa dạng. Khi một người Do Thái phát âm từ này, anh ta còn lâu mới nghĩ trước hết đến người đàn ông đầu tiên: bên ngoài bản văn nói về việc tạo dựng mà ý nghĩa thì mơ hồ, từ Adam chắc chắn nêu rõ người đàn ông đầu tiên chỉ ở bốn đoạn văn (St 4,1.25; 5,1.3; Tb 8,6). Thường thì với lý trí, từ ngữ này được diễn giải bằng người nói chung (G 14,1), người ta (Is 6,12), ai đó (Gv 2,12), “thiên hạ” (Dcr 13,5), không ai (1V 8,46; Tv 105,14), bản tính người (Hs 11,4; Tv 94,11). Ý nghĩa tổng hợp thì vượt trội hoàn toàn.
Cũng tương tự đối với thành ngữ con cháu Adam, nó không bao giờ nhắm chỉ hậu duệ của bản thân Ađam, nhưng được nghĩ đi đôi với người (G 25,6; Tv 8,5), định rõ một cá nhân (Gr 49,18.33; vg Ê-dê-ki-en) hay một tập thể (Cn 8,31; Tv 45,3; 1V 8,39.42). Được sử dụng nghịch nghĩa với từ Thiên Chúa, thành ngữ này nhấn mạnh, như từ “xác thịt”, thân phận chóng qua và yếu đuối của nhân loại: “từ trời cao, Giavê nhìn thấy tất cả con cháu Ađam” (Tv 33,13; cf St 11,5; Tv 36,8; Gr 32,19). Những “con cháu Ađam” như vậy là nhân loại sống theo thân phận của họ trên mặt đất. Đó là điều mà ngôn ngữ học bình dân đề cập, nó bắt nguồn bởi từ adamah= đất: Ađam là người được sinh ra từ bụi đất.

Sự hiểu biết về ngữ nghĩa học này có tầm ảnh hưởng đến thần học: người ta không thể thỏa mãn nhìn nơi người Ađam đầu tiên một con người giữa những con người khác. Đó là điều được hàm ý nói đến trong lời của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng qua đoạn văn thú vị đổi từ số ít sang số nhiều: “chúng ta hãy tạo dựng nên Ađam giống hình ảnh chúng ta…. và chúng sẽ thống trị…” (St 1,26). Ý định tường thuật của những chương đầu Sáng Thế Ký là gì?
 

2. Hướng đến trình thuật việc sáng tạo thế giới và tội lỗi của Ađam


Ba chương đầu của Sáng Thế Ký cấu thành như một dẫn nhập vào toàn bộ Ngũ thư. Thế nhưng chúng không được viết cùng một lúc mà ở hai thời điểm bởi hai người biên soạn kế thừa nhau, đó là người theo truyền thống Giavê (St 2-3) và và người giữ chức tư tế (St 1). Mặt khác, thật khá ngạc nhiên nhận thấy rằng chúng không để lại dấu vết gì trong văn chương cho đến thế kỷ thứ 2 trước Chúa Giêsu; duy chỉ có, từ nguồn gốc sự chết của con người, sách Huấn Ca tố cáo người đàn bà và sự khôn ngoan con rắn (Kn 2,24). Tuy nhiên những câu chuyện tương tự thế này đúc kết thành kinh nghiệm lâu đời, dần dần được biên soạn, trong đó người ta có thể gặp lại vài yếu tố trong truyền thống tiên tri và khôn ngoan.

a) Niềm tin vào tính phổ quát của tội càng ngày càng được khẳng định; có thể gọi đó là thân phận ađam mà tác giả thánh vịnh mô tả: “là kẻ tội lỗi, con đã mang lấy tội từ trong lòng mẹ” (Tv 51,7). Hơn nữa tội lỗi con người được mô tả như tội của một người có vị trí tuyệt vời trong vườn địa đàng của Chúa, tựa như một thiên thần, và bị trục xuất do lỗi kiêu ngạo (Ed 28,13-19; cf St 2,10-15; 3,22).

b) Đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và Cứu Chuộc không phải kém sống động. Đó là vị Thiên Chúa thợ gốm tạc hình con người (Gr 1,5; Is 45,9 cf St 2,7), chính Ngài làm cho nó trở về cát bụi (Tv 90,3; St 3,19). “Con người là chi mà Chúa phải nhớ đến, con cháu Ađam là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa làm cho con người không kém gì thần linh, đội mũ triều thiên vinh quang và lộng lẫy; Chúa đặt họ trên công trình sáng tạo từ tay Chúa, Chúa đặt muôn vật dưới chân họ” (Tv 8,5-7; cf St 1,26; 2,19). Sau tội, Thiên Chúa không chỉ xuất hiện như vị Chúa tuyệt hảo (Ed 28,13; St 2,10-14) đã truất bỏ tính kiêu ngạo và trả lại cho nó sự khiêm tốn nguyên sơ (Ed 28,16-19; St 3,23), mà còn là Thiên Chúa nhẫn nại đã giáo dục con cái mình cách từ tốn (Hs 11,3; Ed 16; cf St 2,8. 3,21). Cũng vậy, các tiên tri đã loan báo ngày tận thế rất giống với thiên đàng xưa (Hs 2,20; Is 11,6-9); sự chết sẽ bị xóa bỏ (Is 25,8; Đn 12,2; cf St 3,15) và như một Con Người huyền bí của thiên nhiên chói ngời sẽ xuất hiện khải hoàn trên các tầng mây (Đn 7,13).


3. Ađam, tổ tiên của chúng ta
 

Nhằm đáp ứng theo các truyền thống chúng vừa được phác họa, thì đây, qua những nét đặc sắc hơn, là những giáo huấn của các câu chuyện về việc sáng tạo thế giới. Trong nỗ lực đầu tiên suy nghĩ về thân phận con người, những người thuộc truyền thống Giavê, bị thuyết phục rằng tổ tiên thì bao gồm trong ông toàn thể con cháu của ông, loan báo cho hết mọi người biết làm thế nào con người vốn được Thiên Chúa tạo dựng nên tốt đẹp và đã phạm tội, đến lúc nào đó phải được cứu chuộc. Về phía mình, câu chuyện của những tư tế (St 1) gợi lên rằng con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; do đó, nhờ sự giúp đỡ của khoa phả hệ học (St 5,10), nó chỉ ra rằng tất cả con người tạo nên một sự thống nhất, vượt khỏi dân Israel: nhân loại. 
 

II. Ađam mới
 

1. Hướng tới nền thần học về Ađam mới
 
Tân ước nhắc lại rằng con người sinh ra từ một người duy nhất (Cv 17,26), hoặc rằng ông bà nguyên tổ là nguyên mẫu của cặp vợ chồng (Mt 19,4; 1Tm 2,13) phải được phục hồi trong nhân tính mới. Cái mới của đoạn văn nằm ở chỗ trình bày Đức Giêsu Kitô như Ađam mới. Các ngụy thư đã thu hút được sự chú ý đến việc quy tụ tất cả những người tội lỗi nơi Ađam; nhất là, Đức Giêsu đã tự biểu lộ mình như Con Người, đồng thời muốn chỉ ra rằng Ngài thuộc về bản tính nhân loại và Ngài phải hoàn thành lời tiên tri Daniel. Việc thử so sánh trước nhất liên hệ giữa Đức Giêsu với Ađam được Luca thực hiện: ai chiến thắng cám dỗ là “con cái Ađam, con cái Thiên Chúa” (Lc 3,38), Ađam đích thực, người đã chống lại Kẻ Cám Dỗ. Dĩ nhiên người ta cũng có thể nhận ra đằng sau lời ca tụng của thánh Phaolô (Pl 2,6-11) một sự tương phản cố ý giữa Ađam vốn đã tìm cách chiếm lấy địa vị thần thánh và Đức Giêsu, người đã không giữ khư khư địa vị ấy. Dựa vào những lời hàm ý này, người ta có thể nối thành những liên kết rõ ràng.
 

2. Ađam thật và cuối cùng
 

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (15,45-49), thánh Phaolô đã so sánh một cách sâu sắc hai mẫu người mà theo đó chúng ta được lập nên; người thứ nhất, Ađam, được dựng nên thành một sinh linh – thuộc về đất, về khí huyết; “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống”, vì người đó thì tuyệt hảo và thiêng liêng. Bức tranh thủa ban đầu tương ứng với bức tranh thời tận thế, nhưng có sự cách biệt sâu rộng giữa thế giới thứ hai so với thế giới thứ nhất, giữa tinh thần và thể xác, giữa trời và đất. 
 
Trong thư gửi tín hữu Rôma (5,12-21), thánh Phaolô nói rõ rằng Ađam là “hình ảnh của đấng sẽ phải đến”. Trong khi nhấn mạnh đến sự tin tưởng rằng hành động của Ađam thứ nhất đã đem đến hậu quả chung là sự chết (cf 1Cr 15,21), thánh nhân cũng khẳng định như thế hành động cứu chuộc của Đức Kitô , Ađam thứ hai. Nhưng ngài làm nổi bật hoàn toàn những sự khác biệt: ở Ađam là sự bất vâng phục, sự kết án và sự chết; ở Đức Giêsu Kitô là sự vâng phục, sự công chính, sự sống. Hơn nữa, bởi Ađam mà Tội lỗi đã đi vào thế gian; bởi Đức Kitô, Đấng là nguồn ân sủng mà ân sủng đã tràn đầy.
 
Cuối cùng, sự kết hợp sinh sôi nảy nở của Ađam và Eva đã loan báo sự kết hợp của Đức Kitô và Giáo Hội; sự kết hợp này đến lượt nó trở thành mầu nhiệm nó thiết lập hôn nhân của người Kitô giáo.
 

3. Kitô hữu và hai Ađam
 

Là con cháu Ađam bởi sự sinh ra và được tái sinh trong Đức Kitô bởi đức tin, người Kitô hữu gìn giữ mối quan hệ hai mặt với Ađam thứ nhất và Ađam sau cùng. Đi xa hơn khi mời gọi Kitô hữu tự tha cho tội nhân đầu tiên, câu chuyện nguyên tổ dạy tất cả con người rằng chính Ađam, với yếu đuối, tội lỗi và trách nhiệm của ông, phải lột bỏ nơi ông con người cũ, theo từ ngữ của thánh Phaolô (Ep 4,22; Cl 3,9). Và để “mặc lấy Đức Giêsu Kitô, Con Người mới”; do vậy số phận của người Kitô hữu hoàn toàn được ghi dấu trong bi kịch của hai người Ađam. Hoặc đúng hơn, người Kitô hữu tìm thấy trong Đức Kitô Con Người tiêu biểu nhất: theo lời bình chú đoạn thánh vịnh 8, câu 5 được viết trong thư gửi tín hữu Do Thái, ai tạm thời bị hạ mình thấp hơn các thiên thần, để xứng đáng là vị cứu tinh nhân loại, người đó đã đón nhận vinh quang được hứa ban nơi Ađam thực.
Tác giả Nguyễn Trí Dũng

 
Nguồn: 
 dunglac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét