Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định niềm hy vọng
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2021-10-19
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo 24 tháng 10 sắp tới, Đức Phanxicô xin chúng ta: “Anh chị em hãy là những môn đệ truyền giáo”. Theo ngài, việc truyền bá phúc âm đi qua năm đặc điểm của trái tim: lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ, cuộc gặp gỡ và niềm vui. Trong tuần lễ truyền giáo, trang Aleteia đưa ra những bài xét mình ngắn theo Đức Phanxicô để lượng định lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn.
Niềm hy vọng (2/5)
Theo Đức Phanxicô, sau lòng trắc ẩn, dấu ấn thứ hai của một môn đệ truyền giáo là niềm hy vọng. Trở thành nhà truyền giáo của hy vọng là biết không ai có thể tự mình cứu mình. Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền giáo, Đức Phanxicô xin: “Trong bối cảnh hiện nay có một nhu cầu cấp thiết cho các nhà truyền giáo, đó là hy vọng, hy vọng của những người được Chúa xức dầu thánh, có khả năng hiểu, không ai có thể tự mình cứu mình”. Đúng vậy, với người tín hữu kitô, sự cứu rỗi đến từ Chúa. Ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong lần ban phép lành Urbi et Orbi, Đức Phanxicô tuyên bố: “Khởi đầu của đức tin là biết chúng ta cần sự cứu rỗi, chúng ta không thể tự đủ; một mình, chúng ta đắm tàu: chúng ta cần Chúa, giống như các nhà hàng hải cổ đại cần các ngôi sao. Chúng ta mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời chúng ta. Chúng ta phó cho ngài những sợ hãi của mình để Ngài chiến thắng chúng. Giống như các môn đệ, chúng ta sẽ không đắm tàu khi có Ngài trên thuyền. Vì đó là sức mạnh của Chúa: hướng đến điều tốt cho tất cả những gì xảy ra với chúng ta, ngay cả những điều đáng buồn. Ngài mang bình an đến trong bão tố, vì với Chúa sự sống không bao giờ tàn lụi.”
Người tông đồ truyền giáo phải làm cho thế giới biết Chúa Kitô, Đấng cứu rỗi và làm dịu bão tố. Giám mục Georges Colomb, giáo phận La Rochelle và Saintes, và là giám đốc quốc gia Hội Giáo hoàng Truyền giáo Pháp nói: “Chúng ta nợ lời loan báo Chúa Kitô cho anh em chúng ta. Nếu chúng ta đã nhận đức tin, tha thứ và hy vọng một cách nhưng không, thì làm sao đến lượt chúng ta, chúng ta lại không truyền đi đức tin, tha thứ và hy vọng này? Đức Phanxicô nói: “Hy vọng đến từ Chúa và đặt vào tâm hồn chúng ta xác tín, Thiên Chúa biết cách biến đổi mọi thứ thành tốt đẹp, bởi vì ngay cả từ ngôi mộ, Người cũng mang lại sự sống.”
Tôi có mời Chúa Giêsu lên thuyền với tôi không?
Tôi có tin chắc Chúa sẽ rút điều lành ra khỏi mọi điều ác không?
Kinh thánh chứa đầy hy vọng. Trong buổi tiếp kiến chung tháng 12 năm 2018, Đức Phanxicô nhắc đến gương của ông Áp-ra-ham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4: 18). Thay vì cầu xin để được có người con như Chúa hứa mà chưa có. Ông Áp-ra-ham “hướng về Chúa để tiếp tục hy vọng”. Thật lạ lùng, Đức Phanxicô nhận xét, ông Áp-ra-ham không xin có con trai, ông xin: “Xin giúp con tiếp tục hy vọng, lời cầu nguyện của hy vọng… Không có gì đẹp hơn. Hy vọng không thất vọng”. Hy vọng là “món quà từ Chúa, chúng ta phải cầu xin nó. Một mình, chúng ta sẽ không đến được với hy vọng”, Đức Phanxicô nói trong quyển sách Thói xấu và Đức hạnh của ngài.
Giống như ông Áp-ra-ham, tôi có hy vọng ngoài mọi hy vọng không?
Thay vì tuyệt vọng, ủ rũ, tôi có nghĩ đến để xin Chúa giúp tôi tiếp tục hy vọng không?
Ngược với hy vọng là tuyệt vọng. Trong quyển sách trên, Đức Phanxicô viết: “Tuyệt vọng giết chết mọi thứ, mọi thứ… Tuyệt vọng là tự sát. Người tuyệt vọng đi xa đến mức họ đặt vấn đề về Chúa”. Tuyệt vọng có thể ở dưới nhiều hình thức, kể cả nhu cầu vật chất và cam chịu. Hy vọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và đó là điều cứu sống chúng ta. “Đó là món quà để tiến về phía trước, để nhìn, để làm cho mọi thứ sinh lợi, để hành động, để bao dung và để biết đau khổ”.
Làm thế nào để hy vọng đưa tôi về phía trước?
Hy vọng mang lại ý nghĩa nào cho đời sống của tôi?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2021/10/25/cac-cau-hoi-cua-duc-phanxico-de-luong-dinh-niem-hy-vong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét