Kathleen Sweeney chuyên biệt hơn, tự hỏi có chăng một linh đạo phụ nữ nơi Edith Stein (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/feminism/is-there-a-specifically-feminine-spirituality-an-exploration-of-edith-steins-thesis.html). Tác giả cho rằng trong những năm đại học của mình, Edith Stein có quan điểm duy nữ mạnh mẽ về nữ tính và trong tư cách một phụ nữ chuyên nghiệp, ngài đánh giá cao các thành tựu của những phụ nữ muốn bước vào các lĩnh vực do nam giới thống trị.



Khi bà trở lại Công Giáo vào năm 1922 sau khi nghiên cứu về Thánh Teresa thành Avila, quan điểm của ngài về phụ nữ càng sâu sắc hơn, trở thành một viễn kiến tâm linh về con đường đặc thù của người phụ nữ Kitô giáo.

Là một nhà triết học, Edith Stein đã tiếp cận câu hỏi có chăng một phương thức chuyên biệt nữ tính để phát biểu bản chất con người, như một “tâm hồn” [psyche] nữ tính chẳng hạn. ngài đặt vấn đề về việc liệu hữu thể phụ nữ có được quyết định chủ yếu bởi sinh học của họ hay không. Theo ý niệm của Aristốt và Thánh Tôma trong đó linh hồn là mô thức của thân xác, ngài kết luận rằng phải có một nguyên tắc nữ tính trong linh hồn để xác định một cơ thể là nữ tính. "Chất thể phục vụ mô thức, không phải ngược lại. Điều đó gợi ý rõ ràng rằng sự khác biệt trong tâm hồn là điều chính yếu".

Đây là một nhận thức thông suốt cực kỳ quan trọng dưới ánh sáng lập trường duy nữ cực đoan cho rằng đối với Giáo hội, "sinh học là định mệnh". Việc không hiểu được vai trò ưu việt của tinh thần trong cuộc sống của người phụ nữ, và tính thống nhất giữa thể xác và tinh thần trong con người nhân bản, là nguyên nhân dẫn đến nhiều điều sai lầm trong xã hội đương thời. Cái hiểu của Stein rằng nữ tính bắt nguồn từ linh hồn ngụ ý rằng có những khía cạnh nội tại và vĩnh viễn đối với phái tính [gender] không được xây dựng hoặc thay đổi đáng kể bởi các nhân tố môi trường, văn hóa hoặc kinh tế.

Trong phân tích triết học của Stein, phụ nữ tham gia vào bản chất chung của con người. Thứ hai, bản chất này được dị biệt hóa là nam hay nữ. Và thứ ba, mỗi con người nhân bản hiện hữu như một cá nhân độc đáo. Việc nói về ba phân biệt này rất hữu ích trong việc hiểu được tính phức tạp của nam tính và nữ tính, vì mỗi người phát biểu các dị biệt này trong tính độc đáo của hữu thể bản vị cá nhân của họ. Đàn ông và đàn bà chia sẻ bình đẳng mọi khả năng của bản chất con người, và đàn bà phát biểu cả nhân tính lẫn nữ tính của họ một cách cá thể. Tuy nhiên, Stein cho rằng cá tính của mỗi người, cũng như sự khác biệt giới tính, đều bắt nguồn từ linh hồn, ngược với Thánh Tôma, người coi cả cá tính lẫn sự khác biệt giới tính đều phát xuất từ chất thể.

Stein không đơn độc khi nói về một linh hồn nữ tính. Thí dụ, theo nghiên cứu của Sơ Prudence Allen, Khái niệm về Người Phụ nữ, Thánh Mechtild thành Hackeborn thời Trung cổ "tri nhận mình như linh hồn nữ tính".

Stein rút ra được nhiều chìa khóa quan trọng khác về vấn đề này từ Sách Sáng thế. Ở đó, ngài nhận thấy Thiên Chúa đã tạo ra hai cách khác nhau để trở thành nhân bản, nam và nữ, và mỗi cách được kêu gọi trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, sinh hoa kết quả và thống trị trái đất. Khi người phụ nữ được tạo ra từ xương sườn của Ađam, câu nói hớn hở của ông rằng nàng là "xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi" truyền đạt tới chúng ta điều này: người phụ nữ có cùng bản chất với người đàn ông. Việc mô tả người phụ nữ như một "người trợ thủ tương xứng với họ" (eser kenegdo) chỉ ra rằng bên trong sự tương đồng cũng có một điều gì đó bổ sung cho người đàn ông mà chính ông không có trong bản thân mình. Sự khác biệt này trong cùng một bản chất mang lại niềm vui khoái và sự giúp đỡ cho người đàn ông. Thiên Chúa đã nói với Ađam rằng việc ông ở một mình là điều không tốt, ông được kêu gọi sống trong một cộng đồng yêu thương với một người khác, người sẽ mang đến cho ông một điều gì đó ông rất cần.

"Điều này có nghĩa chúng ta phải coi cuộc sống của cặp đôi con người nguyên thủy là cộng đồng tình yêu thân mật nhất, các cơ năng của họ hòa hợp hoàn hảo như trong một hữu thể đơn nhất; cũng thế, trước cuộc Sa Ngã, mọi cơ năng trong mỗi cá nhân đều hài hòa hoàn hảo, các giác quan và tinh thần hiện hữu trong mối quan hệ đúng đắn không hề có khả thể xảy ra xung đột" (Essays on Woman, 62)

Sau này, Đức Gioan-Phaolô II đã khai triển phân tích này một cách chi tiết hơn (trong các buổi yết kiến thứ Tư hàng tuần của các năm 1979-1981). Ngài nói tới ba bình diện của nhận thức: 1) con người biết mình như một hữu thể nhân bản khác biệt với các loài động vật; 2) người nam biết người nữ như một hữu thể nhân bản giống như mình nhưng khác với mình, một cách nào đó khiến lôi kéo họ vào một hiệp thông tình yêu để bộc lộ hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn; và 3) người đàn ông tiến tới chỗ biết người đàn bà trong "mầu nhiệm nữ tính... được biểu lộ và tiết lộ hoàn toàn qua tư cách làm mẹ" và nhờ cách này "mầu nhiệm nam tính của đàn ông, nghĩa là, ý nghĩa sinh sản và làm cha của thân xác họ, cũng được tiết lộ một cách triệt để". Điều đáng lưu ý là Đức Cố Giáo Hoàng không những nhấn mạnh đến tính hợp nhất của thể xác và linh hồn, mà còn định vị sự phân biệt phái tính trong bối cảnh nhận thức; nghĩa là, trong tinh thần, chứ không trong chất thể. Điều này không có nghĩa là cho rằng nguồn gốc của sự khác biệt giới tính nằm ở linh hồn, nhưng nó chỉ theo hướng đó.

Stein được đào tạo về phân tích hiện tượng luận. Trường phái triết học này tập chú vào kinh nghiệm sống như nguồn để hiểu thực tại. Trong suốt mười năm dạy học cho phụ nữ trẻ ở trường trung học, ngài đã tích lũy được nhiều kiến thức đầu tay về thói quen, suy nghĩ và mong muốn của những học sinh nữ được giao phó cho ngài. Những quan sát và suy gẫm cẩn trọng của ngài về phụ nữ và kinh nghiệm của họ đã khiến ngài mô tả một số đặc điểm mà ngài nghĩ là đặc biệt hiển nhiên nơi phụ nữ (mặc dù không hoàn toàn như vậy). "Khi tiếp xúc với mọi người nói chung và với học sinh của mình nói riêng, Edith Stein sở hữu một khả năng trực giác khác thường giúp ngài có thể tìm thấy đường đi vào những tầng sâu thẳm của một linh hồn chưa biết" (Essays on Woman, 4).

Dưới đây là một số phẩm chất tích cực mà ngài nhận thấy đặc biệt mạnh mẽ nơi phụ nữ:

• "Người phụ nữ tự nhiên tìm cách nắm lấy những gì sống động, có bản vị và toàn bộ" (Essays on Woman, 45). Họ có một sự hiểu biết trực giác về toàn bộ hữu thể và sự phát triển hữu cơ, và sức mạnh trong tri nhận đời sống xúc cảm và bản thân. Stein cũng tin rằng "Linh hồn người phụ nữ hiện diện mãnh liệt hơn và sống trong mọi bộ phận của cơ thể..." (Essays on Woman, 95). Vì vậy, người phụ nữ có một tri nhận toàn diện hơn về những điều tốt đẹp.

• "Nâng niu, canh giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển là niềm khao khát tự nhiên, có tính mẫu thân của họ" (Essays on Woman, 95). Xu hướng mẫu thân không những được điều hướng về các mối quan hệ gia đình, mà còn hướng về việc chăm sóc những người trẻ bị bệnh, bị bỏ rơi, những người nghèo trong giáo xứ, việc giáo dục trẻ em, v.v. Sự tương cảm hay thiện cảm đối với người khác đặc biệt mạnh mẽ nơi phụ nữ. Họ có thiên phú làm bạn đồng hành. Vai trò chi phối hoặc lãnh đạo của họ được bao gồm trong ơn gọi làm mẹ của họ.

• Dù phụ nữ rất có khả năng xem xét lý thuyết và trừu tượng, họ có xu hướng điều hướng những xem xét này vào các ứng dụng thực tế.

• Tính dễ tiếp thu của người phụ nữ khiến họ dễ vâng lời, phục tùng, sẵn sàng được Chúa hướng dẫn. Họ cũng có năng khiếu chịu đựng nỗi đau, thu thập lực lượng của mình trong im lặng, tự thích nghi và quên mình.

• Niềm vui trong sáng tạo, mong muốn tạo ra một môi trường tươi đẹp, có trật tự và hòa bình là đặc trưng của người phụ nữ.

• Sự nhạy cảm đối với các giá trị đạo đức - ghét những gì thấp kém và hèn hạ - đã bảo vệ người phụ nữ chống lại sự quyến rũ và đầu hàng nhục dục. Lời tiên tri của Sáng thế cho thấy người phụ nữ đặc biệt dấn thân vào cuộc chiến chống lại cái ác.

Stein tin rằng tội nguyên tổ đã làm vấy bẩn sự thuần khiết của bản chất người phụ nữ do Thiên Chúa tạo ra, và ngài mô tả một cách khá chi tiết các cơn cám dỗ và lầm lỗi đặc thù mà phụ nữ dễ mắc phải.

Stein không coi những đặc điểm trên là tuyệt đối hay độc hữu. Tuy nhiên, chúng cho thấy, phụ nữ có ơn gọi đặc biệt, khác với nam giới; họ có thể có một đóng góp tích cực và bổ sung cho gia đình nhân loại, cho việc phát triển xã hội, văn hóa và tâm linh. Niềm khao khát sâu sắc nhất của phụ nữ là đạt được một sự kết hợp yêu thương. Đây không những là mong muốn của con người mà là một phần trong số phận và tính cách muôn đời của phụ nữ. Người phụ nữ cũng mong muốn có sự hoàn thiện nơi người khác. Họ tự thách thức và thách thức người khác tập chú nhiều hơn vào việc hoàn thiện con người bản vị bên trong hơn là đạt được các mục tiêu bên ngoài - trái ngược với mong muốn thiết yếu của đàn ông là tự bộc lộ trong hành động và trong việc làm. Stein tin rằng tội nguyên tổ đã làm vấy bẩn sự thuần khiết của bản chất người phụ nữ do Thiên Chúa tạo ra, và ngài mô tả một cách khá chi tiết các cơn cám dỗ và lầm lỗi đặc thù mà phụ nữ dễ mắc phải. Đây là những gì phụ nữ cần giải quyết để phát triển một đời sống thiêng liêng chân chính phù hợp với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho. "Thông thường, cái nhìn về bản thân xem ra bị phóng đại một cách không lành mạnh; trước nhất, xu hướng tập chú cả các hoạt động của mình lẫn của người khác vào con người của chính họ được phát biểu qua trang điểm phù phiếm, muốn được khen ngợi và tâng bốc, và nhu cầu chuyện trò không hạn chế; mặt khác, người ta thấy nó trong việc họ lưu ý quá mức đến người khác qua tính tò mò, ngồi lê đôi mách và nhu cầu vô ý tọc mạch pha mình vào cuộc sống riêng tư của người khác. Quan điểm muốn đạt tới nét toàn bộ của họ dễ dàng dẫn tới việc phung phí các năng lực của họ: sự ác cảm của họ đối với việc ra kỷ luật khách quan cần thiết cho các khả năng cá nhân dẫn đến việc họ bắt bẻ cách phiến diện trong mọi lĩnh vực. Và trong các mối liên hệ của họ với những người khác, người ta thấy nó được phát biểu qua việc hoàn toàn hoà đồng với họ quá mức yêu cầu của chức năng người mẹ: người bạn đầy thiện cảm trở thành kẻ gây phiền phức ngăn cản người khác, không chịu đựng một sự phát triển thầm lặng, kín đáo; và vì điều này, họ không thúc đẩy sự phát triển mà đúng hơn cản trở và làm tê liệt nó. Việc thống trị đã thay thế việc phục vụ vui tươi. Biết bao nhiêu cuộc hôn nhân bất hạnh đã được quy cho sự bất thường này! Biết bao sự ra xa cách giữa người mẹ và những đứa con đang lớn lên và ngay cả những đứa con đã trưởng thành!" (Essays on Woman, 47.)

Nhiều phụ nữ chúng ta có thể nhận ra một điều gì đó của bản thân mình phản ảnh trong bức chân dung trên. Tôi nghĩ quả thật hữu ích khi Edith Stein đã có can đảm chỉ ra những xu hướng trên cho các chị em Kitô hữu của ngài, cho chính họ và cho những phụ nữ trẻ được họ dạy dỗ và hướng dẫn. Không phải chỉ là tinh thần nữ tính thuần túy không phát triển trong chúng ta, do ảnh hưởng của tội nguyên tổ. Mà còn có vấn đề sa đọa trong tính cách nam tính đích thực nữa, cách nó đang thống trị nền văn hóa của chúng ta – quá nhấn mạnh đến tính hung hăng, vụ lợi và kiêu hãnh. Điều này cũng dẫn đến việc mô hình Đức Maria dành cho phụ nữ bị coi thường hoặc bị phản đối một cách công khai.

Trong các ngài phát biểu về giáo dục, Stein cũng chỉ ra những điểm yếu khác mà phụ nữ có thể mắc phải. Niềm vui của một người phụ nữ trước vẻ đẹp của trái đất có thể biến thái thành lòng tham, tích trữ đồ vật hoặc vô tâm mê nhục dục. Một cám dỗ đặc biệt mạnh mẽ ngày nay, nhưng cũng hiển nhiên trong thời đại của Stein, là việc tập chú vào sự nghiệp có thể dẫn đến việc không chung thủy với ơn gọi nữ tính là hôn nhân và làm mẹ, gây nguy hiểm cho cuộc sống gia đình và cộng đồng (Essays on Woman, 74).

Ngoài ra, tinh thần vô trách nhiệm có thể phát xuất từ sự phụ thuộc và lười biếng. Trong đó, có thể có cơn cám dỗ muốn trở thành một đối vật xinh đẹp cho người khác hơn là một người sở hữu bản thân có khả năng đưa ra các quyết định của riêng mình. Chủ nghĩa duy cảm có thể làm suy yếu tính khách quan. Một người phụ nữ cũng có thể rơi vào tình trạng cay đắng, nhẫn tâm hoặc trầm cảm nếu ơn gọi của họ bị phá ngang.

Để chống lại những xu hướng trên và xây dựng dựa trên các phẩm tính tích cực của vai trò phụ nữ, Stein đặt câu hỏi: đâu là sự hoàn thiện được một phụ nữ Kitô giáo tìm kiếm? ngài đầy tri nhận cho rằng: "Đầu tiên hãy trở thành một con người!"

Ngài minh họa nguyên tắc trên qua việc phân tích các nhân vật nữ anh thư trong ba cuốn tiểu thuyết, (Ngôi nhà búp bê của Ibsen, Iphigenie của Goethe, Olaf Audunssohn của Undset), những cuốn tiểu thuyết đã tiết lộ một điều gì đó về các cuộc đấu tranh nội tâm của phụ nữ. Stein nhận định rằng trước khi một người phụ nữ có thể trở thành vợ và mẹ một cách tích cực, trước tiên họ phải trưởng thành trong việc tự chiếm hữu mình (Essays on Woman, 89-94). Dù người phụ nữ khao khát yêu thương và nhận được yêu thương, họ vẫn phải trở nên mạnh mẽ đủ để trở thành một hồng phúc thực sự cho người khác.

Để có một hình ảnh về lý tưởng thuần túy của tư cách phụ nữ trước tội nguyên tổ, Stein trưng dẫn Đức Nữ trinh Maria, nơi ngài, các phẩm tính tích cực của người phụ nữ được thể hiện một cách hoàn hảo nhất. Mẹ Thiên Chúa thể hiện thái độ tâm linh căn bản tương ứng với ơn gọi tự nhiên của người phụ nữ; mối liên hệ của nàng với chồng là một mối liên hệ vâng lời, tín thác và tham dự vào cuộc sống của chàng khi nàng đẩy mạnh các nhiệm vụ khách quan và nhân cách của chàng; đối với đứa con, nàng chăm sóc, khuyến khích và đào tạo các tài năng do Thiên Chúa ban cho đứa con; nàng vị tha hiến mình và im lìm rút lui khi không còn cần đến nữa. Tất cả đều dựa trên quan niệm coi hôn nhân và chức làm mẹ như một ơn gọi từ Thiên Chúa; nó được thực thi vì Thiên Chúa và dưới sự hướng dẫn của Người (Essays on Woman, 48).

Mọi phụ nữ đều được làm cho cao qúy nhờ Đức Maria. "Người phụ nữ vốn là cửa ngõ qua đó Thiên Chúa tìm được lối vào với loài người" (Essays on Woman, 70). Lời “xin vâng” của ngài đã làm khả hữu sự thuận ý tín trung của mọi Kitô hữu. Trong tư cách ấy, và theo yêu cầu của Chúa Kitô, ngài là Mẹ của Giáo hội và là biểu tượng của việc Kitô hữu đáp ứng đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Stein hình dung người phụ nữ Kitô giáo, mô phỏng theo Đức Maria, được gọi bước vào ơn gọi thi hành bốn vai trò: làm con Thiên Chúa, làm cơ quan của Giáo hội, làm biểu tượng của Giáo hội và làm con Đức Maria (Essays on Woman, 241). Một linh đạo nữ tính đích thực được thành hình nhờ việc nghiên cứu và chiêm niệm cẩn thận về Đức Maria. Để chống lại ý niệm coi người phụ nữ giống Đức Maria là thụ động hoặc trống rỗng, Stein đề xuất một phương thuốc tự nhiên, mặc dù là một phương thuốc cần đến sự trợ giúp của ân sủng để đổi mới chúng ta từ bên trong.

"Một phương thuốc tốt tự nhiên chống lại mọi khiếm khuyết điển hình của nữ tính là việc làm khách quan vững chắc. Điều này tự nó đòi hỏi sự kìm nén thái độ có tính bản vị thái quá. Nó đòi phải chấm dứt tính hời hợt không những trong việc làm của chính họ nhưng nói chung. Vì nó đòi hỏi sự phục tùng các luật lệ khách quan, đây là một lối học về sự vâng lời. Nhưng nó không được dẫn đến việc từ bỏ thái độ tốt đẹp và thuần bản vị cũng như không chuyên môn hóa một chiều và nô lệ cho một kỷ luật vốn tiêu biểu cho sự sa đọa của bản chất nam tính. Việc phương thuốc tự nhiên này tức việc làm khách quan cực kỳ đầy đủ ra sao có thể được nhìn thấy trong sự trưởng thành và hài hòa của nhiều phụ nữ từng biểu lộ một sự đào tạo tri thức cao hoặc những người đã được tôi luyện bởi cuộc sống khó khăn trong kỷ luật của việc làm chuyên nghiệp rất căng thẳng" (Essays on Woman, 48). Trong các giảng khóa của mình, Stein nói một cách cụ thể và thiết thực về cuộc sống và các thách thức đối với những phụ nữ đã lập gia đình, độc thân và thánh hiến, cũng như về ơn gọi thiêng liêng đặc thù đối với phụ nữ ở mỗi bậc sống. ngài nói rõ ràng rằng ơn gọi chính của người phụ nữ là sinh sản và nuôi dạy con cái. Đồng thời, ngài nhậy cảm nói về hoàn cảnh của người phụ nữ độc thân, nhấn mạnh đến những nhu cầu và những cám dỗ thiêng liêng của họ; đối với những nhu cầu và cơn cám dỗ này, ngài khuyên hãy ở gần bên Chúa trong Bí tích Thánh Thể và với cộng đoàn Giáo Hội; và tìm một vị linh hướng. Người độc thân không cần phải ở một mình. ngài cũng mô tả một cách tuyệt vời lý tưởng khiết trinh của Tân Ước, và coi đời sống thánh hiến của “người phối ngẫu của Chúa Kitô” như là sự thành toàn cao nhất của bản chất nữ giới. Sự khôn ngoan thực tế của ngài trong những lĩnh vực này rất đáng để đọc chi tiết. Cuối cùng, với tư cách một nhà giáo dục, Stein xem xét cẩn thận vấn đề đào tạo các phụ nữ trẻ. Điều này bao gồm việc đào tạo cả về một bậc sống đặc thù, chẳng hạn như vợ và mẹ, lẫn như thành viên của vương quốc Thiên Chúa.

Là một người mẹ, “nàng sẽ đứng vững trước linh hồn của con cái nàng, bảo vệ đời sống ân sủng đã bắt đầu trong chúng qua phép rửa thánh thiêng” (Essays on Woman, 122).

Nói chung, phụ nữ được kêu gọi có thái độ phục vụ quên mình, coi người khác như những hồng phúc được trao phó cho mình và việc phát triển các bản tính do Thiên Chúa ban cho họ như một nhiệm vụ thánh thiêng. ngài cũng nỗ lực khơi dậy nơi người khác tia sáng của tình yêu đối với Thiên Chúa. Trong mọi ơn gọi, người phụ nữ được mời gọi chăm sóc đầy tình mẹ cho những người khác, phát huy sức mạnh của mình để hiến tặng tình yêu và giúp đỡ họ trong việc trưởng thành của chính họ. Điều này chỉ có thể được duy trì nhờ quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô, lời cầu nguyện và sự trông cậy vào tất cả các nguồn lực của Giáo Hội Công Giáo trong Thánh lễ, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Sám hối, các ân sủng của bí tích hôn phối và việc thánh hiến khiết trinh. Người phụ nữ là "biểu tượng hữu hình của Giáo Hội" (Essays on Woman, 120), với ơn gọi làm tăng trưthực sự ởng con cái Thiên Chúa, sinh hoa kết trái, bất kể về thể xác hay thiêng liêng. Là một người mẹ, “nàng sẽ đứng vững trước linh hồn của con cái nàng, bảo vệ đời sống ân sủng đã bắt đầu trong chúng qua phép rửa thánh thiêng” (Essays on Woman, 122).

Giá trị khảo luận linh đạo của Stein hệ ở tính thực tế cụ thể và cách tiếp cận toàn diện của nó. Đối với ngài, linh đạo không phải là một phần riêng biệt trong cuộc sống của mỗi người, nhưng đúng hơn chính là điều làm nền tảng cho mọi sự. Linh đạo nữ được phát biểu xuyên suốt mọi khía cạnh trong cuộc sống của người phụ nữ. Nhưng mặc dù Stein tin rằng phụ nữ có một linh hồn nữ tính, và mọi phụ nữ đều được gọi để làm mẹ, cũng như tất cả đàn ông đều được gọi là làm cha, nàng vẫn cho phép những khác biệt cá nhân tác động lên cách sống cụ thể. Phản ứng của người phụ nữ trước ơn gọi của Thiên Chúa phải linh động và sáng tạo. Điều này cũng không được làm ta sao lãng Chúa Giêsu Kitô như hình mẫu lý tưởng cho cả đàn bà lẫn đàn ông:

"Được thuộc về và phụng sự Thiên Chúa trong tình yêu phó thác tự do là ơn gọi của mỗi Kitô hữu, không phải của một số ít người được tuyển chọn. Dù được thánh hiến hay không, dù là đàn ông hay đàn bà - mỗi người đều được kêu gọi noi gương Chúa Kitô. Càng tiếp tục tiến xa trên con đường này, họ càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúa Kitô hiện thân lý tưởng hoàn thiện của con người: Nơi Người, các thiên kiến và khiếm khuyết đều bị gỡ bỏ, các nhân đức thuộc nam tính cũng như nữ tính đều được thống nhất và các yếu đuối của họ đều được cứu chuộc; cho nên, các kẻ theo Người sẽ từ từ vượt thắng các giới hạn tự nhiên của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nơi những người đàn ông thánh thiện sự dịu dàng và nhân lành của một người phụ nữ và một sự quan tâm có tính mẫu tử thực sự đối với những linh hồn được giao phó cho họ, trong khi nơi những người phụ nữ thánh thiện có sự mạnh dạn, thành thạo và cương quyết của đàn ông" (Essays on Woman, 84).

Tuy nhiên, ngài cảnh cáo rằng kết quả trên không đạt được nhờ "một cuộc chiến đấu võ đoán chống lại tự nhiên và bằng cách phủ nhận các giới hạn tự nhiên, mà chỉ nhờ lòng khiêm tốn phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa" (Essays on Woman, 85).

Stein coi đàn ông và đàn bà như những đóng góp bổ sung tạo nên tình hòa hợp của cả cộng đồng Kitô giáo. Đức Gioan Phaolô II đã khai triển khái niệm về sự hợp nhất kép: chính sự hiện hữu của những khác biệt thực sự làm cho sự hợp nhất khả hữu. Các phân biệt nam nữ làm cho sự hợp nhất khả hữu. Khi nam tính và nữ tính được sống trong sự thuần khiết nguyên thủy của chúng, chúng trở thành một hồng phúc cho nhau, tạo thành một nền văn minh của tình yêu không dựa trên sự giống nhau mà dựa trên sự tôn trọng khác biệt.

Sự kiện những người trưởng thành về mặt tâm linh có thể kết hợp cả các phẩm tính nam tính và nữ tính, thiển nghĩ, không phủ nhận luận điểm của Edith Stein về một linh hồn nữ tính và nền linh đạo. Theo phân tích của Nữ tu Prudence Allen, phụ nữ sẽ phát biểu các phẩm tính được coi là của đàn ông theo lối đàn bà, và đàn ông sẽ phát biểu các phẩm tính được coi là của đàn bà theo lối đàn ông. Điều này không làm thay đổi thực tại linh hồn của họ vốn là nam hay nữ trong cơ cấu. Tuy nhiên, luận điểm này cần phải được nghiên cứu và suy tư nhiều hơn.