Mẩu đối thoại với quan Phongxiô Philatô
Hằng tuần vào ngày Chúa Nhật, cùng vào ngày lễ trọng của Hội
Thánh Công giáo, người tín hữu Chúa Kitô đọc Kinh Tin Kính tuyên xưng đức tin
vào Thiên Chúa Ba ngôi. Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kito và Chúa Thánh Thần. Và
trong Kinh Tin Kính có câu "Thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ
hình và mai táng."
Có thắc mắc tại sao lại có tên quan Phongxiô Philatô ở Kinh
Tin Kính và vị quan này có liên hệ thế nào với Chúa Giêsu?
1. Thưa quan Philatô, ông là ai và tại sao ông lại có chỗ
đứng trong Kinh Tin Kính Hội thánh Công giáo chúng tôi?
Ông Philato: Thưa Bạn, cám ơn Bạn đã nêu ra thắc mắc về tôi.
Thật là bất ngờ cùng thú vị được nói chuyện với Bạn. Tôi bây giờ thuộc về người
thiên cổ đã từ hàng nghìn năm nay rồi.
Tôi không còn nhớ về nơi chốn cùng ngày tháng sinh ra của
tôi. Nhưng chắc chắn ở trong đế quốc của Hoàng đế Roma thời còn Đế quốc Roma
cai trị toàn vùng Âu châu, vùng Tiểu Á châu.
Tôi còn nhớ vào thời điểm từ năm 26 đến năm 36 sau Chúa
Giáng Sinh, tôi là một công chức cao cấp thuộc vào hàng quý tộc, được Hoàng đế
Tiberius cắt cử sai đi làm Quan toàn quyền Tổng trấn vùng miền Giudea bên
Israel, đại diện cho Hoàng đế Roma.
Bạn biết đấy, tôi thuộc vào hàng công chức cao cấp của Hoàng
đế Roma, là bậc trung thần của hoàng đế, chỉ biết tôn thờ theo Hoàng đế.
2. Thưa quan, ông nói ông là người Roma, là quan Tổng trấn
đại diện cho Hoàng đế Roma ở Israel, và chỉ biết đến chính trị cùng Hoàng đế
Roma thôi. Nhưng theo lịch sử của đạo Công giáo chúng tôi, tên của ông luôn
được nhắc tới có liên quan nhiều đến giai đoạn lịch sử đời Chúa Giêsu, Đấng Cứu
Thế sáng lập Hội thánh Công giáo ở trần gian.
Philatô: Ôi, thế là vinh dự cho tôi, một người ngoại đạo mà
lại được nhắc đến cùng với lịch sử đạo Công giáo các Bạn!
Đạo Công giáo các Bạn nhắc đến tôi, có chăng cũng chỉ là một
nhân vật đã sống cùng có quyền hành trong giai đoạn lịch sử lúc đó thôi. Việc
có tên tôi trong đạo các Bạn là một vinh dự cao cả cho tôi lắm chứ. Nhưng việc
này này tôi đâu có biết, và cũng chẳng bao giờ nghĩ đến.
3. Thưa quan, thời ông làm Tổng trấn ở Giuđêa, theo lịch sử
cũng là thời điểm Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của nhân loại đến trong trần gian.
Ông có biết ông đã đóng vai trò gì trong giai đoạn lịch sử này không?
Philato: Thưa Bạn, sao lại không. Tôi còn nhớ đến Ngài Giêsu
của các Bạn nhiều lắm. Vì vào giai đoạn lịch sử sau cùng đời của Ngài Giêsu,
nói cho rõ là những ngày sau cùng đời Ngài cho tới lúc Ngài qua đời, tôi đã
phải đóng một vai trò hết sức tế nhị, gay cấn cùng thảm thương liên quan tới
Ngài rất nhiều. Làm sao tôi quên được biến cố lịch sử đau thương này!
Theo tôi biết, Đạo Công giáo các Bạn bây giờ có những sách
Phúc Âm ghi tường thuật lại những chi tiết đó.
Tôi được nghe kể lại sách Phúc Âm Công giáo theo Thánh Luca
chương 3, câu thứ nhất đã có tên tôi như là nhân chứng lịch sử trong diễn tiến
nước Thiên Chúa qua Ngài Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, được rao giảng loan báo
ở thế gian trần thế.
Đoạn này nói về Ông Gioan Tiền hô loan báo nước Thiên Chúa
trong sa mạc. Phúc Âm viết: "Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô,
thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền
Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania
làm tiểu vương miền Abilên."
Rồi nơi chương 13, câu 1 trong Phúc Âm theo Luca cũng có tên
tôi: "Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những
người Galilê bị Tổng trấn Philatô giết."
Rồi vào giai đoạn chót cuộc đời Ngài Giêsu ở thế gian, tôi
bị dính dáng đến rất nhiều, mặc dù đời Ngài chẳng có gì dính dáng trực tiếp đến
phận vụ của một quan tổng trấn về mặt chính trị.
Tên tôi, việc làm của tôi bị dính dáng này đến cái chết của
Ngài Giêsu, Đấng là cốt lõi trung tâm đức tin của Đạo Công giáo các Bạn. Vì tôi
phải đóng vai quan toà kết án tử hình Ngài Giêsu cho đóng đinh vào thập giá.
Một việc thật đau buồn tủi nhục.
Sự việc tôi phải là quan toà xét xử kết án tử hình Ngài
Giêsu được tường thuật chi tiết trong những Phúc Âm của Theo Thánh Matthêu ở
chương 27... theo Thánh Marco nơi chương 15... theo Thánh Luca nơi chương 23,
và theo Thánh Gioan nơi chương 18, từ câu 28, đến chương 19.
Những chi tiết lịch sử đó bây giờ suy nghĩ nhớ lại, tôi cảm
thấy đau buồn bị lương tâm cắn rứt. Vì đã theo áp lực của đám đông nhượng bộ
kết án tử hình một người vô tội.
4. Thưa quan, tại sao ông lại đã hành xử như thế?
Thưa Bạn, Bạn biết đấy, trong đời có những lúc con người
chúng ta sống trôi theo đòi hỏi của đám đông, theo thị hiếu, theo sự sợ hãi,
theo quyền lợi riêng mình, cùng cả khi sự việc chẳng có liên quan trực tiếp gì
với mình...
Bạn có thể cho là tôi hèn nhát, là một người không có lương
tâm, thiếu đạo đức, là một người không có lập trường rõ ràng đứt khoát, một
người chỉ biết đến quyền lợi riêng mình...
Nhưng tôi không biện hộ cho tôi chống lại các ý kiến suy
nghĩ và cả kết án của Bạn nghĩ về tôi đâu. Tôi đã hình như học được bài học của
Ngài Giêsu, người đã luôn giữ im lặng trước những lời cáo buộc hôm ở sân xử án.
Tôi nhớ lại, Ngài Giêsu không nói lời gì biện hộ chống lại ai, dù những lời cáo
buộc sai, không có bằng chứng.
Nghĩ nhớ lại, tôi cúi đầu rất cảm phục kính mến cung cách
anh hùng can đảm cùng lòng đạo đức sâu xa của một con người có nhân cách cao
thượng. Theo tôi người đó phải là một người thánh, một vị Thần Thánh giáng thế!
5. Thưa quan, theo Phúc Âm thuật lại, ông rất do dự. Vâng,
ông rất bối rối, vì không biết phải xử Chúa Giêsu của chúng tôi thế nào. Vậy có
ai nói gì cho ông, một là phải kết án thế này, hay là nên tha bổng, hoặc là
đừng có dây dưa dính dáng gì đến cho xong chuyện...
Philato: Đám đông dân chúng và các Thầy cả trong đạo lúc đó
luôn tìm cách la ó to tiếng gây áp lực tố cáo Ngài Giêsu. Họ đòi buộc tôi phải
kết án tử hình Ngài Giêsu như họ mong muốn.
Còn can ngăn tôi tha bổng thì chính lương tâm tôi muốn tha
cho Ngài. Vì xét thấy Ngài Giêsu chẳng có tội gì phải kết án cả. Tôi đã tìm
cách xoa dịu hạ hoả đám đông để tha cho Ngài Giêsu.
Còn can ngăn tôi đừng dây dưa dính dáng gì đến sự việc kết
án Ngài Giêsu là người vợ của tôi.
6. Thưa quan, ông đã có phản ứng gì sau đó?
Philato: Thưa Bạn, như đã nói tôi tìm cách tha bổng cho Ngài
Giêsu, nhưng không có kết quả như mong muốn. Áp lực của đám đông đã thắng. Thế
là tôi sai lấy nước rửa tay trước mặt đám đông nói cho họ biết tôi vô tội vạ
không dính dáng gì trong vụ đổ máu Ngài Giêsu vô tội.
7. Thưa quan, ông có nghĩ là rửa tay như thế là xong, là vô
tội vạ hết trách nhiệm không?
Philato: thưa Bạn, trong lúc bối rối hơn nữa tôi là một
chính trị gia, nên việc làm đó của tôi trong lúc đó muốn chính thức về lâu về
dài nói lên mình không có liên quan trách nhiệm gì hết. Một việc làm nước đôi.
Còn theo khía cạnh đạo đức luân lý thì lại khác. Đó chẳng
khác gì một sự việc đầu hàng, chối phủ nhận không dám nhận trách nhiệm.
8. Thưa quan, ông đã có cung cách xử án Chúa Giêsu của chúng
tôi như một vị quan toà bất công. Vì ông đã chiều theo áp lực của đám đông dân
chúng mà kết án cho tử hình Chúa Giêsu. Nhưng ông đã có những câu nói thời danh
về Chúa Giêsu. Những câu nói đó vô tình lại trở thành như lời tiên báo về sứ
mạng chính thật của Chúa Giêsu.
Philato: Cám ơn Bạn. Như đã nói, bây giờ mọi người có thể
phê bình kết án tôi như thế nào là tuỳ theo các Bạn. Tôi không có ý kiến biện
hộ gì hết.
Vâng, tôi đã giới thiệu Ngài Giêsu của các Bạn cho đám đông
la ó đòi ̣đóng đinh Ngài qua câu nói Ecce homo - Đây là Người.
Lúc nói câu này, tôi chỉ nghĩ đến lòng thương cảm, trắc ẩn
của dân chúng mà thay lòng đổi ý. Nhưng các Thầy cả và đám đông không hành xử
như tôi nghĩ mong muốn.
Câu giới thiệu Ecce homo, không ngờ lại trở thành lời tuyên
xưng giới thiệu Ngài Giêsu là Vua cho các Bạn Công giáo. Và biết đâu cũng là
tâm tình niềm tin sâu kín âm thầm của tôi!
Và khi họ đem Ngài Giêsu đi đóng dinh vào thập giá, tôi thầm
suy nghĩ về Ngài nhiều, tuy tôi đã rửa tay. Sau cùng nảy ra trong tâm trí phải
viết một tấm bảng cho mọi người biết Ngài Giêsu là ai bị kết án tử hình đóng
đinh vào thập tự.
Tôi truyền phải viết dòng chữ bằng cả 3 thứ tiếng Hylạp,
Latinh và Dothái. Bản viết dòng chữ cô đọng "INRI - Giêsu Nazareth, Vua
dân Do Thái" được đóng trên đầu thập giá của Ngài Giêsu.
Dòng chữ này đã gây ra sự bất bình cho các Thầy cả người Do
Thái lúc đó. Họ đến ca thán phản đối với tôi. Vì họ cho rằng nó không nói lên
Ngài Giêsu bị kết án vì lý do thế nào, nhưng lại là lời tung hô Ngài Giêsu là
Vua dân Do Thái. Tôi không bằng lòng với họ, và nói ngay "Quod scripsi,
scripsi - Điều gì tôi đã viết cứ để như vậy".
Tôi một người lo việc hành chánh chính trị, một người đâu có
tin gì vào Ngài Giêsu của các Bạn. Nhưng vô tình một hai câu nói của tôi lại
trở thành lời tuyên xưng đức tin đúng như ý Ngài Giêsu muốn chỉ là một vị Vua
đã bị hạ nhục xuống tận nền đất và được dương lên cao. Đó là vị vua tình yêu.
9. Thưa quan, theo dòng thời gian đọc lại lịch sử, người ta
tuỳ theo tầm nhìn cùng cách suy diễn, có người phê bình chê trách ông. Nhưng
cũng không ít người ca tụng vinh danh ông. Ông có biết điều đó không?
Philato: Vâng đúng như vậy. Như tôi đã nói, tôi là một công
chức cao cấp của hoàng đế Roma. Tôi có bổn phận trách nhiệm làm việc hành chính
chính trị mà Hoàng đế Tiberius của đế quốc Roma trao cho tôi. Tôi phải thi hành
chu toàn, và phải tìm cách bảo vệ địa vị chỗ đứng của tôi chứ.
Tôi đã làm, đã thi hành bổn phận như tôi phải làm cùng được
làm.Còn việc bình phẩm khen chê ca tụng vinh danh là việc của người khác. Lẽ dĩ
nhiên bị chê trách phê bình thì mấy ai ưa thích. Nhưng được ca tụng thì ai mà
chẳng thích.
Dần dà trong dòng lịch sử tôi được biết Hội thánh Công giáo
của Bạn đưa tên tôi vào Kinh Tin Kính, mà các Bạn đọc hằng tuần trong Thánh Lễ
Misa, lúc cầu nguyện để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu.
Tôi nghĩ tên tôi được đọc nhắc đến chỉ như một người đã sống
là nhân chứng vào thời điểm lịch sử có liên quan nhiều đến đời sống Ngài Giêsu
từ lúc sinh ra chào đời, sinh sống và bị kết án chết trên thập giá. Thế thôi,
không hơn không kém.
Tôi vui mừng hãnh diện được liệt kê là nhân chứng như thế
lắm. Tôi cám ơn điều này.
Tôi còn được nghe kể lại, lẽ dĩ nhiên sau này lúc tôi đã qua
đời, các tín hữu Ngài Giêsu hồi thế kỷ 1, sau Chúa Giáng Sinh, đã xem tôi như
một vị thánh của họ. Mặc dù họ biết tôi đã dính dáng đến việc kết án tử hình
Ngài Giêsu của họ.
Vào thế kỷ 2 sau Chúa Giáng Sinh, vị Giáo phụ tên là
Tertuliano đã viết lại với niềm xác tín là tôi đã trở thành một tín hữu theo
Ngài Giêsu Kitô.
Giáo hội Cốp vinh danh tôi là vị thánh tử đạo. Họ còn dành
riêng ngày lễ kính vào 25-6 hằng năm.
Tôi có chẳng xứng đáng được ca tụng vinh danh như thế đâu.
Nhưng cũng có nơi và cả Giáo hội Chính thống lên án cho tôi
là người giết Chúa.
Tận trong thâm tâm, tôi chẳng thấy có lý do gì mà kết án
Ngài Giêsu. Ngài là người vô tội.
Tôi đã rửa tay, tôi đã cho viết bản ca tụng vinh danh Ngài
Giêsu bị đóng trên thập gía bằng dòng chữ INRI - Vua dân Do Thái, để mọi đời
biết Ngài Giêsu là ai.
Phải chăng vô tình suy nghĩ theo trực giác của tôi lúc đó đã
phản ảnh lòng tin của tôi vào Ngài Giêsu qua dòng chữ INRI này?
10. Thưa quan, rất nhiều người tín hữu Chúa Giêsu Kitô chúng
tôi xưa nay muốn đi tìm lại dấu vết chứng tích của ông, ít là giai đoạn lịch sử
nơi và thời gian ông xử án Chúa Giêsu của chúng tôi. Nhưng chẳng có gì còn cả.
Philato: Sao lại không. Bút tích ghi chép về biến cố lịch sử
đời tôi lúc làm quan tổng trấn do hoàng đế phong sai đi, tôi nghĩ có thể có
trong những đống sách lịch sử cũ ngày xa xưa hàng chục thế kỷ rồi. Và cũng biết
đâu nó cũng đã bị thất lạc thiêu huỷ mất rồi.
Bây giờ ở Giêrusalem, nơi đã diễn ra phiên tòa xử án Ngài
Giêsu, tuy không có thư viện sách vở nào, nhưng vẫn còn có chứng tích. Đó là
những hòn, những phiến đá nền nhà công đường toà nhà dinh quan tổng trấn.
Các Bạn biết đấy, khi không còn âm thanh tiếng nói, không có
sách vở bút tích nào ghi chép nói nữa, thì những phiên sỏi đá lịch sử, mà tôi
cũng như những người đã dẫn điệu Ngài Giêsu đi đến đứng trên đó, và nhất là
Ngài Giêsu đã đứng đã ngồi trên chúng, trở nên là chứng nhân lịch sử cho các thế
hệ nối tiếp sau đó.
Bây giờ sang Giêrusalem, người ta tìm được dinh toà quan
tổng trấn cũ ngày xưa với nến đá cũ, cả sân nền đá Gapbatha, nơi đó Ngài Giêsu
đã ngồi chịu bị luận án, vẫn còn đó, như trong sách Phúc Âm của đạo các bạn có
nói đến.
Sỏi đá không biết nói, không ghi chép gì. Không ai để ý đến
chúng. Nhưng trải qua năm tháng ngày, thế kỷ, chúng vẫn còn nằm đó. Người ta đi
tìm chúng, khảo cứu niên đại tuổi tác của chúng, và đọc nhận ra dấu vết lịch sử
đã diễn ra. Chúng là nhân chứng không lời cho mọi thời đại thế hệ.
11. Thưa qua Philatô, xin cám ơn quan đã cho tôi được nói
chuyện với quan về một giai đoạn lịch sử của đời Chúa Giêsu, Đấng là trung tâm
cốt lõi đức tin của Đạo Công giáo chúng tôi.
Philato: Tôi cũng xin cám ơn Bạn đã cho tôi cơ hội được nói
chuyện, giãi bày tâm tư của tôi có liên quan đến cái chết tủi nhục đau thương
của Ngài Giêsu, Đấng đã chết cho và vì tình yêu con người.
Xin các Bạn mỗi khi tưởng nhớ lại Ngài Giêsu của các Bạn,
không chỉ với tâm tình niềm đau thương khóc lóc, nhưng còn cả với tâm tình lòng
biết ơn.
Và xin các Bạn cầu nguyện cho tôi được Chúa Giêsu của các
Bạn tha thứ tội lỗi tôi đã nhượng bộ đám đông kết án Ngài, trong khi không biết
việc mình đã làm.
Tuần Thánh 2013
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét