Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

2 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)

2 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Tại sao Giáo Hội lại quan trọng?

Đối với người Công Giáo, ngẫm nghĩ về số phận Giáo Hội của họ không phải là một thao tác đòi phải biện minh. Bất chấp họ có hòan toàn chấp nhận tuân theo nền thần học chính thức hay không, phần đông người Công Giáo, ngay trong xương thịt, đều cảm nhận điều này: Giáo Hội là nơi họ gặp gỡ Thiên Chúa, nơi niềm khát khao thần linh và siêu việt của họ được thỏa mãn. Nó là nhà thiêng liêng của họ, là gia đình của họ. Dù Đạo Công Giáo vốn dĩ là một tôn giáo truyền giáo, luôn tìm kiếm các tân tòng, nhưng, xét về nhiều cách, nó cũng là một tôn giáo truyền thống và của tổ tiên, theo nghĩa phần lớn các thành viên đều sinh trưởng trong đó. Ngay những người Công Giáo bỏ đạo đôi lúc cũng cảm nhận được sức lôi kéo của nó, một tâm tư từng được nắm bắt trong “Portrait of the Artist as a Young Man” của James Joyce, trong đó, nhân vật chính, Stephen Dedalus, tuyên bố với một người bạn rằng mình đã mất đức tin. Khi người bạn hỏi xem anh có ý định trở thành một người Thệ Phản hay không, thì Stephen trả lời: “tôi nói tôi mất đức tin, chứ đâu có nói tôi mất lòng tự trọng”.

Tuy nhiên, đối với người không phải là Công Giáo, rất có thể không hiển nhiên đến thế khi dùng thì giờ khai triển một hiểu biết nào đó về Đạo Công Giáo. Bởi thế, sau đây là ba lý do tại sao mọi người nên biết ít nhất một điều gì đó về Đạo Công Giáo.

1. Tôn giáo không biến mất

Dù người bất khả tri hay vô thần dấn thân nhất đi nữa cũng phải nhìn nhận rằng những tiên đoán chắc nịch mới được đưa ra gần đây về sự xuống dốc không thể nào tránh được của tôn giáo đã bị chứng minh là sai lầm một cách không ngờ. Thay vào đó, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã chứng kiến một sự tái xuất hiện tôn giáo rất mạnh mẽ như là lực đẩy chính trong nhân bản sự vụ. Có lẽ chúng ta nên định thời biểu cho việc phục hồi tôn giáo này trong khoảng 12 tháng giữa các năm 1978 và 1979, khi Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo, do đó đã khởi động cả một chuỗi domino, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản, và khi Ayatollah Khomeini, như vũ bão, nắm quyền lực tại Itan, khởi động nhiều làn sóng phục hung Hồi Giáo khắp thế giới. Chúng ta cũng có lý khi thêm việc bầu Ronald Reagan làm tổng thống sau đó không lâu; ông chính là ứng cử viên tổng thống đầu tiên thời hiện đại minh nhiên coi các cử tri tôn giáo như yếu tố cốt lõi cho căn cứ chính trị của mình.

Đôi khi sức mạnh của xác tín tôn giáo có tính phá hoại, điển hình hiển nhiên nhất chính là cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Nhưng trong các dịp khác, xác tín này có tính gợi hứng, như cuộc tranh đấu bất bạo động của Dalai Lama chống đàn áp của Trung Quốc ở Tây Tạng. Dù sao, sự kiện thực nghiệm hết sức vững vàng vẫn là: đại đa số người trên địa cầu này có những niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, và các niềm tin này, dù xấu hay tốt, đều ảnh hưởng tới cách người ta dấn thân vào thế giới. Năm 2003, David Brooks cho đăng một bài trên tờAtlantic Monthly, nhận định rằng giai cấp ưu tú thế tục (như những người biên tập của tờ báo này) bị quên lãng là do sức mạnh của tôn giáo. Ông viết: “Cả một thác Niagara vĩ đại của lòng sùng mộ tôn giáo ập xuống quanh họ, trong lúc họ đứng trì độn và khô cằn trong chiếc hang nhỏ của óc hẹp hòi bản thân”.

Dưới góc độ trên, khảo sát các thực tại hiện nay và các viễn tượng tương lai của một cơ chế tôn giáo lớn nhất và được tổ chức tập quyền hơn hết trên trái đất này, ít nhất, cũng là điều bắt buộc đối với bất cứ ai muốn hiểu thế giới, hệt như họ muốn hiểu Liên Hiệp Quốc, hay Tòa Bạch Ốc, hoặc Microsoft.

2. Thông thạo văn hóa

Hơn 2,000 năm nay, Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng, vốn là một trong các cột trụ chính của nền văn minh Tây Phương. Không tài nào hiểu thấu nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, hoặc lịch sử Tây Phương, nếu không ít nhất nắm được những điều căn bản của Đạo Công Giáo. Bạn sẽ thấy các dấu chân lớn nhỏ của nó khắp các nẻo đường khác nhau cho tới cả ngôn ngữ ta đang nói. Đây là một thí dụ rất thường thấy: khi các nhà ảo thuật nói “hocus pocus” lúc rút con thỏ từ chiếc nón ra, họ đã vô tình nhắc đến Thánh Lễ của người Công Giáo. Vì một số người cho rằng câu này là kiểu nói bồi của công thức Latinh: Hoc est corpus meum(Này là Mình Ta) được linh mục đọc khi “truyền phép”. Nói một cách có lịch sử hơn, khi một chính khách nói tới việc phát động “một thập tự chinh” (crusade) chống thuế khóa, kỳ thị chủng tộc, hay ma túy, thì họ quả đang nhắc đến các Thập Tự Chinh nguyên thủy thuộc các thế kỷ thứ mười và thứ mười một, khi các quân vương và hiệp sĩ Âu Châu, được Đức Giáo Hoàng hỗ trợ, đã khởi động một cuộc chiến tranh phương xa để lấy lại Đất Thánh từ tay người Hồi Giáo.

Trên một bình diện sâu hơn, sự thành thạo về Công Giáo là một đòi hỏi có tính căn bản đối với bất cứ cố gắng nào nhằm làm cho cảm thức về quá khứ và hiện tại của ta thành có nghĩa. Chẳng hạn, bạn sẽ không thể nào hiểu được ý niệm thời danh của Max Weber về “nền đạo đức Thệ Phản về việc làm” như lực đẩy chính đứng đàng sau chủ nghĩa tư bản, nếu không có một thông tin nguồn nào về cuộc tranh cãi nổi tiếng giữa người Công Giáo và người Thệ Phản về việc liệu đức tin hay việc làm là chìa khóa dẫn vào ơn cứu rỗi. Lấy một điển hình gần đây hơn, các giám mục Hoa Kỳ hiện nay được coi như một trong các bên quan trọng trong cuộc tranh luận toàn quốc về cải tổ chăm sóc y tế, vì đã khuôn định một phần vấn đề nêu ra theo ngôn ngữ tự do tôn giáo. Quả khó mà hiểu được tại sao các ngài lại bị ám ảnh như thế nếu không nắm được truyền thống không mấy đáng tự hào chống Công Giáo trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc.

Tóm lại, dù bạn có chia sẻ các niềm tin của Công Giáo hay không, biết một điều gì đó về Giáo Hội là điều sine qua non (không thể thiếu) để hiểu thế giới văn hóa trong đó, chúng ta đang sống.

3. Ảnh hưởng chính trị

Trong những điều làm cho Đạo Công Giáo trở thành đặc trưng là: nó là tôn giáo duy nhất trên thế giới có ngoại giao đoàn riêng của mình. Tòa Thánh, một hạn từ để chỉ vị thế đứng đầu của Đức Giáo Hoàng như nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, đã được thừa nhận là một thực thể có chủ quyền theo luật quốc tế, và có liên hệ ngoại giao với đại đa số các quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2012, Tòa Thánh có liên hệ song phương với 179 quốc gia trong số 193 quốc gia được Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Các nước bất đồng duy nhất bao gồm các quốc gia không có liên hệ với bất cứ ai như Bắc Hàn, và những quốc gia không nhìn nhận Vatican vì lý do tôn giáo hay ý thức hệ như Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam. Tòa Thánh cũng có tư cách quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Giáo Hội rất tự hào với thế đứng ngoại giao độc đáo của mình, coi mình như tiếng nói của lương tâm trong vụ việc của con người.

Điển hình hiển nhiên nhất của vốn liếng chính trị đang hoạt động này là vai trò do Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thủ diễn trong việc kết liễu chủ nghĩa Cộng Sản. Dù các sử gia vẫn còn tranh luận xem phải phân chia công trạng chính xác ra sao, liệu “quyền lực mềm” của Đức Gioan Phaolô II hay “quyền lực cứng” của Reagan và Thatcher giữ vai trò chính, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng bức tranh sẽ rất khác nếu vị giáo hoàng người Ba Lan không gợi hứng và nâng đỡ phong trào Đoàn Kết tại quê hương sinh trưởng của ngài, nhờ thế đã phát động cuộc cách mạng tinh thần khắp đế quốc Xôviết cũ.

Đây không hề là một trường hợp riêng rẽ. Cuối thập niên 1970, các nhà ngoại giao của Vatican đã thương thảo một hiệp ước nhằm ngăn cản Chile và Argentina, cả hai nước cùng bị cai trị bởi độc tài quân phiệt, khỏi gây chiến để giành Các Đảo Beagle. Một phong trào Công Giáo có tên Cộng Đồng Sant’Egidio, với sự hỗ trợ âm thầm của Vatican, đã môi giới một kế hoạch hòa bình vào năm 1992 chấm dứt cuộc nội chiến lâu năm tại Mozambique. Đã đành, các can thiệp như thế này không thành công một cách đồng bộ. Thí dụ, cố Tổng Thống Pháp Francois Mitterand đổ lỗi cho Vatican đã khơi mào chiến tranh tại vùng Balkan đầu thập niên 1990 bằng cách thừa nhận quá sớm nền độc lập của Croatia và Slovenia, hai quốc gia chủ yếu theo Công Giáo, tách khỏi Yugoslavia cũ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lãnh đạo phe đối lập tinh thần chống lại cuộc xâm lăng Iraq năm 2003 do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng đã thất bại, không ngăn chặn được nó. Tuy nhiên, dù thất bại, Giáo Hội vẫn đã đóng một vai trò nào đó trong cuộc chiến này.

Ảnh hưởng của Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng không kém. Có gần 67 triệu người Công Giáo Hoa Kỳ, khoảng một phần tư tổng dân số nước này; điều này có nghĩa họ là khối cử tri quan trọng. Điều này đặc biệt đúng khi người Công Giáo phần lớn tập trung tại các tiểu bang “ngả nghiêng” (swing) như Ohio, Pensylvania, và Wisconsin. Đã đành, không hề có “lá phiếu Công Giáo” độc khối. Trong bất cứ cuộc bầu cử tổng thống nào, gần 45% người Công Giáo có chiều hướng bầu cho Dân Chủ, và cũng 45% người Công Giáo bầu cho Cộng Hoà. Ấy thế nhưng, vẫn còn một khối “ngả nghiêng” ở giữa, điều này diễn dịch thành một khối cử tri gồm 4 triệu thành viên. Trong các cuộc bầu cử gần đây, ứng cử viên tổng thống nào vận động được khối Công Giáo do dự này đều là người thắng cử. Cả George Bush năm 2004 và Barack Obama năm 2008 đều đã kéo được đa số phiếu Công Giáo [năm 2016, 54% người Công Giáo bầu cho ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa, Donald Trump].

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét