Chúng ta muốn Đức Kitô hay sự thoải mái của thế gian?
Thánh Phêrô chối Chúa, tranh của Adam de Coster
CHÚNG TA MUỐN ĐỨC KITÔ HAY SỰ THOẢI MÁI CỦA THẾ GIAN?
Tác giả: Constance T. Hull
WHĐ (15.10.2021) - Những sự thoải mái nào trong cuộc sống có thể dẫn chúng ta đến việc chối bỏ Đức Kitô? Nhớ lại khi Chúa Giêsu bị bắt và chịu đóng đinh trên thập giá, tất cả các Tông Đồ đều trốn chạy, chỉ trừ Giuđa, kẻ phản bội Người; và Thánh Gioan, người đã cùng với Đức Maria đứng dưới chân thập giá trong giờ phút tử nạn của Con Thiên Chúa. Đáng buồn thay, hết thảy những người gọi là Tông Đồ ấy, chỉ vài giờ trước vẫn còn đồng bàn với Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, được chung chia với Người trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh, giờ đây đều quay lưng rời bỏ Người.
Các Tông Đồ thân tín là những kẻ đi theo Người, đã được chọn gọi vào hàng giám mục đầu tiên của Hội Thánh và để dấn thân cùng Người trên Đường Thập Giá. Thế nhưng, cũng chính những con người ấy đã nhiều lần không hiểu được sự thật là Chúa Giêsu phải chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại để mang ơn cứu chuộc đến cho toàn thể nhân loại.
Chúng ta thường dễ lầm tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ rời bỏ, phản bội hay trốn chạy khỏi Chúa Giêsu. Thế nhưng, mỗi khi phạm tội, chúng ta quả thật đã làm những điều đó, và trong một thế giới đã bị băng hoại bởi bóng đêm tội lỗi, cám dỗ, quyền lực và các quyến rũ của một đời sống thoải mái hưởng thụ, thì nguy hiểm bỏ Chúa của từng người chúng ta sẽ đến và chúng ta sẽ phải chịu thử thách.
Nhờ sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Thánh Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và nếu rời bỏ Người thì sẽ chẳng biết theo ai. Dẫu cho lời tuyên xưng mạnh mẽ là vậy, nhưng khi đến giờ chịu thử thách, Thánh Phêrô vẫn chối bỏ Chúa Giêsu. Đây là những điều được Tin Mừng theo Thánh Gioan chép lại:
“Ông Simôn Phêrô và một môn đệ khác đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phêrô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Đâu phải”. Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ.” (Ga 18:15-18)
Đây là lần chối Chúa thứ nhất của Thánh Phêrô. Hãy chú ý đến cách ông vào sân trong của tư dinh vị thượng tế qua sự giúp đỡ của một môn đệ khác. Điều này chứng tỏ Thánh Phêrô không hề đơn độc, ông đi cùng với một người anh em trong nhóm môn đệ theo Chúa Giêsu. Thế nhưng, thay vì tìm cách để đến gần Người, Thánh Phêrô chọn việc giữ mình ở một khoảng cách an toàn, đồng thời thản nhiên đứng sưởi ở đống lửa cùng với những người khác và cũng thản nhiên chối Chúa. Sự xa cách mà Thánh Phêrô đã đặt ra với Thầy của mình được cảm nhận bằng sự giá lạnh của đêm hôm ấy. Thánh Phêrô chọn mặc lấy sự ấm áp được ban cho nhờ ngọn lửa tầm thường của thế gian này, hơn là ôm vào mình những ghẻ lạnh, xa cách và bách hại mà Chúa Giêsu đang phải chịu đựng do bàn tay của các thượng tế và binh lính.
Ngay tại khoảnh khắc Thánh Phêrô từ chối việc đón nhận và mang vào mình Thập Giá, ngài cũng chối từ đón nhận con đường chân lý. Đang khi Chúa Giêsu bị tra khảo và hành hạ ở bên trong, thì thánh nhân vẫn tiếp tục giữ ấm mình khỏi cái giá lạnh của những sự kiện đang diễn ra. Đó không chỉ đơn giản là cái lạnh thể lý, nhưng là sự lạnh lẽo ở bên trong tâm hồn. Thánh Phêrô đã sai lầm khi chọn về mình ngọn lửa của thế gian chứ không phải là lửa tình yêu của Thiên Chúa, và thánh nhân cũng sai lầm khi đẩy Chúa Giêsu ra xa khỏi mình ở một khoảng cách mà ông cho là an toàn. Điều này dẫn đến việc Thánh Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần.
Khi tiếp tục đứng đó sưởi ấm, Thánh Phêrô bị tra hỏi một lần nữa:
“Còn ông Simôn Phêrô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Đâu phải”. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.” (Ga 18:25-27)
Một trong những lý do thiết yếu giải thích tại sao chúng ta nên suy niệm đoạn Kinh Thánh này là bởi nó không chỉ nói về việc chối Chúa của riêng Thánh Phêrô, nhưng còn của mỗi chúng ta nữa. Giống với Thánh Phêrô, chúng ta thường xuyên mong muốn có được sự thoải mái và an toàn trong thế giới này, đồng thời luôn giữ cho bản thân mình ấm áp, cũng như thiết lập tương giao với những người có quyền lực. Nếu Thánh Phêrô thừa nhận mối liên hệ với Chúa Giêsu, chắc chắn các đầy tớ sẽ báo cáo cho vị thượng tế, và sau đó các nhà chức trách sẽ bắt giam ông.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường có khuynh hướng quay lưng hay khước từ những người khác hơn là bảo vệ cuộc sống của họ. Chúng ta thà tham gia vào các cuộc tán gẫu ở công sở hay giáo xứ hơn là ra sức bênh vực những nạn nhân vô tội, bởi vì chúng ta không muốn bị kêu gọi để làm những điều đó. Chúng ta thích sự thoải mái và an toàn. Chắc chắn, chúng ta không muốn mình bị căm ghét hay xa lánh, vì thế chúng ta giữ ấm bản thân trong ngọn lửa của môi miệng và lãnh đạm. Chúng ta quay lưng với những người yếu đuối, đó là những người mà sự hiện diện của họ không được ưa thích bởi những kẻ tự cho mình là mạnh hơn, và trong những cảnh huống khác, có thể chính chúng ta cũng bị những “kẻ mạnh” ấy quay ngoắt lại và làm những điều tương tự với mình. Chúng ta thường không muốn trở nên khác lạ, hay bị chất vấn, buộc tội và loại trừ bởi đám đông.
Rồi có một ngày chúng ta sẽ phải minh chứng cho đức tin của mình, thậm chí đến mức phải hy sinh cả công ăn việc làm, kế sinh nhai, các mối tương giao và cả mạng sống của chính mình. Thật là có quá nhiều điều xấu đang tiến triển trong nền văn hóa của chúng ta. Sự bách hại đang xảy ra và sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày tháng sắp tới, do bởi nền văn hóa của chúng ta đang ngày càng trở nên tục hóa triệt để. Cách thức chúng ta sống hiện nay sẽ chuẩn bị cho thời khắc chúng ta đón nhận Thánh Giá mai này. Nếu chúng ta không thể trung tín trong việc nhỏ, thì làm sao chúng ta có thể mong chờ rằng mình sẽ trung tín khi đức tin bị đe dọa lên đến cực điểm? Nếu chúng ta không dám mạnh dạn sống như những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu trong những ngày đời của mình, thì khi chết chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Con Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực cuộc sống mà tại đó Đức Kitô hoàn toàn xếp sau những sự thoải mái, an toàn và quyền lực. Chúng ta không muốn trung thành sống trong những chân lý đức tin Công Giáo, vì thế chúng ta phủ nhận và chôn vùi những chân lý đó. Điều này thể hiện qua cung cách chúng ta đối xử với người khác, hay sự quên lãng, thiếu tập trung vào Thiên Chúa, hoặc có thể qua việc chúng ta say mê hưởng thụ thói quen ăn uống, các thú vui, tivi, tình dục, truyền thông xã hội, địa vị, vinh dự, tiền tài, của cải, danh tiếng và cả sự thành công. Bám dính vào những thứ đó sẽ khiến tâm hồn chúng ta bị tổn thương và suy yếu. Và chẳng mấy chốc, trong sự mỏng dòn của mình, chúng ta sẽ chối bỏ Chúa Giêsu khi bị chất vấn có phải môn đệ của Người không. Sự thoải mái hưởng thụ chính là kẻ thù của sự thánh thiện.
Duy chỉ nhờ vào một đời sống cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, gia tăng thực hiện các việc hy sinh, hãm mình, phục vụ mọi người và rèn luyện các nhân đức thì chúng ta mới có thể chuẩn bị cho thời khắc chịu thử thách của đời mình. Chúng ta phải quy phục và mang vào mình Thập Giá Đức Kitô như một quan lộ tối thượng hướng thẳng về niềm vui. Nếu chúng ta chạy trốn hoặc lẩn tránh Thập Giá, chúng ta sẽ là một Phêrô khước từ và phủ nhận Thầy của mình, hoặc tệ hơn nữa, chúng ta sẽ có thể trở thành một Giuđa, kẻ đã phản bội Chúa Giêsu chỉ với ba mươi đồng bạc. Đó là lý do tại sao Thánh Phanxicô thành Assisi đã truyền dạy những điều sau đây để cho chúng ta biết về niềm vui đích thực:
“Thầy Leo băn khoăn nhiều điều trong lòng và đã quyết định hỏi thánh Phanxicô: “Thưa Cha, xin hãy chỉ dạy cho con biết ở nơi đâu có được niềm vui trọn hảo?” Thánh nhân trả lời: “Nếu chúng ta đi đến tu viện Saint Mary of the Angles (tạm dịch: Đức Maria, Nữ Vương các Thánh Thiên Thần), với tình trạng cả hai cùng bị ướt sũng vì trời mưa và rét run vì gió lạnh, cũng như người dính đầy bùn đất và kiệt sức vì đói. Khi đến đó, chúng ta gõ cửa tu viện, thầy giữ cửa sẽ giận dữ mở cửa và hỏi chúng ta là ai. Lúc đó, nếu chúng ta đáp lời thầy ấy rằng: “Chúng tôi là hai trong số những người anh em của thầy”, thì thầy ấy sẽ trả lời cách tức giận, “chúng mày nói dối, chúng mày là những kẻ mạo danh chuyên đi lừa gạt người khác, và lấy cắp những của bố thì dành cho người nghèo; hãy cút đi cho khuất mắt ta”; sau đó, thầy ấy đóng cửa lại và bỏ mặc chúng ta ở ngoài chống chịu với mưa gió và tuyết trắng, cũng như phải chịu đựng sự hành hạ của giá lạnh và cơn đói khi đêm xuống. Nếu chúng ta đón nhận tất cả những điều bất công, hung dữ và khinh rẻ đó trong kiên nhẫn mà không hề xao xuyến hay than phiền, đồng thời vững tin với một lòng khiêm tốn và bác ái rằng: thầy giữ cửa ấy thật sự biết chúng ta, và chính Thiên Chúa đã để cho thầy ấy nói những lời ấy chống lại chúng ta, thì Thầy Leo! hãy ghi và giữ lại, đó chính là niềm vui trọn hảo.” (Niềm vui trọn hảo, Thánh Phanxicô Assisi)
Thánh Phanxicô Assisi đã tiếp tục diễn tả hết lần này đến lần khác cách cư xử này, thế nhưng niềm vui trọn vẹn đó chính là việc có thể chiến thắng bản ngã của mình nhờ vào ân huệ Thiên Chúa ban thay vì sa đà vào cơn giận dữ hay tuyệt vọng. Sự tự do và niềm vui đích thực hệ tại ở nơi chúng ta biết sẻ chia trong Thập Giá Đức Kitô, chứ không phải nằm ở một sự thoải mái và an toàn:
“Dù trong thập giá của những gian truân và đau khổ, chúng ta vẫn có thể hãnh diện như các Tông Đồ khi xưa: ‘Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’” (Gl 6:14)
Là một người Kitô hữu, niềm vui trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể xuất hiện nơi việc sẻ chia trong Thập Giá Đức Kitô. Nếu chúng ta trốn chạy hay né tránh khỏi Thập Giá, hoặc buông bỏ Thập Giá của đời mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được niềm vui toàn hảo đích thực. Thay vào đó, chúng ta sẽ phủ nhận và phản bội Chúa Giêsu. May mắn thay, tất cả các Tông Đồ dù ban đầu đã rời bỏ Thập Giá Đức Kitô, nhưng cuối cùng vẫn biết quay trở lại đón nhận Thập Giá và đã được trao cho triều thiên tử đạo, bởi vì họ biết rằng: đời sống họ sẽ chẳng thể yên hàn nếu thiếu Thập Giá. Trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu chính là dõi theo vết chân của Đấng Bị Đóng Đinh và tiến về bất cứ nơi đâu Người dẫn dắt.
Quang Sáng chuyển ngữ từ catholicexchange.com (07.10.2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét