Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Teilhard de CHARDIN (1881 – 1955) Một thứ tôn giáo thích nghi với thực tại đang tiến hóa

Teilhard de CHARDIN (1881 – 1955) Một thứ tôn giáo thích nghi với thực tại đang tiến hóa



Con người nói cái thứ thổ ngữ miền Auvergnat (Pháp) nầy nếu từ rất sớm đã quan tâm tới quá khứ của cái quả đất già nua của chúng ta, đối với tương lai lại còn tỏ ra đam mê hơn nữa. “Nghiên cứu về quá khứ, tôi đã cảm thấy ớn lên đến tận cổ rồi. Tôi đã quyết định dứt khoát quay nửa vòng hướng về phía trước”, một ngày kia, TEILHARD đã thốt lên. Ra đời năm 1881, TEILHARD sống trong một bầu khí gia đình ấm cúng. Năm 1899, TEILHARD vào dòng Tên và năm 1911 thụ phong linh mục. Qua năm sau, TEILHARD được gởi lên Paris để trở thành chuyên viên ngành khảo cổ học. Tất cả xem ra định đoạt cho ngài một cái nghề là nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Nhưng, TEILHARD đồng thời cũng là một người thị kiến có mơ ước muốn ôm gọn tất cả vào một tổng hợp rộng lớn. Những yếu tố thị kiến của TEILHARD về thế giới đã xuất hiện ngay từ những năm chiến tranh. Đằng sau bộ dạng của nhà bác học, những yếu tố của thị kiến nầy để lộ cho thấy hình ảnh một nhà thần học đặt ưu tiên cho nỗ lực muốn đặt Giáo hội vào đúng cái giờ của thế giới hiện đại. Những ý tưởng của TEILHARD đã nhanh chóng bị cặp mắt soi mói cảnh giác của Rôma nghi ngờ và kết quả là lệnh cấm xuất bản những tiểu luận thần học của ngài: những tiểu luận của TEILHARD chỉ còn có nước chui rúc đi lại dưới những lần áo măng tô và chỉ được phổ biến sau khi TEILHARD đã qua đời.
Bị đuổi ra khỏi Paris, vì muốn cách ly ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của ngài, TEILHARD bắt đầu du lịch. TEILHARD đã chứng tỏ một thái độ vâng lời đáng ngạc nhiên, nhưng cũng không phải kém phần đau khổ vì việc người ta tẩy chay tư tưởng của mình. TEILHARD vẫn tiếp tục viết, nhưng không thể nào xuất bản. Ngài mất năm 1955. Hai cuốn sách khiến TEILHARD trở nên hết sức nổi tiếng: Le phénomène humain (Hiện tượng con người) và Le milieu divin (Cảnh vực thần linh).

Giải hoà Giáo hội với thế giới ngày nay.
So với thời kỳ cao điểm của những năm 60, những đam mê kỳ vọng ngày nay đã có phần kém mãnh liệt hơn. Tư tưởng của TEILHARD phải chăng như thế là đã được thuần hoá thành một loại gia cầm, hết còn xài được, chỉ còn có việc xếp vào viện bảo tàng lịch sử? Không nên nghi ngờ như thế, TEILHARD vẫn còn mang tính chất thời sự. Ý dồ mà TEILHARD vẫn hằng đeo đuổi trong suốt cả cuộc đời mình vẫn còn là một thôi thúc cấp bách đối với Giáo hội ngày nay.
Ý đồ nầy có thể tóm gọn trong một câu: giải hoà Giáo hội với thế giới ngày nay. Đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua, Giáo hội vẫn sống trong tư thế tự mình co cụm lại, trong tư thế luôn sẵn sàng đối đầu với thế giới. TEILHARD muốn Giáo hội hồi lại và đi nước cờ khác, lấy lại cho Giáo hội một chỗ đứng, giải hoà Giáo hội với khoa học, với chủ nghĩa nhân văn, với những giá trị tiến bộ. TEILHARD đã phải tự đánh vào mình trên cả hai mạn sườn, vừa chống lại một thứ khoa học cái gì cũng muốn ôm đồn bao biện có cao vọng nắm trong tay chìa khoá mở vũ trụ, đồng thời lại phải chống lại một thứ Kitô-giáo bất di bất dịch với thái độ hãnh tiến phô trương cứ ngồi ỳ trong những niềm xác tiến bất di bất dịch của mình. “Phải, TEILHARD viết, tôi muốn giải hoà với Thiên Chúa tất cả những cái gì tốt đẹp trong thế giới ngày nay: Những trực giác khoa học của nó, những thèm khát mang tính chất xã hội của nó, thái độ phê phán hợp pháp của nó”.
Nếu ý đồ nầy đã ám ảnh TEILHARD từ trong những thủ bản đầu tay của ngài, nó mãi mãi vẫn còn đọng lại trong nỗi ưu tư đặc biệt của TEILHARD suốt cả cuộc đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Hai tập sách cuối cùng xuất hiện trong số những công trình của ngài, một tập lưu lại cho chúng ta “những thủ bản trong thời kỳ chiến tranh 1916 - 1919 (Écrits du temps de la guerre 1916 - 1919), tập kia bao gồm hai thủ bản chưa được xuất bản là “Le coeur de la matière” (trái tim của vật chất) và “Le christique” (yếu tố Kitô), được coi như là những lời trối trăn (ultima verba) của TEILHARD nói với chúng ta, giúp chúng ta có thể đánh giá được tính thống nhất trước sau như một của ý đồ đó. Không được mấy ai hiểu, bị phạt vạ, bị lưu đày, dầu vậy, TEILHARD vẫn không ngừng tiến hành đi tiến hành lại nỗ lực hàn gắn lại với nhau “hai mảnh chân lý”: “Cuối cùng, đã đến lúc, ai mà chẳng thấy điều đó, phải hàn gắn lại với nhau hai mảnh vỡ đã bị tách rời, phải tái hiệp nhất lại với nhau những phẩm tính bổ sung cho nhau, phải hàn dính lại cái chóp đỉnh và cái nền của kim tự tháp!”
Nếu như TEILHARD vẫn luôn tin chắc là sẽ đạt tới được điều đó, chính bởi vì ngài luôn bám chặt trên ba niềm xác tín không gì lay chuyển nổi nầy:
  Trước tiên, TEILHARD tin rằng sự hoà giải giữa Giáo hội và thế giới là điều có thể được. Vết nứt rạn hiện nay chẳng qua chỉ là một thứ tai nạn rủi ro do lịch sử gây ra chứ hoàn toàn không có cơ sở trên bất kỳ một “đối kháng nào nghiêm trọng cả”. Thật vậy, làm sao người ta có thể hiểu được lại có một tình trạng mâu thuẫn giữa “kế hoạch của trời và những tham vọng cao cả nhất của đất? ”
  Và đây là niềm xác tín thứ hai, không kém phần mạnh mẽ: chỉ có Kitô-giáo mới có khả năng có được câu trả lời đáp trả niềm mong đợi của thế giới. Ngay trước hôm qua đời, TEILHARD vẫn viết rằng duy chỉ có Kitô-giáo - nhưng là một thứ Kitô-giáo “được hiểu” một cách đầy đủ, “được tái sinh” -“mới có khả năng trở thành thứ tôn giáo có khả năng loại biệt tiến kịp với đà tiến hoá”. Và, với tất cả kỳ vọng của mình, TEILHARD kêu gọi xây dựng cho bằng được thứ “tôn giáo của thực tại tiến hoá” nầy.
-    Cuối cùng, niềm thâm tín thứ ba, là để có thể lại trở thành trung tâm, Kitô-giáo cần phải dấn thân hoà mình vào trong cái phong trào đang mang thế giới đi tới phía trước, phải thủ đắc cho bằng được “nội dung ý nghĩa về con người” (sens humain), phải tìm cho ra một chiều kích vũ trụ. “Muốn hành động cách có hiệu quả trên một trào lưu, dù đó là loại trào lưu gì, người ta cần phải nhập thân vào trào lưu đó! ”

Chúng ta cần phải canh tân cái nhìn về thế giới và thực tại huyền nhiệm của chúng ta.
Để có thể thực hiện được kế hoạch nầy, TEILHARD cho rằng cần phải trong cùng một lúc triển khai một cái nhìn mới về thế giới và một thực tại huyền nhiệm mới.
Cái nhìn về thế giới của TEILHARD trước tiên phát xuất từ một kinh nghiệm cá nhân trong đó niềm hứng thú trái đất và nỗi đam mê Đấng tuyệt đối, cả hai, giao thoa với nhau. Cái nhìn đó đặt cơ sở trên niềm tin hướng về tương lai. Sự quan sát quá khứ cho phép TEILHARD vẽ lại quá trình tiến hoá như một dạng đường cong theo chiều hướng đi lên mà con người ở ngay nơi khoảng bắt đầu thẳng đứng của đường cong đó, hay đúng hơn - bởi vì tiến đạo (trajectoire) của quá trình tiến hoá không dừng lại ở con người - như một dạng đường cong theo chiều hướng đi lên và luôn sẵn sàng để có một bước nhảy vọt mới hướng lên phía truước. Và TEILHARD muốn phác hoạ lên như những nét chấm phá cái tương lai đang mở ra phía trước nhân loại đó, cái Thực-tại-bên-kia-Nhân-loại đó (cet Ultra-Humain), cái Điểm Ômêga đó, cái Điểm mà TEILHARD vẫn cảm thấy những năng lực đang được dự trữ sẵn và đã bắt đầu hoạt động vẫn đều quy tụ về đó và đang được tập trung vào đó.
Đích thị chính cái điểm đó trong suy tư của TEILHARD là điểm thách đố của người Kitô-giáo, một thách đố không phải là phi lý, vì điểm Ômêga có thể diễn dịch ra được, có thể dự đoán trước được, có thể nắm bắt “bằng tay” dựa trên cơ sở khoa học, nhưng dẫu sao đó vẫn là thách đố bởi vì nếu giả như Kitô-giáo có phát hiện ra được cái thực tại đồng nhất là điểm Ômêga và làm cho nó trở thành một thực thể được thể nghiệm và sống động trong Đức KITÔ, tuy nhiên, vấn đề chấp nhận hay là từ chối sự hoàn tất được trù liệu đó lại là việc của con người. Thế mà, con người vẫn có thể bị cám dỗ “tự hoàn tất mình một cách tập thể dựa trên chính mình mà thôi” - đó là cơn cám dỗ mácxít -, hoàn toàn như vậy con người cũng có thể chọn lựa một sự hoàn tất dựa trên cái gì đó lớn hơn mình - thái độ nhảy vọt của người Kitô-giáo. Chính ở đây xuất hiện rõ trách nhiệm của Giáo hội; để có thể tạo điều kiện cho sự lựa chọn trở nên khả dĩ, Giáo hội có trách nhiệm phải giới thiệu với nhân loại một Đức KITÔ mang chiều kích của những khát vọng của nó, một Đức KITÔ nhập thể có tầm vóc vũ trụ.

Trong niềm say mê thuộc về nhân loại.
Nếu Đức KITÔ “ở nơi cung lòng của vật chất”, nếu tất cả đều quy tụ về Ngài, thì để đến được với Ngài không cần gì phải thoát ly ra khỏi thực tại đời sống. Hãy trọn vẹn là người, như thế là đã đủ. TEILHARD du nhập vào một nền tu đức mới, trên cơ sở “đạt tới trời bằng cách hoàn tất đất”, “thông hiệp với Thiên Chúa thông qua vũ trụ”.
Như thế có nghĩa là TEILHARD muốn mở ra một “con đường thứ ba”, có khả năng kết hợp hai khuynh hướng vẫn thường đối nghịch nhau. Đó chẳng phải là con đường huyền nhiệm duy vật hoặc phiếm thần mà khuynh hướng đầu tiên của TEILHARD vì muốn tìm chỗ dựa vững chắc cho tồn tại từ phía Thể rắn (le Dur, như kiểu chất sắt) và từ phía Thể-kết-tinh     (le Dense, như kiểu khoáng vật) đã muốn hướng chiều về đó,  vì con đường nầy sẽ dẫn tới tình trạng phân rã và bị nghiền nát thành vụn bột ở trong vật chất. Đó cũng chẳng phải là con đường huyền nhiệm xuất thế thoát tục, như đã được cổ vũ bởi một thứ Kitô-giáo cổ điển nào đó, đặt cơ sở trên sự ngắt dòng điện cách ly khỏi thế giới, vì con đường nầy sẽ dẫn đưa người ta tới chỗ đánh mất nhân tính.
Con đường huyền nhiệm “Đức KITÔ-toàn thể” (panchris- tique) cho phép hiệp thông với Đức KITÔ, bằng cách làm cho vật chất toả sáng, làm cho vũ trụ biết yêu thương, cái vũ trụ mà chính Đức KITÔ là lò lửa và là trung tâm. Đi vào đó có nghĩa là phải đảm nhiệm lấy trách nhiệm về phần mình cái thực-tại-đang-trở thành của nhân loại: lịch sử không tự động bước đi cách máy móc, nhưng được trao phó cho con người, cho nỗ lực văn minh hoá, nhân hoá, xã hội hoá của con người. Nhưng điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải phó thác cho một người nào đó, đấy chính là Đức KITÔ, Đấng duy nhất có khả năng hoàn tất cái mà con người đã chuẩn bị. “Tất cả mọi lao động của chúng ta, cuối cùng sẽ đạt tới chỗ hình thành tấm bánh hiến dâng mà trên đó ngọn lửa thần linh phải đáp xuống.” Trách nhiệm của con người là chuẩn bị “lễ vật hiến tế”.
Cái tổng hợp mà TEILHARD đề nghị đó, dù vẫn còn có thể phải bàn cãi ở nhiều điểm, ít ra biểu lộ một cố gắng can đảm trong nỗ lực tái giải hoà với thời đại ngày nay. Một vài cường điệu đắc thắng của nó đối với chúng ta ngày nay có lẽ đã kém phần quyến rũ. Tuy nhiên, TEILHARD vẫn tiếp tục đóng dấu ấn của mình lên thời đại của chúng ta. TEILHARD đã tạo cho Kitô-giáo một khuôn mặt mới, dù bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để tái tạo cho Kitô-giáo một uy lực lôi cuốn cái “thế giới dân ngoại tân thời” nầy của chúng ta, như TEILHARD vẫn hằng mơ ước.
Ít ra nỗ lực cập nhật hoá đó cũng đã xoá tan được những trở ngại không cần thiết mà biết bao người đương thời với chúng ta vẫn thường vấp phải. Cần phải “một lần nữa tái nhập thể Kitô-giáo”, TEILHARD đã nói. TEILHARD, qua câu nói đó, đã xác định cái nỗ lực mà bất cứ thời đại nào cũng cần phải có. Nhưng, có lẽ dù người ta có tái nhập thể đi tái nhập thể lại hàng nghìn lần nhằm mục đích làm cho Kitô-giáo thích nghi với những yêu cầu mới của nền văn hoá của chúng ta, Kitô- giáo vẫn không bao giờ sẽ là điều hiển nhiên. TEILHARD biết rõ điều đó. Dù cho người ta có sắp xếp tạo điều kiện thế nào đi chăng nữa theo như ý muốn cho mặt tiền phía trước tiền đường, để đi vào bên trong ngôi nhà đó bao giờ cũng cần phải có một hành động nhảy vọt của niềm tin.
Marcel NEUSCH

X     X
X

Một Đức KITÔ luôn luôn lớn hơn.
Thế mà, chính bây giờ đây tôi đang nhận ra được một điều: là chính từ nơi miền sâu thăm thẳm của tương lai vũ trụ cũng như từ cõi cao xa của Trời, vẫn là chính Thiên Chúa, bao giờ cũng vẫn chính là vị Thiên Chúa đó, đang mời gọi tôi. Một vị Thiên Chúa của phía trước (Un Dieu de l’En Avant) bỗng hiện ra chung cùng một hoành tuyến với Vị Thiên Chúa cổ truyền của Trên cao (le Dieu traditionnel de l’En Haut)... đến nỗi từ nay nếu không lồng hai hình ảnh đó vào chung với nhau thành một, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể tôn thờ cách trọn vẹn nữa...
Đó là một Niềm tin mới, đan dệt bởi Niềm tin hướng thượng hướng về một Đấng siêu việt và Niềm tin có sức tống đẩy vào bên trong hướng về một Đấng nội tại (un Immanent); đó là một Đức Ái mới, trong đó, trong khi tự thần hoá mình, tất cả mọi nỗi đam mê có sức khởi động của Trái đất đang được hoà hợp lại: kìa, tôi đang thấy nó lúc nầy đây, và mãi mãi vẫn sẽ còn thấy nó, cái mà, không có nó sẽ tiêu vong, thế giới trong lúc nầy đây đang mong đợi một cách cuồng si.
(... )
Một lời phê bình mà dân ngoại bao giờ cũng ngày càng nói nhiều hơn với những người Kitô-giáo, đó là, chính do sự kiện đặt xen kẽ Đức KITÔ ở giữa con người và Thiên Chúa, những chiều kích phát triển của chính ý tưởng về Thiên Chúa, đối với chúng ta, lâm vào tình trạng bị tắc nghẽn, và có vẻ như bị teo đi. Đối với những đầu óc tân thời của chúng ta ngày nay, để họ có thể thèm khát nỗi tôn thờ Ngài, Kitô-giáo không thể dùng hình ảnh một vị thủ lĩnh như thế để kích thích nỗi thèm khát của họ được nữa đâu, ngược lại, chỉ có nước là làm tê liệt thêm đi thôi! – Điều đó, chính tôi đây cũng biết bao lần đã phải suýt nghĩ như thế; - và biết bao lần, dẫu sao, người ta đã chẳng nói điều đó với tôi hay sao!
Một Đức KITÔ làm cho Thiên Chúa bị thu nhỏ lại...
Ôi! Vì thế chớ gì cái ý nghĩ ngờ vực nguy hiểm chết người đó sẽ tan đi như mây khói, và một lần cho mãi mãi, kể từ giây phút mà nhờ quen nhạy cảm với con đường huyền nhiệm ngày nay, người ta nhận ra, bằng vào chính những đặc điểm thoạt tiên xem ra có vẻ quá đặc thù hoá Ngài, rằng một vị Thiên Chúa nhập thể vào trong lịch sử, trái lại, là Đấng duy nhất có thể thoả mãn không chỉ những định luật vững chắc của một thứ vũ trụ, nơi chẳng có gì được sản sinh và xuất hiện ngoài con đường sinh sản (par voie de naissance), mà còn cả những khát vọng không thể nào đàn áp nổi của tinh thần chúng ta.
Bởi vì, cuối cùng:
“Thiên Chúa của Trên cao + Thiên Chúa của Phía trước” cái phương trình cơ bản mới của tất cả mọi thứ Tôn giáo sẽ phải đến đó, muốn nói lên điều gì, nếu không phải là một hạn từ chỉ những chiều kích “vũ trụ-thần linh” (théo-cosmiques), nghĩa là những chiều kích Kitô (christiques)?
Cách mạnh mẽ, trong chiều hướng Hiệp nhất có tính sáng tạo, không phải chỉ Vũ trụ thôi mà chính cả Thiên Chúa cũng “được Kitô-hoá” (se christifie) trong điểm Ômêga, theo những giới hạn bên trên của Quá trình khai nguyên vũ trụ. – Nói cách khác, trong chiều hướng một cái gì đó hơi giống thực thể, Đức Kitô-toàn thể (pan-christisme), trên cơ sở luận lý cũng như trên cơ sở sinh vật học, phải dẫn đến chỗ hoàn thành niềm tin độc thần “tiến hoá” (monothéisme “évolué”) mà xung quanh nó sẽ thấy ngay tập trung những gì tinh hoa nhất của những năng lực tôn giáo của trái đất.
Không những nó có thể bành trướng ra và thích nghi vô hạn định với những chiều kích mới của thế giới, mà nó, không bao giờ mệt mỏi, còn “nạp” vào cho trái tim chúng ta thứ năng lượng tiến hoá: lớn lên như thế đấy, lan đến tận Trời của chúng ta, toả ra theo cấp độ và yêu cầu của Thực-tại-bên-kia-thực-tại-con-người (l’Ultra-Humain), đó là một Đấng Siêu-KITÔ đích thực (Super-Christ), rọi sáng tất cả mọi sự bằng Đức Siêu-Ái (Super-Charité).
(Le coeur de la matièreParis, Seuil, 1976, pp. 65-67)

Tài liệu tham khảo:

Toàn bộ công trình của Teilhard de CHARDIN đã được xuất bản ở Paris, Seuil, từ năm 1955 đến năm 1976. Tất cả gồm 13 tập mà những tác phẩm quan trọng nhất để có thể đi sâu vào tư tưởng của ngài là: t.1, Le phénomène humain; t.4, Le millieu divin; t.10, Comment je crois; t.12, Écrits du temps de guerre; t.13, Le coeur de la matière.
Nhiều thư của TEILHARD đã được nhiều nhà xuất bản cho in ra, như nhà xuất bản Grasset, Desclée de Brouwer, Aubier. Trong số những bức thư mới nhất, bạn có thể xem trong tập: Pierre LEROY, Lettres familières de Teilhard de CHARDIN mon ami (1948-1955), Paris, Centurion, 1976.
Những nghiên cứu về Teilhard de CHARDIN thì quá nhiều khó có thể ghi lại hết được ở đây. Để có thể đi sâu vào tư tưởng của ngài, bạn có thể đọc một số tác phẩm sau đây cũng đủ:
· Jules CARLES, Teilhard de Chardin. Sa vie, son oeuvre, avec un exposé de sa philosophie, Paris, PUF, 1964.
· Georges CRESPY, La pensée théologique de Teilhard de Chardin, Paris, Éditions universitaires, 1961.
· Claude CUÉNOT, Teilhard de Chardin, Paris, Seuil, 1963, coll. “”Écrivains de toujours”, n058.
·  Ce que Teilhard a vraiment dit, Paris, Stock, 1972.
·  Henri de LUBAC, La pensée religieuse de Père Teilhard de Chardin, Paris, Aubier, 1962.
·  Mgr de SOLAGES, Teilhard de Chardin, Toulouse, Privat, 1967.
·  Claude TRESMONTANT, Introduction à la pensée de Teilhard de Chardin, Paris, Seuil, 1956.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
http://www.giaolyductin.net/teilhard-de-chardin-1881-1955-mot-thu-ton-giao-thich-nghi-voi-thuc-tai-dang-tien-hoa.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét