Bản dịch Docat (hoàn chỉnh)
Lời Toà soạn: Chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên mục này bản dịch Docat hoàn chỉnh để các bạn sử dụng theo nhu cầu. Cầu chúc các bạn luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa Phục Sinh.
http://hanhkhatkito.org/Default.aspx?tabid=107&ctl=ViewNewsDetail&mid=461&NewsPK=35820
Lời dẫn nhập
Các bạn trẻ thân mến!
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm của cha, đã đặt vào tay các con một quyển Giáo lý Giới trẻ, quyển YOUCAT. Hôm nay cha muốn trao tặng cho các con một quyển sách khác, quyển DOCAT, chứa đựng học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Động từ tiếng Anh “to do” là một phần của tên quyển sách. DOCAT trả lời câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì?”; DOCAT như một cuốn cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình, sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của mình, và cuối cùng là tất cả thế giới. Quả thật, với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta có thể thay đổi thế giới.
Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Nhiều vị thánh rúng động đến tận tâm can vì đoạn Thánh Kinh này. Nhờ đoạn này, thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi toàn thể cuộc sống của mình. Mẹ Têrêsa đã thay đổi đời tu vì câu nói này. Còn Charles de Foucauld nhìn nhận: “Trong toàn bộ Tin Mừng, không có câu nào ảnh hưởng lớn đến tôi và thay đổi sâu sắc cuộc sống của tôi hơn câu này: “Tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Khi tôi suy niệm lời này phát ra từ miệng Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và cũng chính miệng đó đã nói rằng, ‘Này là Mình Ta… này là Máu Ta…’, thì tôi thấy rằng mình được kêu gọi để tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong những người hèn mọn này, những người bé nhỏ nhất”.
Các bạn trẻ thân mến! Chỉ có sự hoán cải tâm hồn mới có thể làm cho thế giới đầy khủng bố và bạo lực của chúng ta trở nên nhân bản hơn. Và sự hoán cải này cũng đồng nghĩa cần có sự nhẫn nại, công bằng, khôn ngoan, đối thoại, liêm chính, liên đới với các nạn nhân là những người túng thiếu và nghèo khổ nhất, cần có sự cống hiến vô hạn, dám yêu cho đến chết vì tha nhân. Khi các con đã hiểu sâu sắc điều này, các con có thể thay đổi thế giới như là những Kitô hữu dấn thân. Thế giới không thể tiếp tục đi vào lối mòn như hiện nay mà cần phải thay đổi. Nếu một Kitô hữu, trong bối cảnh hiện tại, lại ngoảnh mặt trước nhu cầu của các người nghèo nhất trong số những người nghèo, thì thật sự họ không phải là một Kitô hữu!
Chẳng lẽ chúng ta không thể làm gì hơn để cho cuộc cách mạng về tình yêu và công bằng này trở thành hiện thực trong nhiều vùng trên hành tinh khốn khổ này sao? Học thuyết xã hội của Giáo Hội có thể giúp biết bao người! Dưới sự chỉ đạo giàu kinh nghiệm của các Hồng y Christoph Schönborn và Reinhard Marx, một đội ngũ đã bắt tay làm việc để làm cho sứ điệp giải phóng của học thuyết xã hội Công giáo lôi cuốn được sự chú ý của giới trẻ trên thế giới. Họ đã cộng tác với các học giả nổi tiếng cũng như với những người trẻ về dự án này. Các người trẻ nam nữ Công giáo từ khắp nơi trên thế giới đã gửi đến các hình ảnh tốt nhất của họ. Những người trẻ khác thảo luận bản văn, đóng góp các câu hỏi và đề nghị, và chắc chắn rằng bản văn đọc lên là có thể hiểu ngay. Học thuyết xã hội gọi đó là “sự tham gia”! Chính đội ngũ làm việc đã áp dụng một nguyên tắc quan trọng của học thuyết xã hội ngay từ lúc khởi đầu. Như thế DOCAT đã trở thành một áp dụng đầu tiên tuyệt vời để hành động theo Kitô giáo.
Những gì chúng ta gọi là giáo huấn xã hội Công giáo ngày nay đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIX. Vào thời đó, công nghiệp hoá, một hình thức thô thiển của chủ nghĩa tư bản, đã tạo nên một thứ kinh tế huỷ diệt con người. Các nhà công nghiệp hoá bất lương đã làm cho người dân vùng nông thôn trở nên nghèo khó đến mức phải nai lưng làm việc vất vả trong các hầm mỏ hoặc trong các nhà máy gỉ sét với đồng lương chết đói. Trẻ em không còn nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Các em bị lén lút gửi đi như những nô lệ để kéo các xe than. Các Kitô hữu đã mạnh mẽ dấn thân, ra tay giúp đỡ những người túng thiếu, nhưng họ nhận thấy rằng như thế vẫn chưa đủ. Vì vậy, họ đã phát triển các ý tưởng chống lại sự bất công trong xã hội cũng như chính trị. Trong thực tế, tuyên ngôn nền tảng về học thuyết xã hội Công giáo đã là, và cho đến nay vẫn là Thông điệp Rerum novarum năm 1891 của Đức Giáo hoàng Lêô XIII bàn về “Tư bản và Lao động”. Đức Giáo hoàng đã viết một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn: “Lường gạt ai để chiếm đoạt tiền công chính đáng của họ là một tội ác mà tiếng kêu báo oán thấu tới Trời”. Với thẩm quyền của mình, Giáo Hội đã tranh đấu cho các quyền lợi của công nhân.
Vì nhu cầu của thời đại đòi hỏi, giáo huấn xã hội Công giáo càng ngày càng trở nên phong phú và được tinh luyện trong những năm qua. Nhiều người bàn luận về cộng đồng, công lý, hoà bình, và công ích. Họ đã tìm thấy các nguyên tắc nhân vị, liên đới và bổ trợ, mà cả DOCAT, cũng diễn giải. Nhưng thực ra học thuyết xã hội này không xuất phát từ bất kỳ vị giáo hoàng cụ thể hoặc từ bất kỳ học giả cụ thể nào. Học thuyết xã hội xuất phát từ trọng tâm của Tin Mừng. Học thuyết xã hội xuất phát từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa.
“Nền kinh tế này đang giết hại”, cha đã viết như thế trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, vì ngày hôm nay nền kinh tế mang tính loại trừ và bất bình đẳng này vẫn đang tồn tại. Có những nước trong đó có đến 40 hoặc 50 phần trăm người trẻ không kiếm được việc làm. Trong nhiều xã hội, những người lớn tuổi đang bị gạt ra ngoài lề vì họ bị coi như không có “giá trị” và không còn “sản xuất” được nữa. Có những vùng đất canh tác rộng lớn bị bỏ hoang vì dân nghèo của vùng đất đó bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong những thành phố lớn với hy vọng tìm thấy vài thứ còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Các phương thức sản xuất của nền kinh tế toàn cầu hoá đã phá huỷ các cấu trúc kinh tế và nông nghiệp còn hết sức yếu kém của vùng đất quê hương họ. Hiện nay, khoảng 1 phần trăm dân số thế giới sở hữu đến 40 phần trăm toàn bộ tài sản của thế giới, và 10 phần trăm dân số sở hữu đến 85 phần trăm tài sản thế giới. Phần còn lại, chỉ có khoảng 1 phần trăm tài sản thế giới này “thuộc về” phân nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống nghèo khổ cùng cực dưới mức 1 euro (khoảng 25.000 VND) mỗi ngày.
Khi cha mời gọi tất cả các con bây giờ hãy thực sự tìm hiểu sâu xa học thuyết xã hội của Giáo Hội, cha đang mơ không chỉ là về các nhóm người ngồi dưới gốc cây và thảo luận về học thuyết xã hội. Điều này tốt đẹp! Các con hãy làm! Giấc mơ của cha hướng về những thứ lớn lao hơn: Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, là có cả một thế hệ cùng “vừa đi, vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình”. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến những “vùng ven” và đi vào giữa lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con cũng hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo Hội này được biến đổi, rằng Giáo Hội vẫn còn đang sống, bởi vì Giáo Hội thừa nhận chính mình bị thách thức bởi những tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.
Bản thân các con cũng hãy tích cực chủ động nữa. Khi nhiều người làm điều đó với nhau, sẽ có những cải thiện trong thế giới này và mọi người sẽ cảm nhận được Thần Khí của Thiên Chúa đang làm việc qua các con. Và có lẽ rồi đây các con sẽ như các ngọn đuốc làm cho con đường dẫn đến Thiên Chúa sáng tỏ hơn cho những người này.
Và vì vậy cha tặng các con quyển sách nhỏ tuyệt vời này, hy vọng rằng nó có thể đốt lên ngọn lửa trong các con. Cha cầu nguyện mỗi ngày cho các con. Xin hãy cầu nguyện cho cha nữa!
Thân ái,
Phanxicô, ngày 6 tháng 11 năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét