Trang

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

GĐPV : Màu lễ phục cho việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể.

Giải đáp phụng vụ: Màu lễ phục cho việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã tìm khắp nơi cho một câu trả lời cho câu hỏi về màu sắc được yêu cầu (không phải là màu riêng) cho việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể trong Mùa Chay (và các mùa khác). Con biết rằng Thánh Bộ Phượng Tự, trong văn kiện Eucharistiae Sacramentum, số 92, nói rằng việc chầu Thánh Thể phải được thực hiện với áo choàng không tay (cope) và khăn vai (humeral veil), nhưng về hành động đặt Mình Thánh, ngoài nghi thức chầu Thánh Thể, thì sao, con chưa được biết? Con luôn nghĩ rằng chỉ có màu trắng mới được sử dụng, ngay cả khi bắt đầu đặt Mình Thánh, nhưng gần đây con thấy một giáo sĩ mặc áo choàng màu tím để đặt Mình Thánh. Con khá chắc chắn rằng điều này là sai - Con tin rằng giáo sĩ ấy phải mặc áo choàng trắng mới đúng. Nhưng thưa cha, liệu có tài liệu nào chỉ ra rằng điều con nghĩ là đúng không? - P. K., Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ.


Đáp: Số 92 của văn kiện "Eucharistiae Sacramentum. Nghi lễ Rôma: Rước lễ và chầu Thánh Thể ngoài Thánh Lễ" (Bộ Phụng tự, ngày 21-6-1973) nói các điều sau đây liên quan đến thừa tác viên đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể:

"Thừa tác viên, nếu ngài là linh mục hay phó tế, phải mang áo chùng trắng (alb), hoặc áo các phép (surplice) trên áo dòng (cassock), và dây các phép (stole). ... Linh mục hay phó tế phải mặc áo choàng trắng và khăn vai, để ban phép lành khi kết thúc giờ chầu Thánh Thễ, khi Mình Thánh được đặt trong Mặt Nhật; trong trường hợp giờ chầu có Mình Thánh trong Bình thánh, thừa tác viên cần mang khăn vai".

Các số 93-94 của văn kiện này cũng có thêm một số chi tiết:

"Sau khi cộng đoàn quy tụ, có thể hát một bài hát trong khi thừa tác viên đến bàn thờ. Nếu Mình Thánh chưa có trên bàn thờ, nơi sẽ diễn ra giờ chầu Thánh Thể, thừa tác viên mang khăn vai và đưa Mình Thánh từ Nhà tạm tới; đi với ngài có các người giúp lễ hoặc tín hữu cầm nến sáng…

"Trong trường hợp giờ chầu là long trọng và lâu hơn, Mình Thánh nên được truyền phép trong Thánh lễ diễn ra ngay trước giờ chầu, và sau phần Rước lễ, Mình Thánh được đặt trong Mặt Nhật trên bàn thờ. Thánh lễ kết thúc với lời nguyện sau hiệp lễ, và các nghi lễ kết lễ được chấp nhận. Trước khi linh mục rời khỏi bàn thờ, ngài có thể đặt Mình Thánh lên ngai, và xông hương".

Từ các số điều trên đây, chúng ta có thể suy ra như sau:

Màu thông thường của việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể là màu trắng cho áo choàng và khăn vai.

Trong thực tế, khăn vai luôn là màu trắng. Ngoại lệ duy nhất được dự báo trong chữ đỏ là việc tùy chọn sử dụng khăn vai màu đỏ hay màu tím, để mang Mình Thánh từ nhà tạm đến bàn thờ trong nghi thức Rước lễ, ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Xét rằng trường hợp ngoại lệ này chỉ là dành cho một ngày trong cả năm, một vài nơi gặp rắc rối của việc có sẵn khăn vai như thế.

Vì khăn vai gần như luôn là màu trắng, nên dây các phép nên có cùng màu.

Tuy nhiên, chính các qui định bao hàm các ngoại lệ có thể liên quan đến việc đặt Mình Thánh. Thí dụ, trong trường hợp được đề cập ở số 94 trên đây, linh mục sẽ mặc áo lễ và dây các phép của Thánh Lễ tương ứng. Bởi vì hình thức đặt Mình Thánh không liên quan đến các lễ đặc biệt, nên việc đặt Mình Thánh có thể sử dụng bất kỳ màu sắc phụng vụ nào.

Trên đây là ngoại lệ phổ biến nhất. Một ngoại lệ khác nữa là, nếu giờ kinh Chiều trọng thể được cử hành khi kết thúc giờ chầu dài. Trong trường hợp này, chủ tế có thể mang dây các phép và áo choàng cùng màu phụng vụ riêng của buổi lễ, và sau đó dùng khăn vai trắng để cầm Mình Thánh ban phép lành. Nếu không, ngài có thể mặc áo trắng cho Giờ Kinh phụng vụ.

Do các ngoại lệ này, chúng ta không thể nói rằng luật này, vốn nói rằng màu trắng luôn là màu yêu cầu, là một luật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các trường hợp ngoại lệ luôn ở trong bối cảnh của một hành vi phụng vụ khác, được kết hợp cách nào đó với việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể.

Trong trường hợp được nêu ra bởi độc giả trên đây của chúng ta, nếu Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều diễn ra ngay sau việc đặt Mình Thánh, thì có thể là một sự tùy chọn để đặt Mình Thánh với áo choàng không phải màu trắng.

Nếu đây không phải là trường hợp, thì sẽ là không đúng khi sử dụng dây các phép hoặc áo choàng không phải màu trắng, để đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể. (Zenit.org 25-4-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét