Lectio: Chúa Nhật Phục Sinh (C)
Chúa Nhật, 31 Tháng 3, 2013
Được thấy trong đêm tối và tin tưởng vì tình yêu
Ga 20:1-9
1. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần
Lạy Chúa Giêsu Kitô, hôm nay ánh sáng Chúa giải chiếu trên chúng con, là nguồn mạch của sự sống và nỗi vui mừng. Xin Chúa hãy ban cho chúng con Chúa Thánh Thần của tình yêu và sự thật, giống như bà Maria Madalêna, các ông Phêrô và Gioan xưa kia, để chúng con cũng có thể khám phá và giải thích dưới ánh sáng của Lời Chúa, những dấu chỉ của sự hiện diện thiêng liêng của Chúa trong thế giới chúng con. Xin cho chúng con biết tiếp nhận những dấu chỉ này trong niềm tin cậy để chúng con được luôn sống trong nỗi vui mừng vì sự hiện diện của Chúa giữa chúng con, ngay cả khi tất cả dường như bị bao phủ bởi bóng tối của buồn phiền và sự dữ.
2. Phúc Âm
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Đối với Thánh Sử Gioan, sự sống lại của Đức Giêsu là thời điểm quyết định trong tiến trình dẫn đến sự vinh hiển của Người, được liên kết bất khả phân ly với giai đoạn thứ nhất của của sự vinh hiển này, đó là cuộc thương khó và cái chết của Người.
Sự kiện Chúa Phục Sinh đã không được mô tả trong các chi tiết ngoạn mục và khải huyền của các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Đối với Gioan, cuộc sống của Chúa Phục Sinh là một sự thật mà tự nó đã khẳng định một cách âm thầm, trong quyền năng khôn ngoan và vô kháng của Chúa Thánh Thần.
Sự thật về đức tin của các môn đệ đã được công bố: “Khi trời còn tối” và bắt đầu qua thị kiến về các dấu hiệu cụ thể để gợi nhớ lại Lời Chúa. Đức Giêsu là nhân vật chính trong câu chuyện, nhưng chính Người lại không xuất hiện.
b) Bài Đọc:
1 Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm, khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá được lăn ra khỏi mồ.
2 Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, và nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.
3 Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ.4 Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước; 5 ông cúi mình xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.
6 Vậy Simon Phêrô theo sau, cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, 7 và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.
8 Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước, ông thấy và ông tin; 9 vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
c) Phân đoạn văn bản để giúp chúng ta hiểu một cách tường tận hơn:
Câu 1: Lời dẫn nhập và các sự kiện trước khi mô tả câu chuyện;
Câu 2: Phản ứng của bà Maria Mađalêna và lời công bố đầu tiên về một sự thật mới được phát hiện;
Câu 3-5: Phản ứng tức thời của các môn đệ và tác động giữa các ông.
Câu 6-7: Lời xác định sự việc được công bố bởi bà Maria Mađalêna;
Câu 8-9: Đức tin của người môn đệ kia và mối quan hệ của nó với Kinh Thánh
3. Giây phút thinh lặng bên ngoài và trong tâm hồn
Để mở lòng trí chúng ta và dọn chỗ cho tâm hồn đón nhận Lời Chúa:
- Đọc lại chậm rãi nguyên cả bài Tin Mừng;
- Tôi cũng đang ở trong khu vườn: một ngôi mộ trống ngay trước mắt tôi;
- Tôi để cho lời của bà Maria Mađalêna lặp lại trong trí tôi;
- Tôi cũng cùng chạy với bà, ông Phêrô và người môn đệ kia;
- Tôi để cho hồn mình chìm sâu vào niềm hân hoan tuyệt vời của lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, dù rằng, giống như họ, tôi không nhìn thấy Người với con mắt xác thịt.
4. Món quà tặng của Lời Chúa gửi đến chúng ta
* Chương 20 sách Tin Mừng Gioan: Đây là một văn bản khá rời rạc mà rõ ràng là soạn giả vài lần đã xen vào để nhấn mạnh về một số chủ đề và cũng để thống nhất những bản văn khác nhau được thu thập từ it nhất là ba nguồn tài liệu trước đó.
* Ngày sau ngày Sabbát: đó là “ngày thứ nhất trong tuần” và, trong phạm vi Kitô giáo, thừa kế từ sự thiêng liêng ngày Sabbát của ngưởi Do Thái. Đối với những người Kitô hữu ngày đầu tiên của một tuần mới, điểm bắt đầu của thời gian mới, ngày kỷ niệm cuộc phục sinh được gọi là “Ngày của Chúa” (dies Domini).
Tại đây và trong câu 19, tác giả Phúc Âm dùng một thành ngữ đã trở thành truyền thống cho các Kitô hữu (thí dụ: Mc 16: 2 & 9; Cv 20:7) và nó còn có trước cả thành ngữ mà sau này trở thành một biểu hiệu của việc truyền bá Phúc Âm: “ngày thứ ba” (Lc 24: 7 & 46; Cv 10:40; 1Co 15:4)
* Bà Maria Mađalêna: Đây cũng là người phụ nữ đã hiện diện dưới chân thập giá với những người phụ nữ khác (19:25). Tại đây bà có vẻ như là chỉ có một mình, nhưng theo câu 2 của bài Tin Mừng (“chúng tôi không biết”) cho thấy rằng trong câu chuyện ban đầu, viết bởi Thánh Sử, nhắc đến những người phụ nữ, giống như các sách Phúc Âm khác (xem Mc 16:1-3; Mt 28:1; Lc 23:55-24,1)
Tuy nhiên trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm (xem Mc 16:1; Lc 24:1) không ghi rõ lý do việc đi viếng mộ của bà Maria, điều này hàm ý rằng nghi thức mai táng đã hoàn tất (19:40); có lẽ, điều duy nhất còn thiếu sót là sự than khóc ảm đạm (xem Mc 5:38). Dù sao chăng nữa, vị Thánh Sử thứ tư đã giảm bớt việc khám phá ra ngôi mộ trống xuống mức tối thiểu để tập trung sự chú ý của người đọc về những gì xảy ra sau đó.
* Sáng sớm, khi trời còn tối: Phúc Âm theo thánh Máccô (16:2) nói về một điều gì khác, nhưng trong cả hai quyển Phúc Âm chúng ta hiểu rằng đó là những giờ khắc buổi sáng tinh sương, khi ánh sáng còn rất yếu ớt và nhợt nhạt. Có lẽ thánh Gioan nhấn mạnh đến việc thiếu ánh sáng để làm tương phản một cách biểu trưng của bóng tối – sự thiếu đức tin – và ánh sáng – việc đón nhận Tin Mừng Phục Sinh.
* Tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ: Bản văn bằng tiếng Hy-lạp đã được viết một cách khái quát: tảng đá đã được “lấy đi” hoặc “gỡ bỏ” (khác với: Mc 16:3-4).
Động từ “lấy đi” nhắc nhở đến Phúc Âm của Gioan 1:29: Thánh Gioan Tẩy Giả nói về Đức Giêsu như “Con Chiên, Đấng gánh hết mọi tội lỗi của thế gian”. Có lẽ Thánh Sử muốn nhắc nhở về sự thật là tảng đá này “bị lấy đi”, lăn khỏi mồ là một dấu hiệu vật chất để chỉ cho biết rằng sự chết và tội lỗi đã được “cất bỏ” bởi sự Phục Sinh của Đức Giêsu chăng?
* Bà liền chạy về tìm ông Simon Phêrô và người môn đệ khác: Bà Maria Mađalêna chạy đi tìm những người cùng chia xẻ niềm yêu mến của bà đối với Chúa Giêsu và nỗi đau khổ của bà trước cái chết đau thương của Chúa, bây giờ lại đau khổ hơn bởi việc khám phá mới mẻ này. Bà đi tìm các ông, có lẽ bởi vì các ông là những người duy nhất chưa trốn chạy với những kẻ khác và vẫn còn giữ liên lạc với nhau (19:15,26-27). Ít ra là bà muốn chia xẻ với các ông về nỗi đau tột cùng của việc xúc phạm đối với thi thể người chết như thế này.
Chúng ta thấy bằng cách nào ông Phêrô và “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến” và bà Mađalêna được đặc trưng bởi một tình yêu đặc biệt đã kết hợp họ với Chúa Giêsu: Đó chính là tình yêu thương lẫn nhau đã giúp họ có thể cảm nhận được sự hiện hữu của người thân yêu.
* Người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến: là người chỉ xuất hiện trong sách Tin Mừng này và chỉ bắt đầu xuất hiện ở chương 13, khi ông tỏ lộ sự thân thiết gần bên Chúa Giêsu và sự thông cảm sâu xa với Phêrô (13:23-25). Ông xuất hiện đúng vào lúc của cuộc thương khó và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng vẫn là người không tên và có nhiều giả thiết đã được đặt ra về danh tính của ông. Ông có lẽ là người môn đệ ẩn danh của Gioan Tẩy Giả, người đã đi theo Chúa Giêsu cùng với ông Andrê (1:35-40). Bởi vì quyển Tin Mừng thứ tư không bao giờ nhắc đến ông Gioan tông đồ và chúng ta hãy nhớ rằng quyển Tin Mừng này kể lại những chi tiết một cách rõ ràng như một người chứng kiến tận mắt. “Người môn đệ” đã được nhận diện là ông Gioan tông đồ. Quyển Tin Mừng thứ tư luôn luôn được cho là viết bởi ông Gioan dù rằng có thể ông không phải là người thưc sự viết nó, tuy nhiên nguồn gốc của truyền thống đặc biệt này cho rằng quyển Tin Mừng này và một số các tác phẩm khác đã được viết bởi thánh Gioan tông đồ. Điều này cũng giải thích tại sao Gioan là một nhân vật có phần nào được lý tưởng hóa.
“Người được Chúa Giêsu yêu mến”: Lời này cho chúng ta thấy rõ đây là lời phụ chú không phát xuất từ thánh tông đồ, người không dám tự khoe khoang một mối liên hệ mật thiết với Chúa, nhưng có thể từ các môn đệ của ông là những người viết phần lớn quyển Tin Mừng và là những người đã đặt ra từ ngữ này sau khi suy nghĩ về một sự ưu ái đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ này (xem 13:25; 21:4,7). Những đoạn Tin Mừng mà chúng ta đọc thấy nhóm chữ đơn giản hơn “người môn đệ khác” hoặc “người môn đệ”, rõ ràng là các soạn giả đã không thêm lời phụ chú.
* Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ: Những chữ này được lập lại trong các câu 13 và 15, cho thấy bà Maria đã lo sợ rằng những kẻ trộm nghĩa địa đã lấy cắp thi thể người chết, một việc thường xảy ra thời ấy, đến nỗi mà hoàng đế La-mã đã ban bố những sắc lệnh nghiêm nhặt để kiểm soát vấn đề này. Theo Tin Mừng của Mátthêu (28:11-15), các thày thượng tế đã lợi dụng điều có thể xảy ra này để tạo sự nghi ngờ về sự thật việc sống lại của Chúa Giêsu, và sau cùng, để biện minh cho sự việc các quân lính đã không lo tròn nhiệm vụ canh giữ mộ.
* Chúa: danh hiệu “Chúa” hàm ý một sự thừa nhận thần tính và gợi lên Đấng Toàn Năng Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao từ ngữ này được dùng bởi các Kitô hữu khi nói về Đức Giêsu phục sinh. Thật ra, vị Thánh Sử thứ tư chỉ dùng danh từ này trong các đoạn nói về lễ Phục Sinh. (Xem đoạn 20:13).
* Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu: những dòng chữ này gợi nhớ lại những gì đã xảy ra cho ông Môisen, người mà mộ của ông không biết ở đâu (Đnl 34:10). Một sự ám chỉ ngầm khác là từ những lời của Đức Giêsu khi Người nói rằng không ai có thể biết là Người sẽ đi đâu (7:11,22; 8:14,28,42; 13:33; 14:1-5; 16:5).
* Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô … nhưng ông không vào trong: Đoạn Phúc Âm này cho chúng ta thấy sự băn khoăn mà các môn đệ này đã phải trải qua.
Sự kiện mà “người môn đệ kia” đã dừng chân, hơn chỉ là một cử chỉ lịch sự hay kính trọng đối với bậc trưởng thượng nào đó, đó là sự thừa nhận mặc nhiên rằng ông Phêrô, trong nhóm các tông đồ, đã giữ một địa vị cao trọng, dù rằng điều này không được nhắc đến. Vì vậy, đó là một dấu hiệu của sự hiệp thông. Cử chỉ này cũng có thể được xem như là một dụng cụ văn chương để chuyển từ một sự kiện liên quan đến đức tin vào sự phục sinh đến thời điểm kế tiếp và là cao điểm trong câu chuyện.
* Những dây băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu … được cuộn lại để riêng một chỗ: dù rằng người môn đệ kia đã không vào trong, có lẽ ông đã nhìn thấy điều gì. Ông Phêrô, bước qua cửa mồ, khám phá ra được bằng chứng rằng việc trộm xác không hề xảy ra: không một kẻ trộm nào lại đi phí thì giờ tháo gỡ băng vải liệm xác, sắp xếp các vải liệm một cách ngay ngắn (trên nền đất có thể được diễn giải rõ hơn là “trải ra” hay “để cẩn thận trên nền”) và rồi còn cuộn khăn liệm che đầu để riêng một chỗ. Việc làm này hết sức phức tạp bởi vì loại dầu mà được dùng để xức cho người chết (đặc biệt là chất nhựa thơm) có tác dụng như chất keo, giúp các băng vải dính vào thi thể một cách hoàn hảo và vững chắc, gần giống như việc ướp các xác ướp. Ngoài ra, tấm khăn liệm che đầu đã được gấp lại; động từ trong tiếng Hy-lạp còn có thể có nghĩa là “cuộn lại”, hoặc nó có thể ngụ ý cho biết rằng tấm vải mỏng đó phần lớn có nhiệm vụ là giữ gìn khuôn mặt người đã mất, gần giống như một mặt nạ cho người chết. Những miếng vải đã còn nguyên vẹn như được trích dẫn trong Tin Mừng của Gioan 19:40.
Tất cả mọi vật trong nhà mồ được sắp xếp ngăn nắp, dù rằng thi thể của Chúa Giêsu không còn đó, và ông Phêrô đã có thể trông thấy rõ ràng trong nhà mồ vì trời đã sáng dần. Khác với Lazarô (11:14) lúc trước, Chúa Kitô khi sống lại đã hoàn toàn tháo gỡ những dây vải liệm quanh mình. Các nhà chú giải cổ đại đã ghi chép rằng, thật ra, ông Lazarô đã phải dùng lại những tấm vải liệm ấy lần nữa trong lần mai táng sau cùng của mình, trong khi Đức Kitô thì không cần dùng đến những tấm vải này vì Người không phải chết lần thứ hai (xem Rm 6:9).
* Ông Phêrô … thấy … người môn đệ khác … thấy và tin: Vào lúc khởi đầu câu chuyện, bà Maria cũng đã “thấy”. Dù rằng một vài bản dịch dùng cùng một động từ, văn bản nguyên khởi dùng ba động từ khác nhau (theorein - thấy tận mắt - cho ông Phêrô; blepein – thấy - cho người môn đệ khác và bà Maria Madalêna;idein – thấy, ở đây, cho các người môn đệ khác), chúng ta hãy nên hiểu rằng có sự tăng trưởng trong chiều sâu tâm linh của việc “thấy” này, đó là, thật ra lên đến điểm đỉnh trong đức tin của người môn đệ khác.
Một người môn đệ ẩn danh chắc chắn đã không trông thấy một điều gì khác ngoài những điều ông Phêrô đã quan sát thấy. Có lẽ ông giải thích lại những gì ông thấy một cách khác với những người khác bởi vì mối quan hệ đặc biệt của tình yêu mà ông dành cho Đức Giêsu (kinh nghiệm của ông Tôma là kinh nghiệm điển hình, 29:24-29). Dù sao chăng nữa, như được cho thấy bởi thì của động từ trong ngôn ngữ Hy-lạp, đức tin của ông vẫn chỉ là đức tin non nớt, đến nỗi mà ông đã không thể tìm ra phương cách để chia xẻ kinh nghiệm này với bà Maria hoặc ông Phêrô hay với bất cứ người môn đệ nào khác (không có điều tham khào nào thêm về việc này).
Tuy nhiên, đối với vị Thánh Sử thứ tư, động từ đôi “thấy và tin” mang một ý nghĩa khác hẳn và một cách riêng biệt quy về niềm tin vào sự phục sinh của Đấng từ cõi chết sống lại (xem 20:29). Bởi vì thật khó mà có thể thực sự tin được trước mặt Chúa đã chết và nay đã sống lại. (xem 14:25-26; 16:12-15). Khi ấy, từ ngữ kép thấy và tin đặc trưng cho toàn bộ chương Tin Mừng này và “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến” đã được giới thiệu như một mẫu mực đức tin thành công trong việc thông hiểu sự thật về Thiên Chúa qua vật thể (xem 21:7).
* Vì chưng các ông còn chưa hiểu Kinh Thánh: điều này hiển nhiên quy hướng về tất cả các vị tông đồ khác. Ngay cả những người đã từng sống gần bên Đức Giêsu, khi ấy, rất khó mà tin tưởng vào Người một cách khơi khơi, và đối với họ, cũng như đối với chúng ta nữa, cửa ngõ duy nhất cho phép chúng ta bước qua ngưỡng cửa của đức tin chân chính là sự hiểu biết về Kinh Thánh (Lc 24:26-27; 1Cr 15:34; Cv 2:27-31) nhờ vào các sự kiện của sự sống lại.
5. Một vài câu hỏi gợi ý để hướng dẫn cho việc suy gẫm và thực hành của chúng ta
a) Điều cụ thể nào đem đến cho chúng ta ý nghĩa “tin vào Đức Giêsu, Đấng Sống Lại Từ Cõi Chết”? Chúng ta đã gặp phải những khó khăn nào khi phải tin điều này? Có phải việc sống lại chỉ duy nhất liên quan đến Đức Giêsu hay nó thực sự là nền tảng cho đức tin của chúng ta?
b) Mối quan hệ mà chúng ta thấy giữa ông Phêrô, người môn đệ khác và bà Maria Mađalêna một cách rõ ràng là một sự hiệp thông tuyệt vời trong Chúa Giêsu. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy sự thông hiểu về tình yêu và cùng một sự “hiệp nhất chung” trong Chúa Giêsu trong những người nào, sự việc nào, hoặc những tổ chức nào? Chúng ta có thể đọc được những dấu hiệu cụ thể của một tình yêu bao la cho Chúa ở đâu và “tình yêu của Ngài” đã linh ứng cho tất cả các môn đệ ra sao?
c) Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống chúng ta và thực tế chung quanh chúng ta, gần lẫn xa, chúng ta có thấy như ông Phêrô đã thấy (ông đã nhìn thấy sự thực, nhưng giữ cho ông, đó là, về cái chết và việc mai táng của Chúa Giêsu) hay chúng ta có thấy như người môn đệ kia đã thấy không (ông nhìn thấy chứng cớ và khám phá ra trong chúng những dấu hiệu của đời sống mới)?
6. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng cùng Chúa và tôn vinh Ngài
Với bài thánh vịnh trích từ thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Êphêsô (đoạn 1:17-23)
Tôi cầu xin cùng Chúa Cha vinh hiển, là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, và đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã ban bố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Người biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người ở trên trời. Như vậy, Chúa đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, và vượt trên mọi danh hiệu, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
7. Lời nguyện kết
Bối cảnh phụng vụ rất quan trọng trong việc cầu nguyện bài Tin Mừng này và sự kiện sống lại của Chúa Giêsu, là tâm điểm của đức tin chúng ta và của đời sống Kitô hữu chúng ta. Sự tiếp nối là đặc điểm của việc phụng vụ bí tích Thánh Thể hôm nay và cho cả tuần lễ giúp chúng ta ngợi khen Đức Chúa Cha và Chúa Giêsu.
Cộng đoàn Kitô hữu, những người tin vào Hy Lễ Vượt Qua
Đấng đã được hiến tế và tôn vinh.
Dê cừu đã được cứu chuộc bởi Con Chiên;
Và Chúa Kitô, Đấng tinh tuyền
Đã đem những kẻ tội lỗi trở về hòa giải với Chúa Cha.
Sự chết với cuộc sống tranh giành:
Cuộc chiến đấu đã kết thúc hết sức lạ kỳ!
Kẻ bị giết lại trở thành người chiến thắng
Lại trở thành bất tử để ngự trị.
Bà Maria ơi hãy nói cho chúng tôi biết:
Bà thấy gì ở trên đường.
Mộ của Đấng hằng sống đã lấp;
Tôi đã thấy vinh quang của Chúa Kitô khi Người từ cõi chết sống lại!
Các thiên thần ở đó đang làm chứng;
Các khăn liệm được gấp lại ngay ngắn.
Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại:
Người đã đến Galilê trước các anh em.
Chúng ta biết đó chính là Đức Kitô thật sự đã sống lại từ cõi chết.
Vua chiến thắng,
Lòng thương xót Chúa tỏ ra.
Chúng ta hãy kết thúc lời cầu nguyện với bài thơ cầu khẩn sống động này của tác giả đương đại Marco Guzzi:
Tình yêu, tình yêu, ôi tình yêu!
Ước chi tôi cảm nghiệm, sống, và biểu lộ với tất cả Tình Yêu này,
Đó là điều ước nguyện vui mừng trên thế gian
Và sự gặp gỡ hạnh phúc với những người chung quanh.
Chỉ có Chúa mới ban cho con tự do, chỉ có Chúa mới giải thoát con.
Và tuyết rơi để tưới gội
Những thung lũng xanh ngắt trên địa cầu.
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét