Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định mong muốn có được tình huynh đệ
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2021-10-20
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo 24 tháng 10 sắp tới, Đức Phanxicô xin chúng ta: “Anh chị em hãy là những môn đệ truyền giáo”. Theo ngài, việc truyền bá phúc âm đi qua năm đặc điểm của trái tim: lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ, cuộc gặp gỡ và niềm vui. Trong tuần lễ truyền giáo, trang Aleteia đưa ra những bài xét mình ngắn theo Đức Phanxicô để lượng định lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn.
Tình huynh đệ (3/5)
Theo Đức Phanxicô, sau lòng trắc ẩn và hy vọng, dấu ấn thứ ba của người môn đệ truyền giáo là cách chúng ta đối xử với người anh em của mình. Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền giáo năm 2021, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta: “Sống sứ mệnh là dấn thân phát triển cảm xúc của chính Chúa Giêsu Kitô và cùng với Ngài tin rằng người bên cạnh tôi cũng là anh chị em với tôi”. Mỗi tín hữu kitô được kêu gọi tham gia vào sứ mệnh của tình huynh đệ, vì “điều quan trọng là hàng ngày chúng ta phải phát triển để mở rộng vòng kết nối, tiếp cận với những người mà chúng ta không tự dưng cảm thấy họ là một phần trong trọng tâm cuộc sống chúng ta.”
Nếu có một giáo hoàng mà ý niệm về tình anh em là nền tảng, thì đó là Đức Phanxicô. Ngài đã viết thông điệp thứ ba về tình huynh đệ, Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, trong đó giống như Thánh Phanxicô Assisi, ngài đưa ra một lối sống theo Tin Mừng. Một lối sống áp dụng cho mọi thành phần trong xã hội (cá nhân, chính trị và tôn giáo) mời gọi chúng ta có một tình yêu vượt lên các rào cản về địa lý và không gian. Thánh Phanxicô Assisi khuyên chúng ta yêu người khác “khi chúng ta ở xa cũng như khi ở gần họ”. Ngay từ đầu thông điệp, trong một vài từ đơn giản, ngài diễn tả những điều cốt yếu của một tình huynh đệ cởi mở, giúp chúng ta nhận ra, quý trọng và yêu thương mỗi người bất kể sự gần gũi, bất kể họ ở đâu, sinh ra ở đâu”.
Giống như Thánh Phanxicô Assisi, tôi có hành động như thể tôi là anh chị em của mọi người không? Tôi có nhận ra và yêu thương người anh em của tôi không, dù họ ở xa hay xa cách tôi?
Trong Tân Ước, lời kêu gọi tình huynh đệ yêu thương vang lên một cách mạnh mẽ: “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Ga 5,14). Hoặc: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2: 10-11). Thêm một lần nữa: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14).
Tôi có nhận thức được lời kêu gọi quan trọng này từ Chúa để yêu thương người anh em như chính mình không? Tôi đáp trả lời mời gọi này ở những nơi nào, theo cách nào trong cuộc sống hàng ngày của tôi?
Gặp gỡ và yêu thương người anh em sẽ giúp chúng ta thực hiện được những gì mà con người được tạo dựng. Theo Đức Phanxicô, “con người được tạo dựng theo cách mà họ thực hiện, phát triển, có được sự phong phú chỉ duy nhất qua tấm lòng bất vụ lợi của mình.” Một tiến trình của sự sống. “Sự sống tồn tại ở nơi có gắn bó, hiệp thông, tình anh em; và đó là một cuộc sống mạnh mẽ hơn cái chết khi được xây dựng trên các mối quan hệ thực tế và trung tín. Mặt khác, không có cuộc sống nào mà chúng ta cho rằng cuộc sống chỉ thuộc về mình, chúng ta sống như những hòn đảo biệt lập: sống như vậy thì cái chết chiếm ưu thế.” Trong phần kết luận thông điệp, Đức Phanxicô đưa ra tấm gương tình huynh đệ của chân phước Charles de Foucauld. Ngài trở nên người anh em của mọi người nhờ kinh nghiệm sâu đậm của ngài với Chúa và cũng nhờ sự gần gũi của ngài với những người nghèo nhất, yếu đuối nhất.
“Ngài tận hiến mình cho Chúa bằng cách thấy mình nơi những người rốt cùng, những người bị bỏ rơi trong miền sâu sa mạc Châu Phi. Trong bối cảnh này, khát vọng của ngài là cảm nhận mỗi người là anh chị em của mình và ngài xin một người bạn: “Xin bạn cầu nguyện Chúa cho tôi được thực sự là anh em của mọi tâm hồn”. Ngài muốn mình là “người anh em chung” của mọi người. Nhưng chỉ bằng cách thấy mình nơi những người rốt cùng mà ngài mới là người anh của tất cả mọi người. Xin Chúa cảm hóa giấc mơ này trong mỗi chúng ta.”
Ai là những người “rốt cùng”, những người nhỏ bé nhất mà tôi có thể gần hàng ngày để tôi cũng là người anh em chung? Tôi đã cầu nguyện Chúa giúp tôi trở thành người anh chị em của mọi người chưa?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định lòng nhân ái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét