Suy Niệm: Bước chân theo chân Chúa Giêsu
Chúa nhật hôm nay khai mạc tuần lễ thánh. Phụng vụ sẽ cử hành những mầu nhiệm trọng đại nhất trong lịch sử cứu độ. Ðể chúng ta dễ dàng tham gia, phụng vụ cố gắng cụ thể và hầu như muốn diễn lại tất cả những gì đã xảy ra trong tuần lễ cuối cùng cuộc đời của Chúa. Chúng ta sẽ đáp lại bằng cách đến dự mọi lễ nghi trong tuần này và nhất là bằng lòng yêu mến suy niệm các nghi lễ ấy.
Ðể mở đầu chúng ta hãy ý thức hành vi sắp làm. Chúng ta sẽ cầm lá đi vào nhà thờ. Chúng ta gọi đây là cuộc kiệu lá. Và các bài hát sẽ cho chúng ta có cảm tưởng đang cùng đi với Chúa Giêsu vào đền thờ. Chúng ta đừng có nghĩ mình rước Chúa đi; nhưng hãy nhớ chính Người đi trước và chúng ta bước chân theo chân Người.
Ðiều này chính thánh Luca làm chứng trong câu đầu bài Tin Mừng. Người viết: Bấy giờ Ðức Giêsu cầm đầu các môn đệ để lên Giêrusalem. Người đi một cách quả cảm, đang khi môn đệ rụt rè và ngại ngùng. Người biết những gì sẽ xảy ra; còn họ chỉ có những cảm tình hoang mang.
Ðến núi cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi đến một làng trước mặt mượn một con lừa đem về. Mọi sự xảy ra như đã sắp đặt từ trước, vì đây là kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn đời. Dẫn lừa về, môn đệ vứt áo của họ lên lưng con lừa và để Ðức Giêsu cưỡi lên. Vì sao họ làm như thế, có lẽ thoạt đầu họ chưa hiểu hết. Họ làm theo một thúc đẩy bên trong và chỉ dần dần họ chỉ mới ý thức được ý nghĩa. Vì kìa, người ta đang trải áo choàng của họ trên đường Ngài đi. Thái độ của người ta làm nức lòng môn đệ. Và đoàn lũ môn đệ bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa vì hết thảy các phép lạ họ được thấy.
Rõ ràng tác giả Luca đã chú trọng tới họ. Người ít để ý đến Ðức Giêsu. Người hầu như không nói gì đến những người khác. Người nhìn kỹ các môn đồ. Trước mặt Người, họ đã trở thành những con người khác. Ðây không còn chỉ là đoàn 12 rụt rè, ngại ngùng không muốn tiến lên Giêrusalem nữa. Có thể nói cũng không phải là đoàn 72 môn đệ như có lần nào đã được Chúa sai đi từng đội làm việc truyền giáo.Luca nói đến tất cả đoàn lũ môn đồ bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa. Người ám chỉ Hội Thánh ở thời đại của Người, như Người đang nhìn thấy trước mắt. Ðó là cộng đoàn dân Chúa ở buổi sơ khai, vừa hiểu ra ý nghĩa của hết các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, tức là vừa nhận ra Người thật là Chúa.
Thế nên họ tung hô Người như tập đoàn các thiên thần trong ngày Người Giáng sinh. Họ biến bài ca các thiên thần trở thành bài ca của mình và như vậy họ cũng biến mình nên cộng đoàn phụng vụ thờ phượng tung hô Thiên Chúa. Họ chúc tụng Chúa đã sai Ðức Giêsu đến. Họ chúc tụng Ngài là Vua nhân danh Chúa. Họ không còn nhìn thấy Ngài ở dưới đất nữa, nhưng đang ở trên trời rồi; nên họ mới tung hô: Bình an trên trời (chớ không phải dưới đất) và vinh quang trên chốn cao vời!
Ðó phải là thái độ của chúng ta trong cuộc rước này. Chính thánh Luca cũng không nói rõ Ðức Giêsu đã vào Giêrusalem một cách long trọng. Người cho chúng ta hiểu Ðức Giêsu đã tiến vào đền thờ, để chúng ta có tâm trạng tôn giáo và phụng vụ. Chúng ta không đưa (hay không theo) Chúa Giêsu vào Giêrusalem để chịu chết lại. Chúng ta theo Người vào đền thờ, không phải ở dưới đất mà ở trên trời để chúng ta chúc tụng cuộc phục sinh của Người và để chúng ta thấy mình đã được đưa sang một thế giới khác, thế giới của sự thánh thiện và phụng vụ, để chúng ta cũng chúc tụng thờ phượng Chúa như các thiên thần.
Thế nên đừng ai coi phụng vụ của Tuần Thánh như diễn lại các việc xưa kia đã xảy ra. Phụng vụ nhắc lại những việc ấy một cách khác cụ thể và tỉ mỉ, nhưng không phải chúng ta ôn lại điều cũ, mà để chúng ta ngưỡng mộ, tham gia như các thiên thần ở trên trời, tức là với lòng mến yêu, thờ lạy và nhận lấy các mầu nhiệm cứu độ.
Chính với những tâm tình như thế mà chúng ta cầm lá rước vào nhà thờ. Chúng ta không đi như đoàn lũ môn đệ của Chúa, tức là như Hội Thánh đi vào cử hành Phụng vụ. Chúng ta bắt chước các thiên thần sốt sắng chúc tụng các việc Chúa Giêsu làm để cứu độ chúng ta, đặc biệt trong cuộc thương khó mà chúng ta sẽ nghe thuật lại trong thánh lễ hôm nay. Chúng ta hãy tiến lên để tham dự các mầu nhiệm ấy.
* * *
Mỗi tác giả sách Tin Mừng có lối trình bày riêng cuộc khổ nạn của Chúa. Họ có tự do đến nỗi không bó buộc phải tường thuật tỉ mỉ đầy đủ và theo thứ tự như một máy quay phim. Mọi người đã biết diễn tiến của các sự việc, vì ngay từ khi Phêrô bắt đầu thay mặt anh em Tông đồ rao giảng Chúa Giêsu lần đầu tiên, người ta đã được nghe kể rõ ràng về việc Chúa chịu chết và sống lại. Do đó, những việc mà ai ai cũng biết, các tác giả không cần kể lại theo diễn biến; nhưng độc giả chờ đợi họ một cái nhìn sâu sắc để hiểu ý nghĩa các sự việc. Và tác giả các sách Tin Mừng đã làm công việc này. Mỗi ông cho chúng ta một cái nhìn về diễn biến của cuộc tử nạn để chúng ta hội nhập, tham dự, chia sẻ. Hôm nay chúng ta theo sự hướng dẫn của thánh Luca.
Chúng ta không thể đi theo Người từng bước. Theo lối chia quen thuộc, chúng ta dừng lại ở mấy chặng sau đây: Lúc Ðức Giêsu bị bắt - khi Người ở trước tòa án Do Thái - rồi Philatô xử Người - và sau cùng Người chết trên thập giá. Dường như ở chặng nào chúng ta cũng nhận được một luồng sáng đức tin không phải chỉ để nhìn thấy sự việc xảy ra mà còn được hướng dẫn để đến gần Chúa Giêsu hơn.
Vậy, đang lúc Người còn nói với môn đệ thì một đoàn lũ đã kéo đến mà đi đầu là Giuđa. Y lại gần mà hôn Người như thói quen của môn sinh sau lâu ngày gặp lại Thầy mình. Nhưng Người thấy rõ ý xấu của y; và Người bộc lộ ý xấu cho y hiểu. Người bảo: "Giuđa ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?".
Những kẻ đứng quanh Người thấy Người không phải chỉ là bậc Thầy trong cả thái độ và lời nói. Họ xin phép "Chúa" cho phép dùng gươm. Và một người trong họ đã làm liền. Y chém vào tai tên đầy tớ thầy "Thượng tế". Nhưng Ðức Giêsu thật là Chúa. Người bảo "thôi cứ để như vậy", tức là cứ để theo ý Chúa Cha và Người chữa tai cho tên đầy tớ kia. Rồi Người nhắc lại cho mọi người nhớ: hằng ngày Người đã ở nơi Ðền thờ mà chẳng ai dám tra tay vào Người; nhưng bây giờ là thời của các quyền lực tối tăm.
Như vậy, chúng ta không thấy Ðức Giêsu bị bắt như một người có tội. Ngược lại, chúng ta vẫn thấy Người là Chúa. Tác giả Luca luôn luôn chú ý đến điểm này. Trong suốt bài tường thuật, cái đèn pha của Người vẫn pha ánh sáng vào tư cách cao cả của Chúa, đến nỗi những gì xúc phạm đến Chúa như đòn vọt, xỉ nhục đều như bị dìm trong bóng tối. Tác giả chỉ lướt qua một cách nhẹ nhàng để dừng lại trên khuôn mặt khả ái và khả kính của Ðức Giêsu.
Do đó, tác giả muốn môn đệ của Chúa phải xứng đáng để tham dự Mầu nhiệm Tử nạn. Người kể ngay đến câu chuyện Phêrô chối Chúa trước khi người ta đưa Chúa ra tòa. Có vẻ Người thông cảm với Phêrô không để cho ông sa ngã đến chỗ phải thề để chối Chúa. Nhất là Người đã để cho Phêrô trở lại, rồi mới kể đến việc người ta hành hạ và xét xử Chúa. Dường như Người muốn tách rời tội của môn đệ và tội của người ta. Môn đệ sa ngã vì yếu đuối và đã được cái nhìn đầy thương xót của Chúa làm cho khóc lóc rửa sạch linh hồn để tham dự cuộc tử nạn cứu độ của Người.
Thật ra rất hiếm những nét tả về cái chết đau thương và nhục nhã của Ðức Giêsu. Ngược lại nơi tòa án Do Thái, cũng như trước mặt Philatô và trên cây thập giá, Người vẫn là Chúa. Tại tòa Do Thái, chẳng có thể nói là đối diện với Người. Thầy Thượng tế cũng bị chìm ở giữa "người ta". Họ không hỏi Người những điều bất xứng. Họ chỉ muốn biết Người có phải là Ðấng Thiên Sai không? Con Người thì bộc lộ tâm tư của họ ra và cho họ thấy nay đã đến lúc Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng. Như vậy, ai đang xử ai? Ðến nỗi chính họ đã phải thốt ra: "Vậy ra ông là Con của Thiên Chúa!" Và họ cũng chẳng dám coi lời khẳng định của Người là phạm thượng. Tức là ở đây, tại tòa Do Thái, tác giả Luca cũng vẫn cho chúng ta thấy Ðức Giêsu là Chúa.
Ðiều này tác giả cũng chẳng quên khi kể lại việc ở trước tòa Philatô. Ông này luôn trở đi trở lại nhận định "không tìm ra tội trạng nào nơi người ấy". Ông nại đến cả thái độ của Hêrôđê cũng không thấy Người có tội gì. Luca nhấn mạnh đến sự vô tội, nhưng có thể để an ủi các môn đệ của Chúa Kitô bị đưa ra tòa xét xử. Họ hãy nhớ lại phiên tòa Philatô. Ðức Giêsu có cần trả lời gì đâu. Người nói duy nhất một câu để đáp lại câu Philatô hỏi: Ông là vua dân Do Thái sao? Người bảo: Chính ông nói thế. Người nói để khẳng định bản chất cao cả của mình; đang khi đối phương lúng túng và loay hoay trong vấn đề tội trạng.
Khuôn mặt của Hêrôđê đã được tác giả Luca chú ý đặc biệt. Cả tâm lý của ông cũng bị phơi bày ra. Từ lâu rồi ông chỉ mong có ngày được giáp mặt Ðức Giêsu để thấy một phép lạ. Ông không biết rằng Người đã không đến cho hạng người có tâm lý như vậy. Nước Trời không phải là chuyện kỳ lạ, nhưng là ơn độ trì đổi mới con người. Thế nên Ðức Giêsu đã lặng thinh trước mặt Hêrôđê, và đạo của Người sẽ chẳng bao giờ nói gì với những con người hiếu kỳ, chuộng lạ. Và những kẻ chỉ thấy những sự lạ trong đạo của Người sẽ chẳng bao giờ được nghe thấy tiếng Người thực sự. Ngược lại các môn đệ chân chính của Người phải có can đảm nhìn thẳng vào cây thập giá đã được mang đến cho Người để Người vác đi và rồi họ cũng vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà đi theo Người như Simon, người Kyrênê và đám dân đông đảo cùng phụ nữ hôm nay đã theo sau Người trên đàng đến núi Sọ.
Những người này đã được Chúa nhắn nhủ phải ăn năn thống hối. Họ tiếp tục đi theo Người và được thấy không những Ðức Giêsu cầu xin Chúa Cha tha thứ cho người ta; mà Người còn ban thiên đàng cho kẻ tội lỗi kêu xin. Họ được thấy vạn vật u sầu chia sẻ sự đau khổ của Người và chính Người đang chết ngoan ngoãn trong tay Ðức Chúa Cha. Họ thấy đoàn lũ ra về đấm ngực ăn năn và ông Giuse đến táng liệm xác Chúa một cách trung thành. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe ấy làm cho các phụ nữ thấy rõ rệt Chúa đã chết cho kẻ có tội và những người này đã bắt đầu thống hối ăn năn. Cuộc tử nạn của Chúa thật sinh ơn cứu độ.
Ðó chính là điều mà tác giả Luca muốn dùng để kết thúc bài tường thuật. Người muốn chúng ta thấy Chúa đã chết cho chúng ta và chúng ta hãy trở về với Chúa. Chúa không cần chúng ta khóc thương các vết thương của Người vì tác giả Luca đã không chú ý đến khía cạnh đau khổ của cuộc tử nạn. Tác giả muốn chúng ta thấy Ðức Giêsu là Chúa; Người biết rõ tâm can mọi người; Người không chấp tội chúng ta; Người hiến thân chịu chết để biểu lộ lòng thương xót; Người kêu gọi mọi người thống hối ăn năn và độ trì mọi kẻ kêu cầu Người. Sự chết của Người đã đem lại ơn cứu độ chúng ta. Thế nên chúng ta phải có tâm hồn môn đệ để tham dự cuộc khổ nạn hồng phúc của Người. Chúng ta phải khóc lóc tội lỗi mình trước. Như Phêrô, rồi chúng ta gia nhập đoàn lũ đi theo Người cùng các phụ nữ; tức là với tất cả Hội Thánh, chúng ta đi đến chân thánh giá Chúa Giêsu mà chiêm ngưỡng lòng thương xót của Người đang hy sinh mình để cứu độ những ai kêu xin Người. Ðó là tâm tình và thái độ của chúng ta phải có trong tuần lễ thánh này. Xin các mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu tràn ngập hồn xác chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét