Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Dấu chỉ của thời: Cần nói đến sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo

 Dấu chỉ của thời: Cần nói đến sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo

Người công giáo có còn đọc không?

 international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2021-10-20

Giáo hội công giáo trên toàn thế giới hiện đã chính thức bắt tay vào “tiến trình thượng hội đồng” 2021-2023″.

Ngày 10 tháng 10, Đức Phanxicô dâng thánh lễ khai mạc thượng hội đồng tại Đền thờ thánh Phêrô và ngày chúa nhật 17 tháng 10 với thánh lễ ở các nhà thờ chính tòa địa phương, các giám mục trên toàn cầu (dù không phải là tất cả) đã bắt đầu tiến trình ở cấp giáo phận.

Ban thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma nhấn mạnh nhiều đến việc lắng nghe – với Chúa trong Chúa Thánh Thần và với nhau.

Nhưng trong truyền thống kitô giáo, việc lắng nghe luôn dính liền với việc đọc: không phải chỉ đọc Kinh Thánh, nhưng với tất cả những gì có lợi cho việc lắng nghe sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử và trong cuộc sống của chúng ta để phân định cách Chúa nói với chúng ta ngày nay.

Vấn đề là ngày nay có những hình thức mù chữ và thiếu hiểu biết mới đang ảnh hưởng đến Giáo hội, và đó là yếu tố then chốt để hiểu vì sao một số người công giáo lại tỏ ra thờ ơ hoặc không quan tâm đến “tiến trình thượng hội đồng”.

Một số cự lại bắt nguồn từ sự chống đối Đức Phanxicô hoặc chống đối Công đồng Vatican II. Nhưng thực ra vấn đề sâu xa hơn nhiều.

Từ báo giấy đến mạng xã hội

Cuộc Cải cách và Công đồng Trent (1545-63) diễn ra vào thế kỷ 16 trong thời đại báo in, và sách đã có tác động quan trọng đến văn hóa tôn giáo và các cuộc tranh luận thần học thời đó.

Công đồng Vatican I (1869-70) tổ chức vào thế kỷ 19 dưới thời nhật báo, tạp chí và sự xuất hiện của giới trí thức quần chúng.

Khi Công đồng Vatican II (1962-65) đến, chúng ta đã ở thời của truyền hình và truyền thông đại chúng.

Và bây giờ là tiến trình thượng hội đồng 2021-2023, cuộc tham vấn dân Chúa lớn nhất trong lịch sử Giáo hội. Nó đang diễn ra ở thời kỹ thuật số và truyền thông xã hội, một hiện tượng cho thấy Giáo hội đang bị chia rẽ sâu xa theo các dòng thế hệ và văn hóa.

Nhiều người thuộc thế hệ lớn tuổi công giáo mù chữ về kỹ thuật số, trong khi những người ở các thành phần khác của Giáo hội thì lại mù chữ theo nghĩa truyền thống hơn của từ này.

Ngay cả trong các cơ sở giáo dục đại học của công giáo, chúng ta cũng có nhiều người “tốt nghiệp nhưng thiếu học thức”.

Có những dấu hiệu đáng lo ngại về trình độ văn hóa đang giảm mạnh nơi người công giáo ngày nay. Trong vài năm qua, nhiều tờ báo, tạp chí và nhà xuất bản công giáo ở châu Âu và thế giới phương Tây đã đóng cửa.

Hồi cuối của một kỷ nguyên

Sau khi nuôi dưỡng giới trí thức công giáo trong nhiều thế hệ, đặc biệt trong thời Công đồng Vatican II và những thập kỷ đầu tiên sau Công đồng, ngày nay không có nhiều đường lối trong việc sản xuất và tiêu thụ văn hóa viết có thể giúp các tín hữu hiểu được các dấu chỉ của thời đại.

Một trong những ví dụ mới nhất là tin tức gây sốc về sự phá sản và đóng cửa nhà xuất bản Edizioni Dehoniane, một trong những nhà xuất bản công giáo quan trọng nhất của Ý. Đặt trụ sở tại Bologna, trong nhiều năm, nhà xuất bản đã in nhiều sách thiết yếu, bao gồm ấn bản tiếng Ý của Kinh thánh Jerusalem rất được hoan nghênh.

Việc đóng cửa nhà xuất bản này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên cho văn hóa công giáo Ý, tạo nhiều mối lo nghiêm trọng trong việc tín hữu tiếp tục dấn thân về mặt trí tuệ như thế nào trong tương lai.

Giáo triều Rôma, Vatican, các trường đại học và các Giáo hoàng Học viện ở Rôma từng là trung tâm sản xuất và tiêu thụ văn hóa, nhưng ngày nay điều này không còn được như vậy hoặc ít nhất là không giống như trước đây.

Tôi không đếm được có bao nhiêu hiệu sách tôn giáo ở Thành phố Vĩnh cửu đã đóng cửa trong vài năm qua và tôi tự hỏi còn bao nhiêu tiệm sẽ đóng cửa nữa. Vấn đề không chỉ là sự xuất hiện của kỹ nghệ thương mại điện tử, thư viện kỹ thuật số hay đại dịch.

Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự thay đổi đáng kể trong văn hóa của người công giáo so với những kỳ vọng được mong chờ qua các cải cách của Công đồng Vatican II.

Chủ nghĩa sùng bái vượt qua đòi hỏi nghiêm túc của trí tuệ

Câu hỏi đặt ra là người công giáo có còn đọc sách về tôn giáo và Giáo hội không; và, nếu còn thì họ đọc những gì.

Các giáo sư trung học và đại học đã quen đối diện với trình độ đọc viết ngày càng đi xuống của học sinh – khả năng phê phán khi đọc, viết dễ hiểu và tự định hướng trong văn hóa giáo điều không chỉ nên có cho một chuyên gia mà còn nên có cho một công dân.

Thần học không thoát khỏi xu hướng này.

Trong vài năm gần đây, sự trở lại của chủ nghĩa sùng bái (một cái gì đó khác với mộ đạo) đã lấy chỗ của sự nghiêm túc trí tuệ.

Trong các chủng viện có một sự nhấn mạnh mới  trong việc đào tạo cơ bản con người và xem xét về mặt tâm lý, một công việc cần thiết vì các vụ bê bối lạm dụng tình dục, cũng như hoàn cảnh gia đình và cá nhân khó khăn nên có nhiều ứng viên chức linh mục.

Nhưng, thật không may, sự đào tạo con người – dù cần thiết – thường gây thiệt hại cho việc đào tạo lịch sử, triết lý và thần học.

Đây không chỉ là vấn đề ảnh hưởng đến các chủng sinh và hàng giáo sĩ trẻ. Đây cũng là vấn đề về hệ tư tưởng trong Giáo hội công giáo nói chung.

Sách vở không chỉ là đồ vật, nhưng còn là bạn đồng hành

Việc tiêu thụ bài vở qua các trang blog, trang web tôn giáo còn thúc đẩy xa hơn các trào lưu chống chủ nghĩa trí thức sùng đạo đã có từ trước. Cái gọi là “vô tri tự hào” không phải là không biết trong giới công giáo chủ chiến, nơi mà thần học Vatican II được xem là sự hủy diệt chủ nghĩa thế tục.

Nếu nhìn vào các trang web công giáo chủ lực được nhiều chủng sinh, linh mục trẻ và nhiều nhà hoạt động giáo hội ưa thích, chúng ta sẽ hiểu vì sao ngành  xuất bản công giáo đang gặp khủng hoảng – đặc biệt là với loại sách và tạp chí mà người ta có thể gọi một cách lỏng lẻo là “Công giáo Vatican II”.

Tuy nhiên, ở phía tân truyền thống và chống Công đồng Vatican II, dường như có một nguồn năng lượng mà những người theo chủ nghĩa tự do đang phớt lờ trước nguy cơ của chính họ.

Khủng hoảng ngành xuất bản sách vở công giáo không chỉ là vấn đề của những người trực tiếp hoặc thậm chí gián tiếp làm trong kỹ nghệ này.

Sách không chỉ là đồ vật: chúng còn là hiện thân của một nhân cách và có thể là bạn đồng hành tốt giúp chúng ta đuổi đi những khoảnh khắc cô đơn và buồn phiền. Sách mang đến người bạn đồng hành mà những người có đức tin không thể tìm thấy trong các phương tiện truyền thông xã hội hoặc kỹ thuật số.

Có một loại chủ nghĩa quân phiệt phản trí thức, và đó là một thảm họa, rõ rệt chống-công giáo mà không biết.

Tài liệu quan trọng nhất của Giáo hội về việc nghe và đọc là Hiến chế Mặc khải, Dei Verbum, Hiến chế Vatican II về Mặc khải. Tài liệu này cung cấp sự hiểu biết về đức tin không mang tính trí tuệ, đồng thời bác bỏ chủ nghĩa phản trí tuệ.

Sự vô hiệu hóa về mặt trí tuệ trước những thách thức lớn về văn hóa

Tự từ bỏ đức tin không phải là không có phương hướng. Nó nhất thiết phải bao gồm sự cam kết với Lời, và Lời phải được lắng nghe và đọc.

Đọc Sách Thánh không phải chỉ là chuyện của tin lành. Kitô giáo không phải là “tôn giáo của sách”, theo nghĩa nó không ràng buộc vào việc đọc Sách Thánh.

Chúng ta tin Sách Thánh được viết dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Và việc đọc và chú giải Sách Thánh bao gồm một quá trình trí tuệ, mà không có nó thì không có truyền thống Giáo hội.

Nhưng dường như có một sự giảm sút trí tuệ trước những thách thức văn hóa to lớn mà Giáo hội đang phải đối diện trong thế giới toàn cầu ngày nay.

Đó là một sự giảm sút tác động đến nhiều khía cạnh tư tưởng khác nhau của công giáo trong nhiều cách khác nhau.

Một số “chiến binh văn hóa” của Giáo hội đã hiểu trước và theo tốt hơn hầu hết những người tiến bộ, rằng đây không phải là lúc để thoái thác khỏi văn hóa thần học.

Cuộc khủng hoảng văn hóa công giáo có ảnh hưởng đến tiến trình thượng hội đồng 2021-2023 và đến triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Một Giáo hội mời gọi mọi người lắng nghe phải đầu tư vào văn hóa

Những người công giáo tiếp tục duy trì nền thần học Công đồng Vatican II trong vài thập kỷ qua đã được trang bị tốt hơn để hiểu mối liên hệ giữa tính đồng nghị của giáo hoàng và truyền thống Giáo hội.

Đó là nhờ họ là một phần của thế hệ những người ham đọc sách. Thật không may, đó là thế hệ lớn tuổi và những người ở thế hệ này đã nghỉ hưu.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội thiết tha nhấn mạnh,  tính đồng nghị không phải là một cơ chế chính trị, mà là một tiến trình thiêng liêng. Điều này đúng, nhưng quá trình thiêng liêng đó dựa trên những kỹ năng cơ bản mà chúng ta học được từ các ngành khoa học nhân văn và nghệ thuật tự do.

Có một mâu thuẫn giữa một Giáo hội mời gọi người công giáo lắng nghe, và đồng thời lại không hiểu sự cần thiết phải đầu tư cho văn hóa.

Sự cần thiết này muốn nói đến sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo Giáo hội

Trong nền văn hóa cổ đại, vào thời mà quy điển Kinh thánh được hình thành và trong nhiều thế kỷ sau đó, việc học tập chủ yếu bằng cách nghe. Trong văn hóa truyền khẩu, hành động đọc không cần thiết.

Rồi đến thời Trung cổ và đầu thời kỳ hiện đại, chúng ta chuyển sang văn hóa hình ảnh mà nội dung tôn giáo chiếm ưu thế.

Ở thời kỹ thuật số và mạng truyền thông xã hội này, chúng ta bị tấn công bởi những hình ảnh của một nghệ thuật độc quyền được đăng nhan nhản khắp nơi (đặc biệt là nghệ thuật tôn giáo).

Trong những thế kỷ trước, khi thông điệp tôn giáo đến với người kitô hữu qua các kênh khác nhau, nạn mù chữ không phải là một trở ngại cho sự phát triển đức tin.

Nhưng ngày nay, việc không có khả năng phê phán khi đọc tạo ra những hậu quả nghiêm trọng hơn cho đời sống đức tin.

Không phải người công giáo nào cũng được mong chờ hoặc buộc phải là con mọt sách hoặc có một thư viện – theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Nhưng kỳ vọng phải cao hơn đối với các người được phong chức và giáo dân lãnh đạo trong Giáo hội.

Là “Giáo hội lắng nghe” không có nghĩa là chỉ lắng nghe nhau hoặc lắng nghe Chúa Thánh Thần. Nó cũng có nghĩa là lắng nghe những gì văn hóa – tôn giáo và thế tục – nói với Giáo hội.

Công đồng Trent đã giải quyết vấn đề của sự thiếu hiểu biết trong giới giáo sĩ.

Ngày nay, 450 năm sau, có những dấu hiệu cho thấy Giáo hội công giáo một lần nữa phải đối diện với vấn đề tương tự một lần nữa, vào thời mà sự lãnh đạo của nó không còn chỉ do các giáo sĩ xác định.

Giả định rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội có thể cho phép mình u minh chỉ là một hình thức khác của chủ nghĩa giáo quyền.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét