Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tại sao thần ô uế nói đúng về Đức Giê-su mà Người lại bảo: “Hãy câm đi”


Mc 1,21-28: Tại sao thần ô uế nói đúng về Đức Giê-su mà Người lại bảo: “Hãy câm đi” (1,25)?



Nội dung

I. Bản văn, bối cảnh, phân đoạn và cấu trúc Mc 1,21-28
   1. Bản văn 1,21-28
   2. Bối cảnh và phân đoạn 1,21-28
   3. Cấu trúc Mc 1,21-28
II. Phân tích
   1. Bị thần ô uế nhập ngay trong hội đường (1,23)
   2. Thần ô uế biết đúng và nói đúng (1,24)
   3. “Hãy câm đi” và “hãy xuất ra” (1,25)
   4. Thần ô uế “xuất khỏi người ấy” (1,26)
III. Kết luận



I. Bản văn, bối cảnh, phân đoạn và cấu trúc Mc 1,21-28

1. Bản văn 1,21-28 (xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.)

21 Các ngài [Đức Giê-su và các môn đệ] đi vào Ca-phác-na-um, và tức khắc, đi vào trong hội đường ngày sa-bát, Người giảng dạy.

22 Họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, người ấy la lên 24 nói rằng: “Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?Tôi biết Ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó và nói: “Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này.” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét một tiếng lớn và xuất khỏi người ấy.

27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi bàn tán với nhau rằng: “Điều này là gì? Giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng tuân lệnh Ông ta.”

28 Danh tiếng Người lập tức lan ra mọi nơi, đến khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.


Mc 1,21 mở đầu: “Các ngài đi vào Ca-phác-na-um”. Động từ chia ở ngôi thứ ba số nhiều “các ngài đi” nối kết với đoạn văn trước đó, thuật lại việc Đức Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên dọc theo biển hồ Ga-li-lê: Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Theo mạch văn, Đức Giê-su và bốn môn đệ này đi vào hội đường Ca-phác-na-um (1,21). Đây là lần đầu tiên Đức Giê-su giảng dạy công khai trong hội đường và mọi người nghe đã sửng sốt về lời giảng dạy của Người. Đoạn văn dành phần quan trọng thuật lại việc Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Cuối trình thuật, một lần nữa mọi người kinh ngạc và thốt lên “Giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền” (1,27b). Đoạn văn kết thúc bằng thành công của Đức Giê-su: “Danh tiếng Người lập tức lan ra mọi nơi, đến khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê” (1,28).

Đoạn văn tiếp theo thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chữa lành mẹ vợ Phê-rô (1,29-34). Trình thuật  mở đầu như sau: “Ra khỏi hội đường, lập tức Người đến nhà Si-môn và An-rê, cùng với Gia-cô-bê và Gio-an” (1,29).

Tóm lại Mc 1,21-28 làm thành một đoạn văn, cho biết lần đầu tiên Đức Giê-su xuất hiện giảng dạy và trục xuất thần ô uế trong hội đường ở Ca-phác-na-um. Dân chúng đã sững sờ kinh ngạc về giáo huấn và uy quyền của Người. Lần xuất hiện đầu tiên này đã thành công tốt đẹp vì khắp cả vùng lân cận Ga-li-lê đã biết đến Đức Giê-su.    

3. Cấu trúc Mc 1,21-28


Đoạn văn 1,21-28 cấu trúc theo kiểu đồng tâm A, B, C, D, D’, C’, B’, A’. Đầu đoạn văn 1,21-18 cho biết Đức Giê-su và các môn đệ đi vào hội đường (1,21). Đầu đoạn văn tiếp theo (1,29-34) cho biết họ “ra khỏi hội đường” (1,29). Yếu tố A nói rõ nơi chốn: hội đường Ca-pha-na-um, song song với yếu tố A’: mở rộng nơi chốn, vì danh tiếng Đức Giê-su đã lan ra khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê (1,28). Yếu tố B nói về sự sửng sốt ngạc nhiên khi nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su, song song với yếu tố B’: mọi người kinh ngạc về lời quyền năng của Đức Giê-su, lời có khả năng trục xuất thần ô uế. Các yếu tố C // C’ và D // D’ thuật lại chuyện Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Câu chuyện này quan trọng vì được thuật lại chi tiết với 4 câu (1,23-26). Trong đó, yếu tố C: giới thiệu người bị thần ô uế nhập // C’: thần ô uế xuất khỏi con người. Yếu tố trọng tâm D: thần ô uế lên tiếng // D’ Đức Giê-su lên tiếng và trục xuất thần ô uế. Việc làm của Đức Giê-su nối kết với lời tựa sách Tin Mừng (1,1-15). Ở 1,12-13, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan trong hoang mạc, bây giờ Người có thể trục xuất thần ô uế ra khỏi con người.

Tóm lại đoạn văn 1,21-28 khẳng định hai điều: (1) Đức Giê-su giảng dạy có uy quyền chứ không như các kinh sư. (2)  Người trục xuất thần ô uế. Với lời quyền năng, Đức Giê-su trục xuất thần ô uế ra khỏi con người và trả lại cho con người sự tự do đích thực để lắng nghe giáo huấn của Người và tin vào Người.


1. Bị thần ô uế nhập ngay trong hội đường (1,23)

Cụm từ “trong hội đường của họ” ở 1,23a gợi đến khoảng cách giữa người thuật chuyện và hội đường Do Thái. Chi tiết này phản ảnh sự phân biệt nơi hội họp thờ phượng của Do Thái giáo và nơi hội họp và cử hành Thánh Thể của cộng đoàn Ki-tô hữu.

Cụm từ: “Có một người bị thần ô uế nhập” (1,23b), dịch sát: “Một người ở trong (với) thần ô uế”. Người bị thần ô uế nhập xuất hiện cách đột ngột. Điều lạ là ngay giữa hội đường, nơi cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, lại hiện diện một người bị thần ô uế nhập mà xem ra mọi chuyện vẫn bình thường. Bản văn có âm hưởng châm biếm, vì lần đầu tiên “thần ô uế” xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô, lại xuất hiện trong hội đường là nơi cầu nguyện, thờ phượng và học hỏi Kinh Thánh của người Do Thái.

Người ta thường gọi đây là trình thuật trừ quỷ, nhưng bản văn không nói đến “quỷ” (diabolos) mà là “thần ô uế” (to pneuma to akatharton). “Thần ô uế” đối lập “Thánh thần” (to pneuma to hagion). Trong cả hai danh xưng đều có danh từ “pneuma” (thần khí, thần trí), nhưng một bên là thần khí ô uế”, một bên là “Thần Khí thánh” hay “Thánh Thần”. Đối lập giữa “thánh thiện” và “ô uế” lộ rõ trong lời thần ô uế nói về Đức Giê-su. Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa (ho hagios tou theou)” (1,24). Vậy, Đấng Thánh đang đối diện với thần ô uế và chính Người sẽ làm cho thần ô uế bị tiêu diệt.

Tình trạng “người bị thần ô uế nhập” (1,23) cũng lạ. Người ấy chẳng làm gì cả, và cũng không có ai xin Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Sức khoẻ của người ấy khi bị thần ô uế nhập, cũng như tình trạng của người ấy sau khi Đức Giê-su trục xuất thần ô uế, không được bản văn nói tới. Xem ra câu chuyện tập trung vào “lời của thần ô uế” và “lời của Đức Giê-su” (xem yếu tố trọng tâm D // D’ trong cấu trúc), nên cần tìm hiểu kỹ hai lời này.

2. Thần ô uế biết đúng và nói đúng (1,24)

Người bị thần ô uế nhập la lên nói rằng: “Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24). Cụm từ “nói rằng (legôn)” cho thấy để “nói” (legô), thần ô uế phải nhập vào con người. Bởi vì tự nó, thần ô uế không nói được, không lên tiếng được. Thần ô uế không có phương tiện để nói. Nó phải nhập vào con người, mượn tiếng loài người để nói. Ý tưởng này cho thấy người bị thần ô uế nhập là người bị lệ thuộc và chịu ảnh hưởng của thần ô uế, người ấy trở thành phát ngôn viên của thần ô uế. Bằng tiếng nói của con người, thần ô uế nói với Đức Giê-su.

Lời thần ô uế nói gồm hai câu hỏi và một lời khẳng định. Câu hỏi thứ nhất: “Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét?” (1,24b). Câu hỏi này chối bỏ mọi quan hệ giữa “chúng tôi” và “Ông”, nghĩa là giữa “thần ô uế” nói chung (số nhiều) và Đức Giê-su.

Câu hỏi thứ hai tiếp theo cho thấy sự xuất hiện của Đức Giê-su đe dọa sự sống còn của thần ô uế: Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?” (1,24c). Thần ô uế tự xưng là “chúng tôi”, có thể hiểu đại từ “chúng tôi” là liên hiệp giữa con người và thần ô uế, nhưng cũng có thể chỉ toàn bộ các thần ô uế. Chúng cảm thấy bị đe dọa khi đối diện với Đức Giê-su. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì khi dùng đại từ “chúng tôi”, thần ô uế đã nói đại diện cho tất cả thần ô uế. Vậy, nếu như thần ô uế trong câu chuyện bị trục xuất, có nghĩa là sự hiện diện của Đức Giê-su trở thành sự tận diệt của thần ô uế nói chung. Nói cách khác, Đức Giê-su xuất hiện thì quyền lực của thần ô uế trên con người đã đến hồi kết thúc.

Lời khẳng định của thần ô uế: “Tôi biết Ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24d). Đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” ở 1,24b.c bây giờ chuyển sang ngôi thứ nhất số ít “tôi” ở 1,24d. “Tôi” ở đây diễn tả sự khước từ của chính mình. Khẳng định việc từ chối người khác, không cần ai đó ở với mình, tương quan với mình. Tước hiệu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” ở đây không phải là tước hiệu Mê-si-a nhưng diễn tả việc Đức Giê-su chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Thánh thì Đức Giê-su cũng được gọi là Đấng Thánh.


Đức Giê-su quát mắng thần ô uế và nói: “Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này” (1,25). Đức Giê-su “quát mắng” và “nói” chứ không “làm”. Người chỉ “ra” hai mệnh lệnh ngắn ngủi: 1) “Hãy câm đi”, 2) “Hãy xuất khỏi người này”. Tại sao Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế câm đi, không được nói, trong khi thần ô uế nói đúng về Người? Có hai cách hiểu lệnh cấm của Đức Giê-su:

a) Đức Giê-su chưa muốn tiết lộ căn tính của Người để tránh hiểu lầm. Vì câu hỏi lớn: “Đức Giê-su thực sự là ai?” chỉ được mặc khải dần dần qua sứ vụ của Người và nhất là qua biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Ở Mc 3,11 Đức Giê-su cấm thần ô uế nói về Người, để Người khỏi bị lộ.

b) Cách hiểu thứ hai sâu xa hơn và phù hợp với bối cảnh mạch văn hơn. Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế câm đi, vì tự bản chất, thần ô uế đối lập với Đấng Thánh. Thần ô uế không có tư cách để nói sự thật về Đức Giê-su. Thần ô uế ở đây thuộc về quỷ. Nhân vật này được Tin Mừng Gio-an định nghĩa: “Quỷ không đứng trong sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Trong trình thuật song song (Mc 1,23 // Lc  4,33), Tin Mừng Lu-ca ghép chung “thần ô uế” (to pneuma to akatharton) với “quỷ” (diabolos) khi viết: “Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế (ekhôn pneuma daimoniou akathartou) nhập, kêu lớn tiếng:...”  (Lc 4,33). Có thể nói, vì không có sự thật nơi mình, nên thần ô uế không có khả năng nói sự thật.

Hơn nữa, thần ô uế tự cho mình “biết” khi nói: “Tôi biết Ông là ai”. Thực ra, chỉ có người của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa mới thực sự “biết” Đức Giê-su. Thần ô uế không thuộc về Thiên Chúa. Thần ô uế nhập vào con người và làm cho con người bị tha hoá, xa rời Thiên Chúa, nên thần ô uế không thực sự biết Đức Giê-su. Vì thế, Đức Giê-su ra lệnh “hãy câm đi”. Thần ô uế không được nói vì nó không thể nói sự thật, nó không có sự thật để nói. Sâu xa hơn, thần ô uế không có “lời” để nói, không có phương tiện để nói, vì nó phải nhập vào con người và mượn tiếng con người để nói.

Đặc biệt, trong đoạn văn Mc 1,21-28, thần ô uế phải câm, vì nó không thể là nhân vật đầu tiên nói về Đức Giê-su trong Tin Mừng. Đối với người đọc, lời của thần ô uế (1,24) là một thông tin quan trọng và chính xác, nhưng tư cách người nói lại không xứng đáng. Qua lời của thần ô uế, người thuật chuyện cung cấp cho người đọc một thông tin đúng về Đức Giê-su, nhưng sau đó lại phủ nhận tư cách của người cung cấp thông tin. Qua đó, người thuật chuyện muốn cho người đọc biết rằng chỉ có thông tin đúng mà thôi thì chưa đủ, điều quan trọng là tuyên xưng điều đó với lòng tin vào Đức Giê-su. Đây là một hành trình dài, cần kiên trì học hỏi để dần dần khám phá ra Đức Giê-su là ai, từ đó sám hối và tin vào Người. Nói cách khác, chỉ con người mới có cơ may thực sự biết Đức Giê-su và nói đúng về Người.

4. Thần ô uế “xuất khỏi người ấy” (1,26)

Người thuật chuyện kể tiếp: “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét một tiếng lớn và xuất khỏi người ấy” (1,26). Thần ô uế không “nói” nữa mà “thét”. Tiếng thét gợi đến tiếng kêu trước khi chết. Theo lệnh của Đức Giê-su, thần ô uế đã “xuất khỏi người ấy” (1,26b). Đức Giê-su trục xuất thần ô uế ra khỏi con người và trả lại cho con người lời nói. Con người không phải là người nói thay cho thần ô uế. Đức Giê-su đến giải thoát con người khỏi quyền lực thần ô uế để con người có thể thuộc về sự thật và có khả năng nói lời chân thật, có khả năng hiểu giáo huấn của Đức Giê-su và nói đúng về Người.

III. Kết luận

Để nói đúng sự thật về Đức Giê-su, Người đã chọn một con đường khác: Giải thoát con người khỏi thần ô uế, và mặc khải cho con người biết Người là ai. Tuy loài người không biết rõ Đức Giê-su như thần ô uế, nhưng nếu con người đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì con người có thể biết đúng và nói đúng về Người. Cho dù tiến trình học biết Đức Giê-su không đơn giản. Sự kiện các môn đệ trong trình thuật Tin Mừng Mác-cô ngày càng “không hiểu”, “hiểu lầm”, “hiểu sai” về Đức Giê-su cho thấy rằng thực sự hiểu Đức Giê-su và hiểu giáo huấn của Người là việc làm suốt cả đời người môn đệ. Xem bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (7,18) “Hành trình của các môn đệ” nói gì với độc giả?./.


Ngày 24 tháng 03 năm 2013.
Email: josleminhthong@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét