Trang

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Kinh Thánh Nói Gì Về Tận Thế?

Kinh Thánh Nói Gì Về Tận Thế?


Trong những dịp cuối năm vào những lúc rỗi rảnh, người ta thường bàn đến chuyện tận thế. Cách đây không lâu, rộ lên những đồn đoán rằng theo lịch cổ của người Maya, thế giới sẽ tận tuyệt vào năm 2012.
tanthe.jpg  
Thời điểm đó qua đã lâu, mọi thứ cứ vận hành và sinh hoạt như thường lệ.  Thế nhưng đến nay vẫn còn những kẻ rỗi sự, tiếp tục bàn chuyện khi nào tận thế đến, mặc cho Lời Chúa đã khuyến cáo  "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha!" (Mc 13, 32).

Tận thế trong Cựu Ước

Ngày tận thế có nguồn gốc trong Kinh Thánh, dầu các sách Kinh Thánh cổ xưa nhất không nói đến ngày này. Các tiên tri là những người đầu tiên rao giảng về “Ngày của Chúa”, ngày trừng phạt, khi quốc gia Ít-ra-en đến ngày tận cùng của nó (Êz 7,1-27; Am 5, 18-20; So 1,14-18; 2,2-3). Sau đó, một vài tiên tri đã thấy Ngày của Chúa như thời điểm Chúa xét xử và là lúc tai ương lan tràn cả mặt đất “ Ðất phải cư tang, giẫy chết, dương gian ủ rũ; giẫy chết, ủ rũ tất cả, cao vời với đất thấp…” (Ys 2,9-17; 24:1-6,21,23; Yô 3,4, Só,18; 3,8)  ). Sách tiên tri Đaniel đã nói về  tận thế: “Phần ngươi, hãy đi cho đến mút cùng. Ngươi sẽ được an nghỉ. Và ngươi sẽ đứng lên lãnh phần ngươi vào lúc cùng tận những ngày thời gian" ( Đn 12,13). Thị kiến nổi danh của tiên tri Đaniel về bốn con mãnh thú, về Ðấng cao niên và Con người có thể được cắt nghĩa như thị kiến về khung cảnh Chúa phán xét vào lúc tận thế. (Đn 7,1-27).

Tận thế trong Tân Ước

 Chúa  Giêsu và các môn đệ tin chắc thế giới sẽ tới ngày tận cùng của nó. Các Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu ghi lại việc Chúa Giêsu đã diễn tả chuyện gì sẽ xảy ra vào lúc tận thế, mặc dầu những biến cố đó đôi khi bị cắt nghĩa lẫn lộn với việc quân La Mã phá hủy thành Giêrusalem vào năm 70 sau Công Nguyên. Nơi Tin Mừng Mác-cô đoạn 13, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về ngày tận cùng của thành Giêrusalem, và trong câu trả lời của Chúa, ta thấy có những chi tiết về thờ thế mạt: "Nhưng trong những ngày ấy, sau cơn khốn quẩn ấy, mặt trời sẽ tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú tự trời sa xuống, và các quyền năng từng trời bị lay chuyển" (Mc 13, 24-25). Kế tiếp, Chúa  nhắc đến thị kiến trong sách Đaniel đoạn 7, khi tiên báo rằng Con Người sẽ đến trong đám mây (Mc 13, 26). Đoạn song song nơi Tin Mừng Luca không nói gì đến tận thế (Lc 17, 23-37).  Thế nhưng đoạn song song nơi Tin Mừng Mát-thêu cung cấp nhiều chi tiết hơn về thời điểm này (Mt 24,1 - 25,46). Chúa  tiên báo rằng sau khi Tin Mừng được loan báo khắp thiên hạ, “ bấy giờ cùng tận sẽ đến." Ngài cũng diễn tả tận thế trong hình thức phán xét. (Mt, 25, 31-46). Thánh sử Mát-thêu đã thường nhắc tới “tận thế, buổi tận thế, thời tận thế trong Tin Mừng ngài viết. (Mt 13,39-40; 24,3.6.13-14; 28,20).

Thánh Phaolô cũng nhắc đến tận thế một vài lần, đặc biệt khi ngài giảng dạy các môn đệ về chuyện các kẻ chết sống lại: “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Co 15, 51-52; xin đọc thêm 1Co 1,8; 10,11; 15,24; 1Th 4,13-17; 2Th 1,8-10). Thánh Phêrô (1P 4,7) và  tác giả thơ Do Thái (Hr 3,14; 6,11; 9,26) cũng nhắc đến “Thời cùng tận “. Sách Khải Huyền có những đoạn viết về các thị kiến về thời cùng tận của thế giới và về trời mới và đất mới (Kh 21,1-22,5)
 
Lm. Timothy A. Lenchak, SVD
Bible Today, Nov/Dec 2015

(Luke Quang dịch, WGP.Qui Nhơn 04.12.2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét