Henri Marescaux: Đại tướng và các cô gái điếm
lavie.fr, Raphaëllle Simon, 2017-05-23
Làm phó tế sau khi đã ở trong chức vụ cao nhất của quân đội, bây giờ ông dành phần lớn thời gian của mình để ở bên cạnh những người có cuộc sống bấp bênh của hiệp hội Tamaris do ông thành lập.
Nếu có ai hỏi tôi, tôi sẽ trả lời, tôi không bao giờ hình dung tôi là phó tế, cũng không hình dung mình sẽ lo cho các cô gái điếm. Đó là vào năm 1998, khi tôi đang dạy giáo lý cho các học sinh trung học thì cha sở hỏi tôi: “Có khi nào ông nghĩ đến chức… phó tế?” Dù còn vài năm nữa về hưu, tôi đã nghĩ đến chuyện xin phục vụ ở tòa giám mục, nhưng phó tế thì tôi không nghĩ đến! Vậy mà tôi đã trả lời với cha sở, tôi đồng ý liền, tôi nói với cha, thực chất, về cơ bản nó đáp ứng với những gì tôi đang đi tìm. Điều hiển nhiên cho tôi thì lại ít hơn với vợ tôi. Bà nói với tôi: “Anh sẽ đi học ở đâu?”.
Tôi không có cùng hình ảnh của các tân phó tế: tôi xuất thân từ giới trưởng giả, người của họ đạo Versailles, đại tướng dạy giáo lý cho học sinh con nhà giàu… Khi người ta giao cho tôi lo cho các cô gái điếm, tôi hoàn toàn mù tịt. Dấn thân vào thế giới này là cả một thách thức. Sau này tôi mới nhận ra, các người đào tạo muốn thử tôi trước khi cho tôi chịu chức phó tế. Vô tình, họ đã áp dụng thư Thánh Phaolô từng chữ! “Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức phó tế.” (1Tm 3, 10). Tôi được chịu chức phó tế năm 2004, hai năm sau khi bắt đầu lo cho các cô gái điếm, công việc này đã làm cho tôi thích ngay.
Đi từ số không, trước hết tôi gia nhập Phong trào Tổ chim ở Paris để hiểu môi trường này hơn, đây là một phong trào giúp các cô gái điếm. Nhiều biện pháp cần được đề nghị ngay để giúp các đương sự như làm sao để có giấy tờ với nhà nước. Năm 2007, tôi thành lập hiệp hội Tamaris riêng của tôi để giúp các cô gái điếm thoát ra khỏi nhà điếm, đi đến gặp họ, có những buổi gặp thường xuyên ở văn phòng một giáo xứ Paris.
Một vài cô đi bộ vượt qua Phi châu, họ bị hiếp, họ sống hàng tuần, hàng tháng trong những khu biệt cư.
Chúng tôi tiếp đón các nạn nhân này, không phân biệt nguồn gốc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo. Những người này cần giấy tờ nhưng cũng cần hơi ấm tình người. Chúng tôi xin họ kể câu chuyện của mình để hiểu hoàn cảnh của họ, họ đã đến Pháp bằng cách nào, họ còn làm điếm không và có giao du với ma cô dắt gái không… Đời sống của họ thật khốn cùng, họ là nạn nhân của nạn buôn người. Trong đa số trường hợp, họ là những phụ nữ rất nghèo, đến từ những nước tham nhũng. Một trong các cô, khi ở Nigeria là người gánh nước. Nạn nhân của nạn lừa đảo, đôi khi họ đến đây với giấy tờ giả, sống trong hoàn cảnh quá rối rắm. Một vài cô đi bộ vượt qua Phi châu, họ bị hiếp, họ sống hàng tuần, hàng tháng trong những khu biệt cư. Rồi họ vượt biển đến cảng Lampedusa nước Ý, sống ngoài lề đường và tranh đấu cho sự sống còn của mình.
Trước hết chúng tôi lo cho các nhu cầu khẩn thiết của họ như săn sóc họ. Một vài cô không đủ ăn, sau bữa ăn trưa thứ ba, họ mang thức ăn thừa về. Khi họ không ở ngoài đường thì họ tá túc nhà bạn, họ bị khách mua dâm lợi dụng hay đánh đập họ. Chúng tôi dạy họ tiếng Pháp, giúp họ có chân đứng để họ có thể tìm được việc làm, tìm được chỗ ở. Tôi phẫn nộ và nổi giận khi thấy bất công, khi thấy giấy tờ nhà nước đòi hỏi phải có 8 chi phiếu lương để có được giấy tờ và như thế may ra mới tìm được việc…
Tôi không biết làm sao đưa lời cầu nguyện vào trong các buổi gặp thường xuyên. Một buổi chiều nọ, tôi ngạc nhiên khi thấy ba cô ngồi ngoài cửa, họ đang thảo luận với nhau về một thánh vịnh. Một trong các cô lôi quyển Thánh Kinh trong túi xách ra. Từ đó chúng tôi theo tiến trình Alpha, sau khi ăn xong, chúng tôi có một giờ để đọc cao giọng và chia sẻ một đoạn Phúc Âm. Hiện nay có khoảng bốn mươi cô đến vào mỗi thứ ba. Chúng tôi cùng suy niệm Lời Chúa qua đời sống hàng ngày của mình. Tôi thường kinh ngạc trước các lời nói của họ. Một ngày nọ, một trong các cô tuyên bố: “Yêu, là cho đi tất cả. Tất cả”. Một câu nói không phải là câu nói bông lung.
Các phụ nữ này làm cho tôi ngưỡng phục vì lòng can đảm của họ và giúp tôi hiểu Phúc Âm hơn.
“Những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Từ lâu khi đọc câu này của Chúa Giêsu, tôi xem như một lời khiêu khích, nhưng bây giờ tôi thấy nó hoàn tựu trước mắt tôi. Tối hôm trước ngày 1 tháng 5 năm 2003, cảnh sát phá vỡ một mạng lưới làm điếm, họ đưa tới cho chúng tôi một cô gái trẻ mà họ không biết làm gì với cô. Chúng tôi gọi 115, gọi một vòng các dòng nhưng vào giờ khuya như vậy, đâu cũng hết chỗ. Tôi đã nghĩ đến việc đem cô về nhà tôi, nhưng làm sao tôi trả lời với vợ con và với khách khứa ngày mai? Rồi sẽ làm gì với cô ấy ngày sau, tháng sau? Nhưng sau đó thì một cô đồng hương Albanais nhận cô về sống trong một căn phòng, cô này sống một mình với con…
Các phụ nữ này làm cho tôi ngưỡng phục vì lòng can đảm của họ và giúp tôi hiểu Phúc Âm hơn. Phúc Âm cho thấy, Chúa Giêsu đã nhiều lần “động lòng trắc ẩn”. Nếu chúng ta không sống lòng trắc ẩn này thì chúng ta không ở Tamaris, nơi sự đón tiếp của chúng tôi là không phán xét. Sự tham dự sâu đậm và cá nhân vào các nhu cầu, các đau khổ của họ là một cách để cùng hiệp lòng với họ. Đây không phải chỉ cho một cái gì của mình nhưng cho chính con người mình. Tôi thường tự hỏi con đường nào đã dẫn tôi đến đây. Và tôi hiểu Chúa đã đặt người nghèo trên đường đi của tôi để hoán cải tôi. Những người này là hiện thân khuôn mặt của Chúa Kitô. “Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ez 36, 26). Tiếp xúc với các phụ nữ này, tôi sống tinh thần Phúc Âm mỗi ngày, họ đã thay đổi cái nhìn của tôi.
Tôi đã có dịp rửa tội cho sáu cô sau khi dạy giáo lý cho họ, tôi cũng là cha đỡ đầu cho một vài đứa con của họ. Tôi cũng rất xúc động khi làm nhân chứng cho đám cưới của một cô, tôi còn đi theo một cô ra văn phòng thị trưởng để làm giấy. Tôi vẫn còn liên lạc với vài cô đã thoát cảnh làm điếm, gần đây tôi đến thăm một cô đã lập gia đình, có hai con, có công ăn việc làm, có căn hộ ở Paris. Năm sau tôi 75 tuổi, tuổi về hưu của Giáo hội. Dù tôi phải nghĩ đến việc tìm người kế tục nhưng tôi vẫn tiếp tục. Tôi rất vui, niềm vui mà Chúa Giêsu nói khi rửa chân cho các môn đệ, làm người phục vụ họ: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em”. (Ga 13, 17).
Tamaris
Hiệp hội ra đời năm 2007 để gặp các nạn nhân của nạn l điếm, tiếp đón họ và giúp họ hội nhập vào đời sống xã hội. Năm nay, 350 phụ nữ, đa số là người Nigeria, đã tìm được chỗ đón họ không điều kiện, giúp đỡ họ về mặt xã hội, pháp lý, y khoa nhưng cũng là nơi họ có được tình bạn. Tamaris có khoảng ba mươi người thiện nguyện, một số có chức vụ nghề nghiệp
cao (thẩm phán, nghị viên…), nhờ họ mà 150 đến 200 người đã ra khỏi cảnh làm điếm. Tamaris có các buổi gặp mặt thường xuyên vào ngày thứ ba và thứ sáu và có những buổi đi từng nhóm hai người mỗi 15 ngày một lần.
Trụ sở của hiệp hội Tamaris: 33 rue de Satory, Versailles (78). Tél. : 06 86 58 17 39.
Vài hàng về đại tướng Henri Marescaux:
1943 Sinh tại Albertville.
1963 Trường Bách Khoa.
1965 Lập gia đình với Yvette, (5 đứa con và 19 cháu).
1993 Giám đốc trường Bách Khoa.
1999 Đại tưóng lụ quân.
2001 Giám sát quân đội.
2002 Phục vụ các cô gái điếm.
2004 Phong chức phó tế ở địa phận Versailles.
2007 Thành lập hiệp hội Tamaris.
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét