Nhân tháng Mân Côi, đọc khảo luận duy nhất về Đức Mẹ, Thiếu Nữ Sion, của Ratzinger, chương II, tiếp
Vũ Văn An
2. Không mắc tội Ađam
Giờ đây chúng ta xem xét hai phản chứng được nêu ra chống lại tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Phản chứng đầu tiên cho rằng việc giữ gìn khỏi tội nguyên tổ là một sự kiện (nếu có như thế). Tuy nhiên, các sự kiện không thể được diễn dịch bằng suy đoán, mà chỉ có thể được biết nhờ một truyền thống nào đó (mặc khải). Nhưng một truyền thông như thế về Đức Maria không hiện hữu. Thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo không biết gì về sự kiện này. Do đó, lời khẳng định về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã vượt khỏi ranh giới thích đáng của suy đoán. Phản chứng thứ hai cho rằng tuyên bố như vậy về Đức Maria đặt ra câu hỏi về tính phổ quát của ân sủng. Thần học thời Trung cổ phản bác câu hỏi này, và thần học Cải cách đã lên khung lại vấn đề một cách căn bản và sắc nét hơn khi nó định nghĩa ân sủng trong yếu tính như là việc công chính hóa tội nhân. Về điểm này, chỉ cần nhắc đến Karl Barth là đủ, có lẽ ông là đại diện ấn tượng nhất của niềm tin Thệ Phản trong thế kỷ của chúng ta. Trong bất cứ nền thần học nào muốn gán cho Đức Maria một loại vai trò độc lập nào đó trong lịch sử cứu độ, ông đều biện phân được nỗ lực "soi sáng" và đặt cơ sở cho phép lạ mặc khải "một cách hậu thiên, từ quan điểm của con người, từ tính tiếp thu của con người".
Do đó, việc chấp nhận Đức Maria trong mắt ông có nghĩa là ngài, "bất chấp các tội lỗi... ngài có thể phạm... vẫn được chấp nhận là người cưu mang chính Thiên Chúa vĩnh cửu". Về điểm này, Barth đứng vào hàng ngũ đối lập đúng nghĩa của Luther về lề luật và tin mừng: giữa Thiên Chúa và con người không có sự tương ứng (loại suy), mà chỉ có sự mâu thuẫn (biện chứng). Nơi nào hoạt động của Thiên Chúa được mô tả từ quan điểm tương ứng, ân sủng thuần túy, sự công chính hóa không do công lao của tội nhân, bị đặt thành nghi vấn.
Nhưng có phải như vậy không? Tu sĩ Dòng Phanxicô, B. Langemeyer, theo gương Công đồng Vatican II, đã nhấn mạnh đến loại hình học [typology] ("học thuyết tương ứng") liên kết Cựu ước và Tân ước trong một sự thống nhất nội tại của lời hứa và ứng nghiệm. Như một hình thức giải thích, loại hình học bao hàm loại suy, tính tương đồng trong khác biệt, tính thống nhất trong đa dạng. Các suy tư của chúng ta cho đến nay dựa vào sự hiểu biết sâu sắc này, vào sự khẳng định tính thống nhất sâu sắc nhất của các giao ước. Bây giờ chúng được minh họa trong một trường hợp cụ thể. Langemeyer khiến chúng ta chú ý đến sự kiện này là lời rao giảng về phán xét của các tiên tri (chứa đựng thời điểm gián đoạn) được đi kèm với việc nhắc đến số sống sót thánh thiện của Israel, những người sẽ được cứu vớt - một ý nghĩ được Thánh Phaolô đã nêu rõ trong Rôma 11: 6, coi điều đó được ứng nghiệm trong dân Israel Kitô giáo. "Số sống sót thánh thiện" [Holy Remnant] có nghĩa là sự liên tục không chỉ nằm trong ý muốn của Thiên Chúa còn sự hủy diệt và mâu thuẫn thì nằm trong lãnh vực lịch sử, mà còn nằm ở tính liên tục trong lịch sử: Lời Thiên Chúa không được nói ra cách vô ích.
Sẽ là điều vô lý khi nói đến một số sống sót, một cội rễ thánh thiện, nếu Giao ước Cũ đã dẫn đến sự bội giáo và tội lỗi. Trong trường hợp như thế, sẽ phải có một khởi đầu mới.
... Hoạt động của Thiên Chúa không chỉ tác động theo chiều dọc vào lịch sử từng đã có từ hoạt động trước đó của Người. Đức tin không từ trên trời rơi xuống. Nó được thai nghén qua chứng tá đức tin trong một cuộc gặp gỡ lịch sử hàng ngang.
... Nơi Đức Maria, dòng dõi máu huyết của dân được tuyển chọn hoàn toàn trùng khớp với niềm tin vào lời hứa ban cho dân tộc này. Kết quả là, không phải bởi thành quả của con người, nhưng bởi ân sủng của giao ước đã tác động trong lịch sử, mà ý nghĩa cứu độ do Cựu Ước theo kế hoạch của Thiên Chúa cuối cùng đã đạt được sự ứng nghiệm của nó, đó là sự thụ thai trong thể xác và tinh thần của Vương quốc cánh chung của Thiên Chúa mà Người muốn Israel làm trung gian cho các dân tộc trên trái đất.
Xin nhắc lại, số thánh thiện còn lại có nghĩa là lời Thiên Chúa thực sự sinh hoa kết quả, Thiên Chúa không phải là tác nhân duy nhất trong lịch sử, như thể lịch sử chỉ là lời độc thoại của Người, nhưng Người tìm được câu trả lời đích thực là một câu trả lời. Như số thánh thiện còn lại, Đức Maria biểu thị việc trong ngài, Giao ước Cũ và Mới thực sự là một. Ngài hoàn toàn là một người Do Thái, một người con của Israel, của Giao ước Cũ, và như thế, là một người con của giao ước trọn vẹn, hoàn toàn là một Kitô hữu: Mẹ của Ngôi Lời. Ngài là Giao ước mới trong Giao ước cũ; ngài là Giao ước Mới như là Giao ước cũ, như là Israel: vì vậy không ai có thể hiểu được sứ mệnh của ngài hoặc con người của ngài nếu sự thống nhất của Cựu ước và Tân ước sụp đổ. Bởi vì ngài hoàn toàn là câu trả lời, là thư tín [Entsprechung], nơi nào ân sủng xem ra ở thế đối lập và câu trả lời, câu trả lời đích thực của tạo vật, dường như bác bỏ ân sủng thì người ta không thể hiểu được ngài; vì lời nói nếu không bao giờ tới, nếu ân sủng mãi chỉ thuộc quyền sử dụng của Thiên Chúa mà không trở thành câu trả lời cho Người thì không hề là ân sủng, mà chỉ là một trò chơi vô ích. Yếu tính người phụ nữ đã được định nghĩa nơi Evà: là sự bổ sung hiện hữu hoàn toàn trong việc được rút ra từ người khác, và tuy nhiên vẫn là sự bổ sung của họ. Ở đây yếu tính này đạt đến đỉnh cao của nó: hoàn toàn được rút ra từ Thiên Chúa và đồng thời là sự bổ sung tạo vật hoàn chỉnh nhất— một tạo vật trở thành câu trả lời.
Nói điều này rồi, câu hỏi đầu tiên rõ ràng vẫn chưa được trả lời: người phản chứng của chúng ta trả lời, đồng ý, trong lĩnh vực suy nghĩ, đây có thể là một khẳng định có ý nghĩa, nhưng làm thế nào chúng ta được biện minh khi khẳng định rằng Đức Maria là "số sống sót thánh thiện" này? Há đây không phải là chuyện làm trò ma thuật lấy sự kiện ra từ một nguyên tắc? Để trả lời, người ta phải thấy rằng không thể áp dụng khái niệm "sự kiện" vào tội nguyên tổ, theo đúng nghĩa duy nghiệm [positivistic] của nó. Vì bản thân tội nguyên tổ không phải là một sự kiện theo nghĩa duy nghiệm, có thể quan sát được như sự kiện Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749. Tội nguyên tổ là một "sự kiện", một thực tại, thuộc một loại khác, chỉ được biết đến qua loại hình học [typology]; bản văn căn bản, Thư Rôma 5, là một cách giải thích loại hình học về Cựu Ước. Người ta có thể nhận ra tội nguyên tổ trong loại hình Ađam, và việc ông tái xuất hiện vào những khúc ngoặt của lịch sử. Việc khẳng định về nó dựa trên sự đồng nhất loại hình học của mọi người riêng rẽ với con người nói chung, với con người trung bình, với con người từ khởi thủy trở đi. Tội nguyên tổ đã không được truyền đạt trong truyền thống (và được truyền tụng trước đó) ngay từ thuở đầu như một sự kiện. Nó đã được nhận diện theo cung cách thần học (phản ảnh) qua chú giải Kinh thánh theo lối loại hình. Việc bỏ sót sự thật này có lẽ là sai lầm chính của học thuyết tân kinh viện về tội nguyên tổ. Lúc sai lầm này được đưa ra, bất kể ở mức độ nào, cùng với sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về việc nhận diện loại hình, nó đã dẫn đến việc đặt nghi vấn về tội nguyên tổ, đến việc không được suy nghĩ hoặc nói về nó. Nếu như vậy, điều cũng rõ ràng là việc không vướng tội nguyên tổ không thể được truyền đạt như một sự kiện; nó chỉ được thần học thừa nhận, và không có cách kết luận nào khác.
Người ta không cần phải tìm kiếm quá xa để có được một sự nhận diện loại hình học làm cơ sở cho việc Đức Maria không vướng tội nguyên tổ. Thư gửi tín hữu Êphêsô mô tả Israel mới, cô dâu, là "thánh thiện", "vô nhiễm nguyên tội", "đẹp rực rỡ", "không tì vết, vết nhăn, hay những điều tương tự" (5:27). Thần học giáo phụ đã khai triển thêm hình ảnh Ecclesia immaculata [Giáo Hội Vô Nhiễm] trong những đoạn văn mang vẻ đẹp trữ tình. Thành thử, ngay từ khởi thủy đã có một học thuyết về Immaculata trong Kinh Thánh và nhất là nơi các Giáo Phụ cho dù nó liên quan tới Ecclesia immaculata. Ở đây, học thuyết Immaculata, giống như toàn bộ Thánh Mẫu Học sau này, trước tiên được dự ứng như giáo hội học. Hình ảnh Giáo hội, trinh nữ và là mẹ, được chuyển dịch sau đó sang Đức Maria, chứ không ngược lại. Như thế, nếu tín điều Vô nhiễm từ lúc Tượng Thai được chuyển dịch sang nhân vật cụ thể Maria, những khẳng định vốn trước nhất thuộc về phản đề Israel mới-cũ, và theo nghĩa này, là một giáo hội học được khai triển về mặt loại hình học, thì điều này có nghĩa là Đức Maria được trình bày như là khởi đầu và là tính cụ thể bản vị của Giáo hội. Nó bao hàm xác tín này là sự tái sinh của Israel cũ thành Israel mới, mà Thư gửi tín hữu Êphêsô đã nói tới, đạt được nơi Đức Maria một thành toàn cụ thể của nó. Nó công bố rằng Israel mới này (đồng thời là Israel cũ đích thực, số sống sót thánh thiện được ân sủng Thiên Chúa duy trì) không chỉ là một ý tưởng, mà còn là một con người. Thiên Chúa không hành động một cách trừu tượng hay bằng các khái niệm; loại hình mà Giáo hội học của Tân Ước và các Giáo phụ nói tới, hiện hữu như một con người. Ở điểm này, một câu hỏi khác có thể được nêu ra: rất tốt, Tân Ước quả có chứa một học thuyết về immaculata, tất cả những lời khẳng định đó về Đức Maria không mới mẻ đúng nghĩa, nhưng chỉ nhờ sự nhân cách hóa của chúng nơi Đức Maria.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biện minh được việc nhân cách hóa loại hình ở điểm này chứ không ở bất cứ nơi nào khác? Câu trả lời không khó. Vì việc đồng nhất hóa loại hình học giữa Đức Maria và Israel, sự hiện diện của loại hình trong con người, hiện diện rõ ràng trong các trước tác của Thánh Luca — và, một cách khác, trong các trước tác của Thánh Gioan. Nó là một phần của khuôn khổ thần học Kinh thánh giống như cách giải thích có hệ thống về loại hình Ađam-Kitô vốn là một phần của học thuyết về tội nguyên tổ. Nhờ việc Thánh Luca cân bằng nữ tử Sion đích thực với Trinh nữ biết lắng nghe và tin tưởng, nó hiện diện trọn vẹn trong Tân Ước, một cách chủ yếu.
Vẫn còn một vấn đề cuối cùng: Kiểu nói "được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ" thực sự có nghĩa gì? Karl Rahner đã ghi nhận một cách chính xác rằng vấn đề ở đây không thể là vấn đề thời gian (Đức Maria được công chính hóa sớm hơn những người khác). Sự chuyển dịch công chính hóa như vậy trở về chính hành động đi vào hiện hữu, sự đồng nhất hóa giữa việc sinh ra và việc tái sinh, giữa sự sống và ân sủng, phải có một ý nghĩa giá trị học [axiological] vượt quá dự ứng thời gian. Đến mức đó, câu hỏi nêu ra ở đây là về chính ý nghĩa của tội nguyên tổ; thực vậy, có lẽ chỉ bằng cách du nhập mạch (strand) loại hình thứ hai này, chúng ta mới có thể giải quyết được tình trạng rối bời tạo ra bởi cách chỉ duy nhất xem xét mạch giải thích Ađam. Có lẽ chỉ trên cơ sở này, chúng ta mới có thể tiến tới một giải pháp có ý nghĩa. Việc khẳng định Đức Maria không vướng tội nguyên tổ đã cắt bỏ mọi quan điểm duy tự nhiên [naturalistic]. Như thế, chúng ta có thể nói rằng tội nguyên tổ không phải là việc khẳng định tự nhiên vắng bóng nơi hoặc liên quan tới con người, nhưng là một tuyên bố về mối tương quan chỉ có thể được phát biểu một cách có ý nghĩa trong bối cảnh mối tương quan Thiên Chúa và con người. Bản chất của tội lỗi chỉ có thể được hiểu trong một nền nhân học tương quan, chứ không phải bằng cách nhìn vào một con người cô lập. Một nhân học như vậy càng cần thiết hơn trong trường hợp ân sủng. Do đó, chúng ta có thể mô tả tội nguyên tổ như một lời tuyên bố về sự đánh giá của Thiên Chúa đối với con người; đánh giá không phải như một điều ở bên ngoài, mà như việc mạc khải chính những tầng sâu bên trong hữu thể họ. Đó chính là sự sụp đổ về ý nghĩa con người, cả trong nguồn gốc của họ từ Thiên Chúa và trong chính bản thân họ, là sự mâu thuẫn giữa ý chí của Đấng Tạo hóa và hữu thể thực nghiệm của con người.
Sự mâu thuẫn giữa "điều là" của Thiên Chúa và "điều không là" của con người đã không có trong trường hợp Đức Maria, và do đó, phán xét của Thiên Chúa về ngài hoàn toàn là tiếng "Có" thuần túy, cũng như chính ngài trước mặt Người như một lời "Xin vâng" thuần túy. Sự tương ứng giữa tiếng “có” của Thiên Chúa với hữu thể của Đức Maria như lời “Xin vâng” là sự giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Do đó, việc giữ gìn khỏi tội nguyên tổ không biểu thị một tài năng ngoại thường nào, một thành tích ngoại thường nào; trái lại, điều đó cho thấy Đức Maria không dành chỗ nào trong hiện hữu, kể cả sự sống lẫn ý chí, cho chính ngài như một sở hữu riêng: thay vào đó, chính trong việc hoàn toàn từ bỏ việc sở hữu bản thân, hiến mình cho Thiên Chúa, ngài tiến tới chỗ sở hữu thực sự chính mình. Ân sủng như một từ bỏ sở hữu trở thành sự đáp trả như một sở hữu làm của riêng. Như thế, từ một quan điểm khác nữa, mầu nhiệm người hiếm muộn mắn con [barren fruitfulness], nghịch lý của người mẹ son sẻ, mầu nhiệm đồng trinh một lần nữa trở nên dễ hiểu: từ bỏ sở hữu như thuộc về, như cứ điểm [locus] của sự sống mới.
Do đó, học thuyết về Immaculata cuối cùng phản ảnh sự xác tín của đức tin rằng thực sự có một Giáo hội thánh thiện — như một con người và trong một con người. Theo nghĩa này, nó phát biểu sự xác nhận niềm xác tín của Giáo hội về sự cứu rỗi. Bao gồm trong đó là nhận thức rằng giao ước của Thiên Chúa ở Israel không thất bại nhưng đã sản sinh ra mầm mống từ đó sẽ nở rộ Đấng Cứu Rỗi. Như thế, học thuyết Immaculata làm chứng rằng ân sủng của Thiên Chúa đủ mạnh mẽ để đánh thức một sự đáp trả, ân sủng và tự do, ân sủng và là chính mình, từ bỏ và hoàn thành chỉ là những mâu thuẫn biểu kiến; thực thế, điều này là điều kiện của điều kia và đem lại cho nó chính sự hiện hữu của nó.
Còn 1 kỳ: 3: Được Triệu về Trời cả Hồn lẫn Xác
Vẫn còn một vấn đề cuối cùng: Kiểu nói "được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ" thực sự có nghĩa gì? Karl Rahner đã ghi nhận một cách chính xác rằng vấn đề ở đây không thể là vấn đề thời gian (Đức Maria được công chính hóa sớm hơn những người khác). Sự chuyển dịch công chính hóa như vậy trở về chính hành động đi vào hiện hữu, sự đồng nhất hóa giữa việc sinh ra và việc tái sinh, giữa sự sống và ân sủng, phải có một ý nghĩa giá trị học [axiological] vượt quá dự ứng thời gian. Đến mức đó, câu hỏi nêu ra ở đây là về chính ý nghĩa của tội nguyên tổ; thực vậy, có lẽ chỉ bằng cách du nhập mạch (strand) loại hình thứ hai này, chúng ta mới có thể giải quyết được tình trạng rối bời tạo ra bởi cách chỉ duy nhất xem xét mạch giải thích Ađam. Có lẽ chỉ trên cơ sở này, chúng ta mới có thể tiến tới một giải pháp có ý nghĩa. Việc khẳng định Đức Maria không vướng tội nguyên tổ đã cắt bỏ mọi quan điểm duy tự nhiên [naturalistic]. Như thế, chúng ta có thể nói rằng tội nguyên tổ không phải là việc khẳng định tự nhiên vắng bóng nơi hoặc liên quan tới con người, nhưng là một tuyên bố về mối tương quan chỉ có thể được phát biểu một cách có ý nghĩa trong bối cảnh mối tương quan Thiên Chúa và con người. Bản chất của tội lỗi chỉ có thể được hiểu trong một nền nhân học tương quan, chứ không phải bằng cách nhìn vào một con người cô lập. Một nhân học như vậy càng cần thiết hơn trong trường hợp ân sủng. Do đó, chúng ta có thể mô tả tội nguyên tổ như một lời tuyên bố về sự đánh giá của Thiên Chúa đối với con người; đánh giá không phải như một điều ở bên ngoài, mà như việc mạc khải chính những tầng sâu bên trong hữu thể họ. Đó chính là sự sụp đổ về ý nghĩa con người, cả trong nguồn gốc của họ từ Thiên Chúa và trong chính bản thân họ, là sự mâu thuẫn giữa ý chí của Đấng Tạo hóa và hữu thể thực nghiệm của con người.
Sự mâu thuẫn giữa "điều là" của Thiên Chúa và "điều không là" của con người đã không có trong trường hợp Đức Maria, và do đó, phán xét của Thiên Chúa về ngài hoàn toàn là tiếng "Có" thuần túy, cũng như chính ngài trước mặt Người như một lời "Xin vâng" thuần túy. Sự tương ứng giữa tiếng “có” của Thiên Chúa với hữu thể của Đức Maria như lời “Xin vâng” là sự giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Do đó, việc giữ gìn khỏi tội nguyên tổ không biểu thị một tài năng ngoại thường nào, một thành tích ngoại thường nào; trái lại, điều đó cho thấy Đức Maria không dành chỗ nào trong hiện hữu, kể cả sự sống lẫn ý chí, cho chính ngài như một sở hữu riêng: thay vào đó, chính trong việc hoàn toàn từ bỏ việc sở hữu bản thân, hiến mình cho Thiên Chúa, ngài tiến tới chỗ sở hữu thực sự chính mình. Ân sủng như một từ bỏ sở hữu trở thành sự đáp trả như một sở hữu làm của riêng. Như thế, từ một quan điểm khác nữa, mầu nhiệm người hiếm muộn mắn con [barren fruitfulness], nghịch lý của người mẹ son sẻ, mầu nhiệm đồng trinh một lần nữa trở nên dễ hiểu: từ bỏ sở hữu như thuộc về, như cứ điểm [locus] của sự sống mới.
Do đó, học thuyết về Immaculata cuối cùng phản ảnh sự xác tín của đức tin rằng thực sự có một Giáo hội thánh thiện — như một con người và trong một con người. Theo nghĩa này, nó phát biểu sự xác nhận niềm xác tín của Giáo hội về sự cứu rỗi. Bao gồm trong đó là nhận thức rằng giao ước của Thiên Chúa ở Israel không thất bại nhưng đã sản sinh ra mầm mống từ đó sẽ nở rộ Đấng Cứu Rỗi. Như thế, học thuyết Immaculata làm chứng rằng ân sủng của Thiên Chúa đủ mạnh mẽ để đánh thức một sự đáp trả, ân sủng và tự do, ân sủng và là chính mình, từ bỏ và hoàn thành chỉ là những mâu thuẫn biểu kiến; thực thế, điều này là điều kiện của điều kia và đem lại cho nó chính sự hiện hữu của nó.
Còn 1 kỳ: 3: Được Triệu về Trời cả Hồn lẫn Xác
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét