Trang

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Các sai lầm là vị thầy vĩ đại của cuộc sống

Các sai lầm là vị thầy vĩ đại của cuộc sống

Cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô với các người trẻ nước Bỉ
Zenit, Hélène Ginabat, 8-4-2014
«Cha đã phạm những sai lầm, cha vẫn còn sai lầm», Đức Phanxicô thố lộ như trên, ngài cho rằng «các lỗi lầm, kể cả những lỗi lầm trong cuộc sống của cha, đã là và vẫn còn là những vị thầy cao cả của đời sống. Những vị thầy vĩ đại: dạy cho mình rất nhiều chuyện» vì đã «làm cho mình khiêm tốn» và đặt con người vào «đúng chỗ của nó». Đức giáo hoàng khuyên họ «đối thoại với những sai lầm của mình».
Đức Phanxicô đã tiếp năm bạn trẻ người Bỉ vào ngày 31-3 vừa qua, ở văn phòng dinh Tòa Thánh Vatican, trong khuôn khổ chương trình truyền thông mục vụ của các người trẻ Bỉ.
Lucas Van Looy, đức giám mục giáo phận Gand tháp tùng họ. Các người trẻ đặt câu hỏi bằng tiếng Anh và Đức Phanxicô trả lời bằng tiếng Ý. Cuộc phỏng vấn được phát trên kênh truyền hình tiếng flamand của đài vô tuyến Bỉ VRT ngày 3 tháng 4.
Sau đây là nguyên văn cuộc gặp gỡ theo bản văn đăng ngày 5 tháng 4-2014.
Nhóm trẻ này gặp gỡ nhau từ những ngày Giới trẻ Quốc tế JMJ ở Rio năm 2013, vì họ muốn qua truyền thông, đối thoại với các người trẻ của nước họ về những gì họ đã làm. Tất cả có 12 người, nhưng chỉ có năm người vào phòng phỏng vấn, những người khác thì ở ngoài.
Đức Phanxicô – … nhưng cha muốn chào họ, cả những người khác, nhưng để sau!
Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu… từ cảm nghiệm trong tinh thần Kitô giáo của mình, nhóm người trẻ này đã làm công việc của họ, muốn chia sẻ cảm nghiệm này qua hệ thống truyền thông. Chính trong chiều hướng này mà họ muốn hỏi Đức Phanxicô nhiều câu hỏi. Có bốn người trẻ trong nhóm này có đạo, một cô không có đạo, nhưng đối với chúng tôi, điều này lại là quan trọng vì chúng tôi sống trong một xã hội rất giáo dân và chúng tôi hiểu, chúng tôi có một lời nhắn cho mọi người. Và vì thế cô rất vui lòng…
A, cha rất bằng lòng! Chúng ta tất cả là anh em!
*Dạ đúng vậy, câu hỏi đầu tiên của chúng con là: chúng con cám ơn cha đã nhận lời chúng con, nhưng tại sao cha tích cực nhận lời chúng con?*
Khi cha cảm nhận có một thanh niên dù nam hay nữ, nếu họ có một nỗi thao thức, cha cảm thấy mình có bổn phận giúp họ, vì nỗi thao thức này như hạt giống, nó sẽ tiếp tục lớn lên và sẽ cho hoa trái. Và lúc này, cha cảm thấy cha làm điều quý nhất là đáp trả nỗi thao thức của các con.
*(Một thanh niên) – Trong thế giới này, tất cả mọi người đều đi tìm hạnh phúc. Nhưng chúng con xin hỏi cha: Cha có hạnh phúc không? Và tại sao cha hạnh phúc?*
Cha rất hạnh phúc, rất rất hạnh phúc. Cha hạnh phúc vì… cha không biết tại sao.. có lẽ vì cha có một công việc làm, cha không bị thất nghiệp, cha có việc làm, việc làm của một mục tử! Cha hạnh phúc vì cha tìm được con đường của cha trong cuộc sống, đi theo con đường này làm cho cha hạnh phúc. Đến tuổi cha bây giờ, đó là một hạnh phúc bình dị. Đó không phải là hạnh phúc giống như người trẻ, có một khác biệt. Một bình an nội tâm, một bình an rất lớn, một hạnh phúc đến với tuổi. Trên đường đời lúc nào cũng có những vấn đề; bây giờ cũng vậy, cũng có những vấn đề nhưng hạnh phúc này không mất đi vì các vấn đề: nó nhìn vấn đề, nó nâng đỡ và đi tới đàng trước; nó làm một cái gì để giải quyết vấn đề và đi tới đàng trước. Nhưng tận trong tâm hồn là bình an và hạnh phúc này. Đối với cha, đây thật sự là ơn của Chúa. Là ơn của Chúa. Cha thật sự không xứng đáng nhận được ơn này.
*(Một thanh niên) – Qua nhiều cách, cha đã biểu lộ tình thương của cha đối với người nghèo, với những người bị tổn thương. Tại sao điều này lại quá quan trọng đối với cha như vậy?*
Bởi vì đó là trọng tâm của Tin Mừng. Cha có đạo, cha tin ở Thiên Chúa, cha tin ở Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài. Và trọng tâm của Tin Mừng là việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Chẳng hạn khi con đọc Tám mối phước thật hay Phúc Âm thánh Matêô đoạn 25, con sẽ thấy trên điểm này, quan điểm của Chúa Giêsu rất rõ. Trọng tâm của Phúc Âm là ở đó. Và chính Chúa Giêsu cũng nói: «Ta đến để loan báo cho người nghèo sự giải thoát, sức khỏe, ơn sủng của Thiên Chúa…». Cho người nghèo. Những ai cần ơn cứu chuộc, cần được đón nhận vào xã hội. Kế đó, nếu con đọc Phúc Âm, con sẽ thấy Chúa Giêsu quan tâm rất nhiều đối với những người sống bên lề: những người bị bệnh phong cùi, các bà góa, các trẻ em mồ côi, những người mù… những người sống bên lề. Và cả những người phạm tội… điều này làm cho cha được an ủi!
Đúng, vì Chúa không hãi sợ tội lỗi! Khi Chúa gặp một người ăn cắp như ông Giakêu, một người phản bội xứ mình vì tiền như thánh Matêô, Ngài không hãi sợ! Ngài nhìn họ và Ngài chọn họ. Và đó là cũng là một hình thức nghèo khó: nghèo khó của tội. Đối với cha, trọng tâm Tin Mừng là người nghèo. Cách đây hai tháng, cha nghe có người nói: «Giáo hoàng này là người cộng sản» khi họ thấy cha quan tâm đến người nghèo. Không! Đó là cờ hiệu của Phúc Âm, không phải của chủ nghĩa cộng sản: của Phúc Âm! Nhưng nghèo đói không phải là một ý thức hệ… Và chính vì điều này mà cha tin người nghèo là ở trọng tâm lời loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chỉ cần đọc Phúc Âm là thấy rõ. Vấn đề đi theo đó, là thái độ đối với người nghèo mà đôi khi trong lịch sử lại bị ý thức hệ hóa. Không, không phải như vậy: ý thức hệ lại là một chuyện khác. Cũng giống vậy trong Phúc Âm, đơn giản, rất đơn giản. Chúng ta cũng thấy điều này trong Cựu ước. Và chính vì vậy mà lúc nào cha cũng để người nghèo ở trọng tâm đời sống của cha, luôn luôn.
*(Một thanh nữ) – Con, con không tin vào Chúa, nhưng con cảm nghiệm những hành vi, những ý tưởng của Ngài. Có thể cha có một sứ điệp nào cho tất cả chúng con, cho những người trẻ có đạo, những người không còn tin hay tin vào một tín ngưỡng khác hoặc tin theo một cách khác không?*
Theo cha, phải đi tìm, theo cách mà người ta nói, phải xác thực. Và đối với cha, tính xác thực là: tôi nói với anh em. Chúng ta tất cả đều là anh em của nhau. Người tin, người không tin, người theo tín ngưỡng này, người theo tín ngưỡng kia, Do Thái giáo, Hồi giáo… chúng ta tất cả là anh em. Con người ở trọng tâm của lịch sử và như thế, theo cha là rất quan trọng: con người là trung tâm điểm. Trong giây phút này của lịch sử, con người bị loại ra khỏi trung tâm, con người trượt về phía ngoại biên còn trung tâm – ít nhất cho đến bây giờ – là quyền lực và tiền bạc. Còn chúng ta, chúng ta phải làm việc cho con người, nam cũng như nữ, những con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Tại sao lại là người trẻ? Bởi vì người trẻ  – cha lặp lại câu cha nói ở trên – là hạt giống sẽ sinh hoa kết trái suốt trên đường dài.
Nhưng cũng liên hệ với những gì cha vừa nói: trong thế giới này, khi trọng tâm của thế giới là tiền bạc, quyền lực thì người trẻ bị loại ra ngoài. Trẻ con cũng bị loại ra – chúng ta không muốn có trẻ con, chúng ta chỉ muốn có ít, gia đình thu nhỏ lại: người ta không muốn trẻ con. Người già cũng bị loại ra: bao nhiêu là người già âm thầm chết theo cách trợ tử ấn giấu, vì họ không được săn sóc và họ chết. Và bây giờ, người trẻ cũng bị loại ra. Chẳng hạn, các con nghĩ xem, ở Ý, nơi những người dưới 25 tuổi tỷ lệ thất nghiệp là 50%; ở Tây Ban Nhà là 60% và ở Andalousie, miền Nam Tây Ban Nha là 70%… Cha không biết con số này ở Bỉ…
*Ít hơn: từ 5 đến 10%…*
Không nhiều. Không nhiều, tạ ơn Chúa. Nhưng các con hãy nghĩ đến một thế hệ trẻ không có việc làm! Các con sẽ nói với cha: «Nhưng họ không đói vì xã hội cung cấp cho họ cái gì để ăn». Đúng, nhưng chưa đủ, vì họ không có được cảm nhận mình là người đem cơm gạo về cho gia đình. Và đó là thời gian của «đam mê của những người trẻ». Chúng ta ở trong văn hóa kiểu vứt đi: vứt cái gì không hữu ích cho sự toàn cầu hóa này. Những người lớn tuổi, trẻ em, những người trẻ. Làm như thế là vứt luôn tương lai của một dân tộc, vì tương lai của một dân tộc là ở nơi trẻ em, người trẻ và người già. Trẻ con và người trẻ vì họ sẽ làm cho lịch sử đi tới, người già là những người cho chúng ta ký ức của một dân tộc, cho chúng ta biết con đường của dân tộc đã đi như thế nào. Và nếu chúng ta loại họ ra ngoài, chúng ta sẽ có một nhóm người không có sức mạnh vì họ sẽ không có nhiều người trẻ, nhiều trẻ con và không có ký ức. Và điều này rất trầm trọng! Vì thế cha nghĩ, chúng ta cần phải giúp người trẻ để họ có thể đóng một vai trò trong xã hội, một vai trò cần thiết trong giai đoạn lịch sử này.
*Nhưng cha có một sứ điệp đặc biệt, rất cụ thể cho chúng con để chúng con có thể khởi hứng cho người khác như cha đã làm? Với những người không tin chẳng hạn?*
Có một chữ dùng rất quan trọng: «cụ thể». Đó là một chữ cực kỳ quan trọng, bởi vì con tiến tới trong tinh thần cụ thể của cuộc sống. Và thường thường qua các hành động liên hệ với hoàn cảnh, phải làm cái này, cái kia… nhưng cũng qua các chiến lược. Cha sẽ nói một vài chuyện. Đối với công việc của cha ở Buenos Aires, cha đã nói chuyện rất nhiều với các chính trị gia trẻ, họ đến gặp cha. Và cha bằng lòng vì dù họ thuộc cánh tả hay cánh hữu, họ cũng nói lên cho người khác nghe cùng một điệu nhạc, một phong cách mới của chính trị. Và điều này cho cha hy vọng. Cha tin vào tuổi trẻ, lúc này, họ phải lên đường và tiến bước. Họ phải dũng cảm. Và cha hy vọng. Cha không biết nếu cha đã trả lời: phải cụ thể trong các hành động của chúng ta.
*(Một thanh niên) – Khi con đọc báo, khi con nhìn chung quanh con, con tự hỏi không biết giống loài nhân loại có thật sự có khả năng chăm lo cho thế giới này và cho giống loài của chính mình không. Cha có chia sẻ các hoài nghi này của con không?*
*(Nữ thông dịch viên) – Như cha nói, chúng ta vứt bỏ, chúng ta loại ra. Có khi nào cha cảm nhận nỗi hoài nghi này, hoài nghi và tự hỏi: Ôi Chúa ơi, Chúa ở đâu trong những chuyện này?*
Về vấn đề này, cha tự đặt cho mình hai câu hỏi: Chúa ở đâu và con người ở đâu? Trong Thánh Kinh đây là câu hỏi đầu tiên Chúa đặt ra cho loài người: «Adong, ngươi ở đâu?». Đó là câu hỏi đầu tiên đặt ra cho con người. Và cha cũng vậy, bây giờ cha tự hỏi: «Bạn, bạn là con người của thế kỷ XXI, bây giờ bạn ở đâu?». Khi đặt câu hỏi này, cha nghĩ đến câu hỏi khác: «Chúa, Chúa ở đâu?». Khi con người tìm thấy chính mình thì nó đi tìm Chúa. Có thể nó không thành công để tìm ra Chúa, nhưng nó đi tới trên con đường chính trực, khi đi tìm sự thật trên con đường của của lòng tốt và con đường của cái đẹp… nó đi trên con đường đúng và chắc chắn nó sẽ tìm ra Chúa! Sớm hay muộn, nó sẽ tìm ra. Nhưng con đường sẽ dài và có một số người trong suốt cuộc đời mình, họ không tìm ra. Một cách có ý thức thì họ không tìm ra. Nhưng họ rất thật và thẳng thắn với chính mình, họ rất tốt, họ rất yêu cái đẹp, cuối cùng là họ có một nhân cách chính chắn, họ có thể gặp được Chúa, và điều này luôn luôn là một ân huệ. Vì gặp Chúa là một ơn. Chúng ta, chúng ta có thể vạch một con đường… Một vài người gặp Chúa nơi những người khác… Đó là con đường phải đi… Mỗi người phải tự mình gặp Chúa. Người ta không gặp Chúa vì nghe phong phanh, người ta cũng không trả tiền để được gặp Chúa. Đó là con đường riêng của mỗi người, chúng ta phải gặp Chúa trên con đường này. Cha không biết là cha đã trả lời đúng cho con…
*Chúng ta tất cả đều là con người và chúng ta đều phạm lỗi lầm. Các lỗi lầm của cha đã dạy cho cha những gì?*
Cha đã phạm nhiều lỗi lầm. Cha đã phạm nhiều lỗi lầm… Trong Thánh Kinh, trong sách Khôn ngoan có nói, người công chính nhất trong loài người thì họ cũng phạm bảy lỗi một ngày!… Điều này muốn nói tất cả chúng ta đều phạm lỗi lầm… Người ta nói con người là sinh vật duy nhất té hai lần cùng một nơi, vì người ta không học ngay lập tức từ các lỗi lầm của mình. Người ta có thể nói: «Tôi không lầm» nhưng nó chẳng giải quyết gì được hết; nó chỉ làm cho mình trở nên huênh hoang, tự đủ, kiêu ngạo… Cha nghĩ các lỗi lầm, kể cả những lỗi lầm trong cuộc sống của cha, là những vị thầy cao cả của đời sống. Những vị thầy vĩ đại: dạy cho mình rất nhiều chuyện. Những lỗi lầm làm cho mình bị nhục vì mình không thể tự cho mình là siêu nhân, là «siêu phụ nữ»… và rồi con bị lầm, con bị nhục và con phải xem lại chỗ đứng của mình. Cha sẽ không nói là cha đã học được từ tất cả lỗi lầm của mình, không, cha nghĩ cha đã không học từ vài lỗi lầm vì cha quá cứng đầu, không phải dễ để học. Nhưng cha đã học rất nhiều từ lỗi lầm của cha và nó làm cho cha nên tốt, làm cho cha nên tốt. Và cũng rất quan trọng là phải nhận biết lỗi lầm của mình. Cha lầm ở đây, cha lầm ở kia… Và cũng phải chú ý để không rơi vào cùng lỗi lầm, cùng cái hố… Đó là một chuyện tốt, đối thoại với các lỗi lầm của mình, vì nó dạy cho mình; và điều quan trọng là nó giúp mình trở nên càng ngày càng khiêm tốn hơn, và đức tính khiêm tốn làm cho mình trở nên tốt hơn, tốt hơn cho nhiều người, cho chúng ta, điều này làm cho chúng ta tốt hơn rất nhiều. Cha không biết đây có phải là câu trả lời…
*(Nữ thông dịch viên) – Cha có thể cho một ví dụ cụ thể về cách cha đã học từ những lỗi lầm của cha? Cô (cô thiếu nữ đặt câu hỏi) không dám đặt câu hỏi…*
Không… cha sẽ nói cho con biết, cha đã viết trong một quyển sách, đã xuất bản. Ví dụ, trong đường hướng của đời sống Giáo hội. Cha được phong làm bề trên rất trẻ, cha đã phạm rất nhiều lỗi lầm vì độc đoán, chẳng hạn. Cha rất độc tài, lúc đó cha 36 tuổi… Rồi cha học phải đối thoại, phải lắng nghe những gì người khác nghĩ… Nhưng người ta không học một lần mà xong, không. Con đường còn dài. Đó là một ví dụ cụ thể. Và cha biết là cách cư xử của cha có một ít độc tài ở cương vị bề trên dòng, tìm một con đường để chứng minh mình không vậy hoặc để tỏ ra mình hơn vậy… nhưng cha lại lầm nữa! Cô bằng lòng câu trả lời này không?… Cô còn dám hỏi câu nào khác không?
*(Một thiếu nữ) Con thấy Chúa nơi những người khác. Còn cha, cha thấy Chúa ở đâu?*
Cha tìm – cha tìm! – để gặp Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  Cha tìm… Cha tìm trong các bài đọc của Thánh Kinh, cha tìm khi cử hành các phép Bí tích, trong lời cầu nguyện và cha cũng tìm trong công việc của cha, nơi người khác, nơi những con người khác nhau… Nhất là cha tìm Chúa nơi những người đau bệnh: họ làm cho cha trở nên tốt vì khi gặp họ, cha tự hỏi vì sao họ bệnh mà không phải mình? Cha tìm Chúa nơi những người bị giam giữ: tại sao họ bị giam giữ mà không phải mình? Và cha nói với Chúa: «Chúa luôn luôn làm những chuyện bất công, tại sao lại họ mà không phải là con?». Và cha tìm Chúa ở đó, nhưng luôn luôn trong đối thoại. Cha cảm thấy dễ chịu khi tìm Chúa trong suốt ngày làm việc của cha. Cha chưa làm được nhưng cha cố gắng làm, luôn luôn đối thoại. Cha chưa thật sự làm được, các thánh làm rất tốt, cha, cha chưa làm được.. Nhưng đó là con đường.
*(Cô thiếu nữ) – Vì con không tin ở Chúa nên con không tài nào hiểu cha cầu nguyện như thế nào và vì sao cha cầu nguyện. Cha có thể giải thích cho con biết trong cương vị giáo hoàng, cha cầu nguyện như thế nào và tại sao cha cầu nguyện? Cha giải thích cho con cụ thể nhất có thể…*
Cha cầu nguyện như thế nào… Thường thường, cha cầm quyển Thánh Kinh, cha đọc một chút, rồi cha để xuống, cha để Chúa Giêsu nhìn mình: đó là cách biểu lộ cầu nguyện thường xuyên nhất của cha. Cha để Chúa nhìn mình. Cha cảm nhận – không phải là kiểu cảm nhận tình cảm – cha cảm nhận sâu đậm những gì Chúa muốn nói với cha. Đôi khi Ngài không nói… không nói gì, trống không, trống không, trống không… nhưng cha vẫn kiên nhẫn, cha ngồi đó, cha ngồi vì nếu quỳ thì cha bị đau đầu gối, và thỉnh thoảng cha ngủ gục… Đó cũng là một cách cầu nguyện, như đứa bé ở với Cha mình, quan trọng là: với người Cha, cha cảm thấy mình là con của cha mình. Và tại sao cha cầu nguyện? «Tại sao»… lý do? Hay cha cầu nguyện cho ai?
*Cả hai…*
Cha cầu nguyện vì cha cần cầu nguyện. Điều này, cha cảm nhận như vậy, nó thúc đẩy cha, giống như Chúa gọi cha đến để cho Chúa nói chuyện. Đó là cha trả lời cho câu hỏi đầu. Còn cha cầu nguyện cho ai, khi cha thấy hoàn cảnh của ai làm cha xúc động, vì họ đau, vì họ có vấn đề hay có những vấn đề như chiến tranh… chẳng hạn. Hôm nay, cha gặp các tu sĩ ở Syria, họ cho cha xem hình… và chắc chắn chiều nay cha sẽ cầu nguyện, cha cầu nguyện cho chuyện này, cho những người này… Họ cho cha xem hình những người chết đói, xương của họ như vậy… vào lúc này, việc này cha không hiểu được, khi mình có đủ khả năng để cung cấp thức ăn cho mọi người thì có người lại chết đói, đối với cha thật khủng khiếp! Và cha phải cầu nguyện cho việc này, chính xác là cho những người này.
*Con có những nỗi sợ. Còn cha, cha sợ cái gì?*
Cha sợ chính cha! Sợ… nhưng con xem, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hay lặp đi lặp lại: ‘Các con đừng sợ! Các con đừng sợ!’… Vì sao Ngài hay nói như vậy? Và tại sao? Vì Ngài biết sợ là một cái gì, cha cho là, ‘bình thường’. Chúng ta tất cả đều sợ cuộc sống, sợ khi đứng trước thách đố, sợ khi đứng trước mặt Chúa. Chúng ta tất cả đều sợ, tất cả. Như thế con đừng quan tâm vì sao mình sợ. Nhưng con phải cảm nhận điều này và không sợ và sau đó con tự nhủ: ‘Tại sao tôi lại sợ?’. Và đối diện với Chúa, đối diện với mình, tìm cách để làm sáng tỏ tình huống và xin người khác giúp đỡ. Nhưng nỗi sợ không phải là chuyên gia cố vấn tốt cho mình vì nó khuyên con sai. Nó đẩy con đi trên một con đường không tốt. Vì thế Chúa Giêsu thường hay nói: «Các con đừng sợ! Các con đừng sợ!». Và rồi chúng ta phải hiểu chính mình, tất cả: phải tự biết mình và tìm ở điểm nào mình thường hay bị sai lầm nhiều nhất, và phải sợ điểm đó. Vì có một nỗi sợ tốt và một nỗi sợ xấu. Nỗi sợ tốt là thận trọng. Đây là thái độ thận trọng: «Mình yếu ở điểm này, mình yếu ở điểm kia, phải cẩn thận đừng để bị sa ngã». Nỗi sợ xấu là nỗi sợ mà con nói, nó hủy diệt con dần dần. Nó hủy diệt con, ngăn không cho con hành động: nỗi sợ đó là nỗi sợ xấu, phải đuổi nó đi.
*(Nữ thông dịch viên) – Cô (thiếu nữ đó) đặt câu hỏi vì không phải dễ ở nước Bỉ, chẳng hạn đôi khi mình nói về đức tin của mình: và cô cũng gặp trường hợp như thế, vì có rất nhiều người không tin và cô đã nói: «Con muốn đặt câu hỏi này vì con muốn có sức mạnh để làm chứng»…*
Vậy hả. Bây giờ cha hiểu nguồn gốc của câu hỏi. Làm chứng trong sự giản dị nhất. Vì nếu con giương cao đức tin như một ngọn cờ, như đi thánh chiến, con quá nhiệt tình lôi kéo thì sẽ không được việc. Cách tốt nhất là làm chứng trong tinh thần khiêm tốn: «Tôi như vậy» với tấm lòng khiêm tốn, không ở trong tư thế người thắng trận. Đó là một trong các tội của chúng ta, một cách cư xử không tốt, kiểu huênh hoang thắng trận. Chúa Giêsu không phải là người thắng trận, và lịch sử dạy cho chúng ta đừng trở nên người thắng trận vì những nhà thắng trận lớn là những người thua trận. Làm chứng: là một chìa khóa, là gọi hỏi. Với tấm lòng khiêm tốn tôi cho bạn, không cuồng tín lôi kéo. Tôi trao tặng bạn. chỉ như thế. Đừng sợ cũng đừng đi thánh chiến!
*(Nữ thông dịch viên) – Còn một câu hỏi cuối cùng…*
Câu hỏi cuối cùng? Câu hỏi cuối cùng lúc nào cũng là câu hỏi khủng khiếp nhất, câu hỏi cuối cùng…
*Câu hỏi cuối cùng của chúng con: Cha có câu hỏi hỏi nào để hỏi chúng con không?*
Câu hỏi cha muốn đặt cho các con thì không đặc biệt gì. Cha lấy câu này trong Phúc Âm. Nhưng cha tin, sau khi các con nghe, thì có thể đây là câu hỏi tốt cho các con lúc này. Kho tàng của các con ở đâu? Đó là câu hỏi của cha. Tâm hồn của con nghỉ an ở đâu? Vì của cải của con ở đâu thì tâm hồn con sẽ ở đó… Tâm hồn gắn chặt vào của cải, vào của cải mà chúng ta ai cũng có: quyền lực, tiền bạc, kiêu ngạo, tất cả những sự này… hay lòng tốt, cái đẹp, ước muốn làm chuyện tốt… Ở đó có rất nhiều kho tàng… Đâu là kho tàng của con? Đó là câu hỏi cha đặt cho các con nhưng các con phải tự trả lời cho chính mình, một mình, ở nhà các con…
*Các em sẽ trả lời cho cha trong một lá thư…*
Các con đưa cho giám mục… Cám ơn! Cám ơn tất cả các con, cám ơn! Và các con cầu nguyện cho cha!
Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét