SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 54
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Chúa Nhật 07 Tháng 05 Năm 2017
***
“Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo”
Anh chị em thân mến,
Trong suốt những năm qua, chúng ta đã có cơ hội suy tư về hai khía cạnh liên quan đến ơn gọi Kitô hữu: lời mời gọi “ra khỏi chính mình” để lắng nghe tiếng Chúa và tầm quan trọng của cộng đoàn Giáo Hội xét như là nơi ưu việt để tiếng gọi của Thiên Chúa được nảy sinh, được nuôi dưỡng và được biểu lộ.
Giờ đây, nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 54, tôi muốn dừng lại ở chiều kích truyền giáo của ơn gọi Kitô hữu. Ai đã từng để cho tiếng Chúa lôi cuốn và bước theo Chúa Giêsu đều nhanh chóng khám phá nơi bản thân mình ước muốn mãnh liệt mang Tin Mừng đến cho anh chị em của mình, xuyên qua việc Phúc Âm hóa và việc phục vụ bác ái. Mọi Kitô hữu đều là những nhà truyền bá Tin Mừng! Quả thế, người môn đệ không lãnh nhận ân huệ tình yêu của Thiên Chúa để được an ủi riêng tư; người ấy không được kêu gọi để ôm ấp chính mình hay bảo vệ những lợi ích của một doanh nghiệp; đơn giản người môn đệ được chạm lấy và biến đổi bởi niềm vui cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và không thể giữ lại cho riêng mình kinh nghiệm này: “Niềm vui của Tin Mừng vốn đổ đầy cuộc sống của cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo”.[1]
Do đó, sự dấn thân truyền giáo không phải là điều gì đó mà người ta sẽ thêm vào đời sống Kitô hữu, như thể đó là một thứ trang sức, nhưng trái lại, nó nằm ở trung tâm của chính đức tin: mối tương quan với Chúa bao hàm sự kiện được sai đi khắp thế giới như là vị ngôn sứ cho lời của Ngài và như là chứng nhân cho tình thương của Ngài.
Cho dầu chúng ta cảm nghiệm nơi bản thân chúng ta nhiều yếu đuối mỏng giòn và đôi khi chúng ta có thể cảm thấy nản lòng, nhưng chúng phải hướng lòng lên Thiên Chúa, không để cho mình bị đè bẹp bởi cảm giác bất xứng hay nhượng bộ cho sự bi quan, vốn biến chúng ta thành những khách bàng quan thụ động của một lối sống mòn mỏi. Không có chỗ cho sự sợ hãi: chính Thiên Chúa đến thanh tẩy “miệng lưỡi ô uế” của chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta đủ tư cách loan báo Tin Mừng: “Ngươi đã được tha lỗi và xá tội. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ là sứ giả của chúng ta?”. Và tôi thưa: “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi!”” (Is 6,6-8).
Mỗi môn đệ truyền giáo cảm nhận nơi tâm hồn mình tiếng gọi thần linh này, vốn kêu mời “đi qua” giữa dân chúng, như Chúa Giêsu, “chữa lành và thi ân giáng phúc” cho hết thảy mọi người (x. Cv 10,38). Quả thế, tôi đã có cơ hội nhắc nhở rằng qua phép Rửa, mỗi Kitô hữu là một “Christophe”, tức là “một người mang Chúa Kitô” cho anh chị em của mình.[2] Điều đó đặc biệt có giá trị cho những ai được mời gọi sống đời thánh hiến và cũng cho các linh mục nữa, vốn đã quảng đại thưa lên: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con!”. Với lòng nhiệt huyết truyền giáo mới mẻ, họ được mời gọi ra khỏi khuôn viên thánh thiêng của đền thờ, để làm cho ngập tràn tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa đối với con người.[3] Giáo Hội cần những linh mục như thế: tin tưởng và bình tâm vì đã khám phá ra kho tàng đích thực, nóng lòng hân hoan ra đi làm cho mọi người nhận biết kho tàng đó (x. Mt 13,44)!
Chắc chắn, có nhiều câu hỏi nổi lên khi chúng ta nói về sứ mạng Kitô hữu: Người loan báo Tin Mừng có nghĩa là gì? Ai ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm loan báo? Đâu là sự logic Tin Mừng mà việc truyền giáo dựa vào? Chúng ta có thể trả lời cho những câu hỏi này bằng cách chiêm ngắm ba khung cảnh của Tin Mừng: khởi đầu của sứ mạng của Chúa Giêsu tại Hội đường Nazareth (x. Lc 4,16-30); con đường mà Chúa Phục Sinh đã đồng hành với các môn đệ về Emmaus (x. Lc 24,13-35); sau cùng, dụ ngôn về hạt giống (x. Mc 4,26-27).
Chúa Giêsu được xức dầu Thánh Thần và được sai đi. Là người môn đệ truyền giáo có nghĩa là tham dự cách chủ động vào sứ mạng của Chúa Kitô, mà chính Chúa Giêsu đã mô tả tại Hội đường Nazareth: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Ngài đã sai tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo cho cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đó cũng là sứ mạng của chúng ta: được xức dầu Thánh Thần và đi đến với anh chị em chúng ta để loan truyền Lời Chúa, bằng việc trở thành một dụng cụ cứu rỗi cho họ.
Chúa Giêsu cùng đi trên con đường của chúng ta. Đối diện với những vấn đề nảy sinh từ lòng người và với những thách đố nổi lên từ thực tại, chúng ta có thể nghiệm thấy một cảm giác lạc lối và cảm nhận thiếu năng lực và hy vọng. Có nguy cơ là sứ mạng Kitô hữu xem ra như một thứ không tưởng thuần túy bất khả thực thi hay, dù sao chăng nữa, như một thực tại vượt quá sức lực của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đa đồng hành với các môn đệ về Emmaus (x. Lc 24,13-15), thì niềm tin tưởng của chúng ta có thể được khơi dậy; trong khung cảnh Tin Mừng này, chúng ta có một “nền phụng vụ ngoài đường phố” đích thực, vốn đi trước phụng vụ Lời Chúa và Bẻ Bánh và làm cho chúng ta biết rằng, ở mỗi bước chân của chúng ta, Chúa Giêsu đang đồng hành ngay bên! Hai môn đệ, bị tổn thương bởi nỗi hổ thẹn Thập giá, đang trở về nhà ngang qua con đường thất bại: họ mang nơi tâm hồn mình một niềm hy vọng bị đổ vỡ và một giấc mơ không được thực hiện. Giữa họ, sự buồn chán thay thế cho niềm vui của Tin Mừng. Chúa Giêsu làm gì? Ngài không xét đoán họ, Ngài đồng hành với họ và, thay vì dựng lên một bức tường, ngài mở ra một cánh cửa mới. Dần dần, Ngài biến đổi sự chán nản của họ, Ngài làm cho lòng họ bừng nóng lên và mở mắt họ, khi Ngài loan báo Lời Chúa và bẻ Bánh. Cũng thế, người Kitô hữu không chỉ mang sự dấn thân truyền giáo, nhưng trong những mệt mỏi và những sự thiếu thấu hiểu, họ cũng phải cảm nghiệm rằng “Chúa Giêsu cùng đồng hành, nói chuyện, hít thở, làm việc với mình. Họ cảm nhận Chúa Giêsu đang sống với mình giữa hoạt động truyền giáo”.[4]
Chúa Giêsu làm cho hạt giống nảy mầm. Sau cùng, điều quan trọng là học biết từ Tin Mừng phong cách loan báo. Quả thế, thông thường, ngay cả với những ý hướng tốt nhất, thì vẫn có thể có việc nhượng bộ cho sự đam mê quyền lực nào đó, cho việc chiêu dụ tín đồ hay cho sự cuồng tín bất bao dung. Trái lại, Tin Mừng mời gọi chúng ta loại bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng thành công và quyền lực, mối bận tâm thái quá đối với các cơ cấu, và một nỗi lo âu nào đó đáp ứng cho một não trạng chinh phục hơn là tinh thần phục vụ. Hạt giống của Nước Trời, cho dù nhỏ bé, khó thấy và đôi khi không đáng kể, nhưng lớn lên âm thầm nhờ công trình không ngừng của Thiên Chúa: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất: đêm hay ngày, dù người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27). Đây là niềm tin đầu tiên của chúng ta: Thiên Chúa vượt quá những mong đợi của chúng ta và Ngài làm cho ta ngạc nhiên vì sự quảng đại của Ngài, khi làm cho nảy sinh những hoa trái của công việc của chúng ta vượt quá những tính toán hiệu quả của con người.
Qua sự tin tưởng Tin Mừng này, chúng ta mở ra cho hoạt động âm thầm của Chúa Thánh Thần, Đấng là nền tảng của sứ mạng. Không bao giờ có thể có một nền mục vụ ơn gọi hay sứ mạng Kitô giáo mà không có việc cầu nguyện chuyên cần và chiêm niệm. Theo nghĩa này, cần phải nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu bằng việc lắng nghe Lời Chúa và, nhất là, vun trồng mối tương quan cá nhân với Chúa trong việc chầu Thánh Thể, “nơi” ưu việt cho việc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Chính tình bạn thân mật này với Chúa mà tôi ao ước khuyến khích, nhất là để cầu xin Chúa ban cho những ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến mới. Dân Thiên Chúa cần được dẫn dắt bởi các mục tử hiến dâng đời mình cho việc phục vụ Tin Mừng. Vì thế, tôi xin các cộng đoàn xứ đạo, các hội đoàn và nhiều nhóm cầu nguyện hiện nay trong Giáo Hội: hãy chống lại cám dỗ nản lòng, tiếp tục cầu xin Chúa sai những thợ gặt trên cánh đồng của Ngài và ban cho chúng ta những linh mục yêu mến Tin Mừng, có khả năng gần gũi anh chị em mình và như thế trở thành một dấu chỉ sống động của tình yêu thương xót của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, cả ngày nay nữa, chúng ta có thể tìm lại được nhiệt huyết rao giảng và đề nghị, nhất là cho giới trẻ, việc bước theo Chúa Kitô. Đối diện với cảm giác lan rộng về một đức tin mệt mỏi hay bị giảm thiểu thành “những bổn phận phải thực thi” thuần túy, các bạn trẻ của chúng ta ao ước khám phá sự lôi cuốn luôn luôn thời sự của con người Chúa Giêsu, để cho mình bị chất vấn và thách đố bởi lời nói và việc làm của Ngài và, sau cùng, nhờ Ngài, mặc lấy một cuộc sống đầy nhân bản, niềm vui hiến mình cho tình yêu.
Mẹ Maria rất thánh, Mẹ của Đấng Cứu Độ chúng ta, đã can đảm ôm lấy giấc mơ này của Thiên Chúa, khi phó dâng tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết trong tay Ngài. Xin nhờ lời cầu bầu của Mẹ cho chúng ta cũng được mở rộng tâm hồn, sự mau mắn thưa lên lời “xin vâng” của chúng ta trước tiếng gọi của Chúa và niềm vui lên đường (Lc 1,39) như Mẹ, để loan báo Chúa cho toàn thế giới.
Ban hành tại Vatican, ngày 27 tháng 11 năm 2016,
Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng
- Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP.,
chuyển ngữ từ bản tiếng Italia, so sánh với bản tiếng Pháp.
-------
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 21.
[2] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giáo lý trong buổi triều yết thứ Tư hàng tuần, Ngày 30-01-2016.
[3] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng Thánh Lễ làm phép Dầu, Ngày 24-03-2016.
[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 266.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét