IV. Đời sống Phụ nữ Trong Ánh sáng Vĩnh cửu

Vận mệnh của người phụ nữ bắt nguồn từ sự vĩnh cửu. Họ phải lưu ý đến cõi vĩnh cửu để xác định ơn gọi của mình trong thế giới này. Chịu tuân theo ơn gọi của mình, họ sẽ hoàn tất số phận mình trong cuộc sống vĩnh cửu.

“Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người; nam và nữ, Người đã dựng nên họ”. Khi Người đặt loài người vào thế giới, không phải là một hình thái [species] đơn nhất mà là một hình thái kép, phải có một ý nghĩa khác nhau về sự sống cho mỗi hình thái cũng như một ý nghĩa hỗ tương. Cả hai đều được hình thành theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi tạo vật hữu hạn chỉ có thể phản ảnh một phần nhỏ của bản chất thần linh; do đó, trong sự đa dạng của các tạo vật của Người, sự hợp nhất và duy nhất vô hạn của Thiên Chúa dường như bị phá vỡ thành một luồng sáng gồm nhiều tia đa dạng. Chính vì vậy, các hình thái nam và nữ mô phỏng nguyên mẫu thần linh theo những cách khác nhau.



Thánh Augustinô (6) và Thánh Tôma (7) và những người theo truyền thống của các ngài tìm thấy sự giống như Chúa Ba Ngôi trong tinh thần con người. Mặc dù được tri nhận theo nhiều cách, nhưng hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được lần lượt mô tả như hữu thể, nhận thức và tình yêu. Sự khôn ngoan thần linh được nhập thể như Ngôi vị trong Chúa Con; tình yêu xuất hiện như Ngôi vị trong Chúa Thánh Thần. Trí hiểu chủ yếu ở bản chất nam tính; mặt khác, trong bản chất của phụ nữ, đó là các cảm xúc. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao giữa bản chất phụ nữ và Chúa Thánh Thần, một liên tưởng đặc thù đã được tạo ra.

Bao lâu Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, chúng ta đều thấy điều này một lần nữa trong số phận của người phụ nữ như là “Mẹ của Sự Sống”. Chúa Thánh Thần ra khỏi chính mình và đi vào tạo vật như là sự phong phú sinh thành và hoàn thiện của Thiên Chúa; người phụ nữ cũng như vậy, họ sinh ra sự sống mới từ sự sống của họ và giúp đứa trẻ tiến tới chỗ phát triển hoàn hảo nhất khi nó đạt được cuộc sống tự chủ. Cũng vậy, chúng ta cũng thấy nơi Chúa Thánh Thần, mọi công việc của tình yêu và lòng cảm thương của phụ nữ, bao lâu Chúa Thánh Thần là Cha của người nghèo, người an ủi và trợ giúp, chữa lành người bị thương, sưởi ấm người tê liệt, giải khát người khát nước, và ban phát mọi ơn phúc tốt lành. Trong sự thuần khiết và dịu dàng của người phụ nữ, chúng ta thấy có sự phản chiếu tinh thần biết tẩy rửa người ô uế và làm cho người mềm yếu không bị khuất phục; điều này có rất nhiều không những nơi những người có thể đã thuần khiết và dịu dàng mà còn cả nơi những người phụ nữ muốn truyền bá sự thuần khiết và dịu dàng về chính họ. “Tinh thần nhân từ” này không muốn điều gì khác hơn là được là ánh sáng thần linh tỏa chiếu như một tình yêu phục vụ; không có gì trái ngược với nó hơn là sự phù phiếm chỉ tìm kiếm cho chính nó, và ý muốn chỉ thích thu tích cho chính nó. Đó là lý do tại sao tội đứng đầu là kiêu ngạo, trong đó sự phù phiếm và ham muốn hội tụ với nhau, là sự sa ngã xa rời tinh thần yêu thương và sự đào thoát khỏi bản chất nữ giới.

Tuy nhiên, “Quod Heva tristis Abstulit, tu reddis almo germine” (điều Evà bất hạnh đánh mất, Mẹ đã khôi phục nhờ Con thánh thiện) (8). Hình ảnh thuần khiết của bản chất nữ giới xuất hiện trước mắt chúng ta trong Đấng Immaculata [Vô Nhiễm], Đức Trinh Nữ. Ngài là đền thờ hoàn hảo, trong đó Chúa Thánh Thần cư ngụ và ký thác ơn thánh viên mãn như hồng ân của Người. Ngài không muốn gì khác hơn là trở thành tớ gái của Chúa, cánh cổng qua đó Người có thể bước vào nhân tính; vì không phải qua ngài mà qua “hậu duệ ơn phúc” của ngài mà ngài đã khôi phục cho chúng ta ơn cứu rỗi đã mất của chúng ta.

Là Mẹ Thiên Chúa và là mẹ của mọi con cái Thiên Chúa, ngài được nâng lên tòa vinh quang trên tất cả các tạo vật; chức phận làm mẹ cũng được hiển vinh nhờ ngài. Là Trinh nữ, ngài biểu lộ một vẻ đẹp không thể so sánh được, làm hài lòng Thiên Chúa, cùng với sự phong phú của đức trong trắng khiết trinh. Là Nữ vương, ngài làm chứng cho sức mạnh chinh phục của tình yêu phục vụ và sự trong sạch tinh tuyền. Mọi phụ nữ muốn hoàn thành số phận mình đều phải tìm đến Mẹ Maria như một lý tưởng.

Trinh nữ trong trắng nhất chỉ có thể là người được bảo vệ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Ngoài ngài ra, không ai hiện thân bản chất nữ giới trong sự trong trắng ban đầu của nó. Mỗi người phụ nữ khác đều có một điều gì đó trong bản thân thừa hưởng từ Evà, và họ phải tìm kiếm con đường từ Evà tới Đức Maria. Có một chút bất cần nào đó trong mỗi người phụ nữ không muốn hạ mình dưới bất cứ chủ quyền nào. Trong mỗi người đàn bà, đều có một điều gì đó thôi thúc họ ăn trái cấm. Và họ gặp trở ngại bởi cả hai khuynh hướng này trong những gì chúng ta nhận rõ là công việc của người phụ nữ.

Cô gái phải học từ tuổi trẻ, qua việc dưỡng dục căn bản hoặc các điều kiện của cuộc sống, để thích nghi, từ chối bản thân và hy sinh; nếu không, cô sẽ bước vào cuộc hôn nhân với những hoài mong được may mắn không bị xáo trộn và thực hiện được mọi ước muốn của mình. Thoạt đầu, cô sẽ không học được một cách chính xác cách tự kiềm chế nếu cô gặp người bạn đời luôn chiều theo ý muốn của cô; cô sẽ thử nghiệm xem khả năng kiểm soát của cô đi đến đâu, và khi cô đụng đến giới hạn của nó, xung đột sẽ phát sinh. Điều này dẫn đến sự rạn nứt hoặc làm cho nhau kiệt sức nếu sự nhạy cảm và cấu trúc bên trong của cô không được đảo ngược. Một người phụ nữ như vậy cũng sẽ không tìm được mối quan hệ đúng đắn với con cái của mình, nghĩa là, nếu ngay từ đầu cô không cúi mình gánh lấy các gánh nặng của thiên chức làm mẹ. Thật vậy, cô có thể tự hỏi liệu có nên bận bịu với con cái hay không, tùy thuộc tâm trạng của cô. Cô dễ nuông chiều chúng hoặc đối xử nghiêm khắc với chúng không đúng lúc và đưa ra những yêu cầu ích kỷ đối với chúng. Tóm lại, thay vì dọn đường và khuyến khích chúng, cô có khả năng khơi dậy sự phản kháng và kìm hãm sự phát triển của chúng.

Nhưng các lực lượng tự nhiên có thể làm mất tác dụng các bổn phận của người mẹ ngay cả khi họ chứng tỏ rõ ràng ý hướng thực sự muốn có một cuộc sống gia đình tốt đẹp, một tinh thần tự hy sinh bản thân và trưởng thành nội tâm: nếu tính cách và lối sống của chồng khiến cuộc sống chung hòa bình thành bất khả; nếu con cái của họ bộc lộ những khuynh hướng nguy hiểm không chịu giáo dục đến nơi đến chốn; nếu cả nhu cầu kinh tế cũng dự phần vào bức tranh. Rồi, gần như ngay lập tức, sức mạnh của cơ thể và thần kinh của họ bị tiêu hao và linh hồn họ không còn phát triển dưới gánh nặng của nó nếu sức mạnh mới từ một nguồn vô tận không được điều hướng về nó.

Nguồn sức mạnh vô tận này là ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ cần biết đường và đi tới nguồn này hết lần này đến lần nọ. Luôn luôn có một con đường mở ra cho mỗi tín hữu: con đường cầu nguyện. Bất cứ ai chân thành tin vào lời nói "Hãy xin thì sẽ được", đều được an ủi và can đảm để kiên trì trong mọi nhu cầu. Ngay cả khi không có sự giúp đỡ tức khắc theo mức độ người ta quan niệm và mong muốn, sự giúp đỡ nhất định đến.

Đối với mỗi người Công Giáo, có sẵn một kho tàng vô lượng: sự gần gũi của Chúa trong hy tế thánh và trong bí tích cực thánh trên bàn thờ. Bất cứ ai được thấm nhiễm một đức tin sống động vào Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm, bất cứ ai biết rằng một người bạn đang liên tục chờ đợi ở đấy— luôn dành thời gian, kiên nhẫn và thiện cảm để lắng nghe những lời ta thán, các thỉnh cầu và vấn đề, với lời khuyên và sự giúp đỡ về mọi sự— tất không mãi buồn phiền và cảm thấy bị bỏ rơi dù trĩu nặng những khó khăn lớn lao nhất. Họ luôn có một nơi nương náu, nơi đó họ tìm lại được sự yên tĩnh và bình an.

Và bất cứ ai hiểu thấu ý nghĩa của hy tế Thánh Lễ, thì như thể họ được lớn lên trong hành động cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Những hiến dâng lớn nhỏ hằng ngày không còn là các gánh nặng bắt buộc, giáng họa và đè bẹp nữa. Đúng hơn, chúng trở thành của lễ thực sự, được dâng hiến một cách tự do và vui vẻ, nhờ đó họ được dự phần vào công cuộc cứu chuộc với tư cách là thành viên đồng cam cộng khổ của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Các ý nghĩ về sức mạnh của hành động cứu chuộc, vì nó hoạt động một cách vô hình và mầu nhiệm, luôn có thể đổi mới người biết dâng lên mọi nỗi đau đớn và đau khổ, ngay cả những điểm yếu và sự bất lực của bản thân: khi sức mạnh tự nhiên của một người đối với các nhiệm vụ của họ bị suy sụp; khi sức mạnh cơ thể và thần kinh của một người không còn xứng hợp với công việc; khi bất chấp các ý định tốt nhất, người ta vẫn bị hàng xóm của họ hiểu lầm; khi lời nói và gương sáng tỏ ra bất lực trong việc đưa một linh hồn quý giá thoát khỏi con đường bất tín và tội lỗi.

Trong mọi trường hợp trong đó tội lỗi phạm phải do lỗi của chính mình và có nguy cơ bị cắt đứt khỏi dòng ân sủng, người ta vẫn có khả thể phục hồi nội tâm qua bí tích sám hối: họ luôn có thể được giải thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, và, như một trẻ sơ sinh, đối diện với tương lai. Hơn nữa, đức tin được củng cố qua sự hiệp thông với những người vẫn duy trì được một tầm nhìn đúng đắn hướng về sao bắc cực vĩnh cửu, những người còn sống, và những người đã bước vào vinh quang, có quyền giúp đỡ; có lẽ đây là một sức mạnh đặc thù cho một nhu cầu thực sự bởi vì những người này đã trải qua thử thách trong những khó khăn tương tự.

Đó là tất cả các phương tiện mỗi người Công Giáo đều có thể sử dụng. Có thêm một nguồn ân sủng cho người vợ và người mẹ: Bí tích Hôn phối. Sự kết hợp mà họ đã bước vào được thánh hiến và được thánh hóa. Họ nên một với người đàn ông được đặt ở bên cạnh họ như Giáo hội là một với Chúa Kitô, là đầu mầu nhiệm của Giáo hội. Hình ảnh này của Thánh Tông đồ (9) có ý nghĩa nhiều hơn một hình ảnh. Khi cô dâu ưng thuận trong lễ cưới trước vị linh mục làm chứng, họ sẽ trở thành một bộ phận đặc biệt trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Giáo hội tồn hữu nhờ sự sống ân sủng tuôn chảy từ Chúa Kitô, đầu của Giáo hội, sự sống ân sủng mà Giáo hội thông truyền cho các chi thể luôn luôn mới trong tính sinh hoa kết trái vĩnh viễn. Người phụ nữ cũng vậy - như một biểu tượng hữu hình của Giáo hội - được kêu gọi để gia tăng số lượng con cái của Thiên Chúa bằng cách truyền đạt sự sống tự nhiên và sự sống ân sủng. Do đó, họ là một bộ phận chủ yếu của việc sinh hoa trái của Giáo hội. Họ được ơn thánh củng cố cho ơn gọi của mình, miễn là họ cố gắng hết sức để mãi là một thành viên sống động của Giáo Hội và sống một cuộc sống hôn nhân theo nghĩa của Giáo Hội. Và ngay cả với một người bạn đời không xứng đáng khiến cuộc sống của họ trở thành thử thách, ngay trong một lý tưởng hôn nhân bị bóp méo khủng khiếp này, người phụ nữ vẫn có thể kiên trì trong dây hôn phối nếu họ vẫn tôn kính ẩn dụ của cuộc sống huyền nhiệm. Họ sẽ đứng vững trước linh hồn con cái họ, bảo vệ sự sống ân sủng bắt đầu trong chúng nhờ phép rửa thánh thiện.

Đối với nữ tu, thay vì bí tích hôn phối, phụng vụ thánh hiến trinh nữ được ban như một phương tiện ân sủng đặc thù để củng cố ơn gọi của họ; ít nhất, đó là lời khấn long trọng mà với nó họ kết hôn với Chúa mãi mãi. Bằng cách tham gia vào nghi lễ này, họ nhận được phước lành để sống như người phối ngẫu của Chúa Kitô: tự do từ bỏ mọi sự trong đó người thế gian vẫn nhìn thấy hạnh phúc của họ — của cải vật chất, chồng con và tự do tổ chức cuộc sống của họ theo ý họ. Nếu người phụ nữ đã kết hôn có nghĩa vụ phải phục tùng chồng mình như Chúa, thì người nữ tu cũng có nghĩa vụ phải tôn kính vị bề trên hợp pháp của mình với tư cách là người ủy nhiệm của Chúa Kitô và chấp nhận chỉ thị của ngài như được ban hành bởi thánh ý Thiên Chúa.

Theo những cách nào đó, Chúa cũng ban cho họ tình yêu và sự chăm sóc của Người một cách hữu hình và can thiệp bằng những phương tiện thế gian: trong tình phụ tử, tình mẫu tử và tình chị em mà họ tìm thấy trong dòng như gia đình; đến lượt họ, họ phải đáp lại bằng cách chia sẻ mọi tài sản, sự nghiệp và số phận của cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả những trợ cụ hữu hình này phải luôn được nhìn dưới ánh sáng của những điều vô hình. Chính Chúa là Đấng mà họ thuộc về và ở bên cạnh Người, họ được tôn vinh: những ân sủng mà họ có được là kho báu vô tận của công đức mà Người phối ngẫu thần linh đã hào phóng ban cho họ— cho bản thân họ và những người mà họ cầu bầu cho. Những nỗ lực và số phận giờ đây trở thành của riêng họ là cơ hội dành cho vương quốc của Thiên Chúa : những ngày lễ của Giáo hội và những công việc thương người về phần hồn là niềm vui của họ, nhờ đó họ được động viên sử dụng sức mạnh của mình; sự chống đối vương quyền của Chúa Kitô và quyền lực của tội lỗi là các nỗi buồn của họ, được họ dùng vũ khí chống lại.

Nếu họ sống trong một đan viện kín cổng cao tường nghiêm ngặt, nếu nhiệm vụ của họ là ca ngợi Thiên Chúa một cách long trọng, thì họ được dứt khoát rời khỏi cuộc sống thế gian mà bước vào cộng đồng các thiên thần và các thánh để hát bài Thánh Thánh Thánh vĩnh cửu. Hoặc, được nhận diện bởi bộ áo dòng thánh thiện như là một người đầy tớ của Chúa, họ cùng thiên thần hộ mệnh ở bên cạnh, mang tình yêu Thiên Chúa đi phục vụ một cách đầy cảm thương những người thiếu thốn và đau khổ. Có lẽ, che khuất khỏi mọi ánh mắt của con người, họ cầu bầu cho những linh hồn đang bị đe dọa bằng lời cầu nguyện đền tội và những công việc đền thay để đền tạ Thiên Chúa. Tất nhiên, điều này không bao gồm mọi thành viên trong dòng, nhưng bất cứ ai đã lên đến tầm cao này đều đã được ban cho ơn nếm trước Thánh nhan Thiên Chúa [visio beatifica]. Nhưng chính nhờ các sức mạnh siêu nhiên của tâm trí và linh hồn mà họ mới có thể tách mình ra khỏi những vấn đề trần tục để sống một cách siêu việt; đây là một sức mạnh chỉ được ban tặng nhờ ân sủng, một sức mạnh phải được đổi mới không ngừng bởi sự khổ hạnh bất tận.

Chúng ta đã nêu lên câu hỏi liên quan đến các khác biệt chính giữa nữ tu và linh mục, giữa sự dâng mình của phụ nữ như là người phối ngẫu của Chúa Kitô và của đàn ông như là đại diện của Chúa Kitô. Tôi tin rằng tình yêu phu thê nơi người nam hay người nữ là nền tảng của việc phó mình cho Chúa ở bất cứ nơi nào nó được tuân giữ một cách tinh tuyền và tự do. Và người nào trong dòng không tham gia chức linh mục như ơn gọi của mình (tức là tu huynh), thì nếu người này càng nhìn thái độ này cách tinh ròng hơn, họ sẽ càng thăng tiến sâu hơn trong đời sống nội tâm. Nhưng nghĩa vụ này cũng thực sự hiện diện đối với linh mục: ngài phải giảng dạy, phán xử và chiến đấu cho Chúa thay cho Người; ngài phải bảo đảm đi bảo đảm lại rằng ngài đang từ bỏ chính mình để hiệp thông mật thiết với Người. Và nếu quan điểm phu thê có giảm đi, về phương diện con người, có thể quan niệm được rằng nó vẫn buộc phải được duy trì nếu sự cầu bầu với Chúa thực sự diễn ra trong tinh thần ngài.

Điều này, có lẽ, có thể dẫn chúng ta đến sự kiện mầu nhiệm này là Thiên Chúa đã không gọi phụ nữ vào chức linh mục. Một mặt, điều này có thể được hiểu như là sự trừng phạt vì chính người phụ nữ là người đầu tiên chống lại thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, mặt khác, đây có thể được coi là một đặc ân đặc biệt của ân sủng: Chúa sẽ không bao giờ để cho nàng dâu thánh hiến của Người lạc xa khỏi Người; mọi quyền lực trong vương quốc của Người là do nàng, không phải qua một thẩm quyền được ủy nhiệm mà là qua sự kết hợp yêu thương với Người. Đây là biểu tượng của cộng đồng tình yêu mật thiết nhất mà Người đã đi vào với một hữu thể nhân bản, kết hợp với Mẹ của Người.

Chúng ta đã trở nên quen thuộc với những giúp đỡ đặc biệt để được ân sủng mà với chúng Giáo hội có thể cung cấp cho người phụ nữ đã lập gia đình và nữ tu để thể hiện các ơn gọi của họ. Bây giờ chúng ta phải đối diện với câu hỏi đặc biệt quan trọng đối với thời đại của chúng ta: Làm thế nào để người phụ nữ không kết hôn có thể hoàn thành số phận của họ ngoài cuộc sống trong tu viện? Không nghi ngờ gì nữa, bậc sống của họ đặc biệt khó khăn. Một mặt, họ có thể phải từ bỏ hôn nhân và thiên chức làm mẹ, không phải do ý chí tự do của mình mà là do hoàn cảnh thúc ép, mặc dù trong họ vẫn còn hiện hữu niềm khao khát sống động tự nhiên muốn có hạnh phúc gia đình. Phải khó khăn lắm, họ mới có thể hoàn toàn để tâm tới nghề nghiệp mà họ đã chọn, ngay cả khi nó phù hợp với thiên bẩm và tài năng của họ; điều này càng đúng hơn bao giờ hết nếu công việc được đảm nhận, có lẽ cả một cách miễn cưỡng, chỉ để kiếm sống. Hoặc, mặt khác, họ đã được lôi cuốn vào cuộc sống trinh khiết từ khi còn trẻ; và, mô hình của dòng tu có vẻ phù hợp nhất với lôi cuốn này, nhưng hoàn cảnh hiện tại đã ngăn cản họ thực hiện được mong muốn ấy.



Trong cả hai trường hợp, mối nguy hiểm là ở chỗ họ coi cuộc sống của mình như một thất bại, linh hồn họ trở nên còi cọc và cay đắng, không cung cấp sức mạnh để họ hoạt động hữu hiệu như một người phụ nữ. Hơn nữa, có vẻ như họ thiếu sự trợ giúp để đạt ân sủng vốn được các chức nghiệp nữ giới khác cung cấp. Hoạt động đơn thuần bằng sức mạnh tự nhiên dưới một lối sống xung đột với bản chất riêng của một người thì khó có thể thành đạt mà không gây tổn thương cho cả bản nhiên lẫn linh hồn. Cùng lắm, điều này chỉ có thể chịu đựng được nhờ sự cam chịu đầy mệt mỏi; nhưng thông thường, nó được xử lý một cách cay đắng và nổi loạn chống lại “số phận” của mình hoặc bằng cách trốn chạy vào thế giới ảo tưởng. Những điều mình không đích thân chọn lựa và biến thành của riêng mình, một cách tự do và vui vẻ, chỉ có thể hoàn thành bởi người phụ nữ nào biết nhìn ra thánh ý Thiên Chúa hoạt động trong lực đẩy của các hoàn cảnh bắt buộc và không nhằm mục đích gì khác hơn là hòa hợp ý muốn của mình với thánh ý thần linh. Nhưng bất cứ ai làm cho ý chí mình lệ thuộc Thiên Chúa cách này, đều biết chắc mình được một sự hướng dẫn đặc biệt trong ân sủng.

Có thể coi là dấu hiệu trực tiếp của một lời kêu gọi đặc biệt khi một ai đó được kéo ra khỏi con đường dường như do sinh hạ và dưỡng dục dành cho, hoặc một con đường họ đích thân hy vọng và phấn đấu cho, và sau đó bị ném vào một con đường hoàn toàn khác hẳn. Lời kêu gọi này nhằm một sứ mệnh bản thân không được vạch ra trước một cách chắc chắn, với dấu vết của nó được vạch sẵn và rõ ràng; đúng hơn, nó được tiết lộ từng bước. Và ở đây, có thể là sự củng cố duy nhất cần thiết cho các bổn phận của một đời sống như vậy được tìm thấy bởi người phụ nữ biết đi theo con đường riêng của mình hơn là trong đời sống cộng đồng của phụng vụ thánh hiến. Điều đặc biệt quan trọng trong vấn đề này là phải quan sát cẩn thận các dấu chỉ đường đi của mình. Hơn hết, điều này đòi hỏi phải thực hiện mọi điều trong khả năng của mình để luôn ở lại trong nhan Thiên Chúa, nghĩa là phải sử dụng mọi phương tiện ân sủng có sẵn cho mọi Kitô hữu.

Điều quan trọng hơn cả là Thánh Thể phải trở thành tâm điểm của đời sống: Chúa Cứu Thế Thánh Thể phải là trung tâm của cuộc hiện sinh; mọi ngày phải được tiếp nhận từ bàn tay Người và đặt trở lại trong bàn tay Người; các diễn biến trong ngày phải được bàn bạc với Người. Nhờ cách này, ta dành cho Thiên Chúa cơ hội tốt nhất để được lắng nghe trong trái tim ta, để Người đào tạo linh hồn ta, và làm cho các khả năng của nó biết nhìn rõ ràng và cảnh giác đối với những điều siêu nhiên. Sau đó, dĩ nhiên người ta sẽ nhìn các vấn đề trong cuộc sống của mình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và học cách giải quyết chúng trong Thánh thần của Người. Muốn vậy, cần phải xem xét một cách bình thản và rõ ràng các sự kiện và biến cố bên ngoài. Bất cứ ai sống trong niềm tin mạnh mẽ rằng không có điều gì xảy ra nếu không có sự hiểu biết và ý muốn của Thiên Chúa sẽ không dễ bị bối rối bởi những biến cố đáng kinh ngạc hoặc khó chịu bởi những tai họa nặng nề nhất. Họ sẽ giữ im lặng và đối đầu với các sự kiện một các rõ ràng; họ sẽ khám phá ra những hướng dẫn đúng đắn cho tác phong thực tế của mình trong tình huống tổng thể.

Hơn nữa, cuộc sống với Đấng Cứu Rỗi Thánh Thể khiến linh hồn được nâng ra khỏi sự chật hẹp của quỹ đạo cá nhân, riêng tư của nó. Mối quan tâm của Chúa và vương quốc của Người trở thành mối quan tâm của linh hồn, chính là đối với những người được thánh hiến cho Người trong một dòng tu; và, đến mức độ tương tự, các nhu cầu nhỏ và lớn của cuộc hiện sinh cá nhân mất đi tầm quan trọng của nó. Những ai biết cách tạo ra cuộc sống luôn luôn đổi mới từ cội nguồn vĩnh cửu đều trải nghiệm được tự do và niềm vui: những biến cố trọng đại của bi kịch vũ trụ liên quan đến sự sa ngã của con người và sự cứu chuộc được đổi mới lặp đi lặp lại trong đời sống của Giáo hội và trong linh hồn mỗi con người. Và điều này sẽ được phép xảy ra lặp đi lặp lại trong cuộc đấu tranh của ánh sáng chống mọi bóng tối.

Những người đạt được tự do ở những tầm cao và tầm nhìn mở rộng này đã phát triển quá những gì thường được gọi là “hạnh phúc” và “bất hạnh”. Họ có thể phải chiến đấu vất vả cho sự hiện hữu trên thế gian, có thể thiếu sự hỗ trợ của một cuộc sống gia đình êm ấm hoặc tương ứng như thế, của một cộng đồng con người luôn nâng đỡ và hỗ trợ — nhưng nhất định họ không còn cô đơn và thiếu niềm vui nữa. Những ai sống với Giáo Hội và phụng vụ của Giáo Hội, tức là những người Công Giáo đích thực, không bao giờ có thể bị cô đơn: họ thấy mình được hòa nhập vào cộng đồng nhân loại vĩ đại; ở khắp nơi, tất cả đều hợp nhất như anh chị em trong tận trái tim. Và bởi vì những suối nước sống động luôn tuôn chảy từ tất cả những ai sống trong bàn tay Thiên Chúa, họ như phát ra một sức hút nam châm mầu nhiệm đối với những linh hồn khao khát. Dù không hoài bão điều đó, họ hẳn trở thành người hướng dẫn cho những người khác đang phấn đấu vươn tới ánh sáng; họ hẳn thực hành chức làm mẹ thiêng liêng, sinh hạ và lôi kéo con trai con gái đến gần vương quốc của Thiên Chúa.

Lịch sử của Giáo Hội cho thấy rằng nhiều người, đàn ông và đàn bà, đã đi theo con đường này “trong thế giới”. Và, rõ ràng, họ đặc biệt cần đến trong kỷ nguyên hiện đại của chúng ta. Người ngoại giáo hiện đại thường thấy bộ áo tu trì đáng nghi ngại và không muốn nghe bất cứ giáo huấn đức tin nào. Người này hiếm khi tiếp cận cuộc sống siêu nhiên ngoại trừ qua những người họ coi là bình đẳng về phương diện thế gian với họ: những người có lẽ thực hành cùng một ngành nghề, có cùng những sở thích chung mạnh mẽ với mọi người thuộc thế giới này, nhưng lại sở hữu một sức mạnh mầu nhiệm phát xuất từ một nơi khác.

Một yếu tố chưa được đề cập là trong cuộc sống của những người đã đi theo con đường phi thường như vậy, chúng ta vẫn tìm thấy một phương pháp tổng quát: đó là phương pháp nắm chắc thánh ý Thiên Chúa. Điều này xuất phát từ sự vâng phục thể hiện đối với người ủy nhiệm hữu hình của Thiên Chúa — một vị linh mục linh hướng. Theo tất cả những gì chúng ta học được từ kinh nghiệm bản thân và lịch sử cứu rỗi, phương pháp của Chúa là đào tạo con người qua những con người khác. Đứa trẻ được giao phó cho sự chăm sóc và nuôi dưỡng của người lớn để phát triển tự nhiên thế nào, thì sự sống ân sủng cũng được truyền qua trung gian của con người như vậy. Con người được sử dụng như công cụ để đánh thức và nuôi dưỡng tia lửa thần linh. Do đó, các nhân tố tự nhiên và siêu nhiên cho thấy rằng cả trong cuộc sống ân sủng, “con người ở một mình là điều không tốt”.

Tuy nhiên, cùng một lúc, có nguy cơ tự lừa dối bản thân: tầm nhìn rõ ràng của tinh thần bị lu mờ bởi ước muốn của trái tim; thành thử, người ta thường nhầm lẫn khi coi những gì hợp với xu hướng của mình là ý muốn của Thiên Chúa. Để bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hiểm này, điều tốt là nên đưa ra quyết định bằng cách quy phục sự phán đoán bình thản, không thiên vị hơn là chỉ nghe theo thúc giục bên trong của chính mình. Một sự kiện khác cần được suy xét là phán đoán của ta về các sự việc của chính mình có xu hướng kém chắc chắn và kém tin cậy hơn so với các phán đoán ta dành cho những người khác.

Cùng với những hoàn cảnh tự nhiên này, có những mối liên hệ với một trật tự khác chắc chắn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Mỗi cá nhân quen thuộc với đời sống nội tâm đều biết rằng chính những người được Thiên Chúa kêu gọi để đạt được điều phi thường cũng phải trải qua những thử thách phi thường. Đây không chỉ là những khó khăn và nhu cầu trần tục mà còn là những đau khổ và cám dỗ thiêng liêng thậm chí khó chịu đựng hơn - mà thần học huyền nhiệm gọi là “đêm tối của linh hồn”. Dù sự trong sáng của ý chí không bị hoen ố, nhưng linh hồn rơi vào cơn lo âu và bối rối tột cùng: mất hết hương vị đối với các thực hành đạo đức; bị cám dỗ bởi lòng hoài nghi và thù nghịch đối với các chỉ thị của Giáo hội; có nguy cơ coi con đường của nó là sai lầm; lo sợ nó có thể bị sa ngã không thể nào phục hồi.

Kinh nghiệm trước đây dạy rằng, để không bị lạc đường ngay giữa những nguy hiểm thiêng liêng như vậy, không có cách bảo vệ nào tốt hơn là vâng lời một vị linh hướng sáng suốt. Một sự kiện mầu nhiệm là việc vâng lời rất hữu hiệu trong việc chống lại quyền lực của bóng tối — cũng như lòng thương xót độc đáo của Thiên Chúa khi đặt một người hướng dẫn như vậy ở bên cạnh một linh hồn đau khổ — nhưng đó là một sự kiện. Thiên Chúa không bị ràng buộc đối với cách thức trung gian này, nhưng, vì những lý do không thể dò thấu, Người đã cam kết như vậy đối với chúng ta; tương tự như vậy, Người cũng đã cung cấp những cách thức đặc biệt của ân sủng cầu bầu, mặc dù các khả thể của Người trong việc thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta là vô tận. Hướng dẫn bên trong và bên ngoài phải luôn song hành với nhau trong cuộc hành trình của người ta; vì lý do này, bất cứ ai tìm được vị linh hướng thích hợp sẽ để mình, vì lợi ích của mình, được dẫn dắt bởi sự hướng dẫn của Thiên Chúa thay vì sự võ đoán của mình. Điều này có thể mang lại những chức năng nào cho những con người cá thể, thì chỉ có cuộc sống mới có thể chứng minh được.

Một vài khả thể điển hình đã được phác họa trong các phát biểu của tôi liên quan đến việc làm của phụ nữ. Cuộc tìm hiểu được hướng dẫn xuyên suốt có thể được tóm tắt như sau: chỉ bằng cách rút tỉa từ nguồn sức mạnh vĩnh cửu, người phụ nữ mới có thể thực hiện được những chức năng mà do bản chất và định mệnh, họ được kêu gọi thực hiện. Mặt khác, mỗi người phụ nữ sống dưới ánh sáng vĩnh cửu đều có thể chu toàn ơn gọi của mình, bất kể đó là trong hôn nhân, trong một dòng tu, hay trong một nghề nghiệp trần tục.

Ghi chú

(1) Có hai trích dẫn của Goethe: “reine Menschlichkeit,”tức là “nhân tính thuần túy” và “Ewig-Weibliches,” tức là “nữ giới vĩnh cửu” (Ghi chú của dịch giả tiếng Anh)

(2) Ý niệm của trường phái Tôma này (mô thức bên trong [inner form]) chỉ yếu tính của hữu thể (Ghi chú của dịch giả tiếng Anh).

(3) Ở đây, bản chép tay có nhắc tới tiểu luận “Các Chức nghiệp Riêng biệt của Đàn ông và của Đàn bà Theo Bản chất và Ơn thanh” các trang 59-85. Thêm vào việc nhắc tới đó bằng thủ bút của chinh Edith Stein, chúng tôi cũng nhắc đến các trình bầy khác có liên quan trong các tiểu luận “Các Nguyên tắc về Các Chuyên nghề của Phụ nữ” (các trang 43-47) và “Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo” Tiết III (Ghi chú của các hiệu đính viên).

(4) Câu này ám chỉ cuộc khủng hoảng kinh tế và các qui định khẩn trương thập niên 1930, vốn có tầm quan trọng có tính quyết định đối với toàn bộ hệ thống giáo dục Đức. Xin xem “Notzeit und Bildung,” tiểu luận viết về khẩn trương và giáo dục ở trang 73-80 trong cuốn XII của bộ Edith Steins Werke (Ghi chú của các hiệu đính viên).

(5) Trường tiểu học (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(6) Thánh Augustinô thành Hippo (A.D. 354-430) (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(7) Thánh Tôma Aquinô, triết gia và thần học gia (1225-1274).— (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(8) “Điều Bà Evà đáng buồn lấy đi, Mẹ đã phục hồi với người con đáng yêu”, đây là một giòng của bài thánh ca “O Gloriosa Virginum,” một thánh ca kính Trinh nữ Diễm phúc Maria. Xin cám ơn Cha Pierre Conway, O.P., về ghi chú này (Ghi chú của người dịch tiếng Anh).

(9) Êph 5:23. Muốn có trọn hình ảnh, xem trọn đoạn văn Êph 5:22-33. (Ghi chú của người dịch tiếng Anh).

 Vietcatholic news