Ông Giuse Arimathia là ai?
Trong đời Chúa Giêsu ở trần gian, đã có hai Ông Giuse cùng
đồng hành với.
Một Ông Giuse là cha nuôi cho quãng thời gian Chúa Giêsu
sinh ra, và thời thơ ấu thanh thiếu niên ở nhà.
Và một Ông Giuse an táng chôn cất Chúa Giêsu trong huyệt mộ.
Cả hai Ông Giuse đều là những người thầm lặng không để lại
một lời nói nào.
Cả hai được Phúc Âm nhắc đến tên cùng việc làm vào hai quãng
thời điểm nhất định khác nhau trong đời Chúa Giêsu.
Lịch sử đời sống hai Ông Giuse đều không có bút tích gì để
lại.
Ông Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu, được Hội Thánh tôn kính là
vị Thánh cả.
Ông Giuse, người chôn cất táng xác Chúa Giêsu, được Hội
Thánh ca ngợi với lòng ngưỡng phục biết ơn. Ông Giuse này có danh hiệu Giuse
Arimathia.
Vậy Ông Giuse Arimathia là ai?
1. Trong Phúc Âm
Phúc Âm Thánh Luca viết về Ông: "Khi ấy có một người
tên là Giôxếp, thành viên của Thượng Hội đồng, một người lương thiện, công
chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội đồng. Ông
là người thành Arimathê, một thành của người Dothái, và cũng là người vẫn mong
chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu.
Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục
sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát
bắt đầu ló rạng." (Lc 23,50-54)
Căn cứ theo Phúc Âm, Ông Giuse là một thành viên trong
Thượng Hội đồng Do Thái, là người công chính lương thiện, là người mong chờ
nước Thiên Chúa, và là người đã đi xin hạ xác Chúa Giesu xuống khỏi thập gía và
an táng trong mộ huyệt.
2. Thành viên trong Thượng Hội đồng
Thượng Hội đồng Do Thái là một cơ quan tối cao, có thẩm
quyền như một Thượng viện. Thượng Hội đồng này có quyền hành tối thượng xem xét
quyết định những vụ việc liên quan đến người Do Thái về hành chính dân sự lẫn
cả về mặt tôn giáo nữa.
Thành viên trong Hội đồng là những người con trai của giai
cấp tư tế thầy cả trong dân Do Thái. Khi người Roma đến xâm chiếm cai trị nước
Do Thái, họ đã cắt gỉam nhiều quyền thế của Thượng Hội đồng. Dẫu vậy, vào thời
Chúa Giêsu Thượng Hội đồng cũng là một cơ chế còn đầy quyền lực có nhiều ảnh
hưởng về phương diện giáo huấn tư tưởng.
Ông Giuse người thành Arimathia là thành viên trong Hội đồng
này, nhưng không bằng lòng tán thành quyết định của Thượng Hội đồng về việc lên
án giết Chúa Giêsu.
Không tán thành, nhưng Ông giữ im lặng không nói lời nào
phản đối. Ông hình như đã sửa soạn một cung cách khác để đi tới lòng tin vào
Chúa Giêsu.
3. Con đường Giuse đi tìm niềm tin
Dẫu là thuộc giai cấp hàng tư tế và là thành viên trong
Thượng Hội đồng đầy quyền lực cả về phần đạo lẫn dân sự phần đời. Nhưng Ông
Giuse vẫn có suy nghĩ khác không nhất thiết theo truyền thống Do Thái lúc đó.
Ông mong đợi đi tìm nước Thiên Chúa mang đến sự chân thật
cùng niềm hy vọng.
Thánh Gioan trong Phúc Âm còn viết thêm chi tiết về con
đường đi tìm niềm tin của Ông: "Ông Giuse này là một môn đệ theo Chúa
Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái." (Ga 19,38).
Theo Thánh sử Matthêu, Ông Giuse Arimathia là người giàu có.
Nhưng lại là người có đời sống lương thiện và công chính.
Có lẽ vì thế mà Ông đã đóng vai chính người lãnh nhiệm vụ an
táng Chúa Giêsu trong mộ huyệt.
4. Con đường đi tìm xác chết
Khắp nơi đều có nghĩa trang an táng người đã qua đời. Và hầu
như xưa nay, nhất là những người có tiền bạc giầu có, thường hay mua sắm xây
dựng phần huyệt mộ sẵn cho mình, cùng cho gia đình mình ngay lúc còn sinh thời.
Ông Giuse Arimathia là người giàu có, có địa vị cao trong xã
hội đạo đời, chắc chắn cũng đã mua xây sẵn cho mình phần mộ huyệt theo cung
cách mong muốn.
Ngôi mộ huyệt Ông xây dựng để cho ngày cuối cùng đời sống
mình. Nhưng sự việc lại đã xảy ra khác. Thay vì cho mình được an nghỉ nơi đó
vào ngày cuối đời, Ông Giuse lại mạo hiểm đi chuốc rước sự bận rộn lo lắng vào
mình. Ông đem đặt tất cả mạng sống Ông vào cuộc chơi, đi xin lãnh xác Chúa
Giêsu về an táng nơi phần mộ đã có sẵn. Ngôi phần mộ này có lẽ phần chắc là của
Ông đã xây.
Số là Chúa Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh trên thập tự
như là một tội nhân phạm pháp ở khu đồi Golgotha, phía tây ngoài thành
Giêrusalem, dành cho những người bị kết lên án tử hình. Những người treo xác
nơi đó bị bỏ mặc cho chim quạ đến rúc rỉa. Xương thịt rã rời khô héo, rồi lúc
nào đó thân nhân đến lấy phần xác còn lại đem đi chôn vùi trong lòng đất. Họ
không được chôn cất theo một nghi thức lễ lạy nào.
Ông Giuse Arimnathia phá lệ này. Ông mạo hiểm đến xin quan
Tổng trấn Philato, người đã để kệ cho các thầy cả Thượng Hội đồng đem Chúa
Giêsu đi xử tử hình đóng đinh vào thập giá, cho tháo hạ xác Chúa Giêsu vừa mới
chết xuống khỏi thập gía. Một lần nữa, Ông không tuân theo quy tắc của luật lệ
Do Thái, mà Thượng Hội đồng đã quy định.
Không hiểu Ông đã thuyết phục quan Tổng trấn Philato thế
nào, mà vị quan này lại đồng ý cho phép Ông.
Nguy hiểm ở chỗ, Philato có thể từ chối lời Ông xin yêu cầu.
Hay có thể trong trường hợp tồi tệ, vị quan Tổng trấn Philato nghi ngờ, rồi báo
cho Thượng Hội đồng và bắt Ông vì tội là môn đệ đồng bọn với Chúa Giêsu. Thế là
chẳng những công danh sự nghiệp mà cả mạng sống Ông cũng tiêu tan nữa.
Nhưng sự việc đã xảy ra bình an như Ông mong muốn. Dẫu vậy,
vẫn có thắc mắc lý do gì đã khiến Ông Giuse này can đảm đến như thế? Một người
trước đó vài giờ đồng hồ lúc xử án Chúa Giêsu hoàn toàn giữ im lặng, giờ đây
lúc Chúa Giêsu qua đời lại can đảm lên tiếng phá luật lệ đi xin lãnh một xác
chết đưa về an táng.
Một việc làm đạo đức tràn đầy lòng nhân đạo. Nhưng lại qúa
táo bạo đến độ nguy hiểm cho chính mạng sống bản thân mình!
Điều khiến Ông Giuse can đảm làm việc nhân đạo như thế, có
lẽ Ông đã cảm nhận được nơi Chúa Giêsu.
Ông là môn đệ theo Chúa cách thầm kín. Ông đã có lần gặp
Chúa, nghe Chúa giảng dạy. Và biết đâu chính đêm Chúa Giêsu bị tra khảo thẩm
vấn, Ông đã theo dõi nhìn thấy, và đã đánh động tâm hồn Ông rất mạnh. Và từ
đấy, Ông tìm cách gì xứng đáng tôn vinh Chúa, để phần nào đền bù tội đã giữ yên
lặng không lên tiếng bênh vực Chúa trước Thượng Hội đồng, cũng như trước công đường
xử án.
Cũng có thể, lúc Chúa Giêsu chết đã khiến Ông bừng tỉnh suy
nghĩ, không thể để Chúa Giêsu bị đối xử cả khi đã qua đời như một tội nhân
được. Con người có phẩm giá, hơn nữa đây là một vị Tiên Tri, một Đấng Thánh của
Thiên Chúa. Phẩm giá đó lại càng cao cả như thế nào.
Thế là Ông đã chọn cung cách con đường mạo hiểm đi tìm xin
xác chết Chúa Giêsu. Ông không còn cách nào khác hơn để đền bù tôn vinh Chúa
nữa.
Ông nhận được xác Chúa đã chết và đem đi an táng trong ngôi
mộ bằng đá đã xây làm sẵn trong khu vườn.
Ông an táng Chúa trong mồ huyệt tưởng như thế là xong, là
chấm hết. Nhưng không phải như thế, sự việc còn tiếp diễn tiếp theo nữa.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sau 3 ngày bị chôn vùi trong mộ
huyệt dưới lòng đất đã trỗi dậy ra khỏi mộ huyệt. Ngài đã sống lại từ trong cõi
kẻ chết.
Ngài đã bỏ lại sau lưng ngôi mộ đá trống, nơi đó Ngài đã
được an táng. Ngài đã sống lại rồi về trời, cùng cho linh hồn những người tin
theo Ngài cũng được hưởng ơn cứu chuộc sống lại với Ngài trong nước Chúa.
***
Vai trò của Ông Giuse Arimathia dừng lại nơi ngôi mộ huyệt
chôn Chúa. Từ đây không còn tìm thấy dấu vết của Ông nữa.
Đức tin của Ông vào Chúa Giêsu không ở tầng nổi ồn ào bên
trên. Nhưng sâu thẳm dưới lòng đất trong khu vườn, nơi Ông đã xây dọn sẵn nấm
mồ cho Chúa. Từ lòng đất trong khu vườn cây cối mọc phát triển nẩy sinh sự sống
mới.
Như vậy, phải chăng khi làm như thế Ông đã tin tưởng nghĩ
nhớ lại khu vườn địa đàng đầu tiên ngày xưa là khu vườn sự sống, nơi Ông Bà
thuỷ tổ Adong Evà đã đánh mất sự sống thiên đàng. Và bây giờ cũng tại một khu
vườn có ngôi mộ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, hình ảnh một Adong mới, sự sống mới
ơn cứu độ sẽ bừng lên cùng với sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô?
Ngày nay sang hành hương Giêrusalem vào thăm viếng đền thờ
Ecce homo, nơi có phần mộ huyệt chôn Chúa bằng đá còn đó. Người ta không tìm
thấy dấu tích của Ông Giuse Arimathia.
Nhưng những phiến đá của ngôi mộ chôn Chúa luôn nói lên: Nơi
đây thân xác Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, đã được Ông Giuse Arimathia tẩm liệm,
ôm khiêng đặt an táng.
Tuần Thánh 2013
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét