Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định niềm vui
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2021-10-23
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo 24 tháng 10 sắp tới, Đức Phanxicô xin chúng ta: “Anh chị em hãy là những môn đệ truyền giáo”. Theo ngài, việc truyền bá phúc âm đi qua năm đặc điểm của trái tim: lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ, cuộc gặp gỡ và niềm vui. Trong tuần lễ truyền giáo, trang Aleteia đưa ra những bài xét mình ngắn theo Đức Phanxicô để lượng định lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn.
Niềm vui. (5/5)
Sau lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ và gặp gỡ, theo Đức Phanxicô, dấu ấn thứ năm của người môn đệ truyền giáo là niềm vui. Trong bài diễn văn đọc trước các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ngày 21 tháng 5 năm 2020, Đức Phanxicô giải thích: “Nếu chúng ta đi theo Chúa Giêsu, vui mừng khi được ngài lôi cuốn, người khác sẽ thấy điều này.” Đã bao nhiêu lần chúng ta có kinh nghiệm này: một khuôn mặt tươi cười thì thuyết phục hơn là bài diễn văn dài dòng!” Đức Phanxicô nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Evangelii gaudium: “Niềm vui tỏa sáng nơi những ai được lôi kéo đến với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, điều làm cho mọi sáng kiến truyền giáo trở nên phong phú và sinh lợi”. Nếu chúng ta để cho mình được đánh động, “niềm vui Tin Mừng sẽ tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những người gặp Chúa Giêsu”, ngài lấy làm tiếc có những tín hữu kitô dường như mang bộ mặt Mùa Chay không hy vọng Phục sinh”.
Trong tông huấn này, Đức Phanxicô minh chứng cách Tin Mừng luôn mời gọi niềm vui. Một vài ví dụ cho thấy: “Mừng vui lên”, lời thiên sứ nói với Đức Mẹ (Lc 1, 28). Việc Đức Mẹ đi viếng bà thánh Êlisabét làm cho Thánh Gioan nhảy mừng trong bụng mẹ (Lc 1, 41). Trong bài Ngợi Khen, Đức Maria tuyên xưng: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình, Thánh Gioan đã thốt lên: “Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3, 29). Chính Chúa Giêsu cũng “hớn hở vui dưới tác động của Chúa Thánh Thần” (Lc 10, 21). Sứ điệp của Ngài là nguồn vui: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11).
Niềm vui kitô của chúng ta phát xuất từ nguồn của một tâm hồn tràn ngập. Ngài hứa với các môn đệ: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Và Ngài khẳng định: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. (Ga 16,22). Sau đó, các môn đệ thấy Chúa sống lại, “tràn đầy niềm vui” (Ga 20:20). Sách Tông đồ Công vụ kể trong cộng đoàn đầu tiên, họ “dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2: 46). Nơi các môn đệ đi qua “người ta rất vui mừng” (Cv 8, 8), và họ, trong những cuộc bách hại “được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52). Một viên thái giám vừa được rửa tội, “ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ” (Cv 8, 39) và viên quản ngục “ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa” (Cv 16: 34).”
Đức Phanxicô hỏi: “Vì sao chúng ta không bước vào dòng sông của niềm vui này?”
Chúng ta đang nói về niềm vui nào? Đó là niềm vui đến từ Chúa, chứ không phải từ “những lạc thú hời hợt” của “thế giới ngày nay, với đủ thứ tiêu dùng áp đảo đa dạng.” Đức Phanxicô cảnh báo: “Khi cuộc sống nội tâm khép lại theo lợi ích riêng, thì chúng ta không còn chỗ cho người khác, người nghèo không vào được và chúng ta không còn lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta không còn tận hưởng niềm vui dịu dàng từ tình thương của Ngài.”
“Tôi có thể nói, những niềm vui đẹp nhất và tự phát nhất mà tôi được chứng kiến trong đời là niềm vui của những người rất nghèo, họ có rất ít chuyện để bám vào. Tôi cũng nhớ niềm vui thực sự của những người, dù trong công việc nghề nghiệp nặng nề, họ biết giữ một tâm hồn tin tưởng, quảng đại và đơn sơ.”
Niềm vui của tôi hôm nay đến từ đâu? Nó có đích thực không? Tôi có giữ được một tâm hồn tin tưởng, quảng đại và đơn sơ không?
Nhưng đôi khi có những hoàn cảnh trong cuộc sống dập tắt niềm vui của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể vui khi bị thử thách nặng nề? Đức Phanxicô thông cảm điều này: “Tôi nhìn nhận chúng ta không sống niềm vui theo cùng một cách trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đôi khi rất khó khăn. Tôi hiểu những người trở nên buồn vì những khó khăn nghiêm trọng mà họ phải chịu đựng”. Tuy nhiên, theo ngài, niềm vui “tự nó thích ứng và biến đổi, và nó luôn duy trì như một tia sáng phát sinh từ xác tín cá nhân, chúng ta được yêu thương vô hạn, vượt lên tất cả mọi thứ”.
Dù gặp thử thách, tôi có tin chắc tôi được Chúa yêu thương vô hạn không? Tôi có để cho “niềm vui đức tin bắt đầu thức tỉnh, giống như lòng tin cậy thầm kín nhưng vững chắc, ngay cả giữa những lo lắng khổ sở nhất không?”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định lòng nhân ái
Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định niềm hy vọng
Các câu hỏi của Đức Phanxicô để lượng định mong muốn có được tình huynh đệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét