Trang

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Thánh cả Giuse là vị thánh rất đặc biệt



Thánh cả Giuse là vị thánh rất đặc biệt


Trong tất cả các vị thánh, ngoại trừ Đức Trinh-Nữ Maria là Nữ Vương các thánh, thì không có thánh nào sánh kịp với Thánh cả Giuse.

Thánh cả Giuse được sống bên cạnh Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa; được sống bên cạnh Đức Maria  Maria, Mẹ của Con Đức Chúa Trời, trong gia đình thánh thất, là thiên đàng trên trần gian nầy.

Thánh cả Giuse được chết trong tay Hai Đấng cao trọng nầy, là Con của Thiên Chúa và Mẹ của Thiên Chúa.

Thánh cả Giuse là vị thánh rất cao sang vì Ngài được làm cha nuôi của Chúa Giêsu.

Các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh nam nữ xưa và nay đều sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu, còn Thánh cả Giuse thì nuôi dưỡng Chúa Giêsu, nâng đỡ Chúa Giêsu, lo lắng cho Chúa Giêsu, bồng Chúa Giêsu trên tay, hôn kính Chúa Giêsu, nói chuyện với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu ăn, cho Chúa Giêsu mặc, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi muôn vàn nguy hiểm.

Ý Thiên Chúa quan phòng để cho Thánh cả Giuse làm Cha của Đấng Cứu Thế ở trước mặt người đời. Để thực hiện ý định nầy của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn vâng lời thánh cả Giuse từng li từng tí, tôn kính Ngài như một người con hết sức hiếu thảo.

Bởi thế, trừ ra chức làm Mẹ Thiên Chúa vô cùng cao sang của Đức Trinh Nữ Maria, thì trên trời dưới đất nầy, không có chức nào cao trọng cho bằng chức làm Cha nuôi của Thánh cả Giuse đối với Chúa Giêsu

Vì Chúa Giêsu chỉ có một mình Đức Mẹ Maria là Mẹ thật, nên Thánh cả Giuse được Thiên Chúa Cha giao cho toàn quyền lo lắng mọi sự cho Con Một mình trên trần gian nầy.

Thánh  Giuse rất cao sang vì Ngài được làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với Đức Trinh Nữ Maria, chức làm Mẹ Thiên Chúa là chức cao trọng vô cùng, thế mà Thánh cả Giuse lại được liên kết mật thiết với Đức Mẹ bằng giây liên lạc hôn nhân theo phép đạo.
Khi ban thánh cả Giuse làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa ban cho Thánh cả Giuse ba điều cao quý : một là, làm người bạn đường lo lắng, giúp đỡ Đức Trinh Nữ Maria ; hai là, làm người chứng nhận sự trinh khiết tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria ; ba là, ban cho Thánh cả Giuse ơn trọng đại tham gia vào phẩm chức cao cả làm Mẹ Đức Chúa Trời của Đức Trinh Nữ Maria.

Thánh cả Giuse là vị thánh được Giáo Hội tôn kính hết sức đặc biệt :

Giáo Hội dành một tháng trong năm. tháng ba, để kính Thánh cả Giuse.
Giáo Hội đặt hai lễ trọng trong năm kính Thánh cả Giuse : Lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria (ngày 19.3 ) và Lễ Thánh Giuse Thợ ( ngày 01.5 ).

Giáo Hội dành ngày thứ tư trong tuần để kính Thánh cả Giuse.

Giáo Hội soạn nhiều kinh đặc biết để cầu nguyện và ca ngợi Thánh cả Giuse như Kinh cầu Ông Thánh Giuse, kinh Thân lạy Ông Thánh Giuse.

Giáo Hội chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bàu chữa của mình. Khi chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bàu chữa, Gíao Hội quả quyết rằng : “ Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất nầy không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh cả Giuse.” ( ĐGH Piô IX, 08.12.1870).

Thánh Cả Giuse treo cao gương sống thánh thiện cho tất cả chúng ta : Ngài là đấng gồm no mọi nhân đức.

Gương yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự : Thánh Cả Giuse là Đấng dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời, là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.

Gương hết sức quý chuộng Đức Trinh Nữ Maria : Thánh Cả Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Chúa Trời, là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh.

Guơng trong sạch : Thánh Cả Giuse luôn cầm nhành huệ trắng nơi tay ; Ngài là đấng cực thanh cực tịnh ; ngài là đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.

Gương khôn ngoan theo Lời Chúa dạy : Thánh Cả Giuse cực khôn cực ngoan, được Thiên Chúa dùng để huớng dẫn Con của Ngài và Mẹ của Con Ngài.

Gương đức tin mạnh : Thánh Cả Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ. Ngài tin tất cả những Lời Chúa do thiên thần truyền, dầu những Lời nầy được truyền ra trong những hoàn cảnh rất khó khăn : " Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy " ( Mát-thêu 1,24 ) ; " Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập ” ( Mát-thêu 2,14 ) ; "Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israen ” ( Mát-thêu 2,21 ).
Gương vâng lời chóng vánh : Thánh Cả Giuse luôn nhanh chóng tuân theo lệnh Chúa truyền. Ngài là đấng vâng lời mọi đàng, chịu lụy mọi đàng.

Gương thành thật : Thánh Cả Giuse là đấng rất ngay chính thật thà.

Gương sống đời hiền lành, nhịn nhục : Thánh Cả Giuse là gương nhơn đức nhịn nhục.
Gương sống khó nghèo theo tinh thần Tám Mối Phước Thật : Thánh Cả Giuse là đấng yêu chuộng sự khó khăn.

Gương siêng năng làm việc : Thánh Cả Giuse là kiểu thức các tài công noi theo.

Gương điều khiển gia đình một cách thánh thiện : Thánh Cả Giuse là đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa ; ngài là Đấng làm cho sáng danh gia đạo.

Gương sống đời nội tâm, thinh lặng : Thánh Cả Giuse không bao giờ nói ra một lời vô ích, một lời ta thán ; ngài nêu cao gương cho các linh hồn sống đời nội tâm sâu xa.

Gương hy sinh tận tụy : Thánh Cả Giuse lo từng miếng cơm manh áo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu, tuy không giàu sang lòe loẹt gì, nhưng cũng luôn luôn đầy đũ. Ngài bao bọc nuôi dưỡng gia đình bằng mồ hôi nước mắt của mình. Ngài thức khuya dậy sớm lo cho kịp công kịp việc để có tiền nuôi sống gia đình.

Thánh Cả Giuse là đấng đầy quyền thế trước mặt Thiên Chúa.

Ngài che chở kẻ giữ mình đồng trinh, nâng đỡ gia thất chúng ta, an ủi kẻ mắc gian nan. Ngài là nơi trông cậy cho kẻ đau ốm liệt lào. Ngài là bổn mạng kẻ mong sinh thì, kẻ hấp hối, sắp lìa đời. Ngài chiến thắng ma quỷ, làm cho quỷ thần kinh khiếp.Ngài là Quan Thầy bàu chữa Giáo Hội.

Thánh cả Giuse thật là một vị thánh siêu phàm, không thiên thần nào sánh kịp, không vị thánh nào so nổi.

Chúng ta hãy nghe những lời đầy trông cậy sau đây của thánh nữ Têrêxa Avila :
Tôi không thể nào quên được rằng cho đến ngày hôm nay, tôi xin Thánh cả Giuse điều gì thì được điều đó, và tôi không thể không lấy làm bỡ ngỡ khi thấy rằng, nhờ Thánh cả Giuse cầu bàu mà Chúa đã ban cho tôi nhiều ơn và đã cứu tôi khỏi những nguy hiểm phần hồn phần xác. Các thánh khác thì được Chúa ban ơn giúp chúng ta trong một vài trường hợp cần thiết, còn kinh nghiệm cho tôi biết rằng Thánh cả Giuse giúp chúng ta trong tất cả mọi trường hợp, như thể Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng : khi ở dưới thế nầy, Ngài đã vâng lời Thánh cả Giuse vì Thánh Cả Giuse là Cha nuôi mình, thì nay trên trời, Ngài cùng không từ chối Thánh cả Giuse điều gì.”

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang



Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Trọng Kính Thánh Giuse

Bài đọc: 2 Sam 7:4-5a, 12-14a, 16; Rom 4:13, 16-18, 22; Mt 1:16, 18-21, 24a.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Giuse trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa.

Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người. Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào? Nhiều người cho họ chỉ tin những gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaiah: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Isa 55:8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ đau cho con người.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những mẫu gương của những người thi hành thánh ý Thiên Chúa cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với vua David dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc David và sẽ cai trị tới muôn đời. Trong Bài Đọc II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời, trong khi ông chỉ có hai người con duy nhất: Isaac bởi Sarah và Ismael bởi Hagar. Lời hứa này cũng được làm trọn nơi Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Đức Kitô, họ trở thành con cháu của tổ phụ Abraham. Trong Phúc Âm, thánh Giuse chấp nhận đón Đức Mẹ về chung sống; sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết việc Đức Mẹ chịu thai là do quyền năng của Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta.

1.1/ Lời Thiên Chúa hứa với vua David: Sau khi đã ổn định đất nước, vua David nói với tiên tri Nathan ý định muốn xây nhà cho Thiên Chúa tại thành của David; nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David: Đức Chúa phán thế này: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.”

Không phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho ông. Nhà ở đây ám chỉ dòng dõi của David; từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng Thiên Sai và uy quyền cai trị sẽ tồn tại đến muôn đời.

1.2/ Lời Hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa cho biết người sẽ xây nhà cho Ngài là Solomon, con kế vị của vua David: “Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."

Lời Hứa của Thiên Chúa bị đe doạ bởi sự bất trung của hậu duệ của vua David. Có những lúc tưởng chừng như nhà David sẽ hết người nối ngôi, như thời kỳ bị lưu đày; nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng cách khôn ngoan, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời từ dòng dõi David.

2/ Bài đọc II: Abraham được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.

2.1/ Đe dọa của niềm tin: Khi Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi, ông vẫn chưa có lấy một người con dù đã quá tuổi sinh con (Gen 15). Làm sao một người có thể có con đông như sao trên trời và như cát dưới biển, khi chưa có lấy một người con trong lúc tuổi già?

2.2/ Đức tin của tổ phụ Abraham: Nhưng Abraham hoàn toàn tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và đó là lý do Abraham được trở nên công chính, như lời thánh Phaolô viết: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”

Thánh Phaolô muốn đả phá một quan niệm sai lầm của người Do-thái: con người trở nên công chính bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngài dùng chính những gì đã xảy ra cho Abraham để đả phá quan niệm này:

(1) Lời Hứa được Thiên Chúa ban cho Abraham cách nhưng không:Abraham không làm gì để xứng đáng được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, như Phaolô xác tín: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.” Hơn nữa Lề Luật được Thiên Chúa ban cho con người sau này, thời của Moses trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai-cập. Thời của Abraham, làm gì đã có Lề Luật để tuân giữ!

(2) Dòng dõi Abraham được trở nên đông đúc không do di truyền; nhưng do bởi niềm tin của các tín hữu vào Đức Kitô. Phaolô viết: “Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”

(3) Con người trở nên công chính bằng đức tin: Abraham không sống trên dương gian để nhìn thấy Lời Thiên Chúa được thực hiện; hơn nữa, Abraham còn chịu rất nhiều thử thách đe doạ niềm tin này. Ví dụ, việc Thiên Chúa muốn ông sát tế Isaac, con ông, trên núi Moriah. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách, “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

3/ Phúc Âm: Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

3.1/ Đức tin của Giuse bị thử thách: Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau.

(1) Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.

(2) Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

3.2/ Đức tin của Giuse: Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do-thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:

(1) Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num 11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);

(2) Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28; Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);

(3) Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3; 33:4; Psa 33:6; 104:30);

(4) Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa 51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).

Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

Nói tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; chứ không nhờ những việc chúng ta làm.
- Thử thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét