Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định khả năng gặp gỡ
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2021-10-21
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo 24 tháng 10 sắp tới, Đức Phanxicô xin chúng ta: “Anh chị em hãy là những môn đệ truyền giáo”. Theo ngài, việc truyền bá phúc âm đi qua năm đặc điểm của trái tim: lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ, cuộc gặp gỡ và niềm vui. Trong tuần lễ truyền giáo, trang Aleteia đưa ra những bài xét mình ngắn theo Đức Phanxicô để lượng định lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn.
Khả năng đi gặp người khác (4/5)
Sau lòng trắc ẩn, niềm hy vọng và tình tình huynh đệ, dấu ấn thứ tư của người môn đệ truyền giáo theo Đức Phanxicô là khả năng đi gặp một người khác mình, người ở rốt cùng “ngoại vi của thế giới”. Chúng ta không cần đi rất xa. Trong sứ điệp Ngày Thế Giới truyền giáo, Đức Phanxicô nhắc, “Chúng ta có những vùng ngoại vi gần chúng ta, ngay trung tâm thành phố, ngay trong chính gia đình mình”. Cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau là điều kiện tiên quyết cho mọi chứng từ truyền giáo. Trong video cầu nguyện tháng 10, Đức Phanxicô nhắc lại: “Sứ mệnh truyền giáo dựa trên sự gặp gỡ giữa con người, với lời chứng của những người đàn ông, những phụ nữ nói: “Tôi biết Chúa Giêsu, tôi muốn Ngài được biết đến.”
Vì thế người truyền giáo phải tìm nơi có thể gặp người anh em mình. Trong bài nói chuyện tháng 5 năm 2020, Đức Phanxicô nói: “Chúa Giêsu không gặp các môn đệ ở các cuộc họp, các khóa đào tạo hay trong một ngôi đền, nhưng Ngài gặp họ trên bờ hồ Galilê khi họ đang còn bận rộn với công việc. Từ lâu, “việc loan báo tin cứu rỗi của Chúa Giêsu đến với mọi người là nơi họ đang ở và trong hiện tại, trong đời sống cụ thể của họ”. Cũng vậy, người truyền giáo đích thực tìm cách gặp gỡ người dân trong đời sống bình thường của họ, “tham dự vào các nhu cầu, các hy vọng, các vấn đề của tất cả mọi người”.
Còn tôi, tôi có thể đi đâu để gặp người anh em, ngoài vòng quen thuộc bình thường của tôi?
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, Đức Phanxicô xin chúng ta hãy dám chủ động. Giáo hội “đi ra” là cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, những người chủ động, những người tham gia, những người đồng hành, những người sinh ích lợi và những người vui mừng. Cộng đồng truyền giáo cảm nghiệm Chúa đã chủ động, Ngài đi trước trong tình yêu và vì lý do này, cộng đồng biết cách tiến về phía trước, biết chủ động mà không sợ hãi, đi ra ngoài để gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa, đến ngã tư đường để mời những người ở bên lề. Đức Phanxicô kêu gọi: “Để cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha và sức lan tỏa của Ngài, cộng đồng sống một mong muốn vô tận được thể hiện lòng thương xót. Chúng ta hãy dám chủ động hơn một chút!” Và Chúa Giêsu là gương mẫu cho chúng ta: “Ngài rửa chân cho các môn đệ. Ngài dấn mình và làm cho người khác cũng dấn mình, quỳ gối trước người khác để rửa chân cho họ. Và ngay lập tức, Ngài nói với họ: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em” (Ga 13,17).
Khi nào tôi đã chủ động đến gặp những người bị loại trừ?
Nguồn gốc của động lực truyền giáo với người anh em là cuộc gặp của cá nhân mình với Chúa Giêsu Kitô. Chính cuộc gặp mật thiết này với Chúa mà người đi truyền giáo mới có thể làm chứng. Giống như các môn đệ, họ không bao giờ quên giây phút họ được Chúa Kitô đánh động, mỗi chúng ta có thể nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với Chúa và tạ ơn Chúa về ơn này. Đức Phanxicô nói: “Sứ mệnh trong nghĩa này là phản ánh của lòng biết ơn. Đây là đáp trả người mà lòng biết ơn đã làm cho họ dễ bảo trước Chúa Thánh Thần”.
Tôi đã cám ơn Chúa Kitô về cuộc gặp với Ngài chưa? Và với sự hiện diện của Ngài trong đời tôi, nếu không có, động lực truyền giáo có cạn kiệt không?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định lòng nhân ái
Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định niềm hy vọng
Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định mong muốn có được tình huynh đệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét