Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Giáo Lý Phúc Âm - CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C - ngày 3.3.2013



Giáo Lý Phúc Âm - CHÚA NHẬT  III MÙA CHAY NĂM C - ngày 3.3.2013

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C

Sách Xuất Hành 3,1-8a, 13-15; Thư I Thánh Phaolô gửi Côrintô 1Cor.10,1-6.10-12 và Phúc  Âm Luca 13, 1-9

 I. Giáo Huấn P.Â.:

    Tại hoạ và tội lỗi. Thực tế của đời sống và thực tại của đời người.
    Tai hoạ tức thiên tai hay ác xấu xảy ra không nhằm trừng phạt những ai có tội.
     Tai hoạ xảy ra cũng không là một tán thành luật nhân quả “ác giả, ác báo hay ở hiền gặp lành ở ác gặp dữ”

      Người có tội và cố tình không sám hối, không cải tà qui chánh chắc chắn bị luận phạt.  Luận phạt có nghĩa là chặt bỏ như cây không sinh trái, tức giết chết và ném vào lửa hoả ngục.

      Ai cũng có tội. Ai cũng phải sám hối để tránh bị  chặt bỏ và bị tiêu diệt 

II. Vấn nạn P.Â.    

            Tổng trấn Philatô là ai? Tại sao Ông giết người Galilê? 

           Sau khi Vua Hêrôđê Cả băng hà vào năm thứ 4 sau công nguyên, Hoàng đế Roma Augustô chia Do Thái thành ba tiểu quốc cho ba con trai của Hêrôđê Cả: Hêrôđê Antipas làm vua Galilê và vùng tả ngạn sông Giôđan. Hêrôđê Philip cai quản Golan và Miền Đông Bắc. Hêrôđê Arkêlaus cai trị Giuđêa và miền Idumea. Đế quốc Roma cai trị các thuộc quốc theo hình thức đặt những tổng trấn để giữ gìn an ninh trật tự và nhất là để thu thuế cho hoàng đế Roma. 

      Thời Chúa Giêsu, Philatô làm tổng trấn Giuđêa từ năm 26-36 sau công nguyên, dưới thời hoàng đế Tiberius Cêsar. Ông là vị tổng trấn thứ năm kể từ khi Giuđêa mất chủ quyền. Ông thi hành nhiệm vụ tổng trấn dài đến 10 năm ở Giuđêa. Theo sử gia Flavius Josephus, tổng trấn Philatô là người không có thực quyền, mà tính khí lại nông nỗi, bộc trực và nhất là hay dùng quyền lực và sức mạnh quân sự đàn áp dân chúng, nhất là những phe phái, những phong trào nỗi lên chống La Mã. Ông ta được nhắc đến nhiều nhờ dính líu đến vụ án Chúa Giêsu. 

      Trong Phúc Âm Luca hôm nay, người ta báo cáo với Chúa rằng “những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hoà lẫn với máu tế vật đang dâng” Tại sao Philatô giết người Galilê? Phúc Âm không đề cập. Sử gia Flavius Joseph, trong sử ký Do Thái thời cổ thuật lại ít là ba biến cố người Galilê bị Philatô tàn sát. Người ta đoán là biến cố sau đây có liên quan đến đoạn phúc Âm Luca tường thuật hôm nay.

       Đó là việc Philatô , có thể do việc âm thầm cấu kết với thượng tế Caipha, dùng tiền dâng cúng trong đền thờ để dẫn nước ngọt cách đó 35 cây số vào Giêrusalem, đặc biệt vào dinh tổng trấn của Ông. Hàng ngàn người Do Thái chống đối, dâng lễ tế kêu cầu danh Yahvê tiêu diệt đế quốc La Mã và nguyễn rũa tổng trấn. Philatô ngầm cho lính ăn mặc giả dạng giống như người Do Thái, trà trộn vào đám đông đang chống đối. Đến thời điểm đã ngầm chỉ thị hành động, quân lính dùng gươm dáo giết những công dân Do Thái vô tội. Khiến máu họ hoà lẫn với lễ tế đang dâng. Chuyện kể xảy ra ở Giêrusalem, nhưng sao lại nói đến sự tàn sát người Galilê tức người Miền Bắc? Không có giải thích rõ ràng. Ức đoán rằng, đây là dịp lễ hội lớn có nhiều người từ Miền Bắc Giêrusalem tế lễ trong đền thờ. 

     “Mười tám người bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết” Tháp Silôa ra sao và chuyện tháp đổ xảy ra như thế nào? 

       Theo tường thuật Thánh Kinh thì Tháp Silôa là một tháp cỗ xây dựng ở vùng Silôa, phía Nam Giêrusalem và vì lâu đời không còn kiên cố đủ nên đã đổ sập đè chết mười tám người thời Chúa Giêsu.

      Có  những nhà chú giải thánh kinh thì cho rằng: Hồ nước Silôa hay hồ nước Bethsaida được tường thuật trong Gioan chương 5, hay tháp Silôa chỉ là những cổng ra vào khác nhau của cùng chung một khu vực tên Silôa. Tuy nhiên, cắt nghĩa nầy không đúng vì công trình khai quật cho thấy Ao nước Bethsaida nằm phía Bắc chứ không ở phía Nam Giêrusalem chung với tháp Silôa.

      Cũng có người cho rằng: Tháp Silôa là một phần của hệ thống dẫn thuỷ của quân đội La Mã nhằm dẫn nước từ hồ Silôa. Bản thân hồ Silôa thì nhận nước tử thác Gihon. Tuy nhiên nhiều nhà chú giải cho rằng tháp Silôa là pháo đài quân đội được xây nhằm giữ trậr tự an ninh cho thủ đô Giêrusalem. Tuy nhiên giải thích nầy vẫn không thoả đáp được thắc mắc là: Làm sao một đồn lính có quân đội đang trấn giữ mà lại có thể sập đổ một cách dễ dàng như vậy?

            Chúng ta không tìm ra lý do chắc chắn tại sao Tổng Trấn Philatô giết người Galilê và tại sao tháp Silôa đổ sập đè chết mười tám người. Vì Phúc Âm Thánh Luca trong Chúa Nhật III Mùa chay hôm nay không nhằm thoả đáp vấn nạn “tại sao?” nhưng chỉ muốn dùng hai tai hoạ xảy ra mà ai cũng biết nầy để chuyển đạt sứ điệp nầy: Ai cũng có tội. Bất cứ ai cũng cần sám hối. Nếu không cũng sẽ chết tất cả.

      Quan niệm hoạ đâu thì tội đó có đúng không? Có phải Chúa dùng tai hoạ để giáng phạt người có tội chăng? 

       Không đúng!

       Chính Chúa Giêsu không nhìn nhận quan niệm hoạ đâu thì tội đó hay ngược lại tội mang hoạ. Vì “Các Ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?” Rồi Chúa nói tiếp “Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các Ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?” 

      Những người bị chết vì tai hoạ nầy không phải họ không có tội nhưng không phải vì có tội mà họ bị nhận lãnh tai hoạ. Cũng như người không gặp tai hoạ không phải là những người vô tội.

     Chúa là Cha chúng ta. Không có Cha nào nở lòng trừng phạt con mình, Thiên Chúa ban phúc cho cả kẻ lành người dữ kia mà (Matt.5,45)  Chúa là người Cha nhân hậu hơn chúng ta, ai trong chúng ta là Cha mẹ, không lẽ  con cái xin bánh lại cho đá? Không lẽ con cái xin trứng lại cho rắn hay bò cạp? (Luca 11,11) Chúng ta không cầu tai hoạ bao giờ, chỉ cầu phúc lành. Vậy Chúa là Cha chúng ta không lẽ ban cho chúng ta tai hoạ? 

      Nếu chấp nhận quan niệm “hoạ đâu tội đó!”  thì bảy mươi lăm ngàn nạn nhân chết trong trận động đất ở Haiti hôm ngày 12 tháng giêng năm 2010 vừa qua là những người tội lỗi hơn chúng ta sao? kể cả Đức Tổng Giám Mục Joseph Serge Miot, vì đất rung chuyển mạnh đánh sập Toà Giám Mục và Ngài té nhào lộn cổ chết?  Rồi mới gần đây, ngày 27.2.2010, động đất xảy ra ở Chí Lợi giết chết cả ngàn người. Những nạn nhân nầy là những người tội lỗi hơn chúng ta và đáng chết sao?

        Chúng ta thường yêu cầu Chúa làm những chuyện mà Chúa không làm hay đi ngược với luật định tự nhiên. Thí dụ chúng ta cầu nguyện cho một chuyến đi xa an toàn, nhưng chúng ta lái xe 150 cây số giờ thì ai có thể giữ cho chúng ta an toàn? Nếu chúng ta được an toàn sau chuyến chạy xe quá tốc độ nầy, chúng ta nghĩ là Chúa phù hộ chúng ta chăng? Còn nếu chúng ta gây tai nạn chết người vì chạy quá nhanh. Chúng ta bảo là Chúa không thương và không giữ gìn chúng ta chăng? Đây là kết quả của thứ tôn giáo tình cảm. Tin Chúa và cầu xin Chúa không vì phần rỗi của chúng ta, nhưng vì tình cảm thiếu trưởng thành và vì những lợi ích rất trần thế.
     
  Không, Chúa là Cha chúng ta, Chúa không thể nào dùng tai hoạ để tàn sát con cái Chúa. Những thiên tai xảy ra hàng ngày trên thế giới, là kết quả tự nhiên của vạn vật vũ trụ. Động đất thường do núi lửa dưới lòng biển sâu hoạt động, tạo chấn động mạnh, gây rung động mặt đất và làm mọi thứ sụp đổ. Những vùng đất nào nằm trong tầm ảnh hưởng núi lửa sẽ bị phá huỷ. Luật tự nhiên!

       Có  những ác xấu khác do con người gây ra thí dụ  như Hai Toà Tháp Thương Mãi cao ở Nữu Ước đã bị khủng bố đánh sập ngày 11.9.2001 thì thế nào? Chúa xúi khủng bố làm chuyện ác xấu giết người nầy chăng?

       Chúa là Đấng Thánh và tốt lành tuyệt đối không thể nào làm chuyện ác xấu hay tạo cơ hội để ác xấu xảy ra. Nhưng tất cả là do dã tâm của con người. Con người, chịu ảnh hưởng của tà thần, đã dùng tự do và trí thông minh Chúa ban để mang tai hoạ cho đồng loại.

      Một thí dụ khác: Chúng ta cầu cho gia đình hạnh phúc, đang khi chúng ta chọn chồng hay vợ một cách xốc nỗi thiếu suy nghĩ, như thành vợ chồng trong chuyến đi chơi ở Hạ Uy Di hay Las Vegas? Chúa không thề làm ảo thuật để biến một cô gái đi hoang từ năm 16 tuổi thành một cô vợ hiền hay một bà mẹ đảm đang mang hạnh phúc cho gia đình được? Thử hỏi những người nầy có bao giờ học cho biết thế nào là làm vợ và thế nào là bổn phận của cha mẹ trong gia đình chưa? Chúa không thể ban cho chúng ta cái mà chúng ta không xin và cái mà chúng ta không bao giờ được chuẩn bị để có.


III. Thực hành P.Â.:


       Phải sám hối để đời sống sinh hoa kết quả. 
      Sám hối là gì? Theo nghĩa Kinh Thánh và trong tiếng La-Tinh, Sám hối là penitentia.  Sám hối thường phải hội đủ những yếu tố sau: 
       Nhận ra những điều sai phạm – Xét mình.
       Hối tiếc và thật lòng xin lỗi Chúa – Ăn năn tội.
       Nhận ơn tha tội – Xưng tội

       Quyết tâm thay đổi từ suy nghĩ và hành động sao cho đúng với thánh ý Thiên Chúa và mang ích lợi thiêng liêng. Yếu tố cuối cùng nầy tiếng Việt gọi là dốc lòng chừa, đoan hứa là không phạm tội nữa.

       Lịch sử dânThiên Chúa là những chuỗi ngày lập đi lập lại những yếu tố trên: Gặp thử thách – Phạm tội – nhận biết tội – hối hận xin lỗi Chúa – Nhận ơn tha tội rồi sau đó …lại phạm tội….. Chúng ta có thể thấy những hành động phạm tội, sám hối và nhận ơn tha thứ trong Sáng thế Ký 4,7; Sách Lê-vi 4, 5; Sách Đệ Nhị Luật 4:30, 30:2; Sách Các Vua quyển I 8:33, 48; Tiên Tri Hôsêa 14:2; Tiên Tri Giêrêmia 3:12, 31:18, 36:3; Tiên Tri Ezêkien 18:30-32; Tiên tri Isaia 54:22, 55:6-10; Tiên tri Gioên 2:12; và Tiên Tri Giona 2:10. 
      Điều nầy không xa lạ gì với cá nhân mỗi người chúng ta: Phạm tội – Sám hối – Xưng tội – Dốc lòng chừa tội rồi lại phạm tội…. và cứ diễn đi diễn lại cho đến giờ chết. Nên Bí tích giài tội Chúa lập thật cần thiết cho con người yếu đuối của chúng ta. Bí tích giải tội được Chúa lập để tha các tội chúng ta phạm sau khi rửa tội. Trên thực tế ai cũng phạm tội sau khi rửa tội. Nên tất cả đều cần sám hối và cần đi xưng tội. 

      Có  nhiều người ngại đi xưng tội, vì không muốn nói tội mình ra cho người khác. Thứ đến “xưng chi cho mất công, vì cứ phạm đi phạm lại hoài!” Người khác mà chúng ta nói tội mình ra là linh mục. Linh mục khi ban bí tích thì hành động in personna Christi capitis, hành xử trong con người Chúa Kitô là thủ lãnh. Nên đó là Chúa Kitô qua hình ảnh linh mục, cũng là tội nhân như chúng ta. Thứ đến, biết rằng chúng ta sẽ sa đi ngã lại trong một thứ tội. Nên chúng ta được khuyến khích xưng tội bất cứ khi nào có tội. Còn thừa tác viên của bí tích giải tội thì là Giám Mục, linh mục bình thường hay cả những linh mục đã hoàn tục đáp ứng cho những hối nhân trong trường hợp nguy tử (Giáo luật 986 §2) 

               Không có  “BÁC và ÁI” nhưng chỉ có “BÁC-ÁI”.

      Theo nguyên ngữ tiếng Việt: “BÁC” có nghĩa là bao la, rộng rãi. Nên Bác sĩ là người uyên bác, học rộng, hiểu nhiều. “ÁI” là yêu thương. Người có bác ái là người có tình yêu thương bao la, rộng lớn với những người trong cảnh cùng khổ hay những ai cần giúp đỡ. 

        Người Việt Nam nói chung, đặc biệt người Công Giáo Việt Nam thực hiện chữ “ÁI” thật tốt.  Nhưng dường như thiếu “BÁC” hay nói khác đi thiếu chiều kích phổ quát, rộng rãi hay phi biên giới. Năm nào thiên tai bão lụt cũng xảy ra bên Việt Nam, nhất là Miền Trung Việt Nam. Thì dụ Bão Ketsana số 9, năm 2009 và trước đó Bão Lekima năm 2007. Người Việt Nam, bất kể lương giáo trên khắp các Châu Lục đều tích cực quyên góp cứu trợ nạn nân bão lụt Việt Nam. Chúng ta quen gọi là bà con ruột thịt thân thương. Nhiều người E-mail và nhắc nhỡ tôi ra thông báo kêu gọi cứu trợ bão lụt Việt Nam. Số tiền quyên góp và gửi về Việt Nam không nhỏ chút nào. Nguyên chỉ gần 20 cộng đoàn công giáo Việt Nam ở Canada quyên góp cứu trợ bão lụt Ketsana số 9 lên đến 150 ngàn Gia kim. ỞVancouver và Surrey đã có gần 100 ngàn. Rất đáng khâm phục và khích lệ! Felix Viet Nam! Ôi, Việt Nam hồng phúc! 

      Tuy nhiên, nhiều khi “ÁI” theo kiểu Việt Nam mình bị hạn hẹp và giới hạn trong nước Việt Nam và cho bà con ruột thịt Việt Nam mình thôi. Không có tội lỗi gì cả trong chuyện nầy, nhưng chúng ta thật sự thiếu “BÁC” và nếu căn cứ vào Lời Chúa nói thì “nào có ích chi, nều chỉ yêu thương người yêu mình hay chỉ yêu thương bà con ruột thịt của mình?” (Luca 6,27-36). Mới gần đây thôi, ngày 12 thang 1, 2010, động đất xảy ra ở Haiti giết chết bảy mươi lăm ngàn người và gây tan thương, không nhà cửa, không lương thực cho một triệu người khác. Bão lụt Ketsana số 9 có là gì so với trận động đất khủng khiếp ở Haiti. Nhưng thử hỏi, chúng ta, người Công Giáo Việt Nam có giúp đỡ những nạn nhân “không ruột thịt” nầy tới mức nào? Có được 1/10 so với số tiền giúp bão lụt Ketsana số 9 ở Việt Namkhông? Có nhiều người diện dẫn cho chuyện thiếu “BÁC” của mình bằng việc đổ thừa cho Hội Đồng Giám MJục Canada “sao không nghe các Đức Cha Canada nói gì cả!” Thật sự Hội Đồng Giám Mục Canada đã ra thông báo khẩn cấp kêu gọi giúp Haiti hai ngày sau, tức ngày 14.1.2010. 

     Có chủng viện ở một giáo phận Canada năm nào cũng cho chủng sinh và đôi khi chính ban tổ chức tiếp xúc với tất cả giáo xứ trong địa phận, trong đó có giáo xứ Việt Nam để được phép đến giáo xứ cổ động ơn thiên triệu cũng như vận động tài chánh cho chương trình đào tạo linh mục. Chủng viện và chủng sinh, liên tiếp ba năm, ba lần liên lạc điều bị Cha xứ Việt Nam từ chối. Lý do: Giáo Xứ Việt Namtrong giáo phận Canada, nhưng có chương trình vận động ơn thiên triệu riêng cho dòng tu Việt Nam. Ai cũng công nhận Cha xứ có một vận động rất hay và rất kết quả cho ơn thiên triệu dòng tu Việt Nam. Không ai có thể chối bỏ việc thể hiện “ÁI” nơi Cha và giáo dân Việt Nam mình. Nhưng xem chừng thiếu “BÁC”, chúng ta chỉ biết yêu thương người trong nhà mà thiều một tình yêu phổ quát và rộng rãi như từ BÁC ÁI mà chúng ta được kêu gọi thể hiện đúng như tinh thần bác ái Kitô giáo.  

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét